Aa

“Giữ được thiên nhiên, chúng ta sẽ giữ được nguồn vốn không bao giờ cạn, sẽ ăn mãi nồi cơm thạch sanh“

Hoàng Trang
Hoàng Trang hoangtrang.98ajc@gmail.com
Thứ Năm, 06/01/2022 - 06:08

Đây là chia sẻ hết sức tâm huyết của ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Công ty Cổ phần phát triển nghỉ dưỡng Ngoại Ô khi nói về tiềm năng vô cùng rộng lớn của thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng Hòa Bình.

Chiều 5/1/2022, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam Reatimes và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam VIRES đã tổ chức Tọa đàm: "Sự trỗi dậy của thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng Hòa Bình".

Tọa đàm có sự tham dự của lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, đại diện chính quyền tỉnh Hòa Bình, các chuyên gia về kinh tế - bất động sản - quy hoạch - pháp lý, các cơ quan báo chí - truyền thông và sự đồng hành của Công ty Cổ phần phát triển Nghỉ dưỡng Ngoại ô.

Tại Tọa đàm, các chuyên gia, doanh nghiệp đã cùng bàn luận, phân tích về những tiềm năng, lợi thế của Hòa Bình để đón đầu cơ hội trở thành trung tâm nghỉ dưỡng cuối tuần của khu vực miền Bắc; Xu hướng staycation và sức hấp dẫn của Hòa Bình; Định hướng quy hoạch phát triển về hướng Đông của Hòa Bình, Giải pháp phát triển bền vững thị trường bất động sản nghỉ dưỡng ngoại ô; Cơ hội đầu tư sinh lời dài hạn vào bất động sản nghỉ dưỡng Hòa Bình…

Phát triển dự án bền vững kết hợp bảo vệ môi trường

Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Thành Trung - Giám đốc Công ty Cổ phần phát triển nghỉ dưỡng Ngoại Ô chia sẻ, Hòa Bình hiện đang là điểm đến thu hút rất nhiều chủ đầu tư với số lượng dự án đăng ký đầu tư lớn.

Theo quan sát, các dự án nhà ở tập trung dọc trục cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình, đoạn qua các xã Phúc Tiến kéo dài đến TP. Hòa Bình. Tại đây các dự án nhà ở xen kẽ cùng sân golf, một số khu nghỉ dưỡng cao cấp và một số dự án mang tính tiện ích xã hội như trường học, y tế…

Khu vực này có lợi thế lớn với mặt bằng ổn định, tiếp giáp với hai trục đường huyết mạch là cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình và Quốc lộ 6. Theo đánh giá của nhiều nhà đầu tư thì đây được ví như TP. Hòa Bình mở rộng với các dự án đồng bộ, quy mô, xen kẽ các tiện ích sống cao cấp.

Các dự án du lịch nghỉ dưỡng tập trung tại khu vực quanh hồ Hòa Bình. Số dự án được đăng ký đầu tư gia tăng rất nhanh trong thời gian 1 - 2 năm trở lại đây và đa số đều đang trong quá trình nghiên cứu, quy hoạch, một số ít đã hoàn thành công tác quy hoạch và trong giai đoạn thủ tục giao/cho thuê đất; quy mô cũng rất đa dạng.

Ông Nguyễn Thành Trung
Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Công ty Cổ phần phát triển nghỉ dưỡng Ngoại Ô.

Với góc nhìn của doanh nghiệp tâm huyết với thị trường Hòa Bình, ông Trung cho biết thêm đã có hàng loạt các cơ sở hạ tầng được bổ sung, sắp tới sẽ là khu du lịch trọng điểm quốc gia chính thức, chính thức được phê duyệt xây dựng lòng hồ Hòa Bình, đây sẽ là bước tiến quan trọng để các doanh nghiệp đầu tư có căn cứ lập quy hoạch và triển khai các dự án.

“Doanh nghiệp không ngại các thủ tục mà doanh nghiệp chỉ ngại các thủ tục không rõ ràng. Chính sách phát triển, thủ tục rõ ràng khiến doanh nghiệp ngày càng tự tin khi đầu tư vào Hòa Bình”, ông Trung cho biết.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thành Trung đánh giá, sau đại dịch Covid-19, làn sóng staycation càng ngày càng mở rộng. Thị trường tốt như vậy và lý do để thị trường này đang vươn mình mạnh mẽ cũng đã rõ. Việc đầu tư các dự án, đặc biệt là dự án nghỉ dưỡng phải thực sự đạt được sự bền vững.

Mặt khác, Hòa Bình là một tỉnh trung du, có địa hình phong phú và đa phần là đồi núi. Điều này đem lại lợi thế lớn cho các dự án đầu tư nhưng cũng đứng trước một tình huống khá “nhạy cảm” là khi các dự án đồng loạt triển khai xây dựng sẽ làm thiên nhiên dễ bị “tổn thương”.

“Doanh nghiệp đầu tư dự án tại Hòa Bình thay vì nhìn nhận trách nhiệm với môi trường là một gánh nặng, thì phải xem đây là một trong những cốt lõi tạo nên giá trị sản phẩm. Lấy vốn tự nhiên là một trong những loại vốn trọng tâm có tầm quan trọng không kém vốn tài chính hay vốn sản xuất”, ông Trung cảnh báo

Tuy nhiên, nếu không có giải pháp tốt, thì tự thân chủ đầu tư làm mất đi giá trị mà đáng ra mình được hưởng. San nền thì dễ, nhưng làm thay đổi kết cấu bề mặt, tăng khả năng sạt lở, chi phí xây bờ kè và tái tạo lớp đất màu để trồng trọt rất tốn kém.

"Chặt cây thì nhanh và khiến việc thi công công nghiệp được nhanh, nhưng trồng lại một cái cây thì tốn rất nhiều công sức và tiền bạc, thời gian. Cây trồng lại, luôn không đẹp bằng cây mọc tự nhiên. Cây ngoại lai luôn khó trồng, khó chăm hơn so với cây bản địa”, ông Trung nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế tại Việt Nam cũng nhận định: “Quan trọng là phát triển du lịch xanh, muốn có trái chín phải phát triển bằng xanh. Hòa Bình không gắn với phát triển xanh, không gắn với phát triển văn hóa thì không còn thế mạnh nữa.”

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế chia sẻ: "Cần đảm bảo phát triển du lịch xanh, môi trường xanh. Hòa Bình nên trở thành một vùng mẫu về Đà Lạt thứ 2 nếu được".

Hiện nay vấn đề đặt ra là làm sao để các doanh nghiệp chung tay cùng địa phương để phát triển thị trường bền vững. Nếu chúng ta bảo vệ vốn tự nhiên, đó mới là yếu tố cốt lõi, giá trị bền vững cho doanh nghiệp. Nếu định hướng được điều cốt lõi, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu cuối cùng về phát triển bền vững và tránh được những điều đáng tiếc như đã xảy ra ở SaPa (Lào Cai).

Giải pháp phát triển dự án nghỉ dưỡng

Từ góc nhìn đầu tư, ông Nguyễn Thành Trung cho biết: “Hiện nay, chúng tôi dành một ban giám sát và kiểm soát các tiêu chuẩn, thiết kế thi công liên quan đến bảo vệ môi trường trong đầu tư xây dựng. Đầu tiên, là nhóm giải pháp quy hoạch tôn trọng, hài hòa với thiên nhiên, chúng ta quy hoạch các công trình lớn, công trình đất bằng, ở trong những khu vực đất dốc có thể xây những căn nhà nhỏ.

Thứ hai, là nhóm giải pháp thiết kế kiến trúc cộng sinh với thiên nhiên đi kèm với nhóm giải pháp thi công thân thiện, áp dụng công nghệ cao. Đó là tận dụng tối đa được lợi thế thiên nhiên từ trong ra ngoài, xây dựng một khung cảnh hài hòa mà không “kệch cỡm”. Áp dụng xây dựng thi công phía trên mặt đất, không tác động vào thảm thực vật khiến cho chúng ta có những căn nhà dù nhìn ở góc độ nào cũng thấy được cây xanh.

“Đã qua thời chúng ta thể hiện uy lực từ các công trình lớn, đồ sộ mà xu hướng mới là những công trình nhỏ cộng sinh với thiên nhiên”, ông Trung cho biết.

Sakana Resort Hòa Bình
Sakana Resort Hòa Bình – Resort 5 sao giữa rừng Tây Bắc.

Thứ ba là, nhóm giải pháp thiết kế cảnh quan phát huy tính bản địa. Cây bản địa luôn dễ trồng, dễ sống, dễ chăm sóc, còn cây ngoại lai có nhiều nguy cơ xâm lấn trong môi trường thực vật, không bền vững trong tương lai. Điều này còn giảm chi phí cho việc bảo dưỡng, bảo trì cảnh quan.

Thứ tư là, nhóm giải pháp vận hành bền vững và tương tác, tôn tạo với thiên nhiên. Tận dụng tối đa năng lượng tái tạo như tái sử dụng năng lượng đốt phế thải hoặc các giải pháp liên quan đến môi trường thiên nhiên.

Với nhiều năm gắn bó trên mảnh đất Hòa Bình, đại diện cho doanh nghiệp, ông Trung kỳ vọng Hòa Bình cùng với sự quyết liệt của cơ quan quản lý, sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp sẽ hài hòa được giữa vấn đề tăng trưởng thần tốc với sự bền vững trong môi trường, tự nhiên và xã hội.

Qua quá trình tham gia trực tiếp nhiều dự án đầu tư ở các loại hình khác nhau, quá trình từ thiết kế đến triển khai thi công thực tế đến vận hành, hy vọng một số kinh nghiệm trên sẽ góp ích cho những nhà đầu tư đang chuẩn bị đầu tư tại Hòa Bình.

Ông Trung bày tỏ: “Chúng tôi muốn lan tỏa tầm quan trọng trong vấn đề bảo vệ môi trường, phát triển dự án hài hòa với thiên nhiên. Bởi thực sự, đối với vùng trung du miền núi như Hòa Bình, vấn đề hài hòa với thiên nhiên là yếu tố sống còn của mọi dự án. Giữ được thiên nhiên, chúng ta sẽ giữ được nguồn vốn không bao giờ cạn, sẽ ăn mãi nồi cơm thạch sạch này. Hy vọng tất cả các doanh nghiệp cùng chung tay vì sự phát triển bền vững".

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top