Đi qua 6 tháng đầu năm đầy biến động, thị trường bất động sản nửa cuối 2022 ra sao?

Đi qua 6 tháng đầu năm đầy biến động, thị trường bất động sản nửa cuối 2022 ra sao?

Thứ Hai, 13/06/2022 - 06:15

ĐI QUA 6 THÁNG ĐẦU NĂM ĐẦY BIẾN ĐỘNG,

THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN NỬA CUỐI 2022 RA SAO?

Cung giảm, cầu cao, giá tăng, thanh khoản thấp, đó là phông nền chung của thị trường bất động sản nửa đầu năm 2022. Trong nửa chặng đường còn lại, thị trường bất động sản liệu có thể phục hồi và khởi sắc như kỳ vọng?

Năm 2022 được đánh giá là năm bản lề cho giai đoạn phát triển tiếp theo của nền kinh tế, trong đó có thị trường bất động sản sau 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Đây là thời điểm để thị trường phục hồi trở lại, tạo đà tăng trưởng cho thời gian tới. 

Tuy nhiên, trong nửa đầu năm 2022, thị trường bất động sản chứng kiến nhiều biến động liên quan đến cung - cầu. Nhiều nhà đầu tư nhận xét, chưa khi nào các thông tin quy hoạch lại được tung ra ồ ạt với quy mô rộng như hiện nay, từ hệ thống cao tốc đến quy hoạch sân bay, thành phố vệ tinh, đường ven biển, nâng cấp các đô thị... Những yếu tố này, đã và đang tiếp sức thúc đẩy thị trường bất động sản nóng lên đặc biệt ở phân khúc đất nền.

Nguồn cung ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM gần như đã đạt ngưỡng, trong khi các địa phương khác cũng ngặt nghèo với chủ đầu tư trong việc cấp phép dự án dẫn đến giá đất tăng, đặc biệt ở các địa phương mới nổi khi thu hút dòng tiền dịch chuyển. 

Bên cạnh những diễn biến tích cực với sự trở lại đầy sôi động của thị trường sau 2 năm gần như "đóng băng" vì dịch bệnh, ở hầu khắp các địa phương đều ghi nhận sự xuất hiện của các cơn "sốt ảo", đi kèm là hiện tượng thổi giá. Mặt khác, trong bối cảnh lạm phát, mặc dù giá bất động sản tăng nhanh nhưng thanh khoản chậm, thị trường xuất hiện nghịch lý mua dễ, bán khó. Đồng thời, nhiều nhà đầu tư cũng dùng các đòn bẩy tài chính để đầu tư bất động sản, khiến tài sản có thanh khoản thấp trở thành một gánh nặng lớn cho họ cũng như gây áp lực lên hệ thống ngân hàng.

Sau các cơn sốt đất, không thiếu cảnh nhà đầu tư ôm hàng nhưng khó bán, bán không ai mua đã phải chịu cảnh lãi ảo. Đặc biệt, với những nhà đầu tư đang chịu áp lực lãi vay ngân hàng, thực tế này vô cùng bất lợi. Do đó, theo giới nghiên cứu, giá bất động sản sẽ tiếp tục tăng, nhưng tốc độ tăng nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào khả năng hấp thụ và độ chấp nhận của thị trường. 

Dù vậy, thị trường bất động sản vẫn được đánh giá là có nhiều triển vọng nhờ khả năng thu hút giới đầu tư và tín hiệu lạc quan của kinh tế vĩ mô, đầu tư công và nhu cầu về nhà ở của người dân vẫn còn rất lớn. 

Cùng nhìn lại bức tranh thị trường bất động sản nửa đầu năm 2022 và dự báo thị trường nửa cuối năm, Reatimes đã có cuộc trò chuyện với ông Vũ Cương Quyết, TGĐ CTCP Dịch vụ & Địa ốc Đất Xanh Miền Bắc.

Thị trường đang có dấu hiệu “đi ngang”

PV: Sau 2 năm chịu tác động của dịch Covid-19, vào cuối năm 2021, nhiều chuyên gia cho rằng, năm 2022 là năm thị trường bất động sản phục hồi mạnh m. Ông có thể đưa ra một vài nhận định về diễn biến phục hồi của thị trường bất động sản trong gần nửa năm qua?

Ông Vũ Cương Quyết: Dịch Covid-19 bắt đầu từ đầu năm 2020 và kéo dài tới đầu năm 2022. Ngay từ đợt dịch đầu tiên, chúng ta đã cảm nhận được sự khó khăn của thị trường bất động sản. Đến đợt bùng phát dịch mạnh nhất trong quý III/2021, thị trường bất động sản thực sự bị chao đảo. Theo thống kê, có khoảng 80% sàn giao dịch không có doanh thu trong quý III/2021, nhiều doanh nghiệp bất động sản vừa và nhỏ phải đóng cửa, dừng hoạt động, nguồn cung mở bán thấp nhất trong 5 năm qua, tồn kho bất động sản hơn 15.000 căn.

Hầu hết các dự án bất động sản trên cả nước đều phải dừng thi công vì lệnh giãn cách và đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng nguyên vật liệu và thiết bị. Những dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư cũng không thể triển khai vì cơ quan chính quyền các tỉnh, thành phố phải tập trung chống dịch. Ngoài ra, hoạt động giao dịch mua - bán bất động sản trên thị trường cũng rất khó khăn vì không thể tiến hành gặp gỡ, trao đổi, giao nhận,...

Tuy nhiên, thị trường bất động sản vẫn may mắn hơn các ngành nghề khác rất nhiều. Bởi nhu cầu đầu tư và tìm kiếm nhà ở của người dân vẫn luôn thường trực kể cả trong bối cảnh đại dịch. Khi các hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn, bất động sản trở thành kênh tích trữ tài sản hiệu quả nên dòng tiền vẫn tích cực đổ vào lĩnh vực này. 

Ảnh minh họa

Khi dịch bệnh từng bước được kiểm soát, từ cuối 2021 đến đầu năm 2022, thị trường bất động sản bước vào giai đoạn phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ.

Ở đầu quý I năm 2022, có thể nói thị trường bất động sản có sự tăng trưởng về giá, về nhu cầu, cũng như giao dịch. Tuy nhiên, đến cuối quý I, đầu quý II, khi ngân hàng kiểm soát chặt hơn tín dụng vào bất động sản, thị trường chứng khoán, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp cũng bị chững lại, thị trường bất động sản bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng. Giao dịch của quý II/2022 đang có sự sụt giảm mạnh, thanh khoản chậm, thị trường đang có dấu hiệu đi ngang. Trong thời gian tới, còn chờ nhiều yếu tố để có thể kỳ vọng thị trường bất động sản sẽ khôi phục và phát triển ổn định. 

Cầu cao, cung thấp, giá tăng nhanh

PV: Câu chuyện sốt đất vào dịp đầu năm gần như năm nào cũng lặp lại ở không chỉ vùng ven các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM mà ở cả các tỉnh khác, kể cả trong giai đoạn đầu năm 2022 - khi dịch bệnh đang hoành hành. Theo ông, hiện tượng này là do đâu?

Ông Vũ Cương Quyết: Sốt đất không còn là câu chuyện diễn ra ở các đô thị lớn, các vùng lân cận TP.HCM hay Hà Nội mà đã đi xa, len lỏi khắp các vùng quê, thậm chí là miền núi. Có thể kể đến một số nguyên nhân sau: 

Thứ nhất, trong 2 năm qua do ảnh hưởng dịch bệnh, nên không có nhiều kênh đầu tư. Nhiều nhà đầu tư không thể đầu tư vào sản xuất, du lịch hay tiêu dùng, do đó, dòng tiền liên tục đổ dồn vào thị trường bất động sản. Nhu cầu giao dịch tăng trong bối cảnh các thị trường lớn như Hà Nội, TP.HCM khan hiếm nguồn cung đã làm cho giá đất ở nhiều địa phương trên cả nước tăng lên chóng mặt. Tình trạng sốt đất diễn ra trên diện rộng tại các tỉnh Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Tĩnh, Nghệ An, Khánh Hoà,… và các tỉnh lân cận TP.HCM như: Đồng Nai, Bình Dương, Bình phước,…Giá đất tăng lên gấp 2 - 3 lần, thậm chí có nơi tăng gấp 4 lần. 

Thứ hai, là do thông tin quy hoạch, đầu tư các dự án lớn trong năm 2022 xuất hiện ở hầu khắp các địa phương. Các nhóm đầu cơ đã lợi dụng những thông tin này để đẩy giá và tạo nên những cơn sốt đất. Ví dụ, vừa qua chúng ta thấy rõ nhất là sau thông tin tỉnh Bình Phước đề xuất lên Chính phủ về việc làm cầu qua sông Mã Đà hướng về sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai), đã khiến tình trạng sốt đất xuất hiện trên dọc tuyến đường ĐT 735.

Những cơn sốt ảo sẽ gây ra rủi ro rất lớn cho thị trường bất động sản và thị trường tài chính, nên cần có sự can thiệp rất nhanh chóng và kịp thời để kiểm soát. Đặc biệt khi giá đất tăng trưởng nóng tại các địa phương, những người dân có nhu cầu thực sẽ khó để mua đất nền tạo lập nhà ở. Ngoài ra, khi sốt đất xảy ra, các nhà đầu tư, đầu cơ sẽ mua đất vườn, đất ruộng, những khu đất không nằm trong dự án hoặc nghe theo những thông tin quy hoạch để mua gom, đón đầu xu hướng. Nếu các khu đất này không đủ cơ sở pháp lý thì sẽ rất rủi ro cho người đến sau. 

PV: Như ông vừa phân tích, một trong những nguyên nhân gây ra sốt đất tại các địa phương là do nhu cầu đầu tư bất động sản tăng đột biến trong khi nguồn cung lại rất khan hiếm, dẫn đến các nhà đầu tư tìm mua cả đất nông nghiệp, đất rừng. Ông có thể phân tích rõ hơn về tình trạng chênh lệch cung - cầu trên thị trường hiện nay?

Ông Vũ Cương Quyết: Trong khoảng 5 năm qua, nguồn cung trên thị trường bất động sản khá hạn chế, đặc biệt là ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. Số lượng nhà ở để bán trong thị trường Hà Nội tuy tăng theo quý nhưng đang trên đà giảm tính theo năm. Thống kê từ thời điểm hiện tại đến cuối năm, nguồn cung bất động sản nhà ở mới tại Hà Nội chỉ rơi vào khoảng 3.000 - 4.000 sản phẩm, rất hạn chế so với lượng nhu cầu rất lớn ở Hà Nội. Theo quy hoạch phát triển nhà ở đến năm 2025, TP. Hà Nội sẽ cần bổ sung thêm nguồn cung để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư và người mua.

Theo quy hoạch phát triển nhà ở đến năm 2025, TP. Hà Nội sẽ cần bổ sung thêm nguồn cung để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư và người mua (Ảnh minh họa)

Gia tăng nguồn cung ở mọi phân khúc: Yêu cầu bức thiết

PVRiêng với thị trường căn hộ chung cư, nhiều thông tin cho thấy, giá căn hộ chung cư cả sơ cấp và thứ cấp đang tăng nhanh, kể cả các dự án ở ngoại thành khi nguồn cung vẫn còn hạn chế. Ông đánh giá như thế nào về tính thanh khoản của phân khúc chung cư ở thời điểm giá cao như hiện nay? 

Ông Vũ Cương QuyếtChính vì quan hệ cung - cầu đang mất cân đối nên giá bất động sản, đặc biệt là giá chung cư hiện tại khá cao. Như đã nói ở trên, trong nửa đầu năm 2022, tại Hà Nội không có nhiều dự án mới được phê duyệt đầu tư nên nguồn cung đối với thị trường căn hộ còn hạn chế. Cung giảm, cầu tăng, giá bán ắt tăng theo. Bên cạnh đó, giá vật liệu xây dựng, giá đất trong thời gian vừa qua tăng nhanh cũng là nguyên nhân. 

Theo nhìn nhận của tôi, tính thanh khoản của phân khúc chung cư vẫn tốt. Phải nói rằng, phân khúc chung cư là phân khúc ở thật, và cũng là phân khúc đầu tư cho thuê nên phát triển khá ổn định, khác với phân khúc đất nền. 

PVTheo ông, giải pháp để gia tăng nguồn cung nhà ở trên thị trường là gì? Làm sao để gia tăng cơ hội sở hữu nhà cho công nhân, đối tượng chính sách, lao động thu nhập thấp và trung bình tại đô thị?

Ông Vũ Cương Quyết: Giải pháp gia tăng nguồn cung nhà ở trên thị trường phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó, yếu tố chính sách là yếu tố quan trọng nhất. Bởi hiện tại, để làm được dự án chung cư ở Hà Nội hay TP.HCM thì phải qua rất nhiều khâu thủ tục khác nhau, từ khâu giao đất đến thu hồi giải phóng mặt bằng, sau đó là xây dựng, quản lý quy hoạch, kiểm định phòng cháy chữa cháy… Do đó, nếu chúng ta tháo gỡ các điểm nghẽn về thủ tục, giúp doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ dự án thì sẽ có nguồn cung dồi dào ra thị trường. 

Chính sách nhà ở xã hội là chính sách rất tốt, rất nhân văn. Tuy nhiên trong những năm gần đây, việc triển khai các dự án nhà ở xã hội đang gặp nhiều vướng mắc, khó khăn dẫn đến ách tắc, nguồn cung ra thị trường thường thấp hơn nhiều so với các mục tiêu, kế hoạch đặt ra. Nguyên nhân là do quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội còn hạn chế, chủ đầu tư không có lợi nhuận nhiều nhưng chính sách cũng không hỗ trợ nhiều cho các chủ đầu tư tại các thành phố lớn. Còn với những thành phố nhỏ, những thành phố công nghiệp như Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên…, chúng tôi đánh giá nhà ở xã hội đang phát triển khá tốt trong thời gian gần đây. 

Để gia tăng nguồn cung nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội tại các thành phố lớn đông dân cư như Hà Nội và TP.HCM, giải pháp trước mắt là cần nhanh chóng tháo gỡ các nút thắt trong phát triển nhà ở xã hội, liên quan đến thủ tục triển khai, tiếp cận đất đai, cân đối giá thành và cả việc phân phối đến đúng đối tượng. Bên cạnh đó, cần có cơ chế tạo điều kiện tốt hơn cho các doanh nghiệp tham gia phát triển các dự án, các ưu đãi phải thực sự là ưu đãi. Về lâu dài, cần ưu tiên dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, quy hoạch những khu đất quy mô lớn ở vùng ven, kết nối hạ tầng đồng bộ, kêu gọi các doanh nghiệp kiến tạo những mô hình phát triển nhà ở xã hội sao cho giá nhà rẻ đi mà vẫn đảm bảo chất lượng tốt. 

Cần khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản

PV: Quay trở lại câu chuyện chuyển động của thị trường bất động sản, theo ông, các yếu tố giúp thị trường bất động sản miền Bắc tiếp tục sôi động trong nửa cuối năm 2022 là gì?

Ông Vũ Cương Quyết: Để thị trường bất động sản tiếp tục phát triển lành mạnh, ổn định cũng như thoả mãn nhu cầu của người dân, nhu cầu ở thực, thì theo chúng tôi, phải tạo ra nguồn cung tốt hơn, dồi dào hơn. Khi cung - cầu cân bằng, giá bất động sản sẽ tốt hơn, ổn định hơn, vì tạo ra tính cạnh tranh. 

Bên cạnh đó, nguồn vốn cho thị trường bất động sản cũng là một yếu tố quan trọng. Hiện tại, kênh tín dụng ngân hàng, trái phiếu đang bị kiểm soát chặt chẽ nên các doanh nghiệp bất động sản khá khó khăn về vốn. Ngoài ra, người dân muốn vay vốn để mua nhà cũng trở nên khó khăn hơn. Tôi cho rằng cần sớm có giải pháp để khơi thông nguồn vốn cho thị trường để giúp các doanh nghiệp có nguồn lực phát triển các dự án mới, tạo ra nguồn cung mới cho thị trường. Ngược lại, nếu dòng vốn tiếp tục bị ách tắc, thị trường bất động sản sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tình trạng lệch pha cung cầu, giá nhà tăng sẽ còn kéo dài. 

Ngoài ra, làm sao để cải cách, giảm tải được thủ tục hành chính trong tiếp cận đất đai, đầu tư dự án để doanh nghiệp bất động sản không phải mất nhiều thời gian và chi phí cũng là vấn đề cần lưu tâm để khơi thông nguồn cung, tạo sự khởi sắc cho thị trường bất động sản trong thời gian tới. 

Các quy hoạch, phê duyệt quỹ đất nếu có tầm nhìn hơn, dựa trên nhu cầu để có sự ưu tiên cho những phân khúc phù hợp cũng sẽ là động lực để tạo ra nguồn cung cho tương lai và hướng tới sự phát triển bền vững của thị trường. 

Cần tạo ra nguồn cung dồi dào hơn cho thị trường bất động sản

Minh bạch thông tin để “trị” sốt đất ảo

PV: Một trong những yếu tố khiến thị trường bất động sản sôi động thời gian qua, như ông vừa nói là câu chuyện thông tin quy hoạch, phát triển hạ tầng được tung ra dồn dập. Và không thể phủ nhận rằng, hạ tầng bao giờ cũng là đòn bẩy cho thị trường bất động sản, nhưng mặt trái của nó cũng tạo ra những cơn sốt đất. Có ý kiến cho rằng, liều thuốc chữa sốt ảo tốt nhất là minh bạch thông tin quy hoạch. Ông nghĩ sao về điều này?

Ông Vũ Cương Quyết: Mặc dù Luật Xây dựng 2014 đã quy định “công khai quy hoạch xây dựng”,  Luật Đất đai năm 2013 quy định về “công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất”, thế nhưng, đến nay việc thực hiện tại nhiều địa phương trên cả nước vẫn còn hạn chế.

Thực tế trên đã dẫn đến tình trạng nhiều nơi xảy ra hiện tượng cá nhân, tổ chức lợi dụng hoặc đưa sai thông tin quy hoạch để tạo “sóng” gây “sốt” đất ảo, làm rối loạn thị trường.

Việc công khai quy hoạch, minh bạch thông tin sẽ ngăn chặn hiện tượng đầu cơ tung tin đồn giả về quy hoạch nhằm đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp. Thông tin quy hoạch luôn luôn cần cho các doanh nghiệp bất động sản, và cho cả người mua sở hữu bất động sản. Khi thông tin minh bạch rõ ràng, giá đất cũng sẽ trở về giá trị thực không bị đẩy lên cao.  

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, với các nhà đầu tư cá nhân mới tham gia thị trường, việc tiếp cận các quy hoạch vẫn còn nhiều hạn chế. Để tránh gặp rủi ro trước “ma trận” thông tin quy hoạch, người dân trước khi mua nhà, đất nên tìm hiểu kỹ các thông tin quy hoạch, đồ án quy hoạch, không chạy theo tâm lý đám đông bởi lúc cơn sốt đất đi qua người chịu thiệt nhất chính là người mua đất sau cùng. 

Theo đó, để nắm chắc thông tin quy hoạch, trước khi mua bán đất, người dân có thể vào cổng thông tin quy hoạch quốc gia để tra, hoặc có thể đến chính quyền địa phương đề nghị cung cấp các thông tin liên quan đến quy hoạch theo quy định.

Bên cạnh đó, người đứng đầu địa phương, các bộ phận chức năng phải chịu trách nhiệm khi các quy định về công khai, minh bạch quy hoạch không được thực hiện, dẫn đến các đối tượng lợi dụng thông tin quy hoạch để thổi giá bất động sản.

bất động sản

Thị trường nửa cuối năm kỳ vọng sẽ khởi sắc

PvVề chuyển động của các phân khúc, theo ông, nửa cuối năm thị trường có xu hướng dịch chuyển nào giữa các phân khúc hay không? 

Ông Vũ Cương Quyết: Nửa cuối năm nay, theo chúng tôi thị trường sẽ bắt đầu phát triển ổn định khi cơ chế, chính sách về vốn cũng như điều kiện pháp lý cho các dự án được cởi mở hơn. 

Theo đó, phân khúc bất động sản nhà ở có nhu cầu thật sẽ là phân khúc chủ đạo trên thị trường thay vì đất nền. Chẳng hạn như nhà ở công nhân, nhà ở xã hội, hoặc tại các thành phố lớn sẽ là chung cư có mức giá vừa tầm. 

Một phân khúc khác hứa hẹn sẽ phát triển ổn định và khá tiềm năng là bất động sản du lịch bởi vì khi du lịch mở cửa, lượng khách du lịch quốc tế và trong nước quay trở lại các địa điểm du lịch rất đông, nhu cầu du lịch bật tăng như chiếc lò xo bị nén chặt sau đại dịch. 

PV: Theo ông, bất động sản du lịch liệu có thể quay trở lại thời hoàng kim như trước đây? 

Ông Vũ Cương Quyết: Trong 2 năm vừa qua, du lịch, nghỉ dưỡng là phân khúc bất động sản bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19. Giới hạn về việc đi lại, giãn cách xã hội và đóng cửa biên giới là những đòn giáng mạnh mẽ đến đà tăng trưởng của ngành du lịch Việt Nam cũng như các loại hình sản phẩm bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng.

Chính vì vậy, với những thuận lợi trong kiểm soát dịch, mở cửa kinh tế và tín hiệu tích cực về mặt pháp lý như hiện nay, thị trường này được kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh mẽ, thậm chí phát triển bùng nổ trong thời gian tới.

Không chỉ nhờ mở cửa du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng còn được hỗ trợ phục hồi bởi việc hoàn thiện các hệ thống hạ tầng kết nối vùng miền. Việc mở rộng hay xây mới các sân bay, trục cao tốc Bắc - Nam mở ra cơ hội cho thị trường các tỉnh duyên hải miền Trung. Cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, cao tốc TP.HCM - Bình Phước cũng mở ra cánh cửa mới cho các tỉnh Tây Nguyên.

Trong tương lai gần, nhiều tuyến đường kết nối hạ tầng được đưa vào sử dụng như cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi… sẽ mang đến sự bứt phá cho thị trường bất động sản du lịch tại các khu vực này.

Chính vì thế, tôi cho rằng, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng đang có thời cơ để phục hồi và phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên để có thể quay trở về thời hoàng kim như những năm 2016 - 2018, còn phải chờ nhiều vấn đề liên quan đến pháp lý được tháo gỡ và sẽ phải mất thời gian khoảng 1 - 2 năm nữa. Dù vậy, trong thời gian tới, phân khúc này cũng sẽ là điểm sáng của thị trường bất động sản nên sẽ có sự tăng trưởng bền vững và ổn định. 

 

Nhà đầu tư nên cân nhắc yếu tố pháp lý

PVMột trong những nguyên tắc đầu tư được các nhà đầu tư quan tâm nhiều nhất là “vị trí, vị trí và vị trí”. Theo ông, ngoài vị trí, nhà đầu tư nên cân nhắc thêm những điều gì trước khi quyết định xuống tiền? 

Ông Vũ Cương Quyết: Vị trí của một bất động sản luôn là yếu tố quan trọng nhất và cần phải xem xét trong dài hạn. Đặc biệt khi “đất vàng” ngày càng khan hiếm, các nhà phát triển lại càng cạnh tranh khốc liệt hơn để có được vị trí tốt nhất, đảm bảo đầu ra hấp dẫn cho dự án, tạo giá trị sinh lời bền vững cho các nhà đầu tư cũng như trở thành nơi “an cư lạc nghiệp” tốt nhất cho cư dân.

Với các nhà đầu tư, lâu nay chúng ta hay nói đến "vị trí, vị trí và vị trí", tuy nhiên các nhà đầu tư nên nhớ rằng, tính pháp lý còn quan trọng hơn cả vị trí. Bên cạnh đó, khi chọn mua bất kỳ bất động sản nào, chúng ta phải đánh giá được năng lực của chủ đầu tư. Bởi dự án dù có vị trí tốt nhưng năng lực của chủ đầu tư không tốt thì sản phẩm đó cũng sẽ khó để hoàn thành. Ngoài ra, phải cân nhắc đến yếu tố tiềm năng của dự án để phát triển trong tương lai cũng như quy hoạch hạ tầng đồng bộ của dự án đó.

Việt Nam có khoảng 100 triệu dân, nền kinh tế đang phát triển mạnh, đô thị hóa tăng nhanh, sóng đầu tư FDI bắt đầu lớn... nên về lâu dài, thị trường bất động sản sẽ còn nhiều tiềm năng để phát triển khi nhu cầu đầu tư và nhu cầu thực còn nhiều.

Nếu chúng ta có một tư duy đầu tư tốt và thông minh, nhìn nhận ra đâu là tiềm năng, lựa chọn vị trí phù hợp tại các khu vực vùng ven để đầu tư và chú ý đến tính pháp lý thì sẽ có thanh khoản tốt. Chẳng hạn như các bất động sản tại các tỉnh tập trung nhiều khu công nghiệp thì sẽ có nhu cầu thực lớn, khả năng thanh khoản sẽ cao. Hay bất động sản nghỉ dưỡng ven đô cũng rất tiềm năng, nếu lựa chọn được dự án có tính pháp lý tốt, vị trí tiềm năng thì nên đầu tư. Còn nếu các nhà đầu tư cứ chạy theo đám đông, theo “sóng” mà không nhìn nhận, đánh giá kỹ thì rủi ro sẽ rất lớn./.

  - Trân trọng cảm ơn ông!

06/07/2022 15:33
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top