Aa

Thông tư 02, 03 của Ngân hàng Nhà nước giải quyết nhiều vấn đề cấp bách

Hà Thương
Hà Thương ngthuongreatimes@gmail.com
Thứ Tư, 26/04/2023 - 06:06

Theo đánh giá của chuyên gia, Thông tư 02 và Thông tư 03 cuả NHNN chỉ là những biện pháp mang tính “tình thế” nhưng rất quan trọng để xử lý những vấn đề cấp bách trong ngắn hạn, tránh rủi ro lan rộng.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành một số Thông tư liên quan tới các hoạt động của ngân hàng thương mại (NHTM) và trái phiếu doanh nghiệp. 

Cụ thể, ngày 23/4, NHNN đã ban hành Thông tư số 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. 

Theo đó, NHNN cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ với một số khách vay, tối đa 12 tháng. Điều kiện áp dụng là các khách hàng gặp khó trong hoạt động sản xuất kinh doanh và khách hàng khó trả nợ khoản vay phục vụ đời sống, tiêu dùng. Các khoản vay được cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là các khoản cho vay và cho thuê tài chính.

Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng được thực hiện từ nay đến hết 30/6/2024. Các khách hàng diện này cũng được giữ nguyên nhóm nợ (không nhảy nhóm nợ).

Các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được toàn quyền xem xét, đánh giá khó khăn của khách hàng để quyết định việc cơ cấu nợ. Thời gian cơ cấu không vượt quá 12 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn. 

Sau khi cơ cấu, các ngân hàng sẽ phải trích lập dự phòng rủi ro theo lộ trình. Trong đó, dự phòng phải trích bổ sung với các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn được thực hiện theo hai giai đoạn, tối thiểu 50% vào ngày 31/12/2023 và trích dự phòng thêm cho đủ 100% cuối năm 2024.

Cũng trong ngày 23/4, NHNN đã ban hành thêm Thông tư số 03/2023/TT-NHNN quy định ngưng hiệu lực thi hành khoản 11 Điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN ngày 10 tháng 11 năm 2021 quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp. Điều này đồng nghĩa với việc, NHNN cho phép các NHTM được phép mua "quay vòng" trái phiếu doanh nghiệp. 

Theo khẳng định của NHNN, việc ban hành Thông tư số 03 nhằm góp phần gia tăng thanh khoản, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong tình hình khó khăn hiện nay theo chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đánh giá về sự ra đời của hai Thông tư nói trên, chia sẻ với Reatimes, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (CSI) cho rằng, đây là hai Thông tư quan trọng góp phần hỗ trợ hệ thống ngân hàng, doanh nghiệp xử lý các vấn đề cấp bách trước mắt có liên quan tới sức khoẻ tài chính của ngân hang, doanh nghiệp và người dân. 

Sự ra đời của hai Thông tư sẽ giúp các bên có thêm thời gian để chờ đợi tình hình kinh tế sẽ cải thiện trong tương lai, để các bên có thể cơ cấu tài chính, điều chỉnh hoạt động kinh doanh và kỳ vọng hồi phục doanh thu, lợi nhuận, tăng nặng lực tài chính và khả năng trả nợ trong tương lai.

Đỗ Bảo Ngọc
Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (CSI).

Phân tích cụ thể, ông Ngọc cho biết, bối cảnh trước khi ban hành Thông tư 02 ghi nhận thực tế nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, tổng cầu suy giảm khiến nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoạt động, doanh thu và lợi nhuận sụt giảm nghiêm trọng ảnh hưởng đến khả năng trả nợ gốc và lãi vay ngân hàng. 

Vì vậy, nếu không có biện pháp hỗ trợ thì doanh nghiệp sẽ phát sinh nợ xấu do bị chuyển nhóm nợ, không đủ điều kiện tiếp tục vay vốn mới dẫn tới khả năng hồi phục thấp. Trong đó, nhóm doanh nghiệp bất động sản có thể là nhóm rủi ro nhất vì có dư nợ lớn tại các NHTM. 

Với các NHTM, nhóm đối tượng này cũng sẽ đối mặt với nợ xấu gia tăng, ảnh hưởng tới khả năng cho vay do các chỉ tiêu an toàn tài chính giảm, bị giới hạn room cho vay và giới hạn hoạt động đầu tư theo quy định. 

"Đó là lý do để khẳng định, sự ra đời cuả Thông tư 02 sẽ tạo ra cơ sở pháp lý giúp doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản được giãn nợ, có thêm thời gian tối đa 12 tháng để cơ cấu tài chính, chờ đợi thị trường cải thiện nhu cầu và có cơ hội hồi phục hoạt động sản xuất kinh doanh trong tương lai. NHTM cũng có cơ hội cơ cấu thời hạn trả nợ tránh được việc phát sinh nhiều nợ xấu lên mức cao, tránh được rủi ro bị hạn chế tín dụng và hạn chế đầu tư theo quy định", ông Ngọc nói. 

"Trong điều kiện nền kinh tế còn nhiều áp lực từ bên ngoài và những vấn đề nội tại từ bên trong, việc tìm giải pháp giải quyết nhiều khúc mắc trong nền kinh tế là chưa khả thi thì những biện pháp mang tính "tình thế" cũng là một lựa chọn để xử lý những vấn đề cấp bách trong ngắn hạn, tránh rủi ro lan rộng khiến tình hình chung thêm căng thẳng và khó xử lý hơn khi các thành phần kinh tế tổn thương lớn, khó hồi phục trở lại".

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc CSI

Đối với Thông tư số 03, bối cảnh trước khi ban hành đã ghi nhận thực tế có nhiều sai phạm của một số doanh nghiệp lớn trong phát hành trái phiếu khiến nhu cầu rút vốn đến hạn và trước hạn với các sản phẩm trái phiếu tăng cao, trong khi đó ngân hàng thương mại lại bị giới hạn khả năng mua lại trái phiếu theo quy định, dẫn tới tình trạng mất thanh khoản trên thị trường trái phiếu, nhu cầu mua trái phiếu của cá nhân và tổ chức hiện nay rất thấp.

Chính vì vậy, sự ra đời của Thông tư 03 sẽ mở ra khả năng mua lại trái phiếu cho các NHTM, giúp tăng thanh khoản cho thị trường trái phiếu vốn đang cạn cầu hiện nay. 

Cụ thể, các NHTM có thể mua lại trái phiếu đã phát hành trước đó để thanh khoản (trả nợ) cho cá nhân/ tổ chức có nhu cầu rút vốn trái phiếu đến hạn và trước hạn. NHTM cũng có thể tiếp tục mua trái phiếu của doanh nghiệp phát hành qua đó cấp tín dụng cho doanh nghiệp, trong đó, nhóm doanh nghiệp bất động sản chiếm tỷ trọng cao), ở khía cạnh này thì các đối tác lâu năm của ngân hàng sẽ được ưu tiên và không ngoài trừ cả các trưởng hợp đảo nợ cho khách cũ để tránh phát sinh nợ xấu ngân hàng khi doanh nghiệp không thể thanh toán được nợ trái phiếu đến hạn.

"Tinh thần của hai Thông tư này khá giống với tinh thần của Nghị định 08/2023/NĐ-CP nhằm tạo điều kiện để tổ chức phát hành trái phiếu và trái chủ có thể thoả thuận gia hạn thời hạn trái phiếu đến hạn hoặc đã quá hạn mà tổ chức phát hành chưa thể thanh toán gốc và lãi vay của trái phiếu; bổ sung thêm cơ chế hoán đổi tài sản để thanh toán gốc và lãi trái phiếu để các bên đàm phán đi đến thống nhất nhằm giải quyết vẫn để thanh khoản trái phiếu thời gian qua.

Việc sửa luật nhằm tránh thực tế vỡ nợ hàng loạt có thể xảy ra, ảnh hưởng tiêu cực hơn tới bức tranh kinh tế trong nước vốn đang ảm đạm có vai trò cực kỳ lớn", ông Đỗ Bảo Ngọc đánh giá. 

Cũng theo vị chuyên gia, trong điều kiện nền kinh tế còn nhiều áp lực từ bên ngoài và những vấn đề nội tại từ bên trong, việc tìm giải pháp giải quyết nhiều khúc mắc trong nền kinh tế là chưa khả thi thì những biện pháp mang tính "tình thế" cũng là một lựa chọn để xử lý những vấn đề cấp bách trong ngắn hạn, tránh rủi ro lan rộng khiến tình hình chung thêm căng thẳng và khó xử lý hơn khi các thành phần kinh tế tổn thương lớn, khó hồi phục trở lại./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top