Theo ông Tuyển, thu hút FDI hiện nay là rất tốt rồi, nhưng trong thời kỳ thế giới phẳng còn rất nhiều vấn đề được đặt ra. Ngoài tổng vốn đầu tư của FDI chúng ta cần có sự quan tâm về doanh nghiệp vừa và nhỏ, giá trị vô lượng.
Cụ thể, hiện nay Ba Lan là khu công nghiệp chế biến thực phẩm rất tốt, muốn về Việt Nam để tìm đối tác, để kết hợp thế mạnh với nhau bằng cách trao đổi công nghệ, tuy nhiên, đến hiện nay vẫn chưa làm được.
“Để phát triển FDI trong thời gian tới có lẽ nên dựa vào đội ngũ Việt kiều đang sinh sống ở các nước, tận dụng dòng máu yêu tổ quốc chảy trong những người Việt kiều xa xứ”, ông Tuyển chia sẻ.
Bên cạnh đó, ông Tuyển cho rằng, FDI trong thời gian tới cũng cần chú trọng vào công nghiệp không khói và công nghiệp 4.0, cùng với đó coi trọng chất lượng nguồn vốn, chất xám chứ không nên chỉ coi trọng con số định lượng bao nhiêu triệu USD.
“Cần phải thấy vai trò của Việt kiều có thể là lôi kéo người nổi tiếng về, họ muốn nhờ những người Việt kiều đi trước để mua lại những dự án có tính pháp lý tốt. Chúng ta chưa thống nhất về quy chế, có một việc mà người này bảo đúng, người kia bảo sai.
Lợi thế nước nào cũng có, cần thay đổi ở chúng ta, tiền trong túi họ của họ, tiền đầu tư ra là của họ. Vấn đề là làm thế nào để họ đầu tư vào Việt Nam chúng ta”, ông Tuyển nói.
Còn theo bà Hương Vũ, Phó tổng giám đốc Công ty Kiểm toán Ernst & Young cho rằng: “Chính sách đối với đầu tư luôn đổi mới, Thủ tướng, các bộ ngành đã vào cuộc và đưa ra các chính sách như Nghị quyết 35, làm sao để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, phải trực tiếp ngồi cùng doanh nghiệp mới thấy họ khó khăn như thế nào. Vấn đề thực thi chính sách của chúng ta quá nhẫn tâm”.
Cụ thể, bà Hương cho biết có trường hợp doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam khi nhập khẩu phải trả thuế nhập khẩu, trung tâm phân tích đưa ra mã số khác nhau, dẫn đến mức thuế khác nhau. Sau đó, đoàn kiểm tra vào và bác bỏ toàn bộ kết luận trước đó, đồng thời áp mức thuế suất 10% và nếu không nộp sẽ đình hàng tại cảng không cho kinh doanh. Doanh nghiệp buộc phải nộp thuế và đi kêu cứu cơ quan chức năng.
“Sau hơn 1 năm, thậm chí 2 năm, Tổng cục Hải quan kết luận doanh nghiệp đúng. Lúc đó, lượng thuế tồn đọng 1-2 năm, ai sẽ trả lãi?”, bà Hương đặt câu hỏi.
Lãnh đạo Công ty Kiểm toán Ernst & Young cho rằng, chính sách đưa ra đã tìm mọi cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đâu đó, cố gắng phù hợp với thông lệ quốc tế nhưng cần phải xem xét lại việc thực thi.
Phải thừa nhận rằng, các nhà đầu tư nước ngoài thấy môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam hấp dẫn. Tiếp xúc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với các bộ, tiếp xúc với các chính sách, họ có nhiều kỳ vọng.
Tuy nhiên, lấy dẫn chứng từ việc đồng hành cùng nhà đầu tư vào khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc, bà Hương cho còn đang có nhiều vướng mắc. “Theo chính sách, đầu tư 200 triệu USD vào khu công nghệ này thì được hưởng ưu đãi. Tôi đồng hành cùng nhà đầu tư tìm ra công thức tính tổng số vốn đầu tư nhưng đến nay chưa có giải đáp. Vấn đề tổng số vốn đầu tư vốn góp cộng vốn vay trong bao nhiêu năm vẫn chưa có câu trả lời. Nghị định đưa ra nhưng chưa có thông tư hướng dẫn. Khi đưa ra những điều kiện thu hút, theo tôi, cần có tiêu chí đánh giá để các nhà đầu tư không bị sốc khi các cơ quan chức năng đến kiểm tra.
Thực tế, khi nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cách đây 15 năm, cơ quan cấp phép, sau khi rà soát các chính sách, ghi rõ ưu đãi đầu tư như thế nào. Tuy nhiên, khi thanh kiểm tra, cơ quan thuế lại cho rằng ưu đãi đưa ra như vậy là hơi tốt hơn so với thực tế lúc bấy giờ. Doanh nghiệp ngã ngửa vì họ coi giấy phép đầu tư mang tính pháp lý cao nhất”, bà Hương cho biết.
Ông Nguyễn Công Ái, Phó Tổng giám đốc Công ty Kiểm toán quốc tế KPMG khẳng định: "Không nên coi nhẹ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thu hút FDI".
Ngoài các khía cạnh về mặt con số, chúng ta cần đánh giá đầu tư nước ngoài về chất lượng, lan tỏa và ảnh hưởng tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ. “Trước khi nghĩ đến chuyện định hướng thì phải nghĩ làm sao để thu hút trước đã. Hiện nay, đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài từ Hàn Quốc, Nhật Bản nhưng chưa có nhiều nhà đầu tư từ Mỹ, châu Âu".
Theo ông Ái, hiện Nhật Bản vẫn đầu tư vào các dự án công nghệ hiện đại mặc dù quy mô nhỏ nhưng vẫn chất lượng. Đầu tư vào dịch vụ và giáo dục cũng vậy dù quy mô nhỏ nhưng vẫn tốt. “Không chỉ xem xét về số tiền, quy mô vốn đầu tư mà cần xem xét đóng góp của dự án đầu tư vào nền kinh tế. Đóng góp vào ngành phát triển thời trang chẳng hạn không cần đầu tư lớn nhưng rất cần đối với Việt Nam”, ông Ái nói.