Aa

Đối thoại với công nhân, Thủ tướng khẳng định “an cư thì mới lạc nghiệp“

Chủ Nhật, 12/06/2022 - 16:50

Buổi đối thoại với công nhân do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì, diễn ra sáng 12/6, đã dành nhiều thời gian thảo luận về vấn đề nhà ở.

Buổi đối thoại thu hút 4.500 công nhân lao động tại điểm cầu chính tỉnh Bắc Giang cùng 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố. Cùng tham dự còn có các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và một số bộ, ban ngành, văn phòng chính phủ và đại diện một số tập đoàn kinh tế, hiệp hội ngành nghề, lãnh đạo tỉnh, thành phố…

Đây là hoạt động trong chủ đề Công nhân Việt Nam với khát vọng phát triển đất nước. Tại buổi đối thoại, nhiều tâm tư, nguyện vọng kiến nghị, đề xuất những vấn đề liên quan đến nhà ở cho công nhân đã được người đứng đầu Chính phủ lắng nghe, chỉ đạo các ngành và địa phương khẩn trương triển khai các kế hoạch đáp ứng nguyện vọng "an cư lạc nghiệp" của người lao động.

Nhu cầu nhà ở lớn nhưng chưa được đáp ứng

Theo số liệu của Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam hiện có 260 khu công nghiệp đang hoạt động, 75 khu công nghiệp đang được quy hoạch với trên 16 triệu công nhân, tạo ra trên 60% tổng sản phẩm trong nước và đóng góp 70% ngân sách. Mặc dù Chính phủ đã có nhiều chương trình hỗ trợ tích cực, hiệu quả nhưng nhiều công nhân, lao động nhập cư phải thuê nhà trọ dân sinh để “ngủ qua đêm” chứ không được an cư hay tái tạo sức lực.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi đối thoại với công nhân tại Bắc Giang sáng 12/6. (Nguồn: VGP)

Tại điểm cầu chính Bắc Giang, ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang cho biết từ nay đến năm 2030, Bắc Giang sẽ trở thành vùng trọng điểm công nghiệp, là cực tăng trưởng cùng Thái nguyên, Phú Thọ. Hiện Bắc Giang có 8 KCN, 45 cụm CN, với diện tích gần 3000ha thu hút 250.000 công nhân, trong đó khoảng 1/3 đến từ tỉnh ngoài nên nhu cầu về nhà ở rất lớn.

Ông Dương Văn Thái thống kê hiện Bắc Giang đã quy hoạch 19 dự án Nhà ở xã hội nhưng mới có 14 dự án đang triển khai (dự kiến có chỗ ở cho 110.000 công nhân). Tuy nhiên, doanh nghiệp đang gặp phải vướng mắc bởi cơ chế theo Luật Nhà ở, Nghị định cho thuê không rõ ràng. Doanh nghiệp xây dựng 10ha, giải quyết chỗ ở cho 20.000 công nhân thì làm sao ký hợp đồng riêng với từng công nhân? Trong khi công nhân lưu trú không ổn định gây khó khăn cho việc tổ chức thực hiện.

Từ điểm cầu Hà Nội, chị Lê Nguyễn Ngọc Thủy, công nhân Công ty TOTO Việt Nam (KCN Thăng Long, Đông Anh, TP. Hà Nội) nêu ý kiến xoay quanh đời sống công nhân. Theo chị Thuỷ, mặc dù nhà nước đã có nhiều hỗ trợ, nhưng người lao động vẫn còn gặp không ít khó khăn, mong muốn Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đôn đốc về chính sách trợ cấp đối với trẻ mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp, đặc biệt là chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân.

Chị Lê Nguyễn Ngọc Thủy, công nhân Công ty TOTO Việt Nam (KCN Thăng Long, Đông Anh, TP. Hà Nội) kiến nghị hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân. (Nguồn: VGP)

Cũng băn khoăn về vấn đề nhà ở, anh Nguyễn Đình Biên, công nhân Công ty TNHH VSIP Nghệ An bày tỏ hiện nay đời sống anh chị em công nhân đang gặp nhiều khó khăn nên chưa yên tâm làm việc. Trong đó có vấn đề nhà ở, trường học cho các con. Nhu cầu thuê nhà của công nhân rất lớn, còn nếu có nhà thì các công nhân mong muốn được vay trả góp. Hiện nay nhiều doanh nghiệp và tổ chức Công đoàn muốn làm nhà cho công nhân thuê hoặc ở miễn phí nhưng vẫn chưa có cơ chế để thực hiện. Anh Nguyễn Đình Biên kiến nghị Chính phủ sớm chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn. 
Lắng nghe các ý kiến của công nhân, Thủ tướng Phạm Minh Chính  khẳng định: "Đúng là vấn đề nhà ở  cho công nhân cần phải giải quyết, đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu chính đáng này của anh em công nhân... Đây là vấn đề quan trọng, có an cư thì mới lạc nghiệp, là quyền được có nhà ở.

Vấn đề này Đảng và Nhà nước luôn luôn trăn trở, chăm lo và chỉ đạo, xây dựng nhiều chủ trương. Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ cũng đã cụ thể hóa nhiều chính sách ưu đãi như cơ chế chính sách ưu đãi về hỗ trợ các dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, giảm 50% thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài dự án, cho vay ưu đãi…

Tuy nhiên, câu chuyện này vẫn chưa giải quyết được một cách thấu đáo, căn cơ, bài bản. 

Qua việc trao đổi hôm nay, hiện vấn đề này đang vướng về pháp lý, đó là một số luật, Nghị định 49, 100 cũng có vướng. 

Tôi giao Bộ Xây dựng chủ trì, xem xét, tiếp thu toàn bộ vướng mắc của luật pháp và nhu cầu nhà ở của công nhân, trên cơ sở đó, vấn đề gì thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì sẽ sửa ngay như Nghị định 49, Nghị định 100. Vấn đề gì liên quan đến luật pháp thì tổng hợp cùng các bộ, ngành liên quan, đánh giá tác động và đề xuất giải pháp phù hợp thực tiễn làm sao nhanh nhất có thể giải quyết vấn đề này căn cơ, bài bản, vừa bảo đảm tính trước mắt vừa bảo đảm lâu dài, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, cũng như phù hợp điều kiện hoàn cảnh của đất nước ta hiện nay".

Chia sẻ với các công nhân, Thứ trưởng Bộ xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết thời gian qua Chính phủ rất quan tâm chỉ đạo, thúc đẩy hoạt động đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Giai đoạn 2016-2021 Việt Nam đã đạt được kết quả nhất định về chương trình này. Tuy nhiên, hiện cả nước mới đầu tư được 7,3 triệu m2 nhà ở xã hội, 122 dự án nhà ở công nhân, chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu nhà ở cho công nhân trên cả nước. Tỷ lệ này chưa tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế xã hội nói chung và các khu công nghiệp nói riêng.

Ban hành nhiều chính sách “chưa có tiền lệ” nhưng vẫn cần khẩn trương tháo gỡ

Trong buổi đối thoại, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết hai năm qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban Xã hội của Quốc hội và các Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước... tham mưu cho chính phủ ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người lao động, trong đó có nhiều chính sách chưa có tiền lệ, nhưng được ban hành nhanh và áp dụng hiệu quả. 

Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người lao động. (Nguồn: VGP)

Cụ thể, Nghị quyết 68/NQ-CP về hỗ trợ người lao động trong chống dịch, Nghị quyết 116/NQ-CP về quỹ bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động.

"Tổng kết hai Nghị quyết này đã có 55 triệu lượt người được hỗ trợ với số tiền lên tới 81.000 tỷ đồng. Một con số chưa từng có từ trước đến nay", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh. 

Chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho công nhân là một phần quan trọng trong Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau dịch Covid 19, và cũng được triển khai nhanh nhất, sớm nhất. Hiện nay chỉ có hai tỉnh không có đối tượng hỗ trợ là Điện Biên và Lai Châu, còn lại 61 tỉnh, thành phố đã tập hợp xong danh sách này. Dự kiến sau khi địa phương tập hợp lên, khoảng 3,4 triệu lượt người được hỗ trợ.

Hàng nghìn công nhân than gia buổi đối thoại với Thủ tướng Chính phủ. (Nguồn: VGP)

Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng thừa nhận việc triển khai ở các địa phương đang chậm trễ. Nguyên nhân thứ nhất là do địa phương phải thực hiện thủ tục niêm yết công khai. Thứ hai là một bộ phận người lao động hoặc doanh nghiệp muốn nhận 3 tháng/lần, thì đến hết tháng 6 địa phương mới tiến hành. Thứ ba là một số địa phương đang đề nghị Trung ương cho ứng nguồn, theo đó tổng số tiền dự kiến 6.600 tỷ sẽ lấy từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương để hỗ trợ cho người lao động. 

Ngay chiều 11/6, Bộ LĐTB&XH đã cùng Bộ Tài chính thống nhất và sau khi xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ, sẽ xin Quốc hội cho phép ứng 70% kinh phí này để tất cả các địa phương cùng triển khai, bảo đảm 15/8 theo shoàn thành như cam kết với Chính phủ. 

Bàn về giải pháp nhà ở cho công nhân, Thứ trưởng Bộ xây dựng Nguyễn Văn Sinh cũng cho biết, Bộ Xây dựng đã sửa đổi và ban hành thông tư 09 về trình tự lựa chọn chủ đầu tư đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cùng một loạt chính sách liên quan. Hiện nay, Bộ Xây dựng đã ban hành quy định tất cả các dự án nhà ở thương mại đều phải dành 20% quỹ đất, các khu công nghiệp là 2% quỹ đất cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng giải đáp thắc mắc về vấn đề nhà ở, nhà ở xã hội dành cho công nhân. (Nguồn: VGP)

Bên cạnh đó, Bộ xác định cải cách các thủ tục hành chính, đơn giản tinh gọn, tạo điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Đồng thời nghiêm túc thực hiện nghị quyết 11 của Chính phủ, hỗ trợ chủ đầu tư vay vốn với lãi suất ưu đãi 2% (quy mô 40.000 tỉ đồng); hỗ trợ người lao động, công nhân vay vốn với lãi suất 4,8% (quy mô 15.000 tỉ đồng), thời hạn cho vay 25 năm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận ý kiến của các công nhân và cho biết Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người lao động, chỉ đạo khẩn trương áp dụng và trong vòng mấy tháng đã hỗ trợ hơn 55 triệu người với tổng số tiền hơn 80.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, có nơi, có lúc chưa thực hiện triệt để, kịp thời chính sách này. Thủ tướng đề nghị các Bộ ngành liên quan phối hợp với các địa phương đẩy nhanh thủ tục tài chính, sớm triển khai để tạo điều kiện tốt nhất cho công nhân sinh hoạt ổn định, nâng cao đời sống, cống hiến nhiều nhất cho sự phát triển của đất nước, nhất là trong giai đoạn đẩy mạnh phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Với sự chỉ đạo, đôn đốc quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban ngành địa phương, hy vọng giấc mơ "an cư lạc nghiệp" của nhiều công nhân và người lao động sẽ không còn xa vời.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top