Thị trường vốn cần điều chỉnh những bất cập trong quá khứ để hướng đến tương lai bền vững

Thị trường vốn cần điều chỉnh những bất cập trong quá khứ để hướng đến tương lai bền vững

Thứ Hai, 06/02/2023 - 06:08

Trải qua một năm kinh tế khó dự liệu với tất cả các tổ chức dự báo cũng như chính phủ các nước, kinh tế vĩ mô Việt Nam vẫn ổn định và duy trì mức lạm phát dưới 4% như mục tiêu đặt ra. Song, trong bối cảnh thế giới liên tục biến động, việc quản lý thị trường vốn và điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ của các cơ quan quản lý cũng vô cùng gian nan.

*****

Chưa bao giờ tinh thần điều hành chủ động, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả, với phương châm “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” và mục tiêu phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững lại được nhấn mạnh như thời gian qua và sẽ tiếp tục được Chính phủ thực hiện trong thời gian tới.

Phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững là một trong những mục tiêu trọng tâm đặt ra trong các văn kiện Đại hội Đảng khóa XIII, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, huy động nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội. Song song với đó, tín dụng ngân hàng cũng được kiểm soát một cách thận trọng, cùng với chính sách tài khóa linh hoạt.

Tuy nhiên, trong bối cảnh các doanh nghiệp đang xoay xở đối phó với nhiều trở ngại, nhất là về dòng vốn, vấn đề đặt ra là việc quản lý, điều hành thế nào để vừa ổn định nền kinh tế vừa hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn? Làm thế nào để tạo ra sự cân bằng, linh hoạt ở hiện tại nhưng vẫn xử lý được những “lỗ hổng” trên các thị trường, để hướng tới sự phát triển bền vững trong tương lai? Reatimes đã có cuộc trò chuyện với TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính - Ngân hàng về vấn đề này.

PV: Thưa ông, nhiều chuyên gia cho rằng, mặc dù có khó khăn nhưng hiện tại lại là cơ hội để Việt Nam cải tổ lại hệ thống tài chính, tạo ra hoạt động bền vững và nâng tầm thị trường trái phiếu. Ông có thể lý giải rõ hơn về vấn đề này?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Theo Bộ Tài chính, quy mô của thị trường vốn, bao gồm thị trường trái phiếu và cổ phiếu, trước thời điểm xảy ra khủng hoảng niềm tin (cuối quý I/2022) có giá trị vốn hóa đạt 134,5% GDP trong năm 2021. Riêng cổ phiếu đạt đến 94%, còn thị trường trái phiếu doanh nghiệp là 16,4% GDP và thị trường trái phiếu Chính phủ là 23%. Như vậy, thị trường vốn đang có tỷ trọng ngang ngửa với dư nợ tín dụng ngân hàng (11,6 triệu tỷ đồng, tương đương 132% GDP).

Khi trường trái phiếu doanh nghiệp đạt đến mức 16,4% GDP, rất nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là giới chuyên gia đã kỳ vọng, thị trường này sẽ dần thay thế và đỡ được gánh nặng cho thị trường tín dụng ngân hàng - vẫn đang là nguồn tài trợ lớn nhất của quốc gia song thực tế đã không như vậy. Có rất ít đợt phát hành thời gian qua. Minh chứng là đến cuối tháng 11/2022, quy mô của thị trường vốn giảm xuống còn 105% GDP năm 2021. Trong đó, trái phiếu doanh nghiệp giảm xuống còn 15% GDP. Những gì đã và đang xảy ra đối với trái phiếu chứng tỏ thị trường đang có vấn đề, hệ quả là sự mất niềm tin của nhà đầu tư.

Tuy nhiên, khủng hoảng nào rồi cũng qua, không có thị trường nào chạm đáy rồi đứng nguyên tại chỗ, giống như khi giá của chứng khoán xuống đến mức thấp nhất thì có nhiều người đổ tiền vào mua, thúc đẩy thị trường phục hồi trở lại. Thành ra, chúng ta cũng không nên quá bi quan về thị trường trái phiếu hiện tại, bởi chắc chắn thị trường rồi sẽ phục hồi. Quan trọng là chúng ta rút ra được bài học gì từ quá khứ, bởi triển vọng tương lai sẽ tốt hơn nếu những bất cập trong quá khứ được điều chỉnh.

Trong quá khứ, thị trường trái phiếu đã được xây dựng trên một nền tảng pháp lý rất mỏng, trong khi đa phần nhà đầu tư tiềm lực yếu, thiếu chuyên nghiệp. Từ nhu cầu vốn của nền kinh tế, thị trường trái phiếu được thúc đẩy phát triển rất nhanh trong những năm qua. Thế nhưng tất cả các thành phần tham gia thị trường, từ nhà phát hành, nhà đầu tư cho đến các cơ quan quản lý giám sát... đều thiếu kinh nghiệm. Quy định, luật lệ cũng còn thiếu sót. Ngay cả Nghị định 65/2022/NĐ-CP về phát hành trái phiếu riêng lẻ cũng tiếp tục được xem xét. Tất cả những điều đó là bài học để chúng ta xây dựng một thị trường ổn định và lành mạnh hơn trong năm 2023.

Tôi tin tưởng năm 2023 sẽ là năm mà thị trường trái phiếu phục hồi, nhưng phải dựa trên cơ sở khắc phục những thiếu sót của tất cả các bên liên quan để thay đổi và xây dựng một thị trường ổn định hơn.

PV: Để phát triển an toàn, minh bạch, hiệu quả và bền vững, việc tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường vốn là vô cùng quan trọng, thưa ông?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Khung pháp lý luôn là nền tảng cho mọi thị trường, nếu lỏng lẻo, đến lúc nào đó thị trường sẽ đi vào rối loạn và khủng hoảng. Có thể thấy rõ ở thị trường trái phiếu Việt Nam, khung pháp lý của chúng ta phải thay đổi thường xuyên để phù hợp với môi trường kinh doanh còn nhiều biến động. Chúng ta đã có Nghị định 155/2020/NĐ-CP về phát hành trái phiếu ra công chúng, Nghị định 153/2020/NĐ-CP về phát hành trái phiếu riêng lẻ. Vào tháng 9 năm nay, chúng ta tiếp tục sửa đổi, bổ sung Nghị định 153 thành Nghị định 65/2022/NĐ-CP. Song, việc thay đổi thường xuyên như vậy chứng tỏ khung pháp lý chưa hoàn thiện, từ đó tạo ra rất nhiều lỗ hổng để một số nhà phát hành, môi giới và nhà đầu tư trục lợi.

Làm sao để phát triển thị trường an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững? Việc đầu tiên là phải hoàn thiện khung pháp lý. Bộ Tài chính nên rà soát lại trong thời gian qua, Nghị định 65 với nhiều điều khoản tương đối mới đã được áp dụng như thế nào? Nếu doanh nghiệp chưa tuân thủ thì chúng ta phải tìm ra lý do tại sao? Thành ra, vấn đề điều chỉnh liên tục để có một khung pháp lý bền chặt là điều rất quan trọng.

Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 65/2022/NĐ-CP, trong đó có những điểm thay đổi quan trọng. Tuy nhiên, vấn đề là khung pháp lý có hoàn thiện đến đâu chăng nữa mà tất cả các thành phần tham gia không tuân thủ hoặc chỉ tuân thủ một phần thôi thì đều vô nghĩa. Vì vậy, ý thức của tất cả thành phần tham gia thị trường, từ nhà phát hành, nhà đầu tư, các công ty kinh doanh, môi giới, cho đến các cơ quan giám sát phải được nâng cao, tuân thủ một cách tuyệt đối quy định pháp luật thì chúng ta mới có thị trường an toàn, minh bạch, hiệu quả và bền vững.

PV: Theo ông, việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 65/2022/NĐ-CP cần lưu ý vấn đề gì để vừa kiểm soát, bình ổn thị trường nhưng cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Chúng ta phải lựa chọn, hoặc đặt ra những điều kiện về phát hành trái phiếu chặt chẽ để tạo sự ổn định cho thị trường, hay là chúng ta buông lỏng để cho thị trường tự phát triển? Tất cả những quy định trong Nghị định 65/2022/NĐ-CP đều là những thông lệ trên thị trường quốc tế, phù hợp môi trường Việt Nam và cần phải thực hiện để đi đúng vào quỹ đạo của thị trường thế giới. Tuy nhiên, vẫn cần tiếp tục xem xét.

Nghị định 65 đã có những bổ sung rất đáng kể và hữu ích, đó là yêu cầu nhà phát hành phải làm rõ vai trò của ngân hàng và khác biệt giữa bảo lãnh phát hành, bảo lãnh phân phối và bảo lãnh thanh toán. Thời gian trước, việc này đã gây ra sự hiểu lầm và khiến nhiều nhà đầu tư rơi vào rủi ro mà họ chưa từng biết. Song, vẫn cần làm rõ hơn vai trò cũng như trách nhiệm, quyền lợi của ngân hàng. Ai là người trả lương cho họ? Không phải trái chủ cũng như nhà phát hành, nhưng nếu không có người trả tiền thì sẽ không có đại diện pháp lý. Trong luật phải quy định có đại diện pháp lý… Do đó, tất cả cần phải xem xét lại để có sự điều chỉnh, bổ sung cho rõ ràng.

Ngoài ra, tôi cho rằng xếp hạng tín nhiệm là rất quan trọng, đặc biệt là nhìn từ phía nhà đầu tư thường thiếu kiến thức về tài chính. Tất cả nhà phát hành trái phiếu phải được xếp hạng tín nhiệm, bất kể phát hành ra số lượng bao nhiêu. Cần phải có một đơn vị đứng ra xếp hạng các công ty muốn phát hành, để nhà đầu tư biết họ đang ở mức đáng để đầu tư hay đang ở mức dưới - mức không khuyến khích đầu tư. Nghị định 65 có quy định xếp hạng tín nhiệm, nhưng chỉ dành cho các nhà phát hành lớn, như thế là chưa đủ.

Dĩ nhiên, cơ quan quản lý phải có những bước hỗ trợ thị trường và các doanh nghiệp trên sân chơi mới như tôi đã chia sẻ, đó là Chính phủ có thể đưa ra chính sách cho phép các nhà phát hành hoãn nợ trong vòng 1 năm và giúp các doanh nghiệp phát hành đúng quy định, theo một Nghị định 65 sửa đổi mới.

Việc sửa đổi Nghị định 65 toàn hệ thống gồm 3 thành phần: Nhà phát hành được điều chỉnh, nhà đầu tư được tạo niềm tin và Chính phủ, các cơ quan quản lý vào cuộc mạnh mẽ, tôi tin là thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam sẽ sớm hồi phục trong năm 2023.

Nhiều người lo ngại việc kiểm soát thị trường của các cơ quan quản lý sẽ làm mất đi khả năng phát triển, nhưng kiểm soát một cách hợp lý và hiệu quả sẽ là tiền đề để phát triển bền vững trong tương lai. Dĩ nhiên có những khó khăn trước mắt, nhưng sẽ tái lập niềm tin cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, từng bước đưa thị trường đi vào quy củ và ổn định.

PV: Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định phải xử lý nghiêm các sai phạm về trái phiếu… đây là điều hết sức cần thiết để lành mạnh hoá thị trường. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng khi quyết liệt xử lý các sai phạm cần giải pháp phù hợp để không ảnh hưởng đến toàn bộ thị trường. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Để một thị trường ổn định, rất cần kỷ luật tài chính, không có chuyện “xử lý khéo léo”. Khi đã sai phạm thì buộc phải xử lý theo pháp luật, nếu không, những lỗ hổng ngày một lớn dần và thị trường sẽ tiếp tục bất ổn. Tuy nhiên, cần minh bạch thông tin kịp thời để nhà đầu tư yên tâm theo dõi quá trình xử lý. Từ đó, họ có thể đặt niềm tin chừng nào thì lấy lại được tiền, tránh việc tất cả hoang mang tìm cách đòi nợ sẽ càng làm xấu hình ảnh của thị trường.

Bên cạnh đó, người Việt cũng có câu, đại ý là “đánh chuột đừng để vỡ bình”. Vấn đề chưa xử lý xong nhưng thị trường đã đổ vỡ là điều rất đáng tiếc. Hiện tại, rất nhiều nhà phát hành đang lúng túng vì bị các trái chủ yêu cầu mua lại trái phiếu trước hạn, mặc dù trong số đó cũng có những doanh nghiệp phát hành đúng quy định. Khi nhà phát hành không thể cơ cấu lại nợ bằng cách bán trái phiếu mới, yêu cầu này đã gây nên tình trạng “kẹt xe” cho cả hệ thống.

Bởi vậy, vấn đề hiện tại là hàn gắn sự đổ vỡ và tính toán làm sao để tránh được chuyện “vỡ bình”. Tôi đề xuất với Bộ Tài chính và Chính phủ, hãy có một chương trình hoãn nợ quốc gia, cho phép các nhà phát hành hoãn nợ trong vòng một năm cả gốc và lãi, đồng thời thuyết phục các trái chủ chờ đợi. Bởi theo nguyên tắc, chỉ một ngày chậm trả nợ là các nhà đầu tư có thể kiện cáo kéo họ ra tòa và mở thủ tục phá sản.

Tuy nhiên, doanh nghiệp phát hành không nên lo lắng luật lệ chặt chẽ quá, vì vấn đề quan trọng ở đây là cần lấy lại niềm tin. Khi niềm tin suy yếu thì dù doanh nghiệp có được phát hành trái phiếu cũng không ai mua. Vậy làm sao lấy lại được niềm tin? Có thể thấy, Chính phủ đang hết sức nỗ lực cải thiện, điều chỉnh thị trường để giúp doanh nghiệp tạo dựng niềm tin với nhà đầu tư.

Trước hết, phải sớm giải quyết dứt điểm những trường hợp có dấu hiệu sai phạm đang trong vòng điều tra, như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nói, “không làm không được”. Tuy nhiên, cũng không nên xử lý sai phạm bằng cách kê biên tài sản, gây lo lắng cho nhà đầu tư và ảnh hưởng tâm lý thị trường.

Phía Ngân hàng Nhà nước cũng cần xem xét lại những sai phạm về phát hành trái phiếu trong hệ thống ngân hàng để tạo lại niềm tin. Đồng thời, các ngân hàng cần phải kiểm tra nội bộ để đưa ra quy trình chuẩn hỗ trợ doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Chẳng hạn như phải làm rõ, trong thời gian phát hành trái phiếu có hiệu lực, nếu ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp hoặc trở thành người đại diện pháp lý cho các nhà đầu tư thì vai trò của họ là gì?

PV: Vai trò bình ổn thị trường không chỉ là trách nhiệm của nhà điều hành. Thực tế vừa qua cho thấy, một phần vì thiếu hiểu biết nên nhà đầu tư đã bị dẫn dụ vào các hoạt động mua bán thiếu an toàn rồi trở nên mất niềm tin. Hoạt động trong một thị trường vốn nhiều tiềm năng nhưng cũng còn nhiều rủi ro, nhà đầu tư cần làm gì, thưa ông?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Các nhà đầu tư phải hết sức cẩn trọng tìm hiểu bằng nhiều kênh khác nhau, không phải chỉ cần ngân hàng phát hành là đảm bảo. Đôi khi nhân viên ngân hàng chỉ tư vấn là trái phiếu này có bảo lãnh, nhưng người mua phải phân biệt rõ ba loại dịch vụ, đó là bảo lãnh phát hành, bảo lãnh phân phối và bảo lãnh thanh toán. Mức đảm bảo tăng theo từng cấp độ, như ở mức thứ 3, sau 10 - 20 năm, doanh nghiệp không thể trả nợ thì ngân hàng sẽ trả thay.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cần quan tâm đến rủi ro tín dụng. Liên quan đến khả năng đáp ứng nghĩa vụ nợ của doanh nghiệp và để đánh giá hoàn toàn năng lực trả nợ của tổ chức phát hành, nhà đầu tư cần tìm hiểu về lịch sử kinh doanh, sự phát triển hay các yếu tố rủi ro tài chính của doanh nghiệp đã diễn ra trong quá khứ cũng như hiện tại. Nếu không có khả năng tìm hiểu về báo cáo tài chính, nhà đầu tư có thể nhờ ngân hàng hay bên thứ ba hỗ trợ phân tích.

Nhiều nhà đầu tư không nắm rõ mô hình kinh doanh của doanh nghiệp mà mua trái phiếu chỉ vì lãi suất cao, nhưng họ chưa hiểu rõ rủi ro có thể gặp phải trong quá trình nắm giữ trái phiếu đó. Nói tóm lại, người cho vay phải hiểu khả năng trả nợ của người đi vay, nhận định được giá trị của tài sản thế chấp. Việc nâng cao tính chuyên nghiệp và tính tuân thủ pháp luật là rất quan trọng để đầu tư an toàn và hiệu quả.

PV: Vâng thưa ông, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, kinh tế vĩ mô cuối năm 2022 và đầu năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ hợp lý theo tinh thần chủ động, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả; các tổ chức tín dụng phát huy tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ". Ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Tất cả những thông điệp này đều hợp lý, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã có những nỗ lực trong việc ổn định kinh tế vĩ mô và điều hành tiền tệ. Nhưng điều người dân và các nhà đầu tư luôn mong muốn nhìn thấy là hành động cụ thể của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính trong các vấn đề điều tra cho đến cải tổ thị trường, gây dựng lại niềm tin.

Đúng là trong cả năm 2022, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước bị dồn vào thế rất khó khăn. Một mặt phải đạt được chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 6,5 - 7%, trong khi đó phải kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4%, trong bối cảnh thế giới đang biến động dữ dội. Rõ ràng, việc điều hành sẽ rất khó suôn sẻ.

Có thể nói, Ngân hàng Nhà nước phải nhanh chóng đưa ra quyết sách dưới nhiều sức ép ghê gớm, như việc cố gắng kìm lãi suất và tỷ giá trong 3 quý đầu năm 2022, sau đó buộc phải tăng lãi suất điều hành cũng như tăng trần lãi suất huy động. Về phía tỷ giá, đã tăng biên độ giao dịch từ 3% lên 5%, chưa bao giờ có tiền lệ. Động thái tăng trần tín dụng thêm 1,5 - 2%, từ 14% lên 15,5 - 16% vào tháng 12/2022 cũng là bước điều hành chính sách tiền tệ tuy hơi chậm nhưng rất đáng hoan nghênh. Nếu mức tăng tín dụng thêm 2%, tương đương 240.000 tỷ đồng, cộng với khoản chưa sử dụng hết trong mức tăng tín dụng cũ 14%, thì nền kinh tế sẽ có khá nhiều vốn đổ vào, tuy nhiên vẫn là hướng vào các lĩnh vực ưu tiên.

PV: Vậy trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước có thể hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản ra sao, thưa ông?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Tôi cho rằng, tự thân doanh nghiệp bất động sản cần chủ động thay đổi. Thực tế, có rất nhiều sản phẩm bất động sản không phù hợp với túi tiền số đông người Việt Nam. Ở Hà Nội hay TP.HCM đều có rất nhiều bất động sản cao cấp, sang trọng, giá cao hơn cả Singapore hay Hồng Kông (Trung Quốc), như vậy liệu có phục vụ đại chúng hay không? Trong khi, GDP bình quân đầu người của Việt Nam ở mức hơn 4.000 USD, cứ cho thu nhập của một người dân bình thường là hơn 400 USD/tháng, thì phải rất lâu họ mới có thể mua được nhà, chứ chưa nói đến việc sở hữu hay sử dụng các tiện ích ở các khu vực cao cấp. Vậy nên, thị trường bất động sản, các doanh nghiệp bất động sản phải tự điều chỉnh để có cơ cấu sản phẩm phù hợp với xã hội.

Tuy nhiên, hệ thống ngân hàng cũng nên giúp doanh nghiệp bất động sản làm ăn chân chính, bài bản, có những sản phẩm đóng góp cho vấn đề an sinh và sự phát triển kinh tế - xã hội, như những nhà kinh doanh, nhà xây dựng bất động sản với các sản phẩm nhà ở cho người thu nhập thấp, thu nhập trung bình, những chung cư trung cấp, nhà ở cho công nhân.

PV: Nhiều khó khăn vẫn đang hiện hữu, nên doanh nghiệp và thị trường vẫn cần thêm những giải pháp khác, thưa ông?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Trước hết, các ngân hàng thương mại cần sàng lọc, loại trừ đầu cơ nhưng vẫn nên đảm bảo đáp ứng được nhu cầu vay mua nhà ở cho người dân. Họ đang khao khát nhà ở, nhưng room tín dụng đã hết, thì phải làm gì? Có thể Ngân hàng Nhà nước nên ban hành ngay chính sách cho vay bất động sản mới, phù hợp với tình hình mới, trong đó vấn đề thẩm định tài sản đảm bảo phải được quy định chặt chẽ theo các chuẩn mực mới. Một đề xuất của tôi cho chính sách tiền tệ là Ngân hàng Nhà nước hãy khẩn trương giúp Chính phủ thực hiện các gói hỗ trợ kinh tế, trong đó có gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp và 15.000 tỷ đồng cho người dân vay mua nhà ở xã hội.

Về dài hạn, thị trường bất động sản cần đi vào quy củ và tìm đến nguồn vốn bền vững. Việt Nam đã nghĩ đến chứng khoán hóa nhiều năm nhưng chưa thực hiện được vì pháp lý và các vấn đề tài sản đảm bảo có sự nhập nhằng, thiếu nhiều công cụ và điều kiện cho vấn đề chứng khoán hóa. Đã đến lúc Việt Nam cần quyết liệt hơn để đưa công cụ tài chính là chứng khoán hóa các món vay bất động sản vào thực tiễn.

Các ngân hàng cũng như công ty tài chính cho vay ở Mỹ cũng không có tiền cho vay mấy chục năm, nhưng tại sao người dân vẫn được vay mua nhà từ 10 - 30 năm với lãi suất tuyệt vời 5,5% ở thời điểm hiện tại, không thay đổi trong cả 30 năm? Đó là nhờ việc các ngân hàng đóng gói lại những món vay đó, bao gồm cả tài sản đảm bảo và phát hành chứng khoán dựa trên gói đó, sau đó bán cho Chính phủ, các hãng bảo hiểm và các nhà đầu tư dài hạn.

Ngoài ra, quỹ tín thác REIT cũng là kênh đáng tham khảo. Đây là công cụ rất tốt để các doanh nghiệp bất động sản nhận vốn từ các quỹ REIT, thế nhưng kênh vốn này đang khá èo uột ở Việt Nam. Một trong những nguyên nhân là người dân chưa quen với việc đầu tư qua trung gian, giao tiền cho một công ty tín thác để họ đầu tư giúp. Thay vào đó, họ thường mua luôn bất động sản hoặc cổ phiếu, trái phiếu của doanh nghiệp. Nhưng để hướng đến tương lai bền vững thì cơ quan quản lý và nhà đầu tư cũng nên thay đổi tư duy. Có vậy mới phát triển được những thị trường vốn mới.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Ngà - Hà Trang
Thế Công
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top