Chậm một ngày doanh nghiệp có thể bị xoá sổ
Một khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với các doanh nghiệp chịu tác động bởi dịch bệnh Covid-19 thời điểm cuối tháng 3 và đầu tháng 4/2020 cho thấy có tới gần 85% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết dịch bệnh đã làm cho thị trường tiêu thụ của họ bị thu hẹp, gần 60% doanh nghiệp cho rằng dịch bệnh khiến họ thiếu vốn và đứt dòng tiền cho kinh doanh, trên 40% doanh nghiệp cho biết đại dịch gây thiếu nguồn cung nguyên liệu, 43% doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô lao động do thiếu việc làm.
Hơn nữa, 82% doanh nghiệp cho rằng doanh thu năm 2020 của họ sẽ bị sụt giảm so với năm 2019. Và có tới 30% doanh nghiệp dự báo có thể tụt giảm tới 30 - 50% và 22% sẽ tụt giảm trên 50%.
Theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nếu tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, thì có tới gần 30% số doanh nghiệp chỉ có thể duy trì hoạt động được không quá 3 tháng, 50% doanh nghiệp chỉ trụ được nửa năm và 80% doanh nghiệp khó trụ vững sau 12 tháng nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Do đó, lãnh đạo VCCI cho rằng, thời điểm 5 - 6 tháng tới chắc chắn sẽ là khoảng thời gian vàng để chúng ta có thể tiếp sức và giải cứu cho doanh nghiệp.
Theo phân tích của ông Vũ Tiến Lộc, Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương trong cả nước tổ chức mới đây với các quyết sách đồng bộ được đưa ra thực sự mang ý nghĩa tổng động viên các nguồn lực của xã hội cho mặt trận chống suy thoái kinh tế, duy trì tăng trưởng.
Cụ thể, 5 mũi giáp công trên mặt trận "chống suy thoái và phục hồi tăng trưởng" có thể khái quát là: “Mở ngân sách, nới tiền tệ, đẩy đầu tư, nhanh cơ chế và khai thị trường”.
“Mở ngân sách” có các biện pháp: Miễn, hoãn, giảm thuế, phí và các khoản phải nộp ngân sách của doanh nghiệp và người dân, trợ cấp trực tiếp cho các đối tượng khó khăn.
“Nới tiền tệ” bao gồm: Tái cấu trúc các khoản nợ, giảm lãi suất, giảm chi phí và thủ tục cho vay, cung ứng kịp thời các nguồn tín dụng với chi phí rẻ hơn cho doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp siêu nhỏ và vừa.
“Đẩy đầu tư” bằng các biện pháp: Cấp tập giải ngân nguồn vốn đầu tư công, tham gia vốn của nhà nước vào các dự án đối tác công tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các cái dự án đầu tư kinh doanh của mọi thành phần kinh tế.
“Nhanh thể chế” là tập trung thực hiện các nhiệm vụ giải pháp để thúc đẩy cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp.
TS. Vũ Tiến Lộc khẳng định: “Các mũi giáp công khá đồng bộ, toàn diện. Cả hệ thống chính trị vào cuộc để yểm trợ cho doanh nghiệp với tinh thần bảo vệ doanh nghiệp là bảo vệ nền kinh tế, bảo vệ lực lượng tiên phong trong cuộc chiến duy trì tăng trưởng, bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động, bảo vệ nền tảng sức mạnh của nền kinh tế quốc gia.
Vấn đề còn lại là tổ chức thực thi. Thực thi phải nhanh, thực thi minh bạch, nhất quán và đồng bộ. Không chỉ bản thân chính sách mà thực thi cũng sẽ quyết định hiệu quả chuẩn chính sách!”.
Chủ tịch VCCI cũng chia sẻ, nhiều doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp nói rằng, nghe chủ trương chính sách từ trên, nhất là những thông điệp quyết liệt của Thủ tướng, thì rất phấn khởi, nhưng khi gặp cán bộ ở cấp thực thi thì vẫn chưa thể yên tâm. Hỏi chủ trương có rồi sao không thực hiện, thì họ trả lời: “Sếp nói vậy nhưng đã có hướng dẫn gì đâu, tiêu chí, quy trình đều chưa rõ...”. Hiện tượng như vậy không phải là ngoại lệ.
“Cho nên cùng với những chủ trương, chính sách thì việc thúc đẩy thực thi cần phải đặc biệt coi trọng và cũng cần phải được triển khai với tinh thần khẩn trương như chống dịch. Nhanh một ngày là doanh nghiệp có thể phục hồi, chậm một ngày doanh nghiệp có thể bị xóa sổ. Thủ tướng thì sốt ruột, doanh nghiệp như ngồi trên đống lửa, cơ quan công quyền thì ở đâu đó vẫn ung dung”, TS. Lộc nhấn mạnh.
Theo chia sẻ của Chủ tịch VCCI, trong những ngày qua khi cả nước và cộng đồng doanh nghiệp gồng mình chống đỡ để lo duy trì sản xuất kinh doanh, bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động, nhưng ở một số địa phương vẫn có hiện tượng ngăn sông cấm chợ, buộc doanh nghiệp ngừng sản xuất, đóng cửa công trình, không cho người lao động về nhà máy, cấm xe vận chuyển vật tư, nguyên liệu... Rồi cho sản xuất nhưng cấm lưu thông, bắt đóng cửa kênh phân phối, vậy thì sản xuất làm gì? Không lẽ sản xuất để chất vào kho? Những cản trở này cần được dỡ bỏ.
Chống suy thoái phải khẩn trương như chống dịch
Trong cuộc chiến phòng chống dịch bệnh Covid-19, chúng ta đã triển khai sớm, bài bản và hiệu quả các giải pháp đồng bộ với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của toàn dân. Nhưng trong cuộc chiến kinh tế chống suy giảm, những nỗ lực của chúng ta mới chỉ ở bước khởi đầu. Nếu chống dịch như chống giặc, trong cuộc chiến chống suy thoái và duy trì tăng trưởng cũng phải khẩn trương quyết liệt và có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của toàn dân. Cuộc chiến chống suy giảm chắc chắn sẽ kéo dài hơn cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh.
Đặc biệt, khối doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Làm sao nâng cao năng lực của doanh nghiệp để họ có thể trụ vững trong thời kỳ Covid-19 và vươn lên trong thời kỳ hậu Covid, đang trở thành nhiệm vụ hàng đầu của cả hệ thống chính trị. Vì thế, nhiệm vụ đẩy mạnh cải cách đồng bộ về thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực làm bệ đỡ cho doanh nghiệp lớn lên, sẽ là yêu cầu quan trọng nhất, mở đường cho sự phát triển của nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp ở tương lai.
“Hỗ trợ là hỗ trợ phát triển, chứ không phải hoạt động cứu tế cho những doanh nghiệp không đủ sức cạnh tranh. Các ngân hàng thương mại tự mình có thể phân loại và xác định khá chính xác các đối tượng này để định hướng phân bổ nguồn tín dụng. Chính sách trợ giúp thông qua tài khóa thì có thể khó khăn hơn. Cho nên sự phối hợp giữa các định chế tài chính và tín dụng là việc quan trọng nên làm trong cả giai đoạn “trợ giúp” và “giải cứu” cho nền kinh tế để có thể tạo ra tác động cộng hưởng.
Hỗ trợ các doanh nghiệp có tiềm năng sẽ không chỉ giúp nền kinh tế không đổ vỡ khi dịch bệnh mà còn định hình tương lai của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn phục hồi”, ông Lộc nhận định.
Theo đó, ông Lộc khẳng định, hỗ trợ tiền bạc, thuế, phí, tín dụng... là quan trọng, nhưng quan trọng hơn là những phản ứng khẩn trương, trương linh hoạt và có trách nhiệm của cơ chế và bộ máy để có thể tiếp sức cho doanh nghiệp.
Chúng ta “cách ly y tế” nhưng chúng ta phải “chung tay về cơ chế” để thực sự đồng hành với doanh nghiệp, doanh nhân. Thủ tướng đã có quyết định điều chỉnh kịp thời và chính xác chủ trương cho phép xuất khẩu lương thực trong hạn mức, trên cơ sở tính toán kỹ nhu cầu bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.
Từ thực tiễn này, TS. Vũ Tiến Lộc kiến nghị: “Thủ tướng nên cho điều chỉnh ngay quyết định không cho phép xuất khẩu khẩu trang và quần áo bảo hộ y tế để giúp giải cứu ngành dệt may trong bối cảnh khó khăn này”.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp trong ngành, sản xuất khẩu trang đang là “cỗ máy in tiền” thời dịch bệnh. Công suất sản xuất khẩu trang của chúng ta là rất lớn, lớn hơn rất nhiều so với nhu cầu nội địa, đơn hàng thế giới tăng nhanh, nhưng quy định cấm xuất khẩu khẩu trang đang bó tay bó chân doanh nghiệp. Cần gỡ bỏ quy định này để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
"Thời dịch cũng phải khẩn trương như thời chiến, doanh nghiệp chia sẻ với tôi rằng, ở cấp độ kinh doanh, quyết định của lãnh đạo doanh nghiệp phải... trong nốt nhạc. Chúng ta đang trong “thời gian vàng” để kiểm soát dịch bệnh và cũng đang trong thời gian vàng để hỗ trợ doanh nghiệp trụ vững, vượt khỏi khó khăn", TS. Vũ Tiến Lộc
Đối với quần áo bảo hộ và một số thiết bị vật tư y tế khác cũng cần phải tính toán giải quyết với tinh thần như vậy, dứt khoát phải ưu tiên bảo đảm yêu cầu trong nước, nhưng cũng tận dụng tối đa cơ hội xuất khẩu ra thị trường thế giới. Đừng để doanh nghiệp ta lỡ cơ hội vì rào cản cơ chế .
Tình trạng cũng tương tự trong các ngành sản xuất thiết bị vật tư y tế khác. Với những kết quả trong phòng chống dịch bệnh xuất sắc của nước ta, cơ hội cho phát triển ngành công nghiệp này trong đại dịch và cả sau đại dịch là không hề nhỏ. Đề nghị Chính phủ xây dựng và chỉ đạo thực hiện chiến lược thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng này.
Theo ông Lộc: “Thời dịch cũng phải khẩn trương như thời chiến, doanh nghiệp chia sẻ với tôi rằng, ở cấp độ kinh doanh, quyết định của lãnh đạo doanh nghiệp phải... trong nốt nhạc. Chúng ta đang trong “thời gian vàng” để kiểm soát dịch bệnh và cũng đang trong thời gian vàng để hỗ trợ doanh nghiệp trụ vững, vượt khỏi khó khăn.
Tiếp sức bằng nguồn lực, tiếp sức bằng thể chế. Tiếp xúc bằng nguồn lực là hữu hạn, tiếp sức bằng thể chế, bằng niềm tin là vô hạn. Cộng đồng doanh nghiệp mong rằng cải cách thể chế sẽ được đầy mạnh trong những tháng tới đây để yểm trợ và làm bệ đỡ cho doanh nghiệp vượt qua đại dịch và chuẩn bị tâm thế cho giai đoạn phục hồi và phát triển sau này.
Trong thời đại dịch, trọng tâm công tác của Chính phủ vẫn phải là thể chế, không vì những chỉ đạo thường ngày mà sao nhãng chức năng cốt lõi”.
Thế giới sẽ khác đi, các chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ được định hình lại. Chiến tranh, dịch bệnh, công nghệ... sẽ biến đổi thế giới này. Chuẩn bị tâm thế và nền tảng cho việc vượt vượt qua thách thức và tận dụng cơ hội phục hồi kinh tế sau khủng hoảng là việc cần làm ngay trong những tháng sắp tới đây.
“Chúng tôi hy vọng trong điều kiện dịch bệnh diễn biến khó lường, chúng ta có thể không đạt được chỉ tiêu tăng trưởng, nhưng những chỉ tiêu về cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh thì nhất thiết phải hoàn thành và hoàn thành vượt mức. Đây là thời điểm thích hợp cho sự đồng thuận để vượt lên”, ông Lộc cho hay.