Aa

Thiết kế chung cư: An toàn phải đi trước thẩm mỹ

Thứ Năm, 03/08/2017 - 11:30

Theo Quy chuẩn xây dựng nhà cao tầng của Bộ Xây dựng, vấn đề an toàn cho trẻ em được đặc biệt quan tâm và chú trọng. Tuy nhiên, việc thiết kế xây dựng ban công, lô gia, cửa sổ ở các tòa nhà chưa đúng các tiêu chuẩn là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ tai nạn thương tâm ở các khu chung cư

Có quy định song làm chưa tới

Trong xây dựng chung cư, nhà ở có 3 dạng không gian để tiếp xúc với thiên nhiên bao gồm ban công (3 mặt tiếp xúc ngoài trời), lô gia (loại ban công có 1 mặt tiếp xúc ngoài trời) và terate (khoảng sân rộng trên tầng thượng).

Theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam số 05:2008 “Nhà ở và công trình công cộng - an toàn sinh mạng và sức khoẻ” do Bộ Xây dựng ban hành như nhà cao tầng từ tầng 6 trở lên không được làm ban công mà chỉ làm lô gia; với lan can chiều cao tối thiểu là 1,2m và không được để hở chân. Từ 9 tầng trở lên phải đảm bảo độ cao tối thiểu là 1,4m. Các tòa nhà cao từ 9 tầng trở lên, trong đó có chung cư, phải đảm bảo lan can chắn các cạnh trống của sàn, ban công, mái (bao gồm cả giếng trời và các lỗ mở khác) và các nơi có người đi lại, thậm chí cả ở ga-ra ôtô.

Đối với công trình có trẻ em dưới 5 tuổi sử dụng thì lan can phải cấu tạo không cho trẻ em dễ trèo qua và không có lỗ hổng đút lọt quả cầu đường kính 100mm. Với lan can hoặc logia được sử dụng bằng vật liệu kính là kính cường lực thì ở phía bên trên phải có thanh xà để chịu lực, đảm bảo chắc chắn, không có khe hở nào nhét lọt quả cầu đường kính 75mm, khó trèo qua để ngăn ngừa chống rơi ngã. Nếu sử dụng lan can sắt thì mỗi thanh sọc chỉ được cách nhau không quá 120 mm. Vì nếu vượt qua khoảng cách đó đầu của trẻ em có thể chui lọt qua được và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng trẻ.

Dù biết là ban công thấp, có kẽ hở, trẻ hoàn toàn dễ bị rơi xuống song vẫn chủ quan, không lắp đặt thêm thiết bị để rào chắn hoặc mức rào chắn quá lỏng lẻo

Dù biết là ban công thấp, có kẽ hở, trẻ hoàn toàn dễ bị rơi xuống song nhiều gia đình vẫn chủ quan, không lắp đặt thêm thiết bị để rào chắn.

Theo khảo sát, các lan can ban công ở các tòa nhà cao tầng đều được trang trí chậu hoa, cây cảnh nên dễ kích thích trẻ nhỏ chạy tới xem. Ngoài ra, cửa sổ cũng tiềm ẩn nguy hiểm khi chủ yếu cửa sổ được làm bằng kính, không có thanh sắt chắn ngang nên trẻ có thể nhoài người ra ngoài…Nguy hiểm hơn, hệ lan can được thiết kế phía dưới là tường kín, phía trên gắn thanh sắt ngang, mỗi thanh cách nhau 10cm nên trẻ dễ đu bám, trèo lên.

Mặc dù đã có quy chuẩn xây dựng, xong nhiều chuyên gia xây dựng cho rằng, có 2 nhóm nguyên nhân dẫn đến nguy cơ tai nạn cho trẻ nhỏ. Trong đó, do chủ đầu tư không thực hiện theo tiêu chuẩn, bỏ qua chi tiết, hoặc chỉ quan tâm tới lợi nhuận mà vấn đề an toàn. Bởi thế mới có tình trạng nhiều nhà cao tầng từ tầng thứ 10 trở lên vẫn có ban công bởi nếu xây lô gia, chủ đầu tư không tiết kiệm được diện tích. Bên cạnh quy chuẩn còn rất lỏng lẻo, sơ sài, chỉ mới quy định chiều cao của ban công, lô gia chứ chưa quy định cụ thể về thiết kế cửa sổ. Ngoài ra, do giám sát xây dựng chưa chặt chẽ từ cơ quan quản lý.

Cừa sổ ngoài hành lang thậm chí không có thanh chắn.

Cừa sổ ngoài hành lang của một tòa nhà chung cư thậm chí không có thanh chắn.

Giải pháp nào?

Nói đến giải pháp trong thiết kế nhà chung cư cao tầng để đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ, KTS Nguyễn Văn Trình, Công ty cổ phần thiết kế Kiến Trúc Kinh Bắc khuyến nghị: “Chiều cao về thiết kế ban công, lô gia, để đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ thì tối thiểu phải từ 1,2 m trở lên, tính từ sàn ban công. Trong trường hợp an toàn hơn thì nâng chiều cao lên 1,5m và phải thiết kế lan can an toàn, tránh tạo những điểm tựa, điểm có thể bấu víu để trẻ em không thể leo trèo. Tuy nhiên, với chiều cao 1,5m thì view về mặt kiến trúc không được đẹp nên thường thì nhiều hộ để đảm bảo an toàn cho con em sẽ dùng dây căng”.

Một số chuyên gia xây dựng cho rằng các chủ đầu tư nên dùng lưới an toàn ban công để phù hợp với tất cả các toà nhà, kể cả chung cư cao cấp. Chi phí lắp đặt lưới an toàn có giá bình dân, dao động từ 185.000 đồng - 200.000 đồng/m2. Phương pháp quây “chuồng cọp” thường chỉ áp dụng ở các chung cư, nhà tập thể, căn hộ cũ vì vừa có thể "cơi nới" thêm diện tích cho trẻ chơi, lại giúp gia đình tận dụng được chỗ phơi đồ. Tuy nhiên, tính thẩm mỹ của ngôi nhà sẽ bị mất đi, hơn nữa trong trường hợp cháy, nổ việc cứu hộ sẽ vô cùng khó khăn.

Bên cạnh đó, một số hộ cũng đã sử dụng hệ thống kính nhưng đều than phiền việc ngôi nhà giống như “thiếu khí” và chi phí cho kính cũng khá cao. Ngoài ra, tất cả hệ thống cửa sổ ở chung cư cao tầng nên làm hoa sắt. Các kiến trúc sư cần phải nghiên cứu thiết kế hoa sắt như thế nào để vừa an toàn cho trẻ nhỏ mà vẫn đảm bảo mỹ quan và an toàn.

 
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top