Aa

Tiếp cận vốn tín dụng: Sẵn sàng triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn

Thứ Ba, 31/10/2023 - 10:28

Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là kết thúc năm 2023, nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn chậm và khó có thể đạt mục tiêu đề ra cả năm khoảng 14 - 15%.

Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng đối với một số đối tượng, ngành, lĩnh vực; lãi suất; phí dịch vụ ngân hàng cũng như tổ chức nhiều hội nghị kết nối ngân hàng với doanh nghiệp.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, tín dụng là một lĩnh vực luôn được quan tâm. Do đó, trong gần 10 tháng qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức nhiều hội nghị, cuộc họp với các bộ, ngành, hiệp hội; đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng tổ chức các hội nghị, cuộc họp bàn, ban hành văn bản chỉ đạo về các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng đối với một số đối tượng, ngành, lĩnh vực... Đặc biệt, từ tháng 9/2023 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức hàng loạt các hội nghị Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh, thành phố Bắc Ninh, Thái Nguyên, Đắc Lắk, Cần Thơ, Hà Nội, thể hiện tinh thần đồng hành, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn giữa ngân hàng và doanh nghiệp cũng như nền kinh tế.

Tại các hội nghị kết nối, nhiều ý kiến về khó khăn, vướng mắc trong việc tiếp cận và hấp thụ vốn tín dụng đã được các hiệp hội, doanh nghiệp và các ngân hàng thẳng thắn chia sẻ.

Một buổi giao dịch cho vay tại điểm giao dịch xã Liên Minh, huyện Võ Nhai, Thái Nguyên. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN

Bà Nguyễn Thị Bích Hồng, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và thương mại Phương Thảo Phát (Hyundai Bắc Ninh) cho biết, tài sản thế chấp, lãi suất vay vốn cao và thủ tục nhiều nấc vẫn là rào cản lớn của doanh nghiệp trong quá trình tiếp cận tín dụng. Các tổ chức tín dụng thiếu cơ sở dữ liệu đáng tin cậy về doanh nghiệp, nhất là các thông tin về kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp dẫn đến thiếu cơ sở cho các tổ chức tín dụng ra quyết định cho vay. Đại diện doanh nghiệp này đề nghị xây dựng các chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp có điều kiện tài chính chưa tốt để tiếp cận vốn trên thị trường, tiếp tục hạ lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho doanh nghiệp kịp thời, đúng lúc.

Tại một trong những tỉnh còn nhiều khó khăn ở vùng Tây Nguyên, bà Trần Thị Lan Anh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, tỉnh Gia Lai chia sẻ, các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ đang phải vay vốn theo hình thức thế chấp bằng các bất động sản là chủ yếu. Việc vay vốn bằng thế chấp tài sản khiến các doanh nghiệp tư nhân chỉ được vay với số tiền hạn chế, trong khi việc thu mua một số mặt hàng như cà phê lại rất khẩn trương vì đây là mặt hàng nông sản có tính thời vụ cao.

Bà Trần Thị Lan Anh cho rằng, cần có chính sách cấp tín dụng phù hợp theo nghành nghề, đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh vào vụ mùa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển cạnh tranh công bằng với doanh nghiệp FDI cũng như doanh nghiệp nhà nước.

Ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Hội doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chủ lực (HAMI) cho rằng, việc tiếp cận vay vốn ngân hàng với các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn nhiều thủ tục rườm rà và thời gian xem xét phê duyệt khoản vay khá dài. Với khoản vay vốn ngắn hạn thông thường, thời gian xem xét phê duyệt từ 1 - 3 tháng và khoản vay trung, dài hạn thì trung bình kéo dài 3 tháng, thậm chí có những khoản vay thời gian xem xét phê duyệt lên tới 6 tháng hoặc dài hơn. Bên cạnh đó, việc giảm lãi suất không kịp thời là yếu tố khiến doanh nghiệp càng khó khăn hơn, đặc biệt đối với các doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính cao.

Đại diện các ngân hàng thương mại đều cho biết sẽ nỗ lực tiết giảm chi phí, huy động các nguồn vốn với lãi suất thấp, từ đó có thêm cơ hội giảm lãi suất cho vay trên tinh thần "lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ". Cùng với đó, đồng hành cùng khách hàng hoàn thiện các hồ sơ thủ tục, rút ngắn thời gian thực hiện quy trình thẩm định, phê duyệt, giải ngân... để kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn cho khách hàng.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, ngành ngân hàng đã lắng nghe và tích cực triển khai các chương trình, chính sách, giải pháp về tín dụng, tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng trong một số ngành, lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế. Đến ngày 24/10/2023, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 6,81% so với cuối năm 2022; trong đó từ tháng 5 trở lại đây đã tăng nhanh hơn, tín dụng đối với doanh nghiệp đạt gần 6,5 triệu tỷ đồng, chiếm trên 50% dư nợ toàn nền kinh tế.

Tuy nhiên, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước thừa nhận, dù nỗ lực thực hiện các chủ trương, chính sách, nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn thấp. Đồng thời, nhiều giải pháp được thực hiện bằng chính nguồn lực của tổ chức tín dụng, song việc cung ứng và tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp trên cả nước còn đối mặt với nhiều khó khăn. 

Ngoài ra, các kênh huy động vốn khác chưa thực sự phát huy hiệu quả, nhất là thị trường vốn đang tồn tại một số vấn đề và chưa phát triển tương xứng với vai trò cung ứng vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế. 

Đặc biệt, cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng giảm; một số nhóm khách hàng có nhu cầu, nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa; tác động từ khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm bất động sản. Còn các tổ chức tín dụng rất khó khăn trong quyết định cho vay do không hạ được chuẩn tín dụng để đảm bảo an toàn hệ thống.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, với tinh thần đồng hành, chia sẻ cùng người dân và doanh nghiệp, ngành ngân hàng sẵn sàng triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phát triển kinh tế.

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, gắn việc đầu tư tín dụng ngân hàng để thực hiện các chương trình, dự án theo quy hoạch của tỉnh. 

Các tổ chức tín dụng cần tích cực triển khai các nhiệm vụ của ngành ngân hàng thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; trong đó trọng tâm là chương trình hỗ trợ lãi suất 2% qua hệ thống ngân hàng thương mại, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cũng như các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù đối với một số ngành, lĩnh vực theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top