Aa

Thị trường vận tải 2021 có thể bứt phá?

Thứ Tư, 09/12/2020 - 13:20

Khó khăn của dịch bệnh Covid-19 kéo theo nhiều lĩnh vực giảm tăng trưởng, ảnh hưởng nhất có lẽ là ngành vận tải. Tuy vậy, năm 2021 một số lĩnh vực trong ngành này có thể tăng trưởng.

Ngành vận tải 2020 gặp khó 

Các biện pháp hạn chế đi lại, cách ly xã hội và phong toả nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19 đã khiến các chuỗi cung ứng bị đứt gãy trên quy mô toàn cầu... Theo số liệu của Tổng cục thống kê, 9 tháng đầu năm 2020, ngành vận tải chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh Covid-19.

Vận tải gặp khó khăn trong năm qua

Vận tải biển là ngành có ảnh hưởng to lớn nhất và trực tiếp nhất từ dịch bệnh Covid-19. Ngay từ quý I/2020, khi dịch bệnh bùng phát ở thị trường chủ chốt Trung Quốc thì hoạt động vận tải hàng hóa bằng đường biển gần như tê liệt. Đến khi dịch Covid-19 lan rộng trên thế giới, các quốc gia đồng loạt thực hiện phong tỏa biên giới, cảng biển. Chỉ trong tuần cuối tháng 3/2020, ngành Vận tải biển toàn cầu đã hủy 160 chuyến tàu container, trong bối cảnh các hãng vận tải biển tìm cách giữ giá cước phí khi phải đối mặt với thiệt hại hàng tỷ USD, do nhu cầu thương mại suy giảm.

Tại Việt Nam chỉ tháng 4/2020, lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam có xu hướng giảm nhẹ 7% so với cùng kỳ 2019.

Vận tải hành khách còn có phần ảm đạm hơn vận tải biển. Tính chung 9 tháng, vận tải hành khách đạt 2.625,8 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 29,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,5%) và luân chuyển 119,4 tỷ lượt khách.km (khối lượng hàng hóa luân chuyển), giảm 35,2% (cùng kỳ năm trước tăng 9,8%). Còn vận tải hàng hóa đỡ hơn một chút, đạt 1.264,6 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 8,9%) và luân chuyển 242,5 tỷ tấn.km, giảm 8,2% (cùng kỳ năm trước tăng 7,5%).

Đối với ngành hàng không, đại dịch Covid-19 đã đẩy ngành này vào giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử. Các hãng hàng không toàn cầu đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng tiền mặt vì không thể tạo ra doanh thu nhưng mỗi phút phải “đốt” tới 300 nghìn USD để cầm cự, chờ thị trường phục hồi.

Tại báo cáo mới nhất (báo cáo số 19) gửi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN, Vietnam Airlines cho biết, tổng dòng tiền thâm hụt tính đến cuối tháng 9/2020 đã lên đến hơn 11.600 tỷ đồng, bao gồm cả các khoản nợ quá hạn chưa thanh toán. Dự kiến cả năm, tổng thâm hụt dòng tiền khoảng từ 14.500 đến 15.000 tỷ đồng.

Lĩnh vực vận tải nào có thể tăng trưởng mạnh năm 2021?

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, thị trường vận tải hiện rất ảm đạm và rất khó dự đoán khi thời điểm kết thúc dịch chưa được xác định.

Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt ở nước ta, các hãng hàng không trong nước nhanh chóng phục hồi tần suất bay. Hệ số sử dụng ghế bay của Hãng hàng không Vietnam Airlines lấp đầy khoảng 86%, tuy vẫn không đủ bù đắp doanh thu và lợi nhuận nhưng gần như cao nhất trên thế giới. Tuy nhiên, với đợt dịch thứ 3 đang diễn tiến, ngành hàng không phục hồi được một chút thì lại đang tiếp tục phải đối mặt với nhiều vấn đề nan giải. 

Ngành hàng không vẫn đang phải chống chọi với dịch bệnh

Nhìn nhận về vấn đề này, Chuyên gia Kinh tế - TS. Nguyễn Minh Phong bày tỏ quan điểm, "cần có giải pháp để "cứu trợ" hàng không. Trên thế giới đã làm như vậy. Nước Mỹ dành một khoản tiền khá lớn cho hãng hàng không lớn nhất của nước này do ảnh hưởng của dịch bệnh. Tuy nhiên, tùy theo điều kiện cụ thể cũng như tình hình chống dịch của mỗi nước mà có những chính sách khác nhau. Điều đó cũng còn phụ thuộc vào năng lực tài chính quốc gia. Do vậy, các doanh nghiệp cần phải tự cứu mình trước khi “trời cứu”, theo hướng tiết giảm các chi tiêu thường xuyên và hạn chế các hoạt động không cần thiết để tiết kiệm ngân sách trong bối cảnh không có thu nhập, không có dòng tiền vào". 

Để hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải “hồi sinh” trước khó khăn của dịch bệnh, các bộ ngành cũng đã thực hiện nhiều giải pháp. Bộ Tài chính đã xây dựng Dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để kéo dài thời gian thực hiện giảm 30% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay để hỗ trợ ngành hàng không. Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021 góp phần giúp doanh nghiệp vận tải hàng không giảm bớt gánh nặng tài chính, duy trì hoạt động kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp và khó lường.

Vận tải biển có lẽ là ngành ít ảnh hưởng nhất trong ngành vận tải. Không giống như ngành hàng không và một số ngành khác, hàng hoá qua cảng biển Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt, mặc dù chưa đạt được mức hai con số như các năm trước nhưng các cảng biển vẫn duy trì tăng trưởng khoảng 7,9% so với cùng kỳ năm 2019. Theo báo cáo mới nhất của Cục Hàng hải Việt Nam, 10 tháng đầu năm 2020, tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam đạt gần 576,5 triệu tấn. Theo đó, lượng hàng container thông qua cảng đạt gần 18 triệu Teus, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2019. Một số khu vực cảng biển vẫn có khối lượng hàng hóa tăng cao từ đầu năm đến nay như: cảng Quảng Trị, Quảng Ngãi… Bên cạnh đó, một số khu vực cảng biển có mức tăng hàng hóa container trên dưới 20% như: khu vực Mỹ Tho, Thanh Hóa, Quy Nhơn, Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh…

Tính đến thời điểm hiện tại, chưa phát hiện thuyền viên, nhân viên hải cảng nào nhiễm Covid-19. Đây có thể là lý do để người lao động yên tâm sản xuất kinh doanh, đóng góp quan trọng vào việc duy trì mức tăng trưởng lĩnh vực cảng biển.

Trong bối cảnh khó khăn chung, các chuyên gia đề xuất Chính phủ xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành có những chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp vận tải biển của Việt Nam trong thời gian tới.

Đối với ngành đường sắt, Chính phủ đang xem xét để giảm phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt và giãn tiến độ trả nợ, giảm lãi suất vay ngân hàng cho các dự án đầu tư của các công ty vận tải đường sắt nhằm giảm áp lực trả nợ gốc và lãi vay trong giai đoạn khó khăn này. 

Còn tổng công ty đường sắt Việt Nam cũng thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để kéo ngành đi lên. VNR nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, thu hút khách đi tàu; điều chỉnh giá vé theo từng cung chặng, giảm từ 12%-30% giá vé đối với tàu Thống Nhất và một số tàu địa phương theo từng giai đoạn diễn biến thực tế của dịch và khuyến cáo của các cơ quan chức năng tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách muốn hủy trả vé; miễn phí đổi vé, trả vé tàu...

VNR cũng điều chỉnh linh hoạt kế hoạch chạy tàu cũng như thành phần đoàn tàu nhằm đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm bớt tàu khách không hiệu quả, tăng cường tàu hàng chuyên tuyến. Nối xe hàng nguyên toa chạy suốt vào tàu khách tận dùng chiều dài đoàn tàu mà không ảnh hưởng tới chất lượng phục vụ đoàn tàu khách.

Tất nhiên là các DN cũng cần phải nỗ lực cùng với hỗ trợ của Chính phủ thì mới mong vượt qua được thời gian khó. "Với mỗi khó khăn về dịch bệnh, vai trò chủ động của các doanh nghiệp sẽ góp phần quyết định để vượt qua những thách thức nếu dịch COVID quay trở lại. Quan trọng nhất là họ phải tăng các dịch vụ truyền thống cũng như phi truyền thống, thứ 2 nữa là kiện toàn tổ chức để giảm các chi phí, thứ 3 là xây dựng các kịch bản để ứng phó với các tình huống của dịch bệnh". TS. Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top