Aa

Thương mại điện tử - Xu hướng tất yếu trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0

Thứ Ba, 28/01/2020 - 07:10

Ứng dụng công nghệ cao của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của nền kinh tế số, trong đó có thương mại điện tử.

Điều đó đã tạo nên những thay đổi đột phá, trở thành chuỗi cung ứng thông minh, đem lại hiệu quả cho ngành bán lẻ. 

Thương mại điện tử trong nền kinh tế số…

“Kinh tế số” là nền kinh tế dựa trên các công nghệ kỹ thuật số. Thương mại điện tử, quảng cáo trực tuyến trên các trang mạng xã hội… chính là những dấu ấn của kinh tế số hóa trong đời sống của người dân Việt Nam những năm gần đây. “Kinh tế số” là bước phát triển tất yếu, phù hợp với xu thế mới, mang lại hiệu quả và giá trị lợi nhuận cao trong khi nền kinh tế truyền thống đang dần bão hoà.

Xu hướng mua sắm trực tuyến, tự động phát triển mạnh mẽ trong thời đại 4.0

Theo Bộ Công Thương, cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 góp phần chuyển dịch không chỉ các ngành sản xuất, mà còn cả các ngành kinh doanh, dịch vụ và hoạt động thương mại theo hướng từ nền kinh tế có năng suất thấp, với ít cơ hội cải tiến công nghệ để đạt được giá trị gia tăng cao, sang nền kinh tế có năng suất cao (có nhiều cơ hội hơn cho các sáng kiến, các đổi mới và nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất và kinh doanh). Việc nắm bắt kịp thời các thành quả của cuộc Cách mạng này có thể coi là chìa khóa, là cơ hội để phát triển mang tính đột phát cho các ngành kinh tế nói chung, cho các doanh nghiệp thuộc tất cả các lĩnh vực khác nhau trong thời gian tới.

Cùng với sự phát triển của công nghệ, thói quen người dùng mạng Internet ở Việt Nam cũng thay đổi, trong đó nhiều nhất là thói quen mua sắm. Những năm gần đây, Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á về tỷ lệ chuyển đổi của số lượt truy cập website có thể dẫn đến mua sắm thành công. Với sự xuất hiện của hàng loạt website thương mại điện tử như Lazada, Tiki, Shopee, Sendo, Adayroi… việc mua sắm online ngày càng trở nên quen thuộc với người người tiêu dùng Việt. Thị trường mua sắm trực tuyến trở nên sôi động hơn khi người tiêu dùng trẻ tham gia vào việc mua bán trên mạng xã hội ngày càng nhiều. Những con số tăng trưởng vượt xa dự báo chính là nhân tố hút làn sóng đầu tư từ nước ngoài mạnh mẽ hơn vào lĩnh thương mại điện tử tại Việt Nam.

Công nghệ ngày càng phát triển đồng nghĩa với việc thương mại điện tử không ngừng thay đổi về mô hình, phương thức hoạt động, về mức độ tham gia của các đối tượng liên quan: Người sở hữu website, người bán, người mua, người cung cấp hạ tầng kỹ thuật, các đối tượng trung gian như thanh toán, vận chuyển…

Đến năm 2020, dự kiến tại Việt Nam có khoảng 30% dân số tham gia mua sắm online. Theo đó, thương mại điện tử trên nền tảng di động và thương mại điện tử sẽ tiếp tục là xu thế chủ đạo trên thế giới, chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ toàn cầu.

Hoạt động đầu tư và tiềm lực từ các tên tuổi ngoại cũng được cho là sẽ thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử rất nhanh, đồng thời phần nào cho thấy sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam.

Báo cáo hồi tháng 9/2019 do iPrice Group thực hiện tổng kết ra 10 sàn thương mại điện tử có tổng số lượt truy cập website cao nhất tại thị trường Đông Nam Á. Kết quả cho thấy đến một nửa trong số này chính là các công ty nội địa của Việt Nam, lần lượt là các tên tuổi: Tiki, Sendo, Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh và FPT Shop.

Ngoài các công ty Việt Nam, 5 cái tên còn lại gồm: Lazada, Shopee cùng 3 startup "kỳ lân" từ Indonesia là Tokopedia, Bukalapak và Blibli.

Tuy đang xếp ở nửa dưới của top 10, nhưng chỉ riêng việc các công ty Việt Nam chiếm đa số trong top 10 đã đủ minh chứng cho tiềm năng của các công ty nội địa lẫn quy mô của thị trường thương mại điện tử Việt Nam. Google vào năm 2018 đã dự báo, thương mại điện tử Việt Nam đến năm 2025 sẽ đạt mức tăng trưởng 43% - cao nhất khu vực.

… và những rào chắn cần vượt qua

Thương mại điện tử Việt Nam mặc dù đã bắt nhịp xu hướng thương mại điện tử mới của thế giới, phục vụ hiệu quả cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo thói quen mua sắm hiện đại của người tiêu dùng trên môi trường mạng, nhưng các hạ tầng cho kinh tế số, như hạ tầng thanh toán điện tử, hạ tầng phân phối điện tử, hạ tầng nhân lực thương mại điện tử và công nghệ thông tin, hạ tầng an toàn an ninh thông tin còn bộc lộ nhiều hạn chế. Một bộ phận lớn các doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm cả doanh nghiệp thương mại điện tử, còn chưa ý thức được hoặc chưa quan tâm thích đáng đến sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ hiện đại.

Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 tác động mạnh mẽ đến thị trường thương mại điện tử

Để thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tại Hội thảo “Phát triển thương mại điện tử trong bối cảnh mới” đã đề xuất cần xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ sở, chính sách cho việc phát triển và ứng dụng kinh tế số; thiết lập và vận hành những hạ tầng thiết yếu cho thương mại điện tử; xây dựng khung kiến trúc và nền tảng kỹ thuật dùng chung cho các mô hình kinh doanh điện tử. Đồng thời, Viện cũng đưa ra kiến nghị hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp, xây dựng và tăng cường tính kết nối của chuỗi cung ứng quốc gia và khu vực, tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu…

Ngoài ra, cũng cần hoàn thiện môi trường pháp lý và có chính sách tiếp tục khuyến khích, thu hút đầu tư của xã hội, đầu tư tư nhân nhằm phát triển hạ tầng kỹ thuật cho thanh toán điện tử. Mặt khác, cần đảm bảo an toàn cho các giao dịch thương mại điện tử, nâng cao khả năng quản trị doanh nghiệp thông qua hợp tác và tăng sức cạnh tranh. Các doanh nghiệp cũng cần nghĩ đến phương án xây dựng mối quan hệ cộng sinh cho riêng mình, hợp tác để đáp ứng từng phần trong quy trình thương mại điện tử, tránh tự trói mình trong sợi dây áp lực “tự thực hiện”, đẩy mạnh đào tạo và phát triển nguồn nhân lực... là những điều kiện cần để phát triển thương mại điện tử trong thời đại mới.

Cùng với đó, bài toán nguồn nhân lực đủ mạnh cả về số lượng và chất lượng cũng được đặt ra. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực thương mại điện tử, thực tế nguồn nhân lực trong ngành này hiện nay cần có kiến thức rộng trong nhiều lĩnh vực như kinh tế, công nghệ thông tin, quản trị và ngoại ngữ nên đòi hỏi thời gian đào tạo dài, các lớp ngắn hạn và dạy nghề chỉ giải quyết tạm thời trong thời điểm thiếu nhân lực. Khảo sát cho thấy, kỹ năng về quản trị website và sàn giao dịch thương mại điện tử đang là nhu cầu lớn đối với các doanh nghiệp; tuy nhiên có tới 46% số doanh nghiệp gặp khó khăn khi tuyển dụng lao động có kỹ năng này. Ngoài ra, đối với các kỹ năng khác, doanh nghiệp cũng gặp không ít khó khăn. Cụ thể như kỹ năng khai thác, sử dụng các ứng dụng thương mại điện tử (45% số doanh nghiệp), kỹ năng cài đặt chế độ, ứng dụng, khắc phục sự cố thông thường của máy vi tính (42%), kỹ năng xây dựng kế hoạch, triển khai dự án thương mại điện tử (42%), kỹ năng quản trị cơ sở dữ liệu (42%), kỹ năng tiếp thị trực tuyến (35%), kỹ năng triển khai thanh toán trực tuyến (30%).

Để thúc đẩy thương mại điện tử phát triển, thời gian qua, Bộ Công Thương cũng đã chú trọng tăng cường các hoạt động đào tạo chính quy TMĐT để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo số liệu thống kê của Cục thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, trong giai đoạn 2005 - 2015, các trường đại học và cao đẳng có chuyên ngành đào tạo thương mại điện tử đã được bổ sung và nâng lên trên 90 trường. Năm 2017, một số trường tiếp tục mở rộng lĩnh vực đào tạo thương mại điện tử, nâng tổng số lên khoảng 110 trường… Nhiều doanh nghiệp hiện nay cũng đã chủ động liên kết với các trường đại học, cao đẳng và trung cấp để đào tạo và tuyển dụng lao động theo yêu cầu, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên/người lao động có việc làm ổn định, có cơ hội phát triển nghề nghiệp.

Với sự chuyển biến tích cực đó, hy vọng ngành thương mại điện tử nước ta sẽ nắm bắt được cơ hội, phát triển thành công.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top