Aa

Tổ công tác của Thủ tướng: Văn bản ban hành phải vì cuộc sống

Chủ Nhật, 24/03/2019 - 06:01

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng nhấn mạnh điều này tại cuộc họp chiều 22/3 với đại diện 12 Bộ, cơ quan về tình hình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật.

Hiện các bộ, cơ quan còn nợ đọng 16 văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành luật, pháp lệnh có hiệu lực từ 1/1/2019, gồm 14 nghị định, 1 quyết định và 1 thông tư. Ngoài ra, từ 1/7/2019, có thêm 16 luật, pháp lệnh sẽ có hiệu lực, nếu không đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sẽ tiếp tục có thêm các văn bản hướng dẫn bị nợ đọng.

Một trong những vấn đề nổi lên tại cuộc làm việc là việc xây dựng các văn bản liên quan tới Luật Quy hoạch.

Khẩn trương gỡ vướng liên quan Luật Quy hoạch

Giải trình về việc nợ dự thảo nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch và Thông tư hướng dẫn định mức kinh tế kỹ thuật thẩm định công bố điều chỉnh quy hoạch, ông Quách Ngọc Tuấn, Vụ phó Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, do việc lập quy hoạch, cách tiếp cận tích hợp đa ngành của Luật Quy hoạch là vấn đề mới, có phạm vi rộng, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực nên Bộ phải nhiều lần hoàn thiện, tiếp thu, giải trình các ý kiến đóng góp.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại cuộc họp. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại cuộc họp. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trên tinh thần cuộc họp ngày 14/3 với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ hoàn thiện dự thảo để trình Chính phủ ban hành trong thời gian sớm nhất. Hiện Bộ đang chờ thông báo của Văn phòng Chính phủ về kết luận cuộc họp này. Thông tư của Bộ cũng đã hoàn thiện, bảo đảm nghị định ban hành Thông tư cũng được ban hành để có hiệu lực cùng thời điểm.

Không đồng ý với giải thích trên, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ: Nếu dự thảo của Bộ không tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thì ban hành nghị định ra cũng không thực hiện được.

“Văn phòng Chính phủ báo cáo lãnh đạo Chính phủ, nếu ban hành như tham mưu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì chúng tôi không thể làm được, các địa phương cũng không làm được." "Văn bản ban hành phải vì cuộc sống, chỉ để cho hết nợ đọng thì không có giá trị gì cả” -  Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, quan trọng nhất là điều khoản chuyển tiếp, xử lý thế nào khi các luật ngành hết hiệu lực, khi quy hoạch quốc gia, vùng, tỉnh chưa được tích hợp.

“Hiện các ngành đều kêu rất vướng. Những quy hoạch đang làm dở có làm tiếp không, làm rồi có phê duyệt không, đã phê duyệt rồi có được điều chỉnh bổ sung không?”, Tổ trưởng Tổ công tác nêu thực tế và lưu ý thêm, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đề cập rất nhiều lần về các quy định chuyển tiếp như thế nào để tháo gỡ các vướng mắc trong thực tế.

Tuy nhiên, cơ quan chủ trì soạn thảo lại không đưa ra vấn đề chuyển tiếp mà chỉ nói điều chỉnh kéo dài.

Hàng loạt câu hỏi được Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chất vấn, "gọi tên" đích danh các cơ quan, cán bộ có trách nhiệm. Theo đó, các cơ quan tham mưu phải chủ động, lẽ ra khi ban hành Luật Quy hoạch phải có nghị định kèm theo nhưng không có. Bây giờ Luật có hiệu lực rồi, giở nghị định ra thì vướng không làm được. Hiện nay Bộ Công Thương đang có mấy chục dự án không làm được vì bị vướng, Bộ trưởng nói.

Ông cũng chỉ ra rằng Nghị định quy định về tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ trình từ tháng 1/2018 đến nay đã hơn 1 năm chưa ban hành được. Nghị định đã nợ 1 năm 5 tháng 20 ngày và đề nghị Bộ tiếp thu tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ để trình sớm.

Cũng liên quan đến Luật Quy hoạch, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc cho biết Bộ đang nợ một văn bản quy định liên quan đến Luật Quy hoạch là nghị định quy định chi tiết việc lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá và điều chỉnh quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho rằng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch là Luật khó, Quốc hội thông qua ngày 20/11/2018, có hiệu lực từ 1/1/2019, thời gian để xây dựng nghị định quá ngắn, không làm kịp.

Về dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 44/2015/CP-NĐ quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng và Nghị định 37/2010/NĐ-CP về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị, đại diện Bộ Xây dựng cho biết đã có văn bản báo cáo Chính phủ không trình hai văn bản độc lập mà trình một nghị định để sửa 2 nghị định này. Do đã bãi bỏ một số công cụ quản lý hết sức quan trọng trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị, có tác động lớn đến các địa phương nên Bộ quyết định không trình ngay theo thủ tục rút gọn mà vẫn gửi lấy ý kiến các địa phương. Bộ sẽ cố gắng đôn đốc, tổng hợp ý kiến tiếp thu giải trình, trong tháng 3/2019 sẽ gửi Bộ Tư pháp thẩm định, dự kiến 15/4 trình Chính phủ.

Đồng tình cao với đề xuất của Bộ về việc thực hiện một văn bản sửa nhiều văn bản, một nghị định sửa hai nghị định, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, với chỉ đạo của Bộ trưởng, Bộ Xây dựng luôn đi đầu trong nhóm cải cách mạnh mẽ, thay đổi nhiều trong việc phân cấp, cấp phép, thẩm định, phê duyệt, “trước xếp hàng lên bộ nhiều lắm nhưng giờ cắt hết”.

Hướng dẫn Luật An ninh mạng đánh giá kỹ tác động

Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, Bộ còn nợ 8 nghị định liên quan đến các Luật An ninh mạng, Công an nhân dân và Đặc xá. Đối với các văn bản quy định hướng dẫn Luật có hiệu lực từ 1/1/2019, Bộ Công an được phân công chủ trì xây dựng 3 văn bản quy định chi tiết Luật An ninh mạng, gồm nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật; nghị định quy định chi tiết về trình tự, thủ tục áp dụng một biện pháp bảo vệ an ninh mạng và quyết định của Thủ tướng ban hành danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. Theo yêu cầu, các văn bản này phải trình Chính phủ trước 1/10/2018. Tuy nhiên tiến độ thực hiện hai nghị định chậm, dự kiến trong tháng này sẽ gửi Bộ Tư pháp để thẩm định.

Khi triển khai xây dựng những văn bản trên phát sinh nhiều khó khăn vướng mắc vì đây là lĩnh vực mới, đối tượng chịu điều chỉnh của các quy định gồm nhiều bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nên việc xin ý kiến được thực hiện nhiều lần, nhiều địa chỉ, Thứ trưởng này cho hay.

Ông thông tin, Bộ Công an đã có 216 văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp xin ý kiến. Việc tiếp thu, giải trình cũng cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng, vì vậy mà tiến độ bị chậm so với quy định. Đặc biệt, phải đảm bảo cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành; công tác bảo đảm an toàn an ninh mạng cũng còn có nhiều ý kiến khác nhau, trong đó có ý kiến khác nhau giữa Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông nên cần có thời gian trao đổi kỹ. Bộ Công an đã báo cáo Thủ tướng trình hai dự thảo nghị định trên vào cuối quý I/2019; dự thảo Quyết định của Thủ tướng trình trong quý II/2019.

Cũng theo Thứ trưởng Lê Quý Vương, nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Công an nhân dân thời điểm trình là 1/4, đến nay dự thảo đã thực hiện đúng trình tự thủ tục, đang hoàn thiện hồ sơ gửi Bộ Tư pháp. Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Đặc xá đang gửi lấy ý kiến bộ, ngành, địa phương và tập hợp hồ sơ gửi Bộ Tư pháp thẩm định để trình đúng thời hạn trong tháng 4/2019.

Nghị định phát triển công nghiệp an ninh hiện đã lập ban soạn thảo và chuẩn bị xin ý kiến bộ ngành, địa phương. Tuy nhiên, thời điểm trình xin lùi vì nội dung điều chỉnh của nghị định mới, mặc dù công nghiệp an ninh đã đề cập trong nhiều văn bản nhưng lần đầu tiên luật hóa trong Luật Công an nhân dân. Quá trình dự thảo gặp vướng mắc, trong đó vướng lớn nhất là Luật Đất đai 2013 do không có nội dung giao doanh nghiệp sử dụng đất quốc phòng an ninh. Bộ Công an đang giao đơn vị chức năng rà soát quy hoạch đất an ninh trong toàn hệ thống công an nói chung và khu công nghiệp an ninh nói riêng. Đặc biệt, hiện nay Bộ Công an đang thực hiện đề án sắp xếp đổi mới phát triển các doanh nghiệp Bộ Công an trong giai đoạn 2020 -2025, định hướng 2030.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, với các văn bản hướng dẫn thi hành Luật An ninh mạng do Bộ Công an chủ trì, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là “không cần vội”, phải lấy ý kiến, đánh giá tác động rất kỹ. Thủ tướng đã cho phép lùi thời hạn trình các văn bản này, với yêu cầu vừa phải bảo đảm an ninh quốc gia, vừa bảo đảm các điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top