Thừa Thiên - Huế củng cố vị thế, tận dụng thời cơ để bứt phá, phát triển

Thừa Thiên - Huế củng cố vị thế, tận dụng thời cơ để bứt phá, phát triển

Thứ Hai, 14/02/2022 - 06:15

 Thừa Thiên - Huế là một địa phương có nhiều di sản văn hóa, là nơi hội tụ, kế thừa vô vàn những giá trị tinh hoa văn hóa của dân tộc. Đây cũng là địa phương có vai trò, vị trí quan trọng với nhiều tiềm năng, lợi thế của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Tây nguyên.

Nghị quyết số 54/NQ-TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu quan điểm, định hướng “xây dựng và phát triển Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ thông tin và truyền thông là đột phá, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng. Đây là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa cả về kinh tế - xã hội, chính trị, quốc phòng và an ninh; không chỉ là của riêng Thừa Thiên - Huế mà còn của cả vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước”.

Những năm gần đây, tận dụng những lợi thế, tiềm năng, tranh thủ sự ủng hộ của trung ương, tỉnh Thừa Thiên - Huế có những bước chuyển mình, sức bật rõ nét. Tuy nhiên thách thức và cơ hội luôn đan xen, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid -19 toàn cầu.

Khép lại một năm với nhiều khó khăn, nhưng cũng nhiều cơ hội mở ra với tỉnh nhà, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương đã dành cho Reatimes cuộc phỏng vấn; chia sẻ thêm với bạn đọc về một số quyết sách, định hướng phát triển của tỉnh, khơi thông những điểm nghẽn để phát triển, nhất là mục tiêu trực cả tỉnh thành thành phố thuộc Trung ương đã chỉ còn 3 năm.

Thừa Thiên Huế
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương

Thừa Thiên Huế

PV: Thưa ông, năm 2021 là năm có nhiều sự kiện, dấu mốc quan trọng đối với tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong đó phải kể đến là từ ngày 1/7/2021 là TP. Huế được điều chỉnh, mở rộng diện tích tăng nhiều lần quy mô về diện tích, dân số so với trước theo Nghị quyết số 1264/NQ-UBTVQH14 ngày 27/4/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cùng với đó, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ông cho biết thêm tỉnh sẽ tận dụng những cơ hội, “đòn bẩy” này như thế nào để bứt phá, phát triển trong giai đoạn mới?

Ông Nguyễn Văn Phương: Năm 2021 là năm có nhiều sự kiện, dấu mốc quan trọng đối với tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong đó đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1264/NQ-UBTVQH14 về việc điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thành phố Huế; đặc biệt ngày 13/11/2021 Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 38/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế, đây là nhóm cơ chế, chính sách đặc thù có tính chất lâu dài, bền vững nhằm phát triển ổn định, cân đối, hài hoà dựa trên nguyên tắc vừa bảo tồn, phát huy giá trị di sản; vừa tạo động lực, đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Thừa Thiên - Huế hướng đến trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế trong 3 năm tới (Ảnh: M.Đ.T)

Trong bối cảnh khó khăn với diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, cơ chế chính sách đặc thù được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 38/2021/QH15 sẽ tạo điều kiện thuận lợi “đòn bẩy” bứt phá cho Thừa Thiên - Huế huy động nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị di sản; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng do nguồn cân đối từ ngân sách địa phương trong thời gian qua chưa thể đáp ứng yêu cầu, cụ thể:

Một là, hoàn thành Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh Thành Huế, di dời 5.470 hộ dân (đến nay đã bố trí ngân sách Trung ương 1.880 tỷ đồng để hoàn thành hợp phần bồi thường, giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 từ năm 2019 - 2022) trả lại mặt bằng di tích Cố đô Huế, đây là cuộc di dân lịch sử nhằm gìn giữ, bảo vệ các giá trị lịch sử, bảo tồn văn hóa còn nguyên vẹn nhất của Việt Nam do tiền nhân để lại cho tương lai; đồng thời đẩy mạnh đầu tư trùng tu di tích, thúc đẩy phát triển du lịch.

Hai là, đẩy mạnh công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị theo hướng xây dựng Thừa Thiên - Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế. 

Chủ Tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương (trái) và lãnh đạo Công ty TNHH AEON Mall Việt Nam trao Bản ghi nhớ về quyết định đầu tư trung tâm thương mại tại Huế với tổng vốn đầu tư dự kiến 170 triệu USD nhân chuyến thăm, làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Nhật Bản tháng 11/2021. (Ảnh: CTV)

Ba là, xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, như: Tuyến đường bộ ven biển, đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài, đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt Sông Hương, đường Vành đai 3, Đường Mỹ An - Thuận An, đê chắn sóng cảng Chân Mây - giai đoạn 2, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Phú Bài… Ngoài ra, các hạ tầng đô thị TP. Huế; đô thị Phong Điền, nâng cấp đô thị thị xã Hương Trà và Hương Thuỷ được hoàn thiện đáp ứng các tiêu chí về đô thị, đưa Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Thứ tư là, thúc đẩy hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh trong điều kiện bình thường mới; thu hút đầu tư khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ, có giá trị gia tăng cao, tăng cường hoạt động xuất nhập khẩu bồi dưỡng nguồn thu; đẩy mạnh các gói kích cầu du lịch, tăng nguồn thu từ phí tham quan di tích; huy động vốn đóng góp vào quỹ bảo tồn di sản… để tận dụng tối đa nguồn lực đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng quan trọng, bảo tồn và giữ gìn di sản, kích thích phát triển kinh tế nhanh và bền vững.


Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương tham quan Nhà máy Sợi 3 tại Khu công nghiệp Phú Bài nhân dịp khánh thành nhành máy này đầu tháng 12/2021 (Ảnh: Thanh Hiếu)

Qua đó, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng nguồn thu ngân sách, thúc đẩy phát triển liên kết vùng, cả nước và hội nhập quốc tế; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; tạo nền tảng vững chắc để Thừa Thiên - Huế phát triển mạnh mẽ, nhanh và bền vững trong giai đoạn tới, sớm đạt mục tiêu xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, với hạt nhân là TP. Huế - thành phố Festival, thành phố Xanh Quốc gia, thành phố Văn hóa Asean và là “một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao” theo mục tiêu mà Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra.

PV: Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị cũng đã từng chỉ ra sự phát triển kinh tế của tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; hệ thống đô thị phát triển chậm; kết cấu hạ tầng còn thiếu đồng bộ; công tác quy hoạch, quản lý đô thị chưa theo kịp yêu cầu phát triển, chưa thể hiện rõ bản sắc của Thừa Thiên - Huế; công tác bảo tồn, tôn tạo di tích còn chậm… Những hạn chế, yếu kém này có nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Vậy Thừa Thiên - Huế sẽ khắc phục những nguyên nhân chủ quan này như thế nào để Huế phát triển như kỳ vọng của Trung ương cũng như nhân dân trong tỉnh?

Ông Nguyễn Văn Phương: Để khắc phục những nguyên nhân chủ quan nêu trên, thứ nhất, Thừa Thiên - Huế sẽ đổi mới mạnh mẽ hơn nữa tư duy phát triển, nhất là tư duy về phát triển bền vững, tư duy về bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản và tư duy về phát huy tối đa và hiệu quả các lợi thế, tiềm năng.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị theo hướng thành phố trực thuộc Trung ương.

Nguyễn Văn Phương

Vừa qua, tỉnh đã được Quốc hội thông qua một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thừa Thiên - Huế và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép mở rộng địa giới hành chính thành phố Huế. Thời gian đến, tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Xây dựng và Bộ Nội vụ để có những chính sách đặc thù trong tiêu chí phân loại đô thị và phân loại đơn vị hành chính để hướng đến mục tiêu sớm xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương. Song song với đó, tỉnh cũng triển khai quy hoạch chung đô thị và quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Qua đó, quy hoạch lại không gian phát triển công nghiệp theo hướng phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng địa bàn trong tỉnh và nhu cầu của thị trường, đặc biệt là các khu công nghiệp và các cụm công nghiệp; tập trung phát triển một số ngành như công nghiệp hỗ trợ; năng lượng; sản xuất, lắp ráp ô tô; các ngành chế biến sâu; công nghệ thông tin và phần mềm, hóa dược và thiết bị y tế. Quy hoạch lại ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với thị trường tiêu thụ và thích ứng với biến đổi khí hậu; gắn phát triển nông nghiệp với phát triển du lịch, nhất là ở các địa bàn miền núi. Quy hoạch phát triển ngành dịch vụ thông qua việc đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, dịch vụ mang tính đặc trưng, có đẳng cấp và sức cạnh tranh cao; ưu tiên phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, đẳng cấp quốc tế; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch thông qua xã hội hóa; nâng cao hiệu quả liên kết, hợp tác du lịch giữa Thừa Thiên - Huế với các địa phương trong vùng; hoàn thiện kết cấu hạ tầng để phát triển du lịch và dịch vụ biển.

Thứ ba, phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghệ thông tin và đô thị đồng bộ, hiện đại và thông minh, đảm bảo sự hài hòa giữa kiến trúc với tự nhiên và đặc thù của Huế. Thu hút vốn đầu tư bằng nhiều hình thức cho xây dựng hệ thống giao thông, đảm bảo tăng cường kết nối nội vùng, liên vùng và quốc tế. Hoàn thành đầu tư tuyến đường bộ ven biển, cao tốc nối các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, mở rộng các tuyến Quốc lộ 49A, Quốc lộ 49B, nâng cấp cảng nước sâu Chân Mây thành cảng Container, cảng du lịch; nâng công suất Cảng hàng không quốc tế Phú Bài; đầu tư đồng bộ hệ thống giao thông đối nội kết nối giữa các đô thị, ưu tiên tuyến đường Huế - Thuận An, đường Tố Hữu - sân bay Phú Bài, đường vành đai 3 TP. Huế, xây dựng cầu qua sông Hương. Nâng cấp một số tuyến đường nội thị quan trọng tại TP. Huế, thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà, Phong Điền. 

Từ 1/7/2021, TP. Huế sẽ mở rộng địa giới hành chính với diện tích tăng gấp gần 4 lần, từ 70,67km2 lên 265,99km2. Sự kiện này mở ra nhiều cơ hội cho sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản tại cố đô Huế (Ảnh: Hoàng Ngọc Quý)

Thứ tư, thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là cho phát triển cơ sở hạ tầng và các ngành kinh tế mũi nhọn, có lợi thế. Tỉnh sẽ ban hành chính sách thu hút đầu tư theo hướng thông thoáng, minh bạch; đổi mới cơ chế quản lý, khai thác sau đầu tư để thu hút nguồn lực đầu tư từ mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là từ khu vực kinh tế tư nhân cho phát triển, nhất là cho phát triển cơ sở hạ tầng; khởi nghiệp sáng tạo; các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế như du lịch, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế biển… Đẩy mạnh xã hội hoá, thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Chủ động thu hút có chọn lọc các dự án có vốn đầu tư nước ngoài có trình độ công nghệ cao, đảm bảo môi trường sinh thái và quốc phòng, an ninh. Rà soát cơ cấu lại phần vốn Nhà nước trong các công ty cổ phần và giải quyết những vấn đề sau cổ phần hoá, đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách để doanh nghiệp Nhà nước thực sự vận hành theo cơ chế thị trường. Hỗ trợ nâng cao năng lực công nghệ, quản trị, cạnh tranh cho doanh nghiệp tư nhân; tạo mọi điều kiện thuận lợi để các hợp tác xã kiểu mới hoạt động theo Luật Hợp tác xã 2013.

Thứ năm, nâng cao hiệu quả liên kết phát triển vùng; mở rộng hợp tác và quan hệ đối ngoại phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; củng cố vị thế là trung tâm văn hóa lớn và đặc sắc của cả nước.

Vừa phát triển vừa bảo tồn văn hóa là nhiệm vụ khó khăn của tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Nguyễn Văn Phương

PV: Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 toàn cầu, cùng những khó khăn khách quan trong tình hình chung của cả nước và địa phương, tỉnh sẽ có những chiến lược đột phá gì cho những mục tiêu lớn mà mà Trung ương đề ra, nhất là khi mục tiêu trở thành thành phố thuộc Trung ương chỉ còn 3 năm nữa?

Ông Nguyễn Văn Phương: Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, để phấn đấu xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương theo mục tiêu mà Bộ Chính trị đã đề ra, tỉnh sẽ tập trung triển khai đồng bộ, chặt chẽ, kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp vừa phòng, chống, kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh vừa hỗ trợ, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cụ thể như sau:

Nhóm giải pháp thứ nhất là nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế. Thừa Thiên - Huế có Bệnh viện trung ương Huế cùng đội ngũ y sĩ, bác sĩ hàng đầu cả nước. Tuy nhiên, một số bệnh viện tuyến huyện hiện nay đang xuống cấp, trang thiết bị y tế còn chưa đảm bảo. Vì vậy, thời gian đến, tỉnh sẽ tập trung khảo sát và chuẩn bị tốt các dự án đầu tư để tranh thủ nguồn vốn Bộ Y tế để đầu tư trang thiết bị và cơ sở vật chất phát triển hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở tuyến huyện, trạm y tế xã đảm bảo công tác phòng và chữa bệnh cho người dân; triển khai chính sách bảo hiểm y tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19; có kế hoạch xây dựng các bệnh viện dã chiến, tổ chức phân tầng điều trị trong trường hợp tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp... với phương châm bảo toàn tính mạng người dân là trên hết. Nâng cao tỷ lệ cấp bảo hiểm y tế cho toàn dân. Đồng bộ đầu tư cơ sở vật chất hệ thống y tế gắn với đào tạo đội ngũ cán bộ y tế đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh tiến độ bao phủ tiêm vắc-xin cho toàn dân, có lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, phấn đấu kiểm soát hiệu quả dịch bệnh để tập trung khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội.

Nhóm giải pháp thứ hai là chú trọng vào công tác an sinh xã hội. Thời gian qua, mặc dù dịch bệnh xảy ra đã tác động nặng nề đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhưng tỉnh đã tập trung chỉ đạo, chú trọng công tác an sinh xã hội, đảm bảo các chính sách lớn của Đảng và Nhà nước nhằm hướng đến chăm lo đời sống người dân, đảm bảo phát triển bền vững, phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường.

Người dân sống, lao động ở khu vực 1 hệ thống di tích Kinh thành Huế đã, đang đồng lòng thực hiện cuộc di dân lịch sử để thực hiện đề án bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích. (Ảnh: M.Đ.T)

Nhóm giải pháp sẽ tập trung nghiên cứu đến việc tạo điều kiện cho những lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu kinh tế có điều kiện ăn ở, sinh hoạt đảm bảo cuộc sống lâu dài. Đẩy mạnh hoạt động tín dụng chính sách xã hội, hỗ trợ cho vay thông qua Ngân hàng chính sách để giải quyết việc làm đối với các đối tượng lao động mất việc làm quay trở về địa phương (dự kiến 20 triệu đồng/việc làm). Năm 2022, tập trung hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các nhà máy dệt may tạo năng lực mới, giải quyết việc làm, cụ thể: Công ty Cổ phần Dệt may Thiên An Phú, Công ty TNHH Lavaya, Công ty Cổ phần Dệt may Phú Hòa An, Nhà máy sản xuất trang phục lót và hàng thể thao của Scavi Huế tại Khu công nghiệp (KCN) Quảng Vinh (huyện Quảng Điền)… dự kiến sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 7.000 - 8.000 lao động.

Ngoài ra, có biện pháp quan tâm đến nhóm đối tượng học sinh, sinh viên bị ảnh hưởng do đại dịch; thực hiện các chính sách về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 theo tinh thần Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 03/11/2021 của Tỉnh ủy, trong đó, đặc biệt quan tâm đến các huyện miền núi Nam Đông, A Lưới.

Nhóm giải pháp thứ ba là phục hồi, phát triển các ngành kinh tế thông qua việc hỗ trợ khôi phục, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu; hỗ trợ công nghiệp đổi mới sáng tạo; đổi mới công tác xúc tiến đầu tư.

Trong đó về du lịch tập trung triển khai các gói kích cầu du lịch, cơ chế chính sách hoa hồng cho các đơn vị lữ hành đưa khách đến tham quan tại tỉnh; chính sách kích cầu hỗ trợ loại hình du lịch MICE (du lịch hội nghị, hội thảo), teambuilding và các đoàn charter; giảm phí tham quan di tích lịch sử, thu hút khách du lịch nội địa, quốc tế theo chiến dịch “hộ chiếu vắc-xin” nhằm tăng nguồn thu phí tham quan di tích để lại 100% cho đầu tư trùng tu, bảo tồn di tích (theo Nghị quyết 38/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thừa Thiên - Huế). Đẩy mạnh số hóa, ứng dụng công nghệ trong du lịch như đẩy mạnh ứng dụng các dịch vụ công nghệ thông tin trên không gian số.

Nhiều dự án bất động sản, khu đô thị mở ra tại TP. Huế theo hướng xanh, thông minh và tiện nghi. (Ảnh: H.N.Q)

Tập trung hỗ trợ triển khai 7 dự án đã cấp quyết định chủ trương đầu tư trong Khu đô thị An Vân Dương như: Dự án Khu phức hợp Thủy Vân giai đoạn 2, thuộc khu B - Đô thị mới An Vân Dương; Khu ở căn hộ cao cấp, biệt thự đa chức năng, dịch vụ, thương mại tại các lô TM2, OTM2, OTM4 & BT; nhà ở xã hội tại khu đất ký hiệu XH1; khu công viên phần mềm, công nghệ thông tin tập trung Thừa Thiên - Huế; trung tâm thương mại dịch vụ tại khu A - đô thị mới An Vân Dương…

Về công nghiệp, ưu tiên huy động các nguồn lực để đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, hệ thống xử lý nước thải, đầu tư thêm các cụm công nghiệp, mở rộng Khu công nghiệp trên địa bàn. Đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đã cấp quyết định chủ trương/quyết định đầu tư, chú trọng các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng như: KCN Viglacera, KCN Tứ Hạ, hạ tầng Khu kinh tế - Saigon Invest, hình thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh, định hướng phát triển thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia - chi nhánh tại Thừa Thiên - Huế và từng bước hình thành Khu công nghệ cao quốc gia tại Thừa Thiên - Huế.

Phát triển chuỗi dịch vụ logistics gắn với các ngành sản xuất gắn với hoạt động xuất nhập khẩu, lưu thông, phân phối hàng hoá và các ngành dịch vụ khác. Có chính sách thu hút, hỗ trợ xuất khẩu qua Cảng biển Chân Mây - Lăng Cô. Hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng xuất khẩu; xuất nhập khẩu nguyên liệu, hàng hóa, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, kinh doanh. Tập trung thực hiện hiệu quả các chính sách xúc tiến thương mại, duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là đối với mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh.

Về nông nghiệp tập trung phát triển những sản phẩm OCOP; phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh với các hình thức trang trại, gia trại; hình thành các khu nuôi trồng thủy sản tập trung, ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến, xuất khẩu. Phát triển bộ giống cây trồng, ứng dụng công nghệ trong trồng trọt, tập trung phát triển trồng rừng gỗ lớn gắn với chứng chỉ FSC, trồng cây bản địa, cây dược liệu. Đào tạo, hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận, tham gia các sàn thương mại điện tử quốc tế để quảng bá, kinh doanh sản phẩm.

Nhóm giải pháp cũng tập trung đến các chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Cụ thể như các chính sách giãn, giảm, hoàn thuế, giảm phí, lệ phí và gia hạn, miễn tiền thuê đất; chính sách giảm lãi vay vốn ngân hàng, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, hỗ trợ lãi suất để các doanh nghiệp có thêm nguồn lực cho phục hồi và phát triển; chuyển đổi số cho doanh nghiệp, tập huấn, đào tạo, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử vào quản lý, điều hành doanh nghiệp, mở rộng tìm kiếm đối tác, thị trường; Tham gia các sàn thương mại điện tử quốc tế. Chính sách về hỗ trợ đào tạo lao động, khởi nghiệp; chính sách hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh theo Luật Đầu tư mới sửa đổi…

Tăng cường đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, rà soát và lập các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng; xây dựng danh mục kêu gọi đầu tư; chuẩn bị tốt công tác tổ chức đền bù giải phóng mặt bằng; cải cách các thủ tục trong đầu tư - xây dựng - đất đai.

Nhóm giải pháp thứ tư về kích cầu đầu tư công. Theo đó, huy động nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn từ ngân sách Trung ương, địa phương và đầu tư từ các bộ ngành. Năm 2022, huy động khoảng 6.000 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư công Chính phủ giao địa phương 4.266,05 tỷ đồng. Chú trọng đẩy nhanh đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm phát triển khung hạ tầng như: Tuyến đường bộ ven biển, đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài, đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt Sông Hương, đê chắn sóng cảng Chân Mây - giai đoạn 2, hạ tầng đô thị TP. Huế; hạ tầng đô thị Phong Điền... Đồng thời, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo phải giải ngân hết 100% kế hoạch vốn.

Nhóm giải pháp thứ năm là về quản lý điều hành, cải cách hành chính, chuyển đổi số. Tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước. Đổi mới phương thức điều hành xã hội, thực thi công vụ dựa trên nền tảng số, xây dựng mô hình kinh tế mới; trong đó, phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, tiến tới chính quyền số là yếu tố trọng tâm, xây dựng chính quyền điện tử. Xây dựng hệ thống số hóa dữ liệu trong các ngành trọng điểm nhất là hệ thống liên quan dữ liệu dân cư, doanh nghiệp, kinh tế xã hội. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Trong năm 2021 đã hỗ trợ cho 100 doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số. Năm 2022, phấn đấu chuyển đổi số cho 30% doanh nghiêp trên địa bàn tỉnh.

Nhóm giải pháp cuối cùng là tập trung triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 38/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế. Thông qua sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ chính quyền đến người dân và doanh nghiệp với những nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động xuất nhập khẩu; xây dựng và đẩy mạnh các gói kích cầu du lịch; huy động tối đa nguồn lực đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng quan trọng; tập trung trùng tu và bảo tồn các di sản xuống cấp nghiêm trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Tỉnh sẽ triển khai xây dựng các chương trình, kế hoạch triển khai chi tiết, với sự tham gia của các cấp, các ngành và vận động sự chung sức, đồng lòng của người dân và doanh nghiệp trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết.

PV: Thưa ông, một số nhà đầu tư lớn cũng đã đến nghiên cứu, hay xin phép tỉnh nghiên cứu triển khai dự án về du lịch, thương mại, bất động sản nhưng sau đó  triển khai khá chậm hoặc không thấy triển khai. UBND tỉnh có kế hoạch gì để cải thiện vấn đề này, để Thừa Thiên - Huế là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư lớn, nhất là ở các khu kinh tế, công nghiệp trọng điểm của tỉnh?

Ông Nguyễn Văn Phương: Trong thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư như: Tập đoàn FLC, Tập đoàn Vingroup, Công ty Cổ phần Tập đoàn Sunshine, Công ty Cổ phần sản xuất công nghiệp kính Chân Mây-CFG, Công ty Cổ phần Western Pacific, Công ty Cổ phần KCN Gilimex… Một số dự án lớn về du lịch, thương mại, bất động sản đang triển khai trên địa bàn tỉnh đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, tạo nguồn thu ngân sách cho tỉnh như: Dự án khu đô thị Royal Park Huế, dự án Eco Garden Huế, dự án khu nghỉ dưỡng Laguna Lăng Cô, dự án Huế Amusement and Beach Park, dự án Khu công nghiệp Gilimex...

Bên cạnh một số thuận lợi, việc triển khai thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế gặp một số khó khăn chủ yếu như sau:

- Về thủ tục pháp lý: Vướng mắc các thủ tục trong quá trình triển khai thực hiện dự án (chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, rà soát tỷ lệ đất công đủ điều kiện để tách dự án độc lập kêu gọi thông qua hình thức đấu giá, xác định thủ tục lựa chọn nhà đầu tư…).

- Về công tác lập quy hoạch: Việc phân bổ, sử dụng nguồn kinh phí lập quy hoạch chưa phù hợp, tiến độ phê duyệt một số đồ án quy hoạch còn chậm ảnh hưởng đến công tác lựa chọn nhà đầu tư, tiến độ thực hiện dự án.

- Về công tác giải phóng mặt bằng: Việc rà soát hiện trạng, nguồn gốc sử dụng đất để triển khai công tác đền bù giải phóng mặt bằng còn khá chậm do nhiều nguyên nhân, các hộ dân chưa tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng chung. Ngoài ra, việc bố trí tái định cư đối với các khu vực dân cư ảnh hưởng bởi dự án còn nhiều bất cập (địa điểm bố trí tái định cư xa nơi hiện đang sinh sống, chuyển đổi nghề nghiệp, ảnh hưởng sinh kế người dân…).

Cùng với đó là khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19: Dịch bệnh hiện đang diễn biến hết sức phức tạp trên toàn quốc nói chung, địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế nói riêng làm ảnh hưởng, gián đoạn một số công việc có liên quan (tổ chức đền bù, giải phóng mặt bằng, xây dựng…).

Khu vực trung tâm TP. Huế hiện hữu. Để giảm tải, TP. Huế được điều chỉnh, mở rộng hơn về phía Đông Nam. (Ảnh: H.N.Q)

Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trên, tỉnh cũng đã đề ra các giải pháp trong thời gian tới. Cụ thể là tích cực đồng hành cùng nhà đầu tư tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện dự án (thành lập tổ công tác tháo gỡ vướng mắc các dự án trọng điểm, mỗi dự án, tỉnh đều xây dựng Kế hoạch triển khai hỗ trợ kêu gọi đầu tư, hỗ trợ thủ tục đến khởi công; hỗ trợ thủ tục dự án để có cơ sở đôn đốc, chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các công việc có liên quan); Đẩy nhanh thủ tục đền bù, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư đối với các dự án trọng điểm: Chỉ đạo các Sở, ngành và UBND cấp huyện có liên quan tích cực rà soát, đề xuất các giải pháp để tháo gỡ vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án; thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát tiến độ các dự án trọng điểm để kịp thời chỉ đạo xử lý các vướng mắc.

Đối với các vướng mắc trong phạm vi tỉnh chưa thể giải quyết, sẽ chỉ đạo các bộ phận liên quan tham mưu văn bản trình các Bộ, ngành xin ý kiến để có cơ sở giải quyết và báo cáo Tổ công tác trọng điểm do Thủ tướng Chính phủ thành lập. Tỉnh cũng đã đồng loạt triển khai thực hiện các đồ án quy hoạch để làm cơ sở pháp lý để quản lý và kêu gọi đầu tư, cơ chế một số đồ án quy hoạch lớn cần nhiều ý tưởng chiến lược, đang nghiên cứu xây dựng tiếp nhận tài trợ ý tưởng quy hoạch để thu hút được nhiều nội dung tham gia về định hướng phát triển không gian, kêu gọi đầu tư cho tỉnh.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển dự án nhằm tạo sự phát triển về kinh tế - xã hội, tạo môi trường hấp dẫn để thu hút đầu tư, là địa điểm tin cậy để các nhà đầu tư trong và ngoài nước nghiên cứu, tìm hiểu đầu tư./.

- Trân trọng cảm ơn ông!

02/15/2022 11:56
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top