Aa

Tiền gửi thanh toán cá nhân tăng mạnh - sự chuyển đổi tất yếu?

Thứ Tư, 29/09/2021 - 05:00

Không chỉ số lượng tài khoản tăng mạnh, số dư trên tiền gửi thanh toán khách hàng cá nhân cũng tăng ấn tượng gợi lên nhiều điều trong cách thức mà khách hàng đang sử dụng các dịch vụ của ngân hàng.

Tăng trưởng ấn tượng

Hơn 107,4 triệu là số lượng tài khoản tiền gửi thanh toán (TGTT) khách hàng cá nhân (KHCN) đến cuối quý 2 năm nay, tăng hơn 3,2 triệu tài khoản so với quý 1 và tăng xấp xỉ bảy triệu tài khoản so với cuối năm 2020.

Theo định nghĩa của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đây là các tài khoản tiền gửi không kỳ hạn đang hoạt động của cá nhân mở tại ngân hàng để sử dụng các dịch vụ thanh toán do ngân hàng cung ứng, vì vậy không có gì lạ khi con số này cao hơn cả dân số Việt Nam là 98,3 triệu người, do có người mở 2 - 3 tài khoản tại các ngân hàng khác nhau.

Không chỉ tăng mạnh về số lượng tài khoản, số dư TGTT của cá nhân cũng tăng mạnh 87.920 tỷ đồng trong sáu tháng đầu năm, lên mức 754.702 tỷ đồng vào cuối quý 2 năm nay, tương ứng mức tăng lên đến 13,2%, cao hơn nhiều so với mức tăng của tổng huy động vốn nói chung là 3,84% lẫn tổng tiền gửi KHCN nói riêng là 2,94%. Như vậy, trong khi tiền gửi tiết kiệm của KHCN thời gian qua tăng chậm lại đáng kể so với tiền gửi của khách hàng doanh nghiệp, thì lượng TGTT của cá nhân có xu hướng ngược lại khi vẫn tăng rất tốt.

Nếu so với thời điểm hai dữ liệu này bắt đầu được công bố là vào tháng 6/2012, số lượng tài khoản TGTT cá nhân hiện nay đã gấp hơn 2,8 lần, trong khi số dư gấp hơn 11 lần, đánh dấu mức tăng trưởng ấn tượng trong vòng chín năm qua. Điều này góp phần giúp cho tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của toàn ngành nói chung cũng như một số ngân hàng nói riêng tăng trưởng mạnh mẽ, kéo chi phí vốn đầu vào bình quân của các ngân hàng ngày càng tối ưu hơn.

Dựa trên tổng số dư huy động vốn toàn ngành tính đến cuối tháng 6 là 10.404.260 tỷ đồng, tỷ lệ TGTT cá nhân chiếm tỷ trọng 7,3%, còn nếu so với tổng số dư tiền gửi của riêng KHCN là 5.293.084, tỷ trọng này là 14,3%. Cả hai tỷ lệ này đều tăng rất mạnh so với mức tương ứng 2,6% và 4,5% cách đây đúng chín năm về trước.

Xu hướng tất yếu

Tiền gửi thanh toán cá nhân tăng mạnh – sự chuyển đổi tất yếu

NHNN trong những năm qua đã tích cực triển khai Chiến lược tài chính toàn diện và Đề án thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy việc cung cấp các dịch vụ tài chính cơ bản đến mọi đối tượng và đẩy nhanh các hình thức thanh toán phi tiền mặt, do đó đã góp phần khuyến khích người dân mở tài khoản tại ngân hàng và sử dụng các dịch vụ thanh toán trực tuyến nhiều hơn.

Tuy nhiên, phải đến khi cơn bão Covid-19 xuất hiện từ năm ngoái đến nay, xu hướng này mới mạnh mẽ hơn. Đại dịch đã làm thay đổi mọi thứ và hành vi tiêu dùng cũng chuyển đổi nhanh chóng. Trước các chính sách giãn cách xã hội, mọi người buộc phải sử dụng các kênh trực tuyến để thanh toán các dịch vụ thiết yếu nhất như trả tiền điện, tiền nước, cước phí truyền hình, điện thoại, Internet,… cũng như hạn chế sử dụng tiền mặt để tránh nguy cơ nhiễm virus.

Cụ thể, theo thống kê của NHNN, các giao dịch thanh toán qua Internet banking và Mobile banking trong quý 2/2021 tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Cụ thể, về giao dịch qua Internet banking, số lượng giao dịch lên hơn 169,19 triệu món với giá trị gần 8,95 triệu tỷ đồng, tăng tương ứng 12,97 triệu món và 832.000 tỷ đồng so với thời điểm quý 1. Trong khi đó, giao dịch qua Mobile banking có số lượng cao hơn, lên đến 467,78 triệu món nhưng giá trị giao dịch chỉ gần 5,88 triệu tỷ đồng, tăng tương ứng 72,72 triệu món và 1,25 triệu tỷ đồng.

Đáng lưu ý là cũng theo thống kê của NHNN, số lượng giao dịch vào thời điểm quý 1 năm ngoái qua Internet banking chỉ đạt 94.833 món, với giá trị giao dịch là 55.533 tỷ đồng, trong khi qua Mobile banking tương ứng là 56.233 món và 543.454 tỷ đồng. Nếu việc thống kê giữa các thời điểm là đồng nhất về bản chất (?), việc tăng trưởng mạnh mẽ chỉ sau một năm như vậy thật sự quá ấn tượng.

Đại dịch đã làm thay đổi mọi thứ và hành vi tiêu dùng cũng chuyển đổi nhanh chóng.

Ngược lại, do tác động của dịch bệnh, số giao dịch qua ATM và POS trong quý 2/2021 cũng bị ảnh hưởng đáng kể, theo đó số lượng giao dịch qua ATM chỉ còn đạt hơn 258.7 triệu món, tương đương giá trị 729.917 tỷ đồng, giảm 14.794 tỷ đồng so với đầu năm. Số lượng giao dịch qua máy POS đạt gần 106,9 triệu món, tương đương giá trị 173.254 tỷ đồng, giảm 10.447 tỷ đồng so với đầu năm.

Ngoài ra, dịch bệnh và chính sách giãn cách xã hội cũng làm giảm nhu cầu tiêu dùng, nên lượng tiền nhàn rỗi đọng lại trên các tài khoản TGTT cá nhân khá lớn. Thực tế nhìn vào biểu đồ bên dưới, chúng ta có thể thấy cả số lượng tài khoản lẫn số dư bắt đầu tăng với tốc độ nhanh hơn từ quý 1 năm ngoái, đặc biệt là số dư khi tính đến cuối quý 2/2021 đã tăng đến 58% so với quý 1/2020. Điều này phần nào lý giải việc một số ngân hàng gần đây liên tục công bố tỷ lệ CASA tăng mạnh lên mức kỷ lục.

Về phần mình, các ngân hàng gần đây cũng đã đẩy mạnh triển khai các dịch vụ mở tài khoản và xác thực trực tuyến (eKYC), ngân hàng số nên càng tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng mở tài khoản thanh toán, ngay cả ở những vùng nông thôn mà mạng lưới ngân hàng còn ít nhiều hạn chế, cũng như ban hành các chính sách miễn, giảm phí mở, duy trì tài khoản hay thanh toán, chuyển tiền trực tuyến.

Ngoài ra, việc ra đời và phát triển ngày càng mạnh mẽ của các ví điện tử đòi hỏi liên kết với tài khoản ngân hàng cũng làm tăng nhu cầu mở mới tài khoản TGTT hoặc mở thêm tài khoản mới tại ngân hàng thứ 2, thứ 3 mà có thể liên kết được với ví điện tử.

Việc số lượng tài khoản chứng khoán tăng vọt có lẽ cũng kéo theo nhu cầu mở tài khoản thanh toán ngân hàng tăng mạnh theo, nhằm phục vụ nhu cầu nộp, rút tiền để giao dịch chứng khoán.

Thống kê cho thấy số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân tính đến cuối tháng 8 là gần 3,57 triệu tài khoản, tăng hơn 1,17 triệu tài khoản so với thời điểm cuối tháng 3/2021. Trong đó, tính riêng tám tháng đầu năm, nhà đầu tư trong nước mở mới 842.405 tài khoản chứng khoán, lớn hơn tổng số tài khoản mở mới trong ba năm 2018 - 2020 cộng lại là 837.345 tài khoản./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top