Aa

Tín dụng cho xây dựng - BĐS: Vietcombank và VPBank “bất đồng quan điểm”

Thứ Ba, 28/02/2017 - 01:31

Vietcombank và VPBank là 2 trong số ít ngân hàng công bố rõ về dòng tín dụng dành cho ngành xây dựng, BĐS trong báo cáo tài chính năm 2016. Việc cắt hay tăng dòng tín dụng phần nào đánh giá kỳ vọng vào thị trường BĐS của các ngân hàng này.

VCB: Dư nợ tín dụng cho ngành xây dựng tăng 3.800 tỷ đồng sau một năm

Theo BCTC hợp nhất quý IV/2016 của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (mã VCB), đến thời điểm 31/12/2016, tiền gửi của khách hàng đạt 590 nghìn tỷ, tăng 17,7% so với cuối năm 2015; cho vay khách hàng đạt 460 nghìn tỷ, tăng 18,8%. Trong quý IV, thu nhập lãi thuần của Vietcombank tăng 10%. Lũy kế cả năm, thu nhập lãi thuần đạt trên 18,5 nghìn tỷ, tăng 19,8%.

Tổng lợi nhuận trước thuế riêng quý IV/2016 đạt 2.191 tỷ đồng, tăng không đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế cả năm, Vietcombank báo lãi 8.517 tỷ đồng, tăng 24%. Lợi nhuận sau thuế đạt 6.845 tỷ đồng. Lãi cơ bản trên cổ phiếu - EPS đạt 1.897 đồng/cp trong năm 2016.

Đến cuối năm 2016, tổng nợ xấu của Vietcombank là 6.835 tỷ đồng, chiếm 1,48% tổng dư nợ cho vay, giảm so với thời điểm đầu năm (1,84%). Riêng "ngân hàng mẹ", tính đến cuối năm 2016, nợ đủ tiêu chuẩn là 443.702,1 tỷ đồng, nợ cần chú ý là 6.646,48 tỷ đồng, nợ dưới tiêu chuẩn đạt 1.309,3 tỷ đồng, nợ nghi ngờ 1.338,9 tỷ đồng và nợ có khả năng mất vốn là 4.141 tỷ đồng.

Phân tích dư nợ theo thời gian của "ngân hàng mẹ" Vietcombank, nợ ngắn hạn là 259.279,5 tỷ đồng, trung hạn là 51.213,8 tỷ đồng và nợ dài hạn là 146.644,5 tỷ đồng. Theo đối tượng khách hàng, doanh nghiệp Nhà nước được Vietcombank ưu tiên 91.010,3 tỷ đồng vốn, dư nợ cho nhóm công ty TNHH là 96.011.52 tỷ đồng, doanh nghiệp có vốn dầu tư nước ngoài là 30.451,5 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng Vietcombank dành cho khách hàng là hợp tác xã và công ty tư nhân khoảng 7.452 tỷ đồng, cá nhân được cho vay 115.813,4 tỷ đồng và nhóm khách hàng khác dành 116.398 tỷ đồng vốn. 

Nếu xét nợ cho vay theo ngành, ngành sản xuất gia công chế biến khoảng 139.144,4 tỷ đồng, thương mại dịch vụ là 117.594 tỷ đồng, sản xuất và phân phối điện khi đốt nước là 28.618,1 tỷ đồng, vận tải kho bãi và thông tin liên lạc là 26.326,8 tỷ đồng.

Nhóm ngành xây dựng xếp thứ 5 trong số những ngành có dư nợ tín dụng cao. Tính đến ngày 31/12/2016, dư nợ tín dụng cho xây dựng là 24.900,2 tỷ đồng, chiếm khoảng 5,5% tổng dư nợ tín dụng của Vietcombank năm 2016. Năm 2015, dư nợ tín dụng cho ngành xây dựng là 21.093,4 tỷ đồng, thấp hơn khoảng 3.800 tỷ đồng so với năm 2016. Tuy nhiên, trong tổng dư nợ tín dụng năm 2015 của Vietcombank, dự nợ cho nhóm ngành xây dựng cũng tương đương khoảng 5,5%.

VPBank: Dư nợ cho kinh doanh BĐS giảm 3,94%

Theo báo cáo tài chính hợp nhất và báo cáo tài chính "công ty mẹ", lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vương - VPBank đạt 4.900 tỷ đồng. Trong đó, "ngân hàng mẹ" đạt 3.428 tỷ đồng, cao hơn hẳn mức lợi nhuận năm 2015 với 1.997 tỷ đồng. Báo cáo tài chính cho thấy, đóng góp vào lợi nhuận vẫn chủ yếu là thu nhập từ lãi.

Nợ xấu tính đến cuối năm 2016 chiếm 2,03% trên tổng dư nợ. Dư nợ tín dụng "ngân hàng mẹ" là hơn 112.568 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2016, cao hơn 16,5% so với năm 2015. Trong đó nợ đủ tiêu chuẩn chiếm trên 94% tổng dư nợ.

Trong cơ cấu nợ, nợ dài hạn chiếm tỷ trọng 42% tổng dư nợ, nợ trung hạn là 29,7% và nợ ngắn hạn là 26,5%. Phân chia theo đối tượng khách hàng, 51,41% tổng dư nợ của VPBank là phục vụ nhóm khách hàng là hộ kinh doanh và cá nhân. Dư nợ cho vay các công ty trách nhiệm hữu hạn cũng chiếm tỷ trọng lớn với 24,35% và đứng thứ ba là dư nợ cho vay với công ty cổ phần, chiếm 18,83%.

Xét theo nhóm ngành nghề, VPBank dành vốn nhiều nhất cho nhóm hộ gia đình bao gồm hoạt động làm thuê các công việc trong hộ gia đình, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình đạt gần 26%. Cho vay công nghiệp chế biến, chế tạo của VPBank chiếm 14,79% tỷ trọng dư nợ và cho vay phục vụ ô tô, xe máy chiếm gần 10%.

Hoạt động kinh doanh BĐS là nhóm ngành được ưu tiên thứ hai với dư nợ tín dụng là 15,82%. Tỷ lệ này thấp hơn mức 19,76% của năm 2015.

Được biết, từ cuối tháng 5/2016, NHNN đã ban hành Thông tư 06/2016/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 36/2014 theo hướng siết chặt tín dụng vào BĐS. Chính sách này có hiệu lực từ ngày 1/7/2016. Tuy nhiên, NHNN đã đưa ra lộ trình thực hiện như sau: Tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn được giữ nguyên 60% đến ngày 31/12/2016, rồi giảm dần xuống 50% từ ngày 1/1/2017 và xuống mức 40% từ ngày 1/1/2018.

Cũng theo Thông tư 06, hệ số rủi ro cho các khoản vay BĐS được nâng từ 150% lên 200%. Ngân hàng sẽ phải duy trì nguồn vốn tối thiểu cao, sẽ không còn nhiều tiền để cho vay BĐS. Bên cạnh đó, đối với các ngân hàng, khi cho khách hàng vay để đầu tư hay mua BĐS, cần đánh giá chính xác về dòng tiền từ hoạt động kinh doanh vì đây chính là nguồn tiền quan trọng nhất để hoàn trả tiền vay. Như vậy, trong thời gian tới, dư nợ cho vay BĐS tại các ngân hàng sẽ dần được điều chỉnh phù hợp với thông tư của Ngân hàng Nhà nước.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top