Aa

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Phải giữ bản lĩnh doanh nhân Việt Nam”

Chủ Nhật, 10/05/2020 - 05:55

Tại Hội nghị trực tuyến với doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu doanh nghiệp thực hiện 3 "giữ": giữ thị trường, giữ lao động và giữ danh dự, bản lĩnh doanh nhân Việt Nam.

Doanh nghiệp là lực lượng chủ chốt trên mặt trận kinh tế từ tăng trưởng, giải quyết việc làm, đóng góp ngân sách, áp dụng tiến bộ kỹ thuật. Đó là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến với doanh nghiệp “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế”. 

Theo đó, Thủ tướng nhấn mạnh: "Covid là đại dịch, nhưng là cơ hội phát triển của Việt Nam nếu biết tổ chức quản lý nhà nước tốt, kinh doanh tốt và hợp tác tốt". 

Người đứng đầu Chính phủ đã đưa ra 3 yêu cầu đối với các doanh nghiệp. 

Một, các doanh nghiệp không được trông chờ, ỷ lại trong phát triển. 

Hai, doanh nghiệp phải được tái cơ cấu, nâng cao quản trị để phát triển bền vững. 

Ba, các cấp các ngành, đặc biệt là doanh nghiệp áp dụng mạnh mẽ kỹ thuật khoa học công nghệ, nhất là cách mạng 4.0 trong phát triển để nâng cao năng suất.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Trên tinh thần có rất nhiều ý kiến đóng góp, kiến nghị được gửi về các kênh tiếp nhận thông tin và ngay tại Hội nghị, Thủ tướng yêu cầu Chính phủ, các cơ quan liên quan lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các đại biểu, các nhà đầu tư, các hiệp hội… cùng xây dựng Nghị quyết tốt nhất, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, các bộ ngành, địa phương có chương trình hành động cụ thể tháo gỡ khó khăn cụ thể ở địa phương mình, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Cải thiện từ kiểm soát, tăng cường hậu kiểm, làm nhanh các thủ tục tháo gỡ cho doanh nghiệp.

Thủ tướng cũng yêu cầu phải quan tâm đến doanh nghiệp và người lao động yếu thế, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa bị tác động lớn. Theo Thủ tướng, nơi đây giải quyết việc làm cho lượng lớn lao động.

Thủ tướng yêu cầu doanh nghiệp phải giữ cho được 3 điều: Giữ lao động; Giữ thị trường và phát triển thị trường, gồm thị trường trong nước và thị trường quốc tế mà Việt Nam đã “dày công” đàm phán thời gian qua; Giữ danh dự, bản lĩnh doanh nhân Việt Nam.

Một số vấn đề lớn mà Thủ tướng lưu ý các cơ quan Nhà nước là cần tạo môi trường tốt cho doanh nghiệp, hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp cả chính sách, tiền tệ và tài khóa, giảm lãi suất, chi phí.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, các cơ quan Nhà nước phải quan tâm xử lý kiến nghị của doanh nghiệp một cách nhanh và thuận lợi hơn, không “đổ qua đổ lại”, làm chậm thời cơ kinh doanh của doanh nghiệp.

Các cơ quan tố tụng, thanh tra, điều tra, kiểm toán… trên tinh thần không hình sự hóa quan hệ kinh tế dân sự nếu có phương án khắc phục vi phạm. “Điều này tạo môi trường tốt lắm đó các đồng chí. Kiểm tra, thanh tra nhiều quá cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp”, Thủ tướng phân tích.

Thủ tướng cũng yêu cầu nâng cao đạo đức công vụ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho phát triển, chủ động tìm nguồn lực cho phát triển hạ tầng, phát triển logistics để giảm chi phí cho doanh nghiệp. Nhà nước và doanh nghiệp phối hợp đào tạo lại lao động, đào tạo nguồn nhân lực.

Các hiệp hội ngành hàng có nhiều vai trò, tập hợp thông tin tiến bộ khoa học kỹ thuật, quản lý để áp dụng nhanh vào doanh nghiệp.

"Những vấn đề như vậy sẽ được chúng tôi quan tâm xử lý tích cực trong thời gian tới", Thủ tướng khẳng định. Thủ tướng nhắc lại thông điệp, "lửa thử vàng gian nan thử sức", "khó khăn 2 ta càng cố gắng 3". 

"Chúng ta cùng đoàn kết, cùng quyết tâm, cùng nhau lập thành tích, hoàn thành nhiệm vụ cao nhất trong năm nay và các năm tiếp theo, đóng góp vào sự phát triển dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh", Thủ tướng nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top