Aa

Thu hút vốn FDI, không bỏ lỡ dòng vốn chất lượng cao

Thứ Hai, 04/04/2022 - 06:35

Chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc của Việt Nam theo hướng giảm số lượng, tăng về chất lượng, loại bỏ dự án quy mô nhỏ, ít giá trị gia tăng đã bắt đầu phát huy tác dụng.

Nhà đầu tư ngoại vẫn mở rộng đầu tư tại Việt Nam

Trong 3 tháng đầu năm 2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 8,91 tỷ USD, bằng 87,9% so với cùng kỳ năm 2021. Lý giải nguyên nhân của sự sụt giảm vốn đăng ký cấp mới, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê, Công nghiệp và Xây dựng (Tổng cục Thống kê) Phí Thị Hương Nga cho biết, nếu phân tích chi tiết thì mức giảm trên vẫn thể hiện được yếu tố tích cực trong xu hướng thu hút đầu tư.

Trong quý I/2022, số dự án cấp mới tăng 37,6%; số lượt dự án điều chỉnh tăng vốn tăng 41,6%; số lượt dự án góp vốn, mua phần tương đương quý I/2021. Điều này chứng tỏ các nhà đầu tư nước ngoài đã coi Việt Nam là điểm đến an toàn, thể hiện niềm tin về môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam, khi Việt Nam kiểm soát tốt dịch Covid-19, nền kinh tế đang phục hồi và tăng trưởng trở lại trong trạng thái bình thường mới.

Về số vốn đăng ký trong quý I/2022, vốn đăng ký FDI giảm 12,3% so cùng kỳ, bao gồm: Đăng ký cấp mới giảm 54,5%; được so sánh trên nền tăng cao vì yếu tố đột biến của cùng kỳ năm ngoái với 2 dự án tỷ đô đăng ký mới cùng tổng số vốn đăng ký đạt 4,41 tỷ USD. "Nếu loại trừ yếu tố đột biến trong quý I/2021 thì vốn đăng ký cấp mới quý I/2022 vẫn tăng 14,2% so cùng kỳ, và tính chung vốn đăng ký FDI quý 1/2022 tăng 55,7% so cùng kỳ", bà Hương Nga cho hay.

Trong khi đó, theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), mặc dù vốn đầu tư đăng ký mới giảm khá mạnh, kéo theo làm giảm tổng vốn đầu tư trong 3 tháng, song số lượng dự án đầu tư mới vẫn tiếp tục tăng (37,6%). Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 3 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt 4,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, đây là mức vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài thực hiện cao nhất trong 5 năm qua.

Cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài, sự suy giảm dự án đầu tư mới chủ yếu tập trung vào nhóm quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc của Việt Nam theo hướng giảm số lượng, tăng về chất lượng, loại bỏ dự án quy mô nhỏ, ít giá trị gia tăng bắt đầu phát huy tác dụng.

Tỷ lệ vốn FDI vào ngành nghề nguy cơ ô nhiễm cao, công nghệ lạc hậu như dệt nhuộm đã giảm dần. Không chỉ tăng về số lượng, dòng vốn FDI vào Việt Nam còn xuất hiện dự án chất lượng cao, xu hướng xanh, sử dụng năng lượng tái tạo.

Tiêu biểu như, Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty liên doanh TNHH Khu Công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) xây dựng nhà máy mới tại Việt Nam. Đây là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của LEGO và có phần đầu tư cho sản xuất năng lượng mặt trời, bảo đảm không bị ô nhiễm môi trường, khói bụi và chất thải.

Dự án quy mô đầu tư hơn 1 tỷ USD ở khu đất rộng 44ha, thuộc tỉnh Bình Dương, mang đến 4.000 cơ hội việc làm trong vòng 15 năm tới. Dự kiến, nhà máy được khởi công nửa cuối năm 2022 và hoạt động trong năm 2024. Ngoài các dự án cấp mới, nhiều dự án sản xuất, chế tạo các sản phẩm điện tử, công nghệ cao được mở rộng vốn với quy mô lớn trong 3 tháng đầu năm.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong quý I/2022, còn có 228 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 41,6% so với cùng kỳ), với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 4,06 tỷ USD (tăng 93,3% so với cùng kỳ). Đây là phần mở rộng vốn bổ sung của nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam thể hiện niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài tăng lên. Cùng với đó, có 734 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (bằng 100% so với cùng kỳ), với tổng giá trị vốn góp đạt trên 1,63 tỷ USD (tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ).

Nhà đầu tư nước ngoài vẫn mở rộng vốn tại Việt Nam. Ảnh minh hoạ, nguồn Internet

Thu hút hiệu quả dòng vốn chất lượng cao

Dù có những tác động bất lợi từ đại dịch Covid-19, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đặt niềm tin vào nền kinh tế, vào môi trường đầu tư của Việt Nam trong bối cảnh bình thường mới và đưa ra các quyết định đầu tư mới cũng như mở rộng đầu tư hiện hữu.

Phó Giám đốc Savills Việt Nam John Campbell tin tưởng, bên cạnh việc mở cửa trở lại, sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ Việt Nam dành cho các nhà đầu tư nước ngoài cũng như khả năng phục hồi và thích ứng của doanh nghiệp cho thấy một tương lai đầy hứa hẹn. Việt Nam vẫn tiếp tục là điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn và tiềm năng đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng và bất động sản các khu công nghiệp. Đặc biệt, Việt Nam đã đầu tư và đưa vào sử dụng hàng nghìn km đường cao tốc liên vùng, giúp thúc đẩy sự giao lưu kinh tế - văn hóa thuận tiện giữa các địa phương trong nước.

Trong quý I/2022, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 5,3 tỷ USD, chiếm 59,5% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư gần 2,7 tỷ USD, chiếm 30,3% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Trong thời gian gần đây, liên tục có những khoản đầu tư trị giá hàng tỷ USD vào các dự án hạ tầng khu công nghiệp trên cả nước. Chẳng hạn, Gaw NP Industrial đã khởi công dự án nhà máy xây sẵn (RBF) rộng 16 ha tại Trung tâm Công nghiệp GNP Yên Bình 2. Khu công nghiệp Việt Nam cũng đã khởi công dự án nhà xưởng và nhà kho tại Khu công nghiệp Phú An Thạnh (tỉnh Long An), với quy mô 13,4ha...

Trong khi đó, Logos và Manulife Investment Management hồi tháng 2/2022 đã lập liên doanh để mua lại một khu nhà xưởng logistics hiện đại, xây theo yêu cầu có tổng diện tích 116.000m2 với giá trị đầu tư lên đến 80 triệu USD. CapitaLand Development cũng đã ký biên bản ghi nhớ đầu tư 1 tỷ USD với tỉnh Bắc Giang để phát triển khu công nghiệp, khu hậu cần và khu đô thị.

Sau đại dịch, hầu hết các tỉnh, thành của Việt Nam đang mở hết tốc lực để “chạy đua” tìm kiếm những đối tác lớn tới với địa phương mình. Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn không ngừng chảy, dù có chậm hơn so với thời điểm trước dịch Covid-19. Nhưng chắc chắn triển vọng thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong năm 2022 và các năm tiếp theo sẽ tích cực.

“Sẽ có nhiều dự án quy mô lớn, chất lượng cao của các tập đoàn hàng đầu thế giới đến với Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nói.

Trong thời gian tới, những dự án FDI, tận dụng các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết, hứa hẹn tiếp tục vào Việt Nam trong thời gian tới. Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, việc mở cửa du lịch từ ngày 15/3, cùng với chính sách miễn thị thực cho một số quốc gia; xu hướng dịch chuyển vốn của các nhà đầu tư châu Âu do ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine cũng sẽ tác động tới thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian tới.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top