Aa

Thừa Thiên Huế sẽ có cơ chế, chính sách đặc thù khi trực thuộc Trung ương

Thứ Tư, 03/03/2021 - 10:30

Xây dựng cơ chế đặc thù để phát triển nhanh và bền vững tỉnh Thừa Thiên Huế, đưa TP. Huế trở thành đô thị trực thuộc Trung ương… là những nội dung được bàn thảo tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ ngày 2/3.

Thông tin từ UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, ngày 2/3, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2021 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ đã báo cáo Chính phủ Đề án Cơ chế chính sách đặc thù xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế.

Quang cảnh phiên họp thường kỳ Chính phủ ngày 2/3. (Ảnh: CTV)

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, sau 10 năm thực hiện Kết luận 48-KL/TW của Bộ Chính trị, tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn chưa hoàn thành được mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Với cách tiếp cận, cách nhìn và quan điểm mới để phát triển Thừa Thiên Huế lên một tầm cao mới, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của một thành phố có đặc thù về di sản, văn hóa, xanh, thông minh và hiện đại, ngày 10/12/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 54-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" (Nghị quyết 54) với mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh. Đây là quyết sách, công cụ quan trọng nhất để xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ ngày 2/3. (Ảnh: CTV)

Báo cáo Chính phủ Đề án Cơ chế chính sách đặc thù xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2021, ông Phan Ngọc Thọ kiến nghị, đề xuất các cơ chế chính sách đặc thù, gồm: Phân loại đô thị và tiêu chuẩn đơn vị hành chính đô thị có tính chất đặc thù đối với Thừa Thiên Huế; thí điểm mô hình “đô thị Thừa Thiên Huế trực thuộc Trung ương”; cơ chế chính sách đặc thù đối với Thừa Thiên Huế (các chính sách về tài chính ngân sách, về đầu tư, về phân cấp quản lý và về quy hoạch).

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: CTV)

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, việc có một cơ chế chính sách đặc thù đối với Thừa Thiên Huế để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa Huế khác so với quy định của luật hiện hành, đảm bảo phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế đi đôi với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế; phù hợp với quy mô kinh tế - xã hội, trình độ và yêu cầu quản lý kinh tế - xã hội - văn hóa.

Mô hình đô thị đối với Thừa Thiên Huế là cần thiết để tỉnh có thêm cơ hội huy động nguồn lực, tập trung đầu tư, tiếp tục phát triển nhanh, bền vững hơn, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa, phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương như mục tiêu tại Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị đã đề ra.

Khu vực bờ Nam sông Hương được chỉnh trang, tạo ra những điểm nhấn, không gian sinh hoạt cộng đồng lý thú. (Ảnh: Đình Huân)

Tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cơ bản thông qua các nội dung về cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, việc TP. Huế trở thành đô thị trực thuộc Trung ương phù hợp với chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Chính phủ, cho nên việc xây dựng cơ chế đặc thù để phát triển nhanh và bền vững tỉnh Thừa Thiên Huế trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế là cần thiết.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại cuộc họp, hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký tờ trình báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để cho ý kiến và thông qua theo quy định.

Thủ tướng cũng giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký tờ trình báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dự thảo Nghị quyết vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top