Aa

Thị trường khách sạn năm 2021: Đừng đặt kỳ vọng lớn vào khách quốc tế

Thứ Tư, 07/10/2020 - 13:30

Khi kết quả hoạt động kinh doanh của năm 2020 có nhiều biến động so với dự kiến, việc chuẩn bị ngân sách cho năm tài chính 2021 trở nên thách thức hơn với các chủ sở hữu khách sạn, nhà điều hành và đội ngũ quản lý.

Khách sạn, khu nghỉ dưỡng là một trong các phân khúc bất động sản “thấm đòn" nặng nhất vì Covid-19. Trong báo cáo kết quả hoạt động du lịch dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, Sở Du lịch Hà Nội cho biết, dù giá dịch vụ tại các cơ sở lưu trú giảm 40 - 60% với nhiều sản phẩm và chương trình ưu đãi hấp dẫn nhưng lượng khách tiếp cận vẫn thấp.

Có thể kể đến như khách sạn Pan Pacific đã giảm hơn 40% giá phòng Deluxe, còn 1,9 triệu đồng/đêm, giảm 30% dịch vụ ăn uống tại các nhà hàng và quán bar; InterContinental Hanoi Landmark 72 giá 4 triệu đồng/đêm có buffet sáng, trưa hoặc tối cho 2 người, miễn phí dịch vụ trong khách sạn và nâng hạng phòng.

Trong khi đó, khách sạn Metropole giảm giá còn 1,1 triệu đồng/đêm bao gồm phòng ngủ thuộc khu vực Opera Wing, sử dụng hồ bơi, phòng gym và một số đồ uống không cồn tại bar...

Tuy nhiên, công suất bình quân sử dụng buồng phòng khá thấp, ước tính khối khách sạn 1 - 5 sao đạt 10,6%, giảm 53,4% so với cùng kỳ năm 2019. Cụ thể, khách sạn Lotte đạt 30%, khách sạn Metropole 25%, Crown Plaza Hà Nội 18% hay Deawoo 7%.

Khách sạn tại phố cổ Hà Nội được rao bán với mức giá hàng chục tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, bất động sản du lịch và lưu trú là những phân khúc bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19. Hiện nay, chưa có dấu hiệu nào cho thấy tình trạng khó khăn này sẽ được cải thiện.

Nếu đại dịch sớm được kiểm soát, thị trường có thể bắt đầu phục hồi vào cuối năm nay. Ngược lại, trong trường hợp đại dịch kéo dài thì phân khúc bất động sản du lịch và lưu trú có thể phải chờ tới cuối năm 2021 mới cho thấy sự phục hồi.

Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương chia sẻ: “Ngành du lịch Việt Nam đã trải qua những biến động lớn trong thời gian qua. Một số khách sạn thậm chí hoạt động với tỷ lệ lấp đầy ở mức một chữ số. Việc tái bùng phát dịch Covid-19 ở Đà Nẵng trong tháng 7 đã khiến nhiều địa điểm du lịch nhận được yêu cầu hủy phòng, kéo theo sự sụt giảm công suất của toàn thị trường.

Tỷ lệ lấp đầy trung bình của các khách sạn phân khúc cao cấp trong tháng 8 chỉ đạt dưới 20%, tương ứng mức sụt giảm gần 75% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, TP.HCM ghi nhận công suất ở mức 14% và Hà Nội là 24%. Ngoài ra, trong 8 tháng đầu năm 2020, giá phòng trung bình giảm 10% so với cùng kỳ năm 2019. Điều này gây thiệt hại nặng nề cho hầu hết các chủ khách sạn.

Tuy nhiên, nhìn về hướng tích cực thì nhu cầu du lịch nội địa đang dần khôi phục trở lại nhờ các biện pháp ứng phó với đại dịch hiệu quả của Chính phủ. Các khách sạn và khu nghỉ dưỡng vẫn nhận được yêu cầu đặt phòng cho tháng 9 và 10 mặc dù đã bắt đầu vào mùa du lịch nội địa thấp điểm (mùa thấp điểm dự kiến kéo dài đến cuối năm).

"Các chuyến bay quốc tế vẫn còn bị hạn chế trong khi nhu cầu du lịch nội địa đang trên đà khôi phục. Chúng tôi nhận định năm 2021 vẫn còn nhiều thách thức. Việc quản lý và hoạch định ngân sách trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, các chủ sở hữu cần kiểm soát chi phí một cách thận trọng, nhưng vẫn phải đảm bảo kịp thời khôi phục hoạt động kinh doanh khi nhu cầu du lịch quay trở lại. Việc giao tiếp, cập nhật dữ liệu thường xuyên giữa chủ sở hữu và đội ngũ quản lý là cực kỳ quan trọng vì đây là cơ sở cho việc dự toán 2021 một cách đúng đắn", ông Mauro nhấn mạnh.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng, rất khó để dự đoán bức tranh ngành du lịch năm 2021 vì khả năng hồi phục của thị trường khách quốc tế vẫn là một câu hỏi lớn. Chủ sở hữu vẫn nên duy trì sự tích cực với những kế hoạch dài hạn nhưng cần chú trọng việc kiểm soát dòng tiền trong thời gian tới và tập trung vào việc khai thác tiềm năng, thế mạnh của thị trường nội địa. Các định chế tài chính cũng nên làm việc chặt chẽ với chủ sở hữu và nhà điều hành để đảm bảo dòng tiền hoạt động cho những tháng tiếp theo.

Thậm chí khi đường bay thương mại quốc tế được kết nối trở lại với một số quốc gia, chủ đầu tư cũng không nên quá kỳ vọng vào sự phục hồi ngay lập tức từ thị trường khách quốc tế. Có thể sẽ có nhu cầu du lịch xuất ngoại từ nhóm khách cá nhân hoặc nhóm nhỏ, nhưng phần lớn du khách, đặc biệt là nhóm khách đoàn và khách gia đình sẽ cần thêm thời gian để đánh giá mức độ an toàn trước khi quyết định du lịch trở lại. Mặc dù vậy, giới chuyên gia vẫn đánh giá ngành du lịch Việt Nam sẽ có khả năng phục hồi nhanh hơn các quốc gia khác nhờ vào yếu tố an toàn và đà tăng trưởng tốt trong quá khứ. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top