Aa

Tiền tệ - tài khóa phối hợp để hỗ trợ phục hồi

Thứ Sáu, 10/12/2021 - 14:00

Để giúp kinh tế phục hồi nhanh và bền vững, sự phối hợp giữa chính sách tài khóa (CSTK) và chính sách tiền tệ (CSTT) là vô cùng quan trọng và cần hiệu quả hơn nữa.

Thiệt hại lớn vì đại dịch

Theo ước tính của nhóm nghiên cứu thuộc Ban Kinh tế Trung ương, ước tính 2 năm 2020 - 2021, Việt Nam thiệt hại tổng cộng khoảng 507,3 nghìn tỷ đồng (năm 2020 Việt Nam ước tính thiệt hại khoảng 161,4 nghìn tỷ đồng và năm 2021 khoảng 345,9 nghìn tỷ đồng) tính theo giá cố định 2010, tương đương với khoảng 847 nghìn tỷ đồng theo giá hiện hành 2021, tức lên tới khoảng 37 tỷ USD.

Những tính toán này dựa trên giả thiết nếu không có đại dịch thì GDP Việt Nam trong 2 năm 2020 và 2021 có thể sẽ tăng trưởng bình quân 7%/năm (giả thiết này là khá trung tính và khả thi vì thực tế tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2019 đạt 7,02% và đang trong đà lấy lại tốc độ tăng trưởng sau một thời kỳ tập trung củng cố các nền tảng vĩ mô từ năm 2011). Trong khi đó, thực tế tăng trưởng kinh tế năm 2020 chỉ đạt 2,91% và năm 2021 dự kiến chỉ trong khoảng 2,1 - 2,8%.

Chỉ một vài số liệu như vậy cho thấy tác động của đại dịch Covid-19 đến nền kinh tế nước ta lớn đến thế nào. Và không chỉ là những thiệt hại mà nền kinh tế, doanh nghiệp, người dân đã phải hứng chịu, các chuyên gia còn cảnh báo đến những hệ lụy tiếp diễn và kéo dài trong tương lai như nguy cơ lỡ nhịp, tụt hậu, khó hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm đã đề ra…

Chính vì vậy, một chương trình tổng thể để phục hồi nền kinh tế với quy mô đủ lớn, thời lượng đủ dài trở nên rất cấp thiết. Trong chương trình tổng thể này, dù CSTK phải đóng vai trò chủ chốt, nhưng sự phối hợp hiệu quả với CSTT là vô cùng quan trọng để kinh tế phục hồi nhưng không bị lệch hướng đi, các thị trường không bị “méo mó” nguồn lực và tránh được các hệ quả về sau này như đã từng xảy ra ở các giai đoạn trước.

CSTT không chỉ duy trì thanh khoản ổn định cho nền kinh tế, mà còn hỗ trợ phát hành trái phiếu Chính phủ với lãi suất thấp hơn.

Thực tế, sự phối hợp giữa CSTK và CSTT trong thời gian qua đã được thực hiện khá “nhuyễn”. Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, CSTT trong suốt hai năm qua luôn hướng đến hỗ trợ cho nền kinh tế phục hồi.

Ở khía cạnh về lượng, CSTT luôn được điều hành chủ động trong cung tiền đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế, hệ thống TCTD và cho phép các TCTD cơ cấu lại nợ cho các doanh nghiệp. Về khía cạnh giá, lãi suất điều hành nhiều lần được cắt giảm; vốn trên thị trường mở luôn được NHNN cung ứng với mức lãi suất thấp… nhờ đó đến nay mặt bằng lãi suất huy động và cho vay đã giảm 1,5 - 2% so với đầu năm 2020…

Đồng bộ, hài hòa, tránh giật cục

Theo Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà, nhờ duy trì lượng thanh khoản rất tốt cho thị trường cùng với mặt bằng lãi suất giảm đã tạo điều kiện cho Bộ Tài chính phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) với mức lãi suất hợp lý. “Trước đây, khó có thể nghĩ chúng ta có thể phát hành thành công TPCP kỳ hạn 30 năm với mức lãi suất chỉ dưới 3% như hiện nay”, Phó Thống đốc lấy ví dụ.

Ở chiều ngược lại, với lượng TPCP phát hành được (kỳ hạn phát hành bình quân ngày càng dài hơn và lãi suất thấp đi), Kho bạc Nhà nước cũng đã phối hợp rất tốt với. NHNN trong việc điều tiết, kiểm soát tiền tệ nhờ đó góp phần quan trọng trong việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Những yếu tố như vậy cho thấy sự phối hợp rất tốt giữa CSTK và CSTT.

Tuy nhiên, bối cảnh nền kinh tế vẫn đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức rất lớn cả từ bên ngoài cũng như trong nước nên sự phối hợp giữa hai chính sách càng cần hiệu quả và chặt chẽ hơn trong quá trình hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.

Theo TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, bên cạnh các rủi ro từ bên ngoài, đặc biệt là áp lực lạm phát cao buộc nhiều NHTW các nước thắt chặt CSTT; trong nước cũng đối mặt với nhiều thách thức rất lớn như: Dịch bệnh còn diễn biến phức tạp chưa biết khi nào chấm dứt; tăng trưởng GDP năm 2021 tiếp tục ở mức thấp và những dấu hiệu “lỡ nhịp”, tụt hậu, nguy cơ nợ xấu gia tăng… cũng xuất hiện.

“Những thách thức như vậy cho thấy, tính cấp thiết ban hành chương trình tổng thể để hỗ trợ phục hồi và phát triển. Mục tiêu của chính sách phải hỗ trợ cả tổng cung, tổng cầu và thực hiện đa mục tiêu, có sự phối hợp linh hoạt, chặt chẽ, hài hòa giữa CSTK, CSTT và các chính sách khác”, chuyên gia này nhấn mạnh.

Cùng quan điểm trên, TS. Nguyễn Tú Anh - Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng phối hợp chặt chẽ giữa CSTT và CSTK là rất cần trong lúc này.

“Việc giải ngân từ tài khóa cần đều đặn, tránh giật cục. Vì tiền từ tài khóa khi chi tiêu sẽ quay trở lại hệ thống ngân hàng để cung cấp tiền nhàn rỗi cho hệ thống, qua đó giảm áp lực tăng lãi suất tiền gửi. Đồng thời, không nên giải ngân quá ồ ạt có thể gây áp lực lên lạm phát và bong bóng tài sản tài chính và bất động sản”, TS. Nguyễn Tú Anh đề xuất.

TS. Trương Văn Phước - nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng cho rằng, Việt Nam cần có một số gói hỗ trợ tài chính đủ lớn, đủ rộng và dài để giúp nền kinh tế phục hồi. “Nếu thiếu các gói hỗ trợ như vậy, không loại trừ kinh tế Việt Nam sẽ rơi vào một thời kỳ trì trệ lâu dài, đánh mất nhiều lợi thế và cơ hội vươn tới các mục tiêu phát triển đã đề ra”, ông Phước cảnh báo. Theo ông, các gói hỗ trợ hoàn toàn có thể thực hiện được bởi dư địa CSTK còn lớn như thu ngân sách dự kiến cả năm vẫn tăng so với dự toán; bội chi ngân sách và trần nợ công vẫn duy trì trong mức cho phép; khả năng huy động nguồn vốn tài chính trong nước vẫn khá dồi dào với lãi suất TPCP thấp hiện chỉ quanh mức 2.09%/năm đối với kỳ hạn 10 năm...

Trong khi đó, CSTT có thể hỗ trợ CSTK để có nguồn lực tài chính trong các gói kích thích, hỗ trợ.

“Tham khảo kinh nghiệm các nước về việc NHTW vừa mua trực tiếp trái phiếu kho bạc vừa tiến hành hoạt động Repo (mua đi, bán lại trái phiếu) thì nên xem xét đến việc NHNN mua TPCP. Đây vừa là hành động hỗ trợ ngân sách Nhà nước, vừa nắm công cụ để điều hành CSTT như bơm tiền (mua TPCP), hút tiền (bán TPCP) cho các TCTD”.

Ngoài ra, TS. Trương Văn Phước cũng đề xuất, chính sách cơ cấu lại nợ cho các doanh nghiệp (theo Thông tư 01, Thông tư 03 và hiện nay là Thông tư 14 của NHNN) là chính sách rất tốt và cần kéo dài đến ít nhất cuối năm 2022 thay vì chỉ kéo dài đến tháng 6/2022 như một số kiến nghị.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top