Aa

Thị trường chứng khoán "ngóng" gói kích cầu

Thứ Năm, 20/02/2020 - 11:15

Đại dịch Covid-19 được nhận định sẽ tác động không nhỏ đến nhiều nền kinh tế, trong đó có Việt Nam, trước mắt là tác động đến CPI và tăng trưởng GDP quý I.

Cân nhắc các yếu tố

Covid-19 tác động tiêu cực đến triển vọng vĩ mô của nhiều nền kinh tế trong khu vực. Đây là yếu tố khiến không ít ngân hàng trung ương như Thái Lan, Singapore, Trung Quốc… có động thái nới lỏng chính sách tiền tệ trong thời gian gần đây.

Đối với Việt Nam, tăng trưởng kinh tế trong quý I/2020 theo dự báo của Bộ Kế hoạch Đầu tư cũng như nhiều chuyên gia sẽ gặp nhiều thách thức, khó có thể đạt mức tăng trưởng như kế hoạch. Theo dự báo của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), GPP quý I/2020 ước tăng 5,2%, giảm 1,4% so với kế hoạch của Chính phủ.

Lường trước những khả năng có thể xảy ra, bản thân Ngân hàng Nhà nước đã sớm đưa ra giải pháp khuyến khích/yêu cầu các ngân hàng thương mại hỗ trợ các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, thông qua việc giảm nợ, điều chỉnh lãi suất cho vay.

Khó khăn cũng như thiệt hại của ngành du lịch và nhiều ngành khác do dịch Covid-19 có thể lớn hơn nhiều so với dịch SARS năm 2003 hay dịch cúm A/H1N1 năm 2009

Tuy nhiên, trong tương lai gần, ông Trần Đức Anh, Giám đốc Chiến lược và Vĩ mô, KBSV cho rằng, khó có khả năng khối ngân hàng thương mại sẽ tung ra các gói kích thích quy mô lớn, hay mạnh tay đưa ra các chính sách giúp hạ lãi suất, vì 3 lý do chính.

Thứ nhất, lạm phát trong các tháng đầu năm dự báo duy trì ở mức cao (dự báo bình quân 2 tháng đầu năm tăng 5,8%) vì nền giá thịt lợn cao và giá nhiều nhu yếu phẩm tăng mạnh do hoạt động tích trữ của người dân trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Mặc dù lạm phát được kỳ vọng sẽ hạ nhiệt trong nửa cuối năm, nhưng bối cảnh vĩ mô phức tạp hiện tại đòi hỏi một chính sách tiền tệ thận trọng để tránh các hệ quả tiêu cực như đã từng xảy ra trong giai đoạn 2008 - 2009.

Thứ hai, quy mô tín dụng trong nền kinh tế đang ở mức cao (ước tính cuối năm 2019 bằng 130 - 140% GDP), trong bối cảnh hệ thống ngân hàng thương mại của Việt Nam chưa thực sự vững chắc so với các nền kinh tế phát triển trong khu vực. Các tổ chức tài chính trên thế giới đã nhiều lần đưa ra khuyến nghị Việt Nam giảm phụ thuộc tăng trưởng kinh tế vào tín dụng. Một gói kích thích kinh tế mạnh tay ở thời điểm hiện tại nhằm bơm tín dụng ra nền kinh tế sẽ đi ngược với mục tiêu trên.

Thứ ba, nửa cuối năm 2019, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra một loạt chính sách như hạ lãi suất điều hành, giảm trần lãi suất tiền gửi và trần lãi suất cho vay ngắn hạn ở lĩnh vực ưu tiên, nhằm hỗ trợ các ngân hàng thương mại cắt giảm lãi suất. Trong bối cảnh các chính sách trên cần có thời gian để có tác động rõ nét đến hoạt động của các ngân hàng cũng như mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế, việc đưa ra các chính sách mới ở thời điểm nay có thể không thực sự phù hợp.

Tình hình dịch cúm kéo dài sẽ khiến các tập đoàn kinh tế khó hoạt động đồng bộ trở lại, từ đó ảnh hưởng dây chuyền lên chuỗi cung ứng toàn cầu và nhiều nước đã phát đi tín hiệu nới lỏng chính sách tiền tệ. Trong khi đó, chính sách của Việt Nam ưu tiên mục tiêu giữ ổn định kinh tế nhiều hơn là tăng trưởng.

CPI tháng 1/2020 có diễn biến bất thường khi tăng 1,23% - cao nhất so với cùng kỳ trong 7 năm. Vì vậy, việc lựa chọn chính sách tiền tệ nới lỏng có thể tạo nên tác dụng ngược, gây sức ép mất giá lên tiền đồng, tỷ giá bị ảnh hưởng, giá cả hàng hóa tăng lên càng tạo thêm tâm lý thiếu hụt hàng hóa…, từ đó dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng hơn.

Một số ngân hàng đã phát tín hiệu hạ lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng điều này cũng khó trở thành xu hướng, vì nếu hạ quá mức sẽ ảnh hưởng đến lãi suất huy động. Việc lãi suất tiền gửi quá thấp sẽ dẫn đến tâm lý rút tiền của người dân và tích trữ các tài sản an toàn như vàng, nhất là khi giá vàng gần đây có xu hướng tăng.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam cho rằng, ở thời điểm hiện tại, Chính phủ nên hỗ trợ các ngân hàng tái cơ cấu các khoản nợ, hoãn, giãn nợ cho doanh nghiệp đang bị thiệt hại do dịch cúm gây ra. Có thể khởi động các gói kích cầu, nhưng chỉ áp dụng cho một số lĩnh vực nhất định và cần kiểm soát chặt dòng tiền. Ngoài các gói kích thích kinh tế có giới hạn, Nhà nước nên sử dụng thêm những biện pháp như giảm thuế, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm các thị trường mới…

Việc chạy đua kích thích kinh tế nếu không kiểm soát tốt sẽ giống như nỗi lo hạ lãi suất mà nhiều nước đang thực hiện có thể dẫn đến cuộc chiến tiền tệ. Lãi suất nhiều nơi trên thế giới tiệm cận mức 0%, thậm chí ở mức âm, nên việc hạ thêm lãi suất sẽ không có nhiều ý nghĩa và điều đó không bình thường đối với các nền kinh tế vẫn phát triển tốt. Chính sách nếu đi đúng hướng cũng cần thời gian dài để đưa nền kinh tế vào quỹ đạo, còn trước mắt chỉ có thể hạn chế tác động từ dịch bệnh.

TTCK kỳ vọng có gói kích cầu

Ảnh minh họa.

Cùng với nền kinh tế, thị trường chứng khoán (TTCK) đã và đang chịu tác động từ tình hình dịch Covid-19. Khối nhà đầu tư nước ngoài sau khi mua ròng trên thị trường cổ phiếu trong tháng 1/2020 khoảng 1.950 tỷ đồng đã bán ra khoảng 1.000 tỷ đồng trong hai tuần đầu tháng 2. Các tín hiệu kỹ thuật đang cho thấy thị trường chung có xu thế diễn biến dưới mức trung bình, VN-Index dao động dưới các đường trung bình động quan trọng…

Tuy nhiên, nhìn nhận ở khía cạnh tích cực, ông Khanh cho rằng, dòng vốn FDI hiện đang lựa chọn Việt Nam là thị trường tiềm năng và trong tương lai sẽ còn hấp dẫn hơn nếu Việt Nam chứng tỏ được bản lĩnh kiểm soát dịch cúm và ổn định tỷ giá, lạm phát. Nhiều dòng vốn FDI từ các tập đoàn lớn sẽ chuyển sang Việt Nam như một điểm dự phòng khi gặp những sự cố tương tự tại Trung Quốc.

Trên TTCK, hai nhóm ngành lớn trên thị trường tài chính hiện tại là ngân hàng và bất động sản vẫn đang đóng vai trò dẫn dắt chỉ số. Trong đó, bị ảnh hưởng gián tiếp từ dịch cúm khi nợ xấu có nguy cơ tăng do các doanh nghiệp vay nợ gặp khó khăn, nhưng nhóm ngân hàng vẫn trụ vững nhờ yếu tố nội tại. Thị trường chứng khoán hiện đang ở vùng giá hấp dẫn, nên nguy cơ giảm sâu khó xảy ra và khi dịch Covid-19 qua đi, dòng tiền sẽ chảy mạnh vào thị trường. Các gói hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất sẽ là yếu tố thúc đẩy thị trường hồi phục tốt hơn.

“Hiện đã có một số nước triển khai gói kích cầu nhằm đối phó với dịch Covid-19, Việt Nam có thể không là ngoại lệ, cho dù Chính phủ chưa hạ mục tiêu tăng trưởng GDP và Ngân hàng Nhà nước chưa xem xét gói kích cầu. Nếu như dịch sớm qua đi và gói kích thích nào đó được bổ sung tức thời sẽ giúp ích cho doanh nghiệp trong việc khôi phục kinh doanh”, ông Nguyễn Hữu Bình, chuyên gia chứng khoán chia sẻ quan điểm.

Với TTCK, trước mắt có lẽ chưa hưởng lợi nhiều từ yếu tố này, nhưng sẽ lan tỏa nhiều hơn trong nửa sau của năm 2020. TTCK hiện tại vẫn đang được nhìn nhận sẽ tiếp tục gặp khó khăn, ít nhất trong nửa đầu năm, dù kịch bản giảm sâu đã được loại trừ.

Khó có thể định lượng cụ thể và chính xác sự ảnh hưởng của dịch tới tăng trưởng kinh tế trong quý I/2020 cũng như 6 tháng đầu năm, nhưng các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy nền kinh tế, từ đó tác động tích cực đến TTCK là điều giới đầu tư đang kỳ vọng sớm được triển khai, nhất là trong bối cảnh không biết khi nào dịch Covid-19 mới kết thúc.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top