Giá đất tăng 30%-50%
Khảo sát tại một văn phòng môi giới nhà đất thuộc xã Vĩnh Ngọc (Đông Anh, Hà Nội), một nhân viên môi giới cho biết: “Giá đất tại những con ngõ nhỏ giao động từ 30-40 triệu/m2. Ở ngoài đường lớn giá đất khoảng 60-70 triệu/m2. Còn ở tại những vị trí đắc địa, giá đất giao động từ 100-120 triệu/m2 thậm chí có vị trí lên đến 200 triệu/m2. Hiện nay, đất quanh khu vực Đông Anh lên giá đồng loạt, có thể tính theo từng ngày. Khách hỏi mua rất nhiều nhưng do ít nguồn nên không có hàng để bán”
Không chỉ vậy, giá đất mua vào bán ra của người dân cũng có sự biến động lớn. có những miếng đất mua vào cách đây một năm cho đến nay đã tăng lên 20 giá.
Không chỉ tại Đông Anh, giá đất tại Hoài Đức, Thanh Trì, Gia Lâm cũng có sự biến động lớn. Tại một số khu đô thị ở Hoài Đức, giá đất nền chỉ vào khoảng 18-20 triệu/m2, nhưng sau khi có thông tin lên quận, giá tăng gấp đôi. Hay như tại xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, giá đất hiện nay cũng đã giao động từ 55-69 triệu/m2.
Còn tại huyện Gia Lâm, đất cũng được đẩy lên cả chục giá. Nhiều nơi, đầu năm 2018 đất có mức giá chỉ từ 30—35 triệu/m2 thì nay đã lên tới 38-45 triệu/m2s.
Đất có thực sự “sốt”?
Cần công khai, minh bạch về thông tin để tránh tình trạng sốt đất
Theo khảo sát thực tế và tham khảo từ phía chính quyền địa phương. Giá đất tại 4 huyện chủ trương lên quận năm 2020 không có sự thay đổi nhiều.
Theo Ông Trần Văn Bình, PCT UBND xã Vĩnh Ngọc, Đông Anh, Hà Nội: “Người dân có đất để giao dịch, chuyển nhượng thì hiện nay không có mấy. Chủ yếu là đất do môi giới BĐS đã mua bán, chuyển nhượng từ trước đây.”
Ông Nguyễn Xuân Lý, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hoài Đức, cho biết: “Đất thổ cư cũ thì biến động ít. Còn như thông tin cho rằng là Hoài Đức có thể sốt giá thì nó không xảy ra. Chứng minh điều đó là việc mua bán chuyển nhượng của nhà đầu tư rất ổn định. Giá đất tại Hoài Đức nếu có tăng thì tăng theo quy luật phát triển chung chứ không tạo nên cơn sốt.”
Tại Hội thảo Tiêu điểm thị trường BĐS quý I/2019 tổ chức mới đây, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản đã chia sẻ: “Hiện nay, một số thông tin chưa được kiểm chứng, chưa rõ ràng như thông tin huyện lên quận, sáp nhập huyện…. Những thông tin này không được công khai minh bạch thì rất dễ tạo ra “sốt” đất.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam cũng cho hay: “Người dân và giới đầu tư khi nghe những thông tin về quy hoạch, nếu thấy có lợi họ sẽ đầu tư. Tuy nhiên, đối với những người đầu tư sai thì họ sẽ tìm mọi cách để bù lỗ. Vì thế mà thông tin lại càng nhiễu.”
Bài học về cơn sốt đất tại huyện Ba Vì cách đây 10 năm vẫn sẽ là bài học lớn đối với những ai có ý định thổi giá nhằm đầu cơ lướt sóng.