Aa

Tọa đàm “Doanh nhân và trách nhiệm xã hội nhìn từ đại dịch Covid-19”

Thứ Ba, 12/10/2021 - 13:30

Tọa đàm Doanh nhân và trách nhiệm xã hội nhìn từ đại dịch Covid-19; Phát hành ấn phẩm Doanh nhân đồng hành cùng Dân tộc và Khởi động Dự án truyền thông mới của Reatimes sẽ diễn ra vào 14h00 ngày 12/10/2021.

Cùng với sự chuyển mình của đất nước qua 35 năm Đổi mới, Việt Nam đang hình thành một đội ngũ Doanh nhân mang khát vọng cống hiến và tinh thần phụng sự. Doanh nhân Việt Nam là những người luôn cháy trong mình khát vọng vì một Việt Nam hùng cường, vì một Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu. Đó là khát vọng được trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Hiện nay, khi đất nước đang phải căng mình ứng phó với đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế, doanh nhân Việt Nam là những chiến sỹ trên mặt trận kinh tế; kiên cường đồng hành cùng đất nước vượt qua những giai đoạn khó khăn. Họ cũng sẽ là những người tiên phong giải những bài toán hậu Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế khi chúng ta kiểm soát được dịch bệnh.

Trân trọng và tự hào trước tinh thần của Doanh nhân Việt Nam chính là động lực thôi thúc Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam thực hiện dự án truyền thông và xuất bản Ấn phẩm: Doanh nhân đồng hành cùng Dân tộc. Ấn phẩm nhận được sự bảo trợ của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, sự cố vấn của Hội đồng khoa học, bao gồm các chuyên gia kinh tế - chính sách, nhà văn hóa, nhà quản lý hàng đầu của Việt Nam.

sách doanh nhân đông hành cùng dân tộc

Tiếp nối cảm hứng từ việc thực hiện dự án truyền thông Doanh nhân đồng hành cùng Dân tộc; đồng thời trân trọng tấm lòng, nghĩa cử cao đẹp của các doanh nhân với xã hội, với đất nước trong đại dịch Covid 19 hiện nay; nhân dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2021), Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam tổ chức Tọa đàm: Doanh nhân và trách nhiệm xã hội nhìn từ đại dịch Covid-19.

Chương trình có sự tham dự của Lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, các Đại biểu Quốc hội, quý chuyên gia - nhà quản lý, nhà kinh tế, nhà văn hóa và đại diện các doanh nghiệp.

Thời gian: 14h00, ngày 12/10/2021

Địa điểm: Văn phòng Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam, tầng 6, khu Văn phòng A3, tòa nhà Ecolife Capitol, số 58 Tố Hữu, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Trực tiếp trên Reatimes.vn, Facebook của Tạp chí điện tử Reatimes.

Tọa đàm là dịp để các diễn giả cùng bàn luận, phân tích và nêu bật lên những đóng góp to lớn, thể hiện trách nhiệm xã hội, thể hiện tình dân tộc, nghĩa đồng bào của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong gần 2 năm xảy ra đại dịch Covid 19 vừa qua để từ đó chúng ta thêm yêu quý và trân trọng họ.

Nhân dịp này, với định hướng thúc đẩy việc tạo lập các giá trị và cổ vũ cộng đồng hướng đến mục tiêu chung trong thập niên tới là chuyển đổi số và phát triển bền vững; Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam chính thức công bố triển khai 02 Dự án truyền thông mới giai đoạn 2021 – 2022:

Thứ nhất, Tạp chí sẽ thực hiện Dự án truyền thông: Doanh nghiệp, doanh nhân và chuyển đổi số. Thông qua Dự án này, Tạp chí sẽ triển khai hàng loạt các sự kiện hội thảo, tọa đàm; các tuyến bài chuyên sâu và các xuất bản phẩm chuyên đề nhằm góp phần tuyên truyền, kiến nghị chính sách về chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số, đô thị số… đồng thời, tôn vinh các doanh nghiệp, doanh nhân tiên phong trong công cuộc này.

Thứ hai, Tạp chí sẽ phối hợp với Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam và một số tổ chức khoa học thực hiện Dự án nghiên cứu và công bố Chỉ số thường niên về phát triển bền vững của thị trường bất động sản Việt Nam (gồm Bảng xếp hạng 50 doanh nghiệp bất động sản phát triển bền vững nhất và Bảng xếp hạng chỉ số phát triển bền vững 63 thị trường bất động sản các tỉnh, thành phố của Việt Nam).

*

*        *

Trước đó, ngày 13/10/2019, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam chính thức khởi động dự án truyền thông và xuất bản ấn phẩm: Doanh nhân đồng hành cùng Dân tộc.

Ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã nhấn mạnh: Đội ngũ doanh nhân là lực lượng xung kích trong phát triển kinh tế xã hội đất nước. Doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam hiện có những tên tuổi mang tầm vóc quốc gia, quốc tế, phát triển lĩnh vực công nghệ cao, cạnh tranh lớn. Sau quyết định của Chính phủ, ngày 13/10/2004 được coi là ngày khai sinh ra giới doanh nhân Việt. Vị thế của doanh nhân được xác định và khuôn khổ pháp lý dành cho cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp dần được hoàn thiện. Doanh nhân đã tiên phong đóng góp xóa nghèo, đồng hành cùng Chính phủ trong xây dựng nền kinh tế.

Trải qua hơn 8 tháng đầu năm 2021 với nhiều khó khăn trong bối cảnh Covid-19 song cùng với sự đồng hành và hỗ trợ của của 30 chuyên gia trong Hội đồng cố vấn; 80 nhà quản lý, chuyên gia tham gia chia sẻ và trả lời phỏng vấn, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam đã hoàn thành ấn phẩm đặc san Doanh nhân đồng hành cùng Dân tộc dày 888 trang, phác họa chân dung 30 doanh nhân truyền cảm hứng trong cộng đồng doanh nhân Việt Nam.

info sách doanh nhân


Nhận định về ấn phẩm đặc san, chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh đánh giá: “Ấn phẩm 5Đ: Đồ sộ, đẹp, độc đáo, đáng xem và đĩnh đạc. Một món quà quý dành cho giới doanh nhân Việt nhân ngày 13/10. Sức nặng của món quà không chỉ là trọng lượng mà quan trọng hơn chính là nặng tình nặng nghĩa. Đó là nghĩa tình của những doanh nhân và những nhà báo muốn vinh danh họ - những người “nặng túi tiền” và nặng nợ một tương lai dân tộc giàu mạnh”.

TS Vũ Đình Ánh

Còn chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng: “Cấu trúc cuốn sách tốt, hợp lý và khoa học giúp đảm bảo chất lượng nội dung tối đa. Khi đọc vào từng bài, người đọc đều cảm nhận thấy sự tỉ mẩn, công phu của người viết. Người viết ở đây phải rất hiểu nhân vật, có tâm với nhân vật mới phác hoạ được tường tận các chân dung đến vậy. Chắc chắn cuốn sách này sẽ mang lại nhiều suy nghĩ, thay đổi nhận thức của nhiều người về cộng đồng doanh nhân Việt Nam”.

PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cũng chia sẻ: “Đây là cuốn sách rất dày dặn, kỳ công với những nội dung rất đáng đọc khi không chỉ tôn vinh các doanh nhân Việt Nam mà còn lột tả được những tư tưởng, khát vọng và triết lý phụng sự xã hội của các doanh nhân lớn.

Bằng những phân tích đa chiều, sự trân trọng và tự hào của các tác giả, cuốn sách giúp người đọc hiểu được một cách sâu sắc hơn những góc nhìn, những tư tưởng, triết lý kinh doanh mang tính cá biệt của các doanh nhân lớn mà trước nay có người hiểu, có người không hiểu”.

ts đinh trọng thịnh
Vị chuyên gia nói rằng, cuốn sách cũng mang đến những thông điệp truyền cảm hứng về những thế hệ doanh nhân yêu nước, đã và đang đóng góp lớn cho nền kinh tế đất nước với tinh thần vượt khó làm giàu, luôn đồng hành cùng dân tộc, đối mặt và vượt qua những khó khăn, thách thức. Tinh thần đó tiếp tục được tiếp nối, trao truyền cho thế hệ tiếp theo.

Thông qua việc nói lên được những suy nghĩ, tầm nhìn và khát vọng của các doanh nhân, cuốn sách cũng góp phần ghi nhận và khẳng định thêm nữa vai trò, vị trí của doanh nhân, doanh nghiệp tư nhân trong việc phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân và tăng sức cạnh tranh của Việt Nam trên con đường hội nhập quốc tế./.

Tiêu điểm sự kiện

    16:30

    TS. Võ Trí Thành kết luận phần Thảo luận và kết thúc Toạ đàm

     

    Nhân dịp ngày Doanh nhân Việt Nam, chúng ta đã có những bàn luận về trách nhiệm xã hội của doanh nhân; về tinh thần đồng hành của doanh nhân trong cuộc chiến chống Covid,… Những bàn luận này góp phần mở ra những vấn đề mới: Đó là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hậu đại dịch và những nhìn nhận về vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp trong phát triển kinh tế xã hội. 

    Trong khủng hoảng, doanh nghiệp cần biết đùm bọc, chia sẻ với nhau, như hình ảnh cây ATM của doanh nghiệp Việt Nam là một hình thức sáng tạo ra trong thời gian qua. Vấn đề cuối là cần kiến tạo một môi trường để doanh nghiệp phát triển bền vững. Thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp Việt đã chứng minh truyền thống và tinh thần tương thân tương ái, yêu nước của mình. Điều này không chỉ khẳng định rõ hơn vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp trong giai đoạn mới mà còn làm nên một hình ảnh đẹp cho đất nước.

     

    15:45

    Bắt đầu phiên thảo luận

    TS. Võ Trí Thành: Tọa đàm hôm nay có 3 chủ đề nổi bật: Thời cơ và thách thức và trách nhiệm của doanh nhân Việt Nam trong đại dịch Covid-19; Những nút thắt cần tháo gỡ của khu vực kinh tế tư nhân; Doanh nhân và sự tiên phong trong chuyển đổi số và phát triển bền vững. Tuy nhiên cả 3 điều này chúng ta đều đã bàn và nói rất cụ thể.

    Trong khi đó, tôi thấy có 3 vấn đề rất quan trọng khác xuất hiện sau những chia sẻ vừa rồi của các diễn giả. Vì vậy, tôi muốn chúng ta sẽ đi vào trả lời và thảo luận thêm:

    Thứ nhất, tại sao Việt Nam thực thi chính sách kém? Ở các nước khác thường quan ngại vấn đề làm chính sách thế nhưng ở Việt Nam lại ngược lại. Cụ thể, hiệu lực các gói hỗ trợ trong đợt dịch vừa qua được thực thi thấp, tiếp cận chỉ trên dưới 20%. Đây là vấn đề cần mổ xẻ và quan tâm.

    Thứ hai, chúng ta có quá nhiều bài học về thể chế với tình trạng khẩn cấp, nhưng tại sao thời điểm vừa qua chúng ta vẫn còn vướng mắc rào cản?

    Thứ ba, nếu nhìn trách nhiệm xã hội của một doanh nhân theo cơ chế thị trường, theo các diễn giả, điều này sẽ bao hàm những khía cạnh nào?

    TS. Nguyễn Sĩ Dũng nêu quan điểm:

    Câu chuyện thực thi pháp luật “tệ” là vấn đề lớn. Hiện nay thực tế, những người làm chính sách không phải là người thực thi chính sách. Người cao hơn là người ban hành quyết định, người đưa vấn đề vào cuộc sống lại là người khác. Nhưng ban hành quyết định là một chuyện, triển khai, thực thi lại là một việc khác.

    Ví dụ chúng ta đang bàn, xác nhận việc ưu tiên cho doanh nghiệp trong giai đoạn này là đúng nhưng chưa chắc doanh nghiệp đã cần. Quyết định là một chuyện nhưng đưa số tiền ưu tiên như nào để hiệu quả nhất cần phải có dữ liệu chính xác. Và để làm những việc chính xác đó thì phải có cơ quan chuyên môn và cơ quan này sẽ thực thi tốt. Cơ quan chuyên môn gọi là cơ quan quyền lực công. 

    Chúng ta phải học tập kinh nghiệm các nước văn minh như Mỹ, Singapore, Nhật Bản... để thực thi pháp luật tốt. Lên kế hoạch, phân bổ, đề ra các tiêu chí và hiệu quả đo đếm là một việc khác. Chúng ta phải bố trí lại hệ thống, cải cách tốt. Nếu là công chức phải có các kỹ năng chính trị, chuyên môn, phải có tín nhiệm.

    Nhà Sử học Dương Trung Quốc

    Tôi nghĩ rằng, trong giai đoạn hiện nay có rất nhiều giá trị đã thay đổi. Ví dụ như là “phú quý sinh lễ nghĩa”, câu này trước đây chúng ta đã hiểu được nghĩa của nó nhưng bây giờ thì hình như là lễ nghĩa sinh phú quý hay câu “dĩ hoà vi quý”, trước kia ta hiểu câu này có một chút tiêu cực là sự né tránh, nhưng ngày nay tôi cho rằng, chúng ta cần phải phấn đấu đến chữ “Hoà” mới có thể bền vững.

    Cả giai đoạn của một đời người từ khi nhỏ đến trưởng thành đều đặt câu hỏi khác nhau, như thời trẻ sẽ hỏi “Ai thắng ai?”, đến khi có sự nghiệp chúng ta đặt câu hỏi “Ai hơn ai”. Song có nguyên lý tôi cho rằng câu quan trọng nhất đối với mỗi người hay mỗi doanh nghiệp là “Ai cần ai?” Do đó, mỗi người cần phấn đấu đề hoàn thiện “Ai cần ai”, đặc biệt doanh nghiệp cần hiểu rõ là khách hàng của họ là ai để có hướng phấn đấu.

    TS. Võ Trí Thành: Xin tiếp lời anh Quốc, đúng là có những giá trị thay đổi, và câu chuyện hiện nay cũng nhắc đến nhiều đó là giá trị “Win – Win”. Đặc biệt người ta nhắc đến đó là vốn xã hội, trách nhiệm với xã hội, cùng với đó học phải biết cách học ra sao để có hiệu quả…
    Đối với vấn đề mà đang có rất nhiều người tranh luận hiện nay là động lực cho người thực thi? Các chuyên gia chia sẻ như thế nào về câu chuyện này, nhất là khi gắn với trách nhiệm xã hội.

    TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Tôi cho rằng, trọng tâm nhất vẫn là câu chuyện cân đối giữa là tự do và điều chỉnh. Khi gặp vấn đề cần phải điều chỉnh nhưng sau một thời gian dài chúng ta lại lạm dụng điều chỉnh, và khi đó có 1001 những rào cản khác ràng buộc. Như vậy, không còn khoảng không gian cho tự do sáng tạo nữa và làm gì cũng vướng vi phạm.

    Cơ bản Luật pháp quốc tế đều thông qua người dân để bảo vệ quyền tự do của người dân để có những điều chỉnh. Việc tháo gỡ các chính sách tại Việt Nam sẽ cần cả một hệ thống kỹ thuật lớn, các cơ quan chuyên môn. Tôi cho rằng, tốt nhất là thành lập một Cục soạn thảo ở Bộ Tư pháp thay vì để mỗi Bộ tự soạn thảo các bộ luật khác nhau như hiện nay, thì sẽ có được sự thống nhất từ đầu đến cuối và không bị trùng lặp.

     TS. Võ Trí Thành: Vấn đề quản trị rủi ro, khi tôi gặp doanh nghiệp tôi nghe họ chia sẻ rất nhiều.

    Tôi cho rằng có các nguyên tắc:

    Thứ nhất là xử lý thông tin sao cho chủ động, chuẩn và nhanh.

    Thứ hai, biến những thứ bất định thành cái xác định.

    Thứ ba là chia sẻ rủi ro, nếu doanh nghiệp không ôm được thì mua bảo hiểm.

    Thứ tư là minh bạch, hiểu pháp lý. Đặc biệt, vấn đề xử lý tranh chấp. Người Việt Nam vẫn chưa quen xử lý các vấn đề tranh chấp doanh nghiệp. Ví như ở Quốc tế, họ rất quan tâm và chú trọng đến tổ trọng tài giải quyết tranh chấp.

    Với cú sốc kéo dài thì doanh nghiệp cần xử lý một cách nhanh nhất những rủi ro kéo dài như cắt giảm chi phí.

    Tiếp tục với câu hỏi: Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong bối cảnh mới. Xin hỏi TS. Vũ Tiến Lộc chia sẻ câu chuyện thế nào?

    TS. Vũ Tiến Lộc: Tôi xin được đưa ra quan điểm: “Hai thì” “Ba trục”, “Trung tâm chữ Hoà”

    “Hai thì”: Tất cứ việc gì chúng ta làm, doanh nghiệp làm cho hôm nay thì cũng đừng để lại gánh nặng cho mai sau.

    “Ba trục”: “Cân bằng giữa Kinh tế - Xã hội và Môi trường.

    “Trung tâm” chính là “Chữ Hoà”.

    Trong bối cảnh hiện nay, để chung sống với dịch tôi cho rằng, doanh nghiệp cần học “khiêu vũ dưới mưa”. Đặc biệt, Việt Nam có mô hình đó là cây tre, tôi cho rằng doanh nghiệp cần sống và đoàn kết như cây tre.

    15:40

    TS. Võ Trí Thành điều phối toạ đàm

    Chúng ta cần nhìn dưới 3 góc quan trọng, đó là: Lựa chọn chống dịch bằng cách khôn khéo hơn. Thứ hai là mở cửa ra sao để sống chung với dịch. Thứ ba là động lực cho tăng trưởng ra sao đối với xuất khẩu, đầu tư công. Tôi cho rằng, xuất khẩu đang hồi phục, chỉ có tiêu dùng vẫn còn chênh vênh bởi nhóm sụt giảm thu nhập họ chỉ tiêu dùng cơ bản, nhóm ít thu nhập hơn nữa họ sẽ còn cắt giảm sâu hơn.

    Do đó, các chính sách tài khóa, tiền tệ cũng được kỳ vọng ban hành để kích cầu không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho cả người dân. Tiếp theo chương trình Toạ đàm, mời các vị đại biểu cùng tham gia phần Thảo luận.

    15:30

    TS. Nguyễn Sĩ Dũng nêu ý kiến về những lực cản và nút thắt cần tháo gỡ để doanh nghiệp, doanh nhân phát triển trong bối cảnh mới
     

    Về những lực cản, nút thắt doanh nghiệp, doanh nhân phát triển trong bối cảnh hiện nay, có lẽ vướng mắc lớn nhất là kẹt cứng ở một mặt là mô hình “Zero Covid” và cách sống chung an toàn với Covid. “Zero Covid” nghĩa là các doanh nghiệp, doanh nhân kẹt cứng ở đó. Đề nghị các bộ, ngành cần đưa ra khuôn khổ về điều này. Nếu không gỡ được tư duy này thì không thể gỡ được cho doanh nghiệp. Kinh tế đang phải đối mặt với những khó khăn, nếu vài quý có con số kinh tế phát triển âm như hiện nay thì suy thoái rõ rệt.

    Việc phục hồi kinh tế là vấn đề lớn hơn phòng chống dịch Covid-19 nhiều lần. Cần phải gỡ từ các mục tiêu xung đột, mâu thuẫn. Nếu chúng ta muốn sạch bóng F0 và phát triển kinh tế thì cần phải chấp nhận có các ca Covid-19 nhưng phát bệnh khi năng lực y tế đáp ứng được. Phải chấp nhận mở cửa kinh tế, như Hà Nội có thể phải áp dụng biện pháp cách ly tại nhà. Chúng ta phải chấp nhận tỷ lệ phát bệnh thấp hơn năng lực y tế, như tất cả các nước khác. Nếu giữ được điều đó thì có thể an toàn.

    Tôi cho rằng cần áp đặt một chế độ trách nhiệm cân bằng. Nếu chỉ áp đặt cho cho lãnh đạo địa phương trách nhiệm về việc để xảy ra Covid-19 tràn lan thì họ sẽ không để tâm đến mục tiêu kinh tế. Do đó, cần phải áp đặt cân bằng hai mục tiêu vừa chống Covid-19 vừa phát triển kinh tế.

    Đối với doanh nghiệp, tôi cho rằng có 2 vấn đề cần quan tâm.

    Thứ nhất là câu chuyện khôi phục mở cửa kinh tế với thế giới, đặc biệt là vấn đề xuất khẩu. Cần tạo điều kiện đầy đủ cho doanh nghiệp thực hiện xuất khẩu chứ không thể ngăn cấm hay áp đặt về vấn đề giao thông vì sẽ cản trở vấn đề di chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu vật tư… Tôi cho rằng, khi đã tiêm phòng trên toàn diện rộng thì vấn đề Covid-19 lây nhiễm không còn quá nghiêm trọng.

    Thứ hai, là câu chuyện nhân lực công nhân cho doanh nghiệp. Làm thế nào để thu hút họ trở về các thành phố. Đặc biệt là, với trách nhiệm của doanh nghiệp bất động sản. Phải làm sao để công nhân có nhà ở ổn định ở các khu công nghiệp để họ an cư, an tâm sản xuất kể cả khi xảy ra ra dịch bệnh khác. Phải biến việc nhà ở cho người lao động sớm thành hiện thực.

    Thứ ba, với nhóm tiêu dùng thì cần phải bảo đảm thị trường mở cửa trở lại. Tóm lại, vấn đề an sinh xã hội cho người dân nói chung, người nghèo, người lao động phải được đáp ứng tốt nhất để từ đó kích cầu tiêu dùng.

    Thứ tư, vấn đề vốn vay cho doanh nghiệp. Nhưng thực chất là đối với vấn đề vay vốn cho doanh nghiệp, có hai vấn đề: nếu vay của dân bằng trái phiếu hay công cụ nào thì phải trả lãi suất cao; Thứ nữa, là tiền tích trữ cần phải chi tiêu luôn vì không phải lúc này thì còn lúc nào nữa.

    Thứ năm, đối với thủ tục và chính sách hiện nay còn rất vướng, tôi cho rằng Quốc hội cần ban hành nghị quyết tháo gỡ các thủ tục chính sách cần thiết.

    15:28

    TS. Võ Trí Thành mời TS. Nguyễn Sĩ Dũng chia sẻ quan điểm

    Như vậy, các nền tảng văn hóa của doanh nghiệp về đạo đức, ứng xử, văn hóa doanh nghiệp thể hiện tích cực nhất trong mùa đại dịch này trên nhiều lĩnh vực. Cảm ơn TS. Lê Doãn Hợp, xin mời TS. Nguyễn Sĩ Dũng chia sẻ về những lực cản, nút thắt để doanh nghiệp, doanh nhân phát triển trong bối cảnh đại dịch.

    15:15

    TS. Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ về văn hóa doanh nhân Việt Nam nhìn từ đại dịch Covid-19

    ts lê doãn hợp

    Theo tôi, con người quý nhất là sức khỏe. Thiên nhiên quý nhất là màu xanh. Quốc gia quý nhất là văn hóa. Văn hóa dân tộc có 3 trụ cột quan trọng nhất thể hiện trên 3 mặt của xã hội, kinh tế và chính trị là: văn hóa gia đình, văn hóa doanh nghiệp và văn hóa công sở (đạo đức công vụ).

    Văn hóa doanh nghiệp lệ thuộc vào 3 vấn đề lớn. Vấn đề đầu tiên chính là ở người đứng đầu. Nếu người đứng đầu không chuẩn, cấp dưới khó có thể nền nếp. Hiện nay, 60% doanh nghiệp Việt Nam đang lệ thuộc văn hóa người đứng đầu. 

    Thứ hai là văn hóa doanh nghiệp lệ thuộc quản lý quy chế nội bộ, gồm: Con người, tài chính và thu nhập phân chia lợi ích.

    Thứ ba là văn hóa xã hội. Văn hóa doanh nghiệp là đạo đức doanh nghiệp. Đạo đức với dân, với khách hàng. Để có được những điều này, đòi hỏi doanh nghiệp cần có: Chất lượng sản phẩm, trách nhiệm xã hội và thái độ với môi trường.

    Qua đại dịch Covid -19, chúng ta thấy có 4 bộ phận phụng sự rất tốt cho đất nước:

    Đầu tiên chính là doanh nghiệp. Nhắc lại việc người dân sinh sống ở TP.HCM “ào ào” trở về quê, có hai nguyên nhân của hiện tượng này, một là do dịch bệnh, hai là do họ thất nghiệp và không còn kế mưu sinh. Từ đó chúng ta phải nhìn nhận nghiêm túc rằng, đã đến lúc mình cần lo cho doanh nghiệp để doanh nghiệp có thể lo cho người lao động của họ. Đó là lo cho tiềm lực quốc gia, trụ cột của quốc gia và cũng chính là lo cho dân.

    Thứ hai là y tế, có rất nhiều tấm gương sáng trong thời gian vừa qua. Thứ ba là công an, thứ tư là quân đội. Nhưng cuối cùng vẫn có thể thấy, nguồn lực và vai trò của doanh nghiệp là cực kỳ quan trọng.

    Nhìn ra thế giới có thể thấy, nhiều quốc gia đã áp dụng nhiều chính sách khác nhau để hỗ trợ cho doanh nghiệp của họ. Ví dụ như Hoa Kỳ, gói hỗ trợ cho doanh nghiệp bằng 30% GDP của các nước; con số này ở Nhật Bản là 50% GDP, còn Việt Nam thì sao?

    Đã đến lúc chúng ta cần hoạch định rõ ràng cho tương lai, để sống cho hiện tại và bền vững về sau.

    Và để làm được điều này, đầu tiên cần sửa là cơ chế. Cái gì Nhà nước không cấm thì cần mở ra cho doanh nghiệp làm. Cần cơ chế cho doanh nghiệp phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Cần dồn sức lo cho doanh nghiệp, khen chê cần rõ ràng thì doanh nghiệp mới phát triển đi lên được.

    15:10

    TS. Võ Trí Thành mời TS. Lê Doãn Hợp phát biểu ý kiến

    Cảm ơn Nhà sử học Dương Trung Quốc đã nói về 2 vấn đề truyền thống và niềm tin của doanh nghiệp xưa và nay. Như Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ, dịch Covid-19 đã bộc lộ rất nhiều vấn đề như đô thị, người lao động, các chính sách, thể chế. Tuy nhiên, đây là cơ hội để thay đổi tích cực và doanh nhân cũng rút bài học ra sao để có thể có cách ứng xử và phát triển tốt nhất.

    Để tiếp tục buổi Toạ đàm, xin mời ý kiến của TS. Lê Doãn Hợp.
     

    15:05

    Nhà sử học Dương Trung Quốc nói về chủ đề Tinh thần doanh nhân Việt Nam và vận mệnh dân tộc

    nhà sử học dương trung quốc

    Những điều cần nói tôi đã nói rất rõ trong ấn phẩm Doanh nhân đồng hành cùng dân tộc của Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam. Ngày Doanh nhân Việt Nam năm nay có sự đặc biệt với con số 17 tuổi – tuổi “bẻ gãy sừng trâu”.

    Ấn phẩm Doanh nhân đồng hành cùng dân tộc có nói về vấn đề từ chữ “con” thành chữ “người” và hành trình tự thức. Động lực lòng yêu nước là điều quan trọng nhất với các doanh nhân, doanh nghiệp. Nói lại chuyện cũ, ngày Doanh nhân luôn có nhiều kỷ niệm với tôi và anh Vũ Tiến Lộc và nhiều người.

    Chúng ta có một Ngày Doanh nhân Việt Nam nhưng còn 364 ngày khác thì sao, mối quan hệ của các doanh nghiệp trong những ngày khác thì thế nào? Nói chuyện hiện nay, trong đại dịch Covid-19, chúng ta luôn phải nhìn bằng con mắt lạc quan bởi Covid xảy đến là thảm họa nhưng cũng là bước ngoặt quan trọng. Chúng ta cần đầu tư vào nhiều thứ như hạ tầng, tư duy và trí tuệ...

    Bên cạnh đó, câu chuyện người lao động ở các đô thị, cần quan tâm họ ra sao thay vì “thả nổi”. Trong đó các bộ luật đã quy định ai cũng có cần có nhà ở nhưng vẫn chưa làm được. Tương tự, với câu chuyện luồng xanh thời gian qua để xảy ra những câu chuyện lãng phí từ các loại hình giao thông như đường sắt, đường thuỷ. Khi nói đến vai trò của doanh nhân Việt Nam ngày càng thấy vai trò quan trọng, nhưng môi trường nào để phát huy tích cực nhất mới là điều quan trọng. Tôi cho rằng, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam thời gian tới cần tiếp tục phát huy tiếng nói và thể hiện vai trò và trách nhiệm đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp.

    14:45

    TS. Vũ Tiến Lộc phát biểu về “Doanh nhân Việt Nam thời Covid: Giải pháp “5T từ Chính phủ và “3 Hóa” từ doanh nghiệp”

    ts vũ tiến lộc

    Trước hết, cảm ơn Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam tổ chức buổi Tọa đàm ý nghĩa này. Cộng đồng doanh nghiệp thời gian này cũng trải qua những ngày tháng gian nan nhất và những biện pháp giãn cách xã hội đã gây ra những tổn hại rất lớn đối với họ. Lần đầu tiên có 85.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong 8 tháng qua. Những doanh nghiệp đang sống cũng gian nan, vất vả không kém vì không biết ngày mai sẽ phát triển ra sao.

    Nói về trách nhiệm của doanh nhân thì phải nói đến việc nhiều doanh nghiệp đã phải đóng cửa nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì sản xuất kinh doanh để đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động là điều chúng ta cần tri ân, ghi nhận nỗ lực đóng góp của họ.

    Hôm nay là ngày đặc biệt vì 3 vị lãnh đạo chủ chốt cao nhất của Nhà nước đều gặp các doanh nghiệp bởi đây cũng là dịp để chia sẻ, lắng nghe và tìm giải pháp cho doanh nghiệp. 

    Cộng đồng doanh nhân Việt Nam cần hành trình khởi nghiệp, cả những doanh nghiệp dang hoạt động cũng cần phải làm mới hơn trong giai đoạn này. Là hành trình phát huy sức mạnh của toàn dân nhằm mục tiêu phát huy trí tuệ Việt Nam để đưa đất nước trở lên hùng cường. Covid-19 là áp lực đặt ra cho các cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp sáng tạo hơn.

    Chúng ta đang trong bối cảnh cả thế giới trở nên căng thẳng và chưa dự báo được sẽ phát triển theo hướng nào và tâm thế doanh nhân phải là “tập khiêu vũ trong thời bão tố” vì không còn cách nào khác.

    Để doanh nhân làm được điều này cần sự hỗ trợ của Chính phủ rất lớn.

    Tôi đề xuất giải pháp 5T:

    Thứ nhất là "trợ thở" bằng cách mở cửa - “Mở cửa hay là chết”. Từ đầu tháng 10 chúng ta đã mở cửa nhưng cần mạnh mẽ hơn nữa chứ không phải nửa đóng nửa mở.

    Nhưng tôi cho rằng cũng cần 1 luật sống chung khi mở cửa để các cấp chính quyền địa phương chủ động mở cửa thay vì “xin” như hiện nay. Xoá bỏ giấy phép con trong lộ trình mở cửa nền kinh tế đó là việc quan trọng. Từ đó tạo nên sự chủ động, nhất quán trong hành xử từ trung ương về địa phương.  

    Thứ hai là "tiếp máu". Mất khả năng thanh khoản là khó khăn chung của doanh nghiệp hiện nay, do đó cần hỗ trợ tiếp máu cho doanh nghiệp bằng các chính sách tài khoá. Nếu chỉ có ngân hàng giảm lãi suất thì không đạt được kết quả tích cực nhất do đó cần có các chính sách, các quỹ bảo lãnh ngân hàng. Cần nhấn mạnh rằng, chính sách tài khoá phải tích hợp với chính sách tiền tệ  phải kết hợp để bơm máu cho doanh nghiệp… Hiện nay, các gói chính sách mới thực hiện được 50% do đó còn rất nhiều dự địa để tiếp tục hỗ trợ.

    Thứ ba là tháo gỡ khó khăn vướng mắc, cởi trói chính sách cho doanh nghiệp. Hiện nay, luật pháp còn chồng chéo, thủ tục hành chính còn phiền hà. Tôi cho rằng, Việt Nam cần phải đạt được mục tiêu trở thành top 4 phát triển kinh tế trong ASEAN. 

    Thứ tư là cần thúc đẩy nâng cao trình độ của doanh nghiệp. Doanh nghiệp không chỉ cần tiền, mà cần Nhà nước cần hỗ trợ nâng cao năng lực, trình độ quản trị cho các doanh nghiệp. Về phía các doanh nghiệp cũng cần phải học để cải thiện trình độ của mình.

    Cuối cùng là tiếp cận thị trường, chúng ta cần tổ chức xúc tiến qua mạng mạnh mẽ. Trước mắt phải tính toán phương án “cơm áo gạo tiền”, tuy nhiên 3 tháng cuối năm cũng cần quan tâm xanh hóa, xã hội hóa, chuyên nghiệp hóa. Đề cao tính xã hội của doanh nghiệp, có trách nhiệm xã hội, hướng đến phát triển bền vững là cực kỳ cần thiết.

    Đã qua thời chúng ta theo đuổi lợi nhuận tuyệt đối mà là thời kỳ tính bằng sự cống hiến cho xã hội. Do đó, các doanh nghiệp hãy nghĩ khác đi, nghĩ nhiều hơn về giá trị xã hội. Đây cũng là cách để chúng ta vượt qua đại dịch, “khiêu vũ dưới mưa”.

    14:40

    TS. Võ Trí Thành điều phối Toạ đàm

    ts võ trí thành

    Những chia sẻ của GS. TS. Hoàng Văn Cường là rất đúng. Những gì ông đưa ra là những vướng mắc của các doanh nghiệp hiện nay và các giải pháp cho doanh nghiệp. Đúng như ông chia sẻ, cái mà doanh nghiệp TP.HCM đang tha thiết kêu gọi là mong muốn Nhà nước tăng tính tự chủ cho họ. Các doanh nghiệp cần phải hỗ trợ nhiều hơn nữa, cần có những quyết sách phù hợp hỗ trợ cho họ. Trong tuần này Quốc hội đã có bản thảo phát triển, hồi phục kinh tế đủ lớn đáng để hy vọng.

    14:27

    GS. TS. Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam chia sẻ về vai trò của khu vực doanh nghiệp, doanh nhân trong bối cảnh bình thường mới.

    đại biểu hoàng văn cường

    Như chúng ta đều biết, Việt Nam sau khi bị cách ly chống dịch khoảng 4 tháng, ở khu vực phía Nam, chúng ta nhìn thấy sự “rơi thẳng đứng” của nền kinh tế, GDP từ 6% quý II rơi xuống -6%  vào quý III/2021.

    Điều đó trước hết, chúng ta nhìn thấy sự “ra đi” của 10.000 doanh nghiệp dẫn đến số lượng lớn người lao động thất nghiệp. Sự sa sút trầm trọng của nền kinh tế cũng chính là bài học của các nhà quản lý.

    Thứ hai, trong công tác phòng chống dịch bệnh thời gian qua, nếu đặt doanh nghiệp là chủ thể trong việc phòng chống dịch, phải tự chịu trách nhiệm, quản lý thì chắc chắn rằng doanh nghiệp sẽ đồng hành với các nhà quản lý. Từ đó sẽ nhìn thấy năng lực của doanh nhân, doanh nghiệp. Vấn đề phải làm sao kéo được đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp cùng đồng hành chống dịch cùng cả nước.

    Vấn đề doanh nghiệp, doanh nhân, các cụ đã nói “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Trong giai đoạn vừa qua phải nhìn lại những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta đặt ra câu hỏi tại sao tiếng nói của doanh nhân chưa thực sự có sức mạnh để các đơn vị quản lý Nhà nước có sự thay đổi về các chính sách quản lý, chính sách hỗ trợ.

    Thực sự, trong nhiều lần họp, các chuyên gia cũng có thể thấy, lãnh đạo nhà nước luôn muốn lắng nghe, nhưng tiếng nói của doanh nghiệp chưa thực sự đồng thuận, chưa tạo ra được sức mạnh. Tôi cho rằng, những đại diện cho doanh nghiệp, doanh nhân cần đặt ra câu hỏi mình đã thực sự được quy tụ tiếng nói doanh nghiệp hay chưa, hay cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp đã thực sự liên kết chặt chẽ chưa hay mạnh ai đó làm. Nếu sức mạnh đoàn kết được tạo ra thì không chỉ đại dịch này mà trong những khó khăn khác, doanh nghiệp đều vượt khó, tạo ra sức mạnh để phục hồi và phát triển.

    đại biểu hoàng văn cường tại toạ đàm

    Tôi cho rằng, cần thay đổi cấu trúc trong liên kết doanh nghiệp. Dịch bệnh là khó khăn, nhưng cũng là cơ hội để thay đổi nhiều thứ. Bối cảnh này, liệu rằng doanh nghiệp nào sẽ là nguy cơ, doanh nghiệp nào cần tồn tại, cần “vứt bỏ” để chuyển sang chỗ đứng tốt hơn, thay đổi tốt hơn.

    Hơn nữa, trong giai đoạn này nếu doanh nghiệp cần vươn lên cũng cần có nguồn lực bơm vào. Đó chính là sự hỗ trợ của Nhà nước là vốn tín dụng với lãi suất thấp thì doanh nghiệp cũng có nguồn lực lớn để hồi phục.

    Nhưng để có nguồn lực, vai trò của tiếng nói của doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp để nguồn vốn hỗ trợ chảy vào đúng chỗ. Bên cạnh vốn hỗ trợ cũng cần các nguồn vốn trực tiếp khác.

    Cũng nên đặt ra vấn đề về việc, một số lĩnh vực có thể đặt hàng cho một số tập đoàn trong nước liên kết với nhau và sẽ tạo nên một sự trung chuyển lớn.

    Tiềm năng về công nghệ thông tin Việt Nam có thừa, tại sao chúng ta lại không đặt hàng các doanh nghiệp lớn để tạo ra sự sống cho những doanh ngiệp còn lại?
    Cần huy động tiền của ngân sách, tạo một trụ đỡ, trụ cốt cho nền kinh tế. Biết đâu khi đại dịch đi qua, chúng ta sẽ có nhiều cơ hội để phát triển các doanh nghiệp lớn.

    14:25

    TS. Võ Trí Thành bắt đầu điều phối toạ đàm

    ts võ trí thành

    Cứ mỗi lần đến dịp ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 hằng năm chúng ta đều tri ân và nói câu chuyện doanh nghiệp nhằm cải tạo phát triển đất nước cũng như truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp khắp cả nước.

    Tọa đàm hôm nay là một tọa đàm đặc biệt do diễn ra trong bối cảnh đặc biệt – bối cảnh giãn cách xã hội. Nhưng điều đó cũng chứng tỏ rằng nỗ lực của Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam rất lớn để tổ chức được sự kiện này.

    Chia sẻ về toạ đàm ngày hôm nay, đầu tiên xin mời ý kiến và quan điểm của GS. TS. Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam.

    14:20

    Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam trao tặng các chuyên gia ấn phẩm Doanh nhân đồng hành cùng dân tộc.

    tặng sách

    14:15

    Nhà báo Phạm Nguyễn Toan, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam phát biểu khai mạc tọa đàm.

    Nhà báo Phạm Nguyễn Toan - Tổng biên tập Reatimes

    Kính thưa các quý vị đại biểu, khách quý, thưa các chuyên gia, nhà khoa học!

    Lời đầu tiên, thay mặt cho Ban Biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam, tôi xin gửi tới quý vị đại biểu, khách quý lời chào và lời chúc sức khỏe tốt đẹp nhất!

    Kính thưa Quý vị, 

    Cùng với sự chuyển mình của đất nước qua 35 năm Đổi mới, Việt Nam đang hình thành một đội ngũ Doanh nhân mang khát vọng cống hiến và tinh thần phụng sự! Phụng sự bằng cách tự nguyện gánh vác sứ mệnh làm giàu cho đất nước mà Tổ quốc và dân tộc trao cho.

    Phụng sự bằng cách liên tục đổi mới sáng tạo; mở rộng các lĩnh vực kinh doanh, linh hoạt thích ứng và vươn ra toàn cầu. Chúng ta đã có những thương hiệu mạnh của quốc gia đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Chúng ta cũng đã có đội hình doanh nghiệp hội tụ đủ năng lực để chủ động bảo vệ và phát triển thị trường nội địa.

    Doanh nhân Việt Nam phụng sự bằng cách tiên phong đi vào những lĩnh vực khó nhưng là xu thế tất yếu của thời đại, là kinh tế xanh – kinh tế số – kinh tế tri thức, thông qua việc ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ.

    Doanh nhân Việt Nam phụng sự bằng cách ngày đêm trăn trở để hồi sinh những vùng đất khó, hình thành năng lực cạnh tranh mỗi ngành hàng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân và góp phần quan trọng để thay đổi diện mạo và tiềm lực quốc gia.

    Doanh nhân Việt Nam là những người luôn cháy trong mình khát vọng vì một Việt Nam hùng cường, vì một Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu. Đó là khát vọng được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

    Để có được điều đó, Doanh nhân Việt Nam đã và sẽ là những người cống hiến, hy sinh, kinh doanh liêm chính, có trách nhiệm. Họ luôn sống, phụng sự bằng trái tim và tình yêu Tổ quốc.

    Mang trong mình tinh thần và khát vọng đó, Doanh nhân Việt Nam là những người truyền cảm hứng mạnh mẽ nhất về câu chuyện vượt khó, làm giàu và sống có trách nhiệm.

    Hiện nay, khi đất nước đang phải căng mình ứng phó với đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế, Doanh nhân Việt Nam là những chiến sĩ trên mặt trận kinh tế; kiên cường đồng hành cùng đất nước vượt qua những giai đoạn khó khăn. Họ cũng sẽ là những người tiên phong giải những bài toán hậu Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế khi chúng ta kiểm soát được dịch bệnh.

    Trân trọng và tự hào trước tinh thần của Doanh nhân Việt Nam chính là động lực thôi thúc Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam thực hiện dự án truyền thông và xuất bản Ấn phẩm: Doanh nhân đồng hành cùng Dân tộc. Ấn phẩm nhận được sự bảo trợ của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, sự cố vấn của Hội đồng khoa học, bao gồm các chuyên gia kinh tế - chính sách, nhà văn hóa, nhà quản lý hàng đầu của Việt Nam.

    Trọng tâm của ấn phẩm là chân dung 30 doanh nhân đại diện cho tầng lớp Doanh nhân Việt Nam trong thời đại mới. Đây chính là 30 câu chuyện truyền cảm hứng! Đó không phải là một bảng xếp hạng, mà là bức tranh sinh động chứa đựng những giá trị nhân văn, vì mỗi Doanh nghiệp – Doanh nhân là một số phận, một cuộc đời, là mạch nguồn của cảm xúc, tư duy, sáng tạo và trách nhiệm không thể đo đếm. Đó cũng không phải là những anh hùng cá nhân, mà mỗi Doanh nhân đều gắn bó hữu cơ với một cộng đồng, một Doanh nghiệp, một thương hiệu, và gắn với từng bước thăng trầm của đất nước – dân tộc. Đó là những người không chỉ làm giàu cho mình, cho cộng đồng, cho xã hội, đóng góp xứng đáng cho công cuộc phát triển, mà còn tạo dựng hình ảnh người Việt Nam tự chủ, năng động – niềm kiêu hãnh và khát vọng trên thương trường. Đó cũng là những người đã góp phần thay đổi và hoàn thiện thể chế kinh tế của Việt Nam, nhất là khi đi vào nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

    tổng biên tập phạm nguyễn toan

    Kính thưa Quý vị,

    Tiếp nối cảm hứng từ việc thực hiện dự án truyền thông Doanh nhân đồng hành cùng Dân tộc; đồng thời trân trọng tấm lòng, nghĩa cử cao đẹp của các doanh nhân với xã hội, với đất nước trong đại dịch Covid-19 hiện nay; nhân dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2021), Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam tổ chức Tọa đàm: Doanh nhân và trách nhiệm xã hội nhìn từ đại dịch Covid-19.
    Qua Tọa đàm, chúng tôi mong muốn các diễn giả sẽ cùng bàn luận, phân tích và nêu bật lên được những đóng góp to lớn, thể hiện trách nhiệm xã hội, thể hiện tình dân tộc, nghĩa đồng bào của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong gần 2 năm xảy ra đại dịch Covid-19 vừa qua để từ đó chúng ta thêm yêu quý và trân trọng họ.

    Kính thưa Quý vị,

    Nhân dịp này, với định hướng thúc đẩy việc tạo lập các giá trị và cổ vũ cộng đồng hướng đến mục tiêu chung trong thập niên tới là chuyển đổi số và phát triển bền vững; Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam cũng xin chính thức công bố triển khai 02 Dự án truyền thông mới giai đoạn 2021 – 2022:

    Thứ nhất, Tạp chí sẽ thực hiện Dự án truyền thông: Doanh nghiệp, doanh nhân và chuyển đổi số. Thông qua chương trình này, Tạp chí sẽ triển khai hàng loạt các sự kiện hội thảo, tọa đàm; các tuyến bài chuyên sâu và các xuất bản phẩm chuyên đề nhằm góp phần tuyên truyền, kiến nghị chính sách về chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số, đô thị số… đồng thời tôn vinh các doanh nghiệp, doanh nhân tiên phong trong công cuộc này.

    Thứ hai, Tạp chí sẽ phối hợp với Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam và một số tổ chức khoa học, thực hiện dự án nghiên cứu và công bố Chỉ số thường niên về phát triển bền vững của thị trường bất động sản Việt Nam (gồm Bảng xếp hạng 50 doanh nghiệp bất động sản phát triển bền vững nhất và Bảng xếp hạng chỉ số phát triển bền vững 63 thị trường bất động sản các tỉnh, thành phố của Việt Nam). 

    Kính thưa Quý vị,

    Nhân dịp này, Ban Biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam xin được bày tỏ lòng biết ơn và trân trọng trước sự quan tâm, ủng hộ của Ban lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, sự chia sẻ của các quý chuyên gia, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và các bạn đồng nghiệp và quý độc giả dành cho Tạp chí trong suốt thời gian qua; đồng thời rất mong tiếp tục nhận được sự đồng hành của Quý vị trong thời gian tới.

    Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, chúng tôi, một lần nữa xin được gửi lời tri ân và lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân nước nhà.

    Xin trân trọng cảm ơn và chúc Tọa đàm của chúng ta hôm nay thành công tốt đẹp.
     

    14:10

    Ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phát biểu chào mừng

    ông Đỗ Viết Chiến

    Lịch sử thế giới đã khẳng định vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của đội ngũ doanh nhân trong sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia và sự tiến bộ của nhân loại. Ở Việt Nam, từ sau Đổi mới đến nay đã hình thành đội ngũ doanh nhân có khát vọng lớn và đi tiên phong trong các cuộc cách mạng làm giàu cho Tổ quốc, cho dân tộc. Đội ngũ doanh nhân Việt Nam không chỉ làm giàu cho mình, đóng góp xứng đáng cho công cuộc phát triển đất nước, mà còn tạo dựng hình ảnh con người Việt Nam tự chủ, năng động; thể hiện niềm kiêu hãnh và khát vọng khẳng định giá trị bản lĩnh Việt Nam trên trường quốc tế. Qua thời gian, đội ngũ doanh nhân đang có những bước phát triển đáng ghi nhận, hình thành một số tên tuổi đủ tầm vóc, thương hiệu trên thị trường.

    Trong bối cảnh đất nước chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, nền kinh tế gặp phải muôn vàn khó khăn, doanh nhân Việt Nam đã chủ động thích ứng, kiên cường trước cơn sóng lớn, tận tâm đóng góp sức lực và vật chất cho cộng đồng và đất nước để vừa chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế. Tinh thần đó của doanh nhân Việt Nam thật đáng trân trọng và tự hào.

    Cách đây tròn hai năm, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam đã có ý tưởng thực hiện dự án truyền thông Doanh nhân đồng hành cùng dân tộc, nhằm khắc họa quá trình đổi mới kinh tế của Việt Nam và chân dung các doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu của Việt Nam.

    Đến nay, khi dự án đã hoàn thành với dấu mốc là xuất bản ấn phẩm đặc san Doanh nhân đồng hành cùng dân tộc để lại dấu ấn và ý nghĩa xã hội sâu sắc, tạo dựng niềm tin, sự hy vọng vào các doanh nhân Việt Nam. Việc nhìn nhận, đánh giá khách quan hơn vai trò của doanh nhân Việt Nam cũng là cách để hướng tới mục tiêu vì một Việt Nam hùng cường, từng bước cải thiện và nâng cao vị trí đất nước trên trường quốc tế, đồng hành cùng nhân loại tiến bộ. Đồng thời, việc nhìn lại và đánh giá đúng sự đồng hành của giới doanh nhân Việt Nam với dân tộc còn là việc khơi dậy và phát huy tinh thần yêu nước, ý chí kinh doanh, giải phóng lực lượng sản xuất, phát huy sức mạnh vật chất và trí tuệ, sự nỗ lực, tự cường và đồng thuận xã hội trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập và đứng trước những thời cơ mới, với kỳ vọng Việt Nam sẽ hình thành một thế hệ doanh nhân tài năng và có trách nhiệm xã hội.

    Hôm nay, tôi cũng đặc biệt hoan nghênh Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam đã có sáng kiến tổ chức Tọa đàm: Doanh nhân và trách nhiệm xã hội nhìn từ đại dịch Covid-19; và Chính thức khởi động 02 Dự án truyền thông giai đoạn 2021 - 2022 là Dự án truyền thông và xuất bản ấn phẩm đặc san: Doanh nghiệp, doanh nhân và chuyển đổi số; Và dự án nghiên cứu và công bố Chỉ số phát triển bền vững của thị trường bất động sản Việt Nam. Ban lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tin tưởng rằng, với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, doanh nhân và sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản Việt Nam, những dự án truyền thông do Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam tổ chức sẽ tạo ra những dấu ấn và ý nghĩa đối với cộng đồng và nền kinh tế.

    14:00

    Chương trình bắt đầu diễn ra

    toạ đàm doanh nhân

    Tọa đàm có sự tham dự của đại diện Lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam: Ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam

    Bên cạnh đó có sự tham dự của các chuyên gia: TS. Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; TS. Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam; TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí “Xưa & Nay”; GS. TS. Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam; TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh.

    Toạ đàm cũng có sự tham gia của đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp: Ông Ngô Minh Giang, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn T&T Group; Bà Dương Diệu Thuần, Giám đốc truyền thông tập đoàn Văn Phú Invest; Bà Trần Thị Thanh Nga, Trưởng Ban truyền thông TNG.

    Về phía Ban tổ chức có: Nhà báo Phạm Nguyễn Toan, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam; Nhà báo Bùi Văn Khương, Phó Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam.

    Cùng sự tham dự của đại diện các doanh nghiệp và khán giả trực tuyến.

    Ông Đỗ Viết Chiến
    Ông Đỗ Viết Chiến
    TS Lê Doãn Hợp
    TS. Lê Doãn Hợp
    TS Vũ Tiến Lộc
    TS. Vũ Tiến Lộc
    TS. Nguyễn Sĩ Dũng
    TS. Nguyễn Sĩ Dũng
    Nhà sử học Dương Trung Quốc
    Nhà sử học Dương Trung Quốc
    GS. TS. Hoàng Văn Cường
    GS. TS. Hoàng Văn Cường
    TS Võ Trí Thành
    TS. Võ Trí Thành
    Nhà báo Phạm Nguyễn Toan
    Nhà báo Phạm Nguyễn Toan
    Nhà báo Bùi Văn Khương
    Nhà báo Bùi Văn Khương

    Lên trên
    Ý kiến của bạn
    Bình luận
    Xem thêm bình luận

    Đọc thêm

    Lên đầu trang
    Top