Aa

Thủ tướng nói về chế tài quản lý tiền ảo

Ngọc Quang
Ngọc Quang ngocquangbc@gmail.com
Thứ Hai, 24/10/2022 - 19:19

Thủ tướng nêu rõ: "Mình chưa công nhận tiền ảo nhưng trên thực tế có giao dịch. Khi chưa được pháp luật công nhận thì phải có cách xử lý thế nào cho phù hợp".

Theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) có bố cục gồm 4 Chương, 65 Điều quy định về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống rửa tiền; hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền; việc phòng, chống hành vi rửa tiền của các tổ chức, cá nhân có mục đích tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt được thực hiện theo quy định của Luật này, quy định của pháp luật hình sự và pháp luật về phòng, chống khủng bố, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Qua thảo luận, các đại biểu nhất trí sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 với các lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ,  nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng và Nhà nước; đáp ứng yêu cầu hội nhập, thực hiện các điều ước, cam kết quốc tế, khắc phục những bất cập của luật hiện hành; bảo đảm an ninh, an toàn tài chính, tiền tệ quốc gia; góp phần đẩy mạnh và tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…; cho rằng hồ sơ dự án Luật đã được Cơ quan soạn thảo chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, đầy đủ, đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; bố cục của dự thảo Luật tương đối rõ ràng và thể hiện toàn diện nội dung, tuy nhiên đề nghị tiếp tục rà soát, luật hóa tối đa các quy định của văn bản dưới luật đã được kiểm nghiệm và áp dụng ổn định trong thực tiễn thời gian qua; hoàn thiện đồng bộ dự thảo các văn bản hướng dẫn, bảo đảm hiệu lực thi hành của Luật sau khi được ban hành.

Góp ý về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) tại tổ chiều nay, các đại biểu nhấn mạnh tính chất của hoạt động rửa tiền rất đặc thù. Vì vậy, việc xây dựng các quy định về phòng ngừa có ý nghĩa, vai trò rất quan trọng. Trong quá trình thiết kế luật, chúng ta cần quy định để phòng ngừa chính, như vậy là đã ngăn chặn các hành vi rửa tiền và giảm tối đa các khả năng, các hành vi vi phạm có thể xảy ra. Các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật cần tập trung quy định đầy đủ các nội dung để phòng ngừa hoạt động rửa tiền với những quy định rõ ràng, chặt chẽ, không tạo ra kẽ hở nhưng không tạo ra sự lạm dụng trong quá trình thực thi.

Dự thảo sửa đổi Luật phòng, chống rửa tiền nhận được nhều ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội. Ảnh: Ngọc Thành

Liên quan đến quy định về trì hoãn giao dịch tại Điều 44, đại biểu Quốc hội Trần Tuấn Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa cho rằng, Ban soạn thảo cần phải làm rõ cơ sở hợp lý để nghi ngờ và trì hoãn giao dịch, nếu không sẽ mang cảm tính và rất dễ bị lạm dụng. Tốt nhất nên quy định cụ thể ngay trong dự thảo luật để bảo đảm không hạn chế quyền con người và đồng thời phù hợp với Hiến pháp 2013.  

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng cần có những quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, trách nhiệm, điều kiện trì hoãn giao dịch, phong tỏa tài khoản, niêm phong và phong tỏa, tạm giữ tài sản để đảm bảo minh bạch, rõ ràng và tránh lạm quyền.

Liên quan đến nội dung về báo cáo giao dịch đáng ngờ, các đại biểu cho rằng, trên thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế, dự thảo Luật nên có những quy định mô tả và xác minh rõ hành vi có dấu hiệu bất thường. Cho rằng, các quy định trong dự thảo Luật còn mang tính định tính quá nhiều, các đại biểu đề nghị, dự thảo Luật cần phải làm rõ như thế nào thì sẽ coi là “bất thường”, chúng ta phải có tiêu chí để xác định.

Đề cập đến vấn đề liên quan đến tiền điện tử, đại biểu Quốc hội Trần Tuấn Anh nêu rõ, đây là khái niệm chưa có trong các quy định pháp luật của chúng ta. Nhưng thực tế, trong hoạt động thực tế của kinh tế thế giới, rất nhiều quốc gia đã nhìn nhận và công nhận vai trò của tiền điện tử và thậm chí có cả những quy định cụ thể của pháp luật để điều chỉnh và đảm bảo cái vai trò của đồng tiền điện tử. Tuy nhiên đây là khái niệm rất mới, do vậy dự thảo Luật cần phải định nghĩa và quy định thật cụ thể về nội dung này.

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, cũng cần nghiên cứu để quy định một số nội dung có liên quan đến tiền điện tử theo hướng kiểm soát được hành vi rửa tiền từ các đối tượng có yếu tố nước ngoài, nhất là đối với những quốc gia, vùng lãnh thổ, quản lý kinh tế đã  có công nhận pháp lý với tiền điện tử, tuy nhiên cũng cần dựa trên cơ sở căn cứ pháp luật trong nước để đảm bảo cái tính khả thi và tương thích.

Ngoài ra, về công tác phòng, chống rửa tiền, các đại biểu Quốc hội cho rằng, chúng ta đang hội nhập sâu rộng với các hoạt động giao dịch xuyên biên giới, dự thảo luật nên rà soát, bổ sung để chặt chẽ hơn về kết nối giữa các cơ sở dữ liệu để đảm bảo sự chia sẻ, phục vụ mục đích xác minh thông tin.

Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (đoàn Hưng Yên) nêu ý kiến, dự thảo Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi) quy định nhiều biện pháp phòng, chống, liên quan quyền nghĩa vụ của các tổ chức doanh nghiệp, tổ chức tài chính, nên cần rà soát cho chặt chẽ, kể cả quyền, nghĩa vụ các doanh nghiệp, tổ chức tài chính, có cơ chế kiểm tra giám sát nhưng không gây khó dễ, lạm dụng khi thi hành pháp luật, nếu không có khe hở để lách hoặc lợi dụng trục lợi chính sách.

Cũng theo bà Mai, Khoản 2 điều 18 còn chung chung đối tượng báo cáo sử dụng công nghệ mới. Luật nên quy định cụ thể “cần thiết” là gì, doanh nghiệp áp dụng thế nào? Hay Điều 25 quy định trách nhiệm báo cáo nhưng không quy định sau báo cáo thời hạn phản hồi thế nào? Quy định chưa thật rõ ràng, cần cụ thể hơn, không mang tính hình thức.

Đại biểu Đào Hồng Vận (đoàn Hưng Yên) băn khoăn khi dự thảo không đề cập đến tiền ảo, tiền kỹ thuật số. Hiện chúng ta chưa công nhận nhưng thực tế vẫn có giao dịch và nếu không quan tâm sẽ tạo ra kẽ hở cho tội phạm rửa tiền.

“Lý do trình dự án luật là tiền ảo chưa được chấp nhận nên luật này chưa đề cập, tuy nhiên theo tôi cần nghiên cứu quy định. Người ta chuyển tiền bằng cách dùng tiền thật mua tiền ảo rồi ra nước ngoài bán tiền ảo lấy tiền thật mà Nhà nước không quản lý là không được”, ông Vận đề nghị nên đề cập trong luật này để quản lý.

Đại biểu Trình Lam Sinh (đoàn An Giang) cũng lưu ý, ngoài giao dịch bằng tiền mặt, vàng, ngoại tệ thì thực tế còn rất nhiều loại giao dịch khác: “Tôi đề nghị bổ sung thêm một loại nữa là tiền ảo. Tiền ảo hiện nay pháp luật Việt Nam chưa chấp nhận, đồng ý, nhưng thực tế có giao dịch rất nhiều. Và cũng rất nhiều người tham gia hoạt động đó là sàn tiền ảo, như vậy đây là  nơi có thể trở thành điểm rửa tiền nhiều nhất”.

Cho rằng tài sản số, tài sản ảo chưa cập nhật được hết, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) lấy ví dụ: “Tôi mua bức tranh 20.000 USD, ông hoạ sỹ không gửi bức tranh cho tôi mà gửi tài sản được số hoá, mã hoá cho tôi. Cái này cũng giống như tiền ảo và bức tranh này chỉ tôi sở hữu thôi. Đây là một loại mới bắt đầu phát triển, nó có thể giá trị rất cao, người ta có thể dùng nó để rửa tiền. Như vậy, nếu mình chỉ mới đề cập đến tiền ảo, tiền kỹ thuật số thì chưa bao quát hết. Chính vì chưa cập nhật được biến động của thế giới số, kinh tế số, tài chính số trên thế giới thì nên nghiên cứu thêm cho kỹ, để bảo đảm được mục tiêu phòng chống rửa tiền”.

Thảo luận tại tổ chiều nay, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (đoàn Cần Thơ) cũng nêu rõ, tiền ảo hiện nay ở Việt Nam chưa công nhận nhưng thực tế như nhiều đại biểu nói là vẫn có sử dụng, vậy tính toán thế nào cho phù hợp? Thảo luận ở Chính phủ cũng có hai loại ý kiến, nhưng cuối cùng thống nhất tiền ảo chưa công nhận thì luật này chưa công nhận, nhưng trên thự tế cần chế tài xử lý không?

“Tôi cũng rất sốt ruột chỗ này. Mình chưa công nhận tiền ảo nhưng trên thực tế có giao dịch. Khi chưa được pháp luật công nhận thì phải có cách xử lý thế nào cho phù hợp”, Thủ tướng nhấn mạnh và nêu yêu cầu nên giao Chính phủ quy định để đáp ứng phù hợp với thực tế thay đổi rất nhanh.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top