Tổng HUD: Từ người anh hùng...

Tổng HUD: Từ người anh hùng...

Thảo Liên
Thảo Liên lienlien.media@gmail.com
Thứ Hai, 14/09/2020 - 06:00

Lời Toà soạn:

Cách đây 15 - 20 năm, các doanh nghiệp Nhà nước như: HUD, Vinaconex, Sông Đà, CoMa, Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội Hancorp (thuộc Bộ Xây dựng)... nổi lên với vai trò tiên phong trong ngành xây dựng và được ví như những cánh chim đầu đàn. Những doanh nghiệp này đã có nhiều đóng góp to lớn trong công cuộc xây dựng các công trình cho đất nước, cho nhân dân, là điểm tựa cho nền kinh tế cũng như ngành xây dựng.

Nhưng chẳng hiểu vì lý do gì, bẵng đi một thời gian, những doanh nghiệp này lại được nhắc đến qua các dự án sa lầy vốn, sự đi xuống về hoạt động, hay những thông tin thất thoát vốn Nhà nước.

Trong khi các doanh nghiệp tư nhân đi sau ngày một lớn mạnh, thì Ngũ hổ tướng của ngành xây dựng lại như vướng bận chuyện gì, thay vì tập trung vào đẩy mạnh hoạt động kinh doanh dựa trên lợi thế vốn có. Thế nên, nhiều người cho rằng các doanh nghiệp này đang mắc bệnh “nhà giàu cũng khổ” bởi nhiều đất, sẵn tiềm lực mà không biết phát triển thế nào cho xứng. Phải chăng do năng lực của bộ máy lãnh đạo hạn chế hay lợi ích nhóm dẫn đến thất thoát đất đai?

Dù những nhận định trên vẫn còn nhiều nghi hoặc, nhưng lạ hơn là trước thềm cổ phần hóa, những doanh nghiệp từng được gọi là cánh chim đầu đàn này cứ dần lao dốc khi không ngừng báo thua lỗ hoặc làm ăn cầm chừng, trong khi lại vẫn rất mạnh mẽ xin giữ đất, đẩy mạnh dự án dù thất thu lợi nhuận.

Trên tinh thần nghiên cứu, Reatimes khởi đăng tuyến bài: Ngũ hổ tướng trong ngành Xây dựng: Ngày ấy - bây giờ.

Mở đầu là bài viết: Tổng HUD: Từ người anh hùng...

Trân trọng giới thiệu với độc giả!

Hơn 30 năm về trước, vào cuối năm 1989, thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ về phát triển nhà ở theo phương châm “Lấy phát triển để cải tạo, xóa bao cấp về nhà ở, phát triển nhà ở theo dự án đầu tư đồng bộ, theo phương thức kinh doanh thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, Bộ Xây dựng đã quyết định thành lập Công ty Phát triển nhà và đô thị (HUD) trên cơ sở chuyển hóa Ban quản lý nhà ở đường 1A, thực hiện nhiệm vụ quy hoạch và phát triển nhà ở cho người dân Thủ đô.

Trong giai đoạn đầu, HUD đã tạo được dấu ấn và trở thành thương hiệu uy tín trên thị trường bất động sản với hàng loạt dự án lớn, trong đó phải kể tới: Khu dịch vụ tổng hợp và nhà ở hồ Linh Đàm (tổng diện tích 184ha, trong đó 74ha là mặt hồ điều hoà)…, sau đó là Khu đô thị mới Bắc Linh Đàm (rộng 24ha). Sau quá trình 10 năm xây dựng, Linh Đàm đã hãnh diện trở thành khu đô thị kiểu mẫu khi đó, với sự đồng bộ về hạ tầng xã hội và kỹ thuật, thu hút hàng chục nghìn người đến định cư.

Từ thành công của dự án Khu đô thị Linh Đàm, HUD đã khởi công hàng loạt dự án khu đô thị mới khác trên địa bàn Thủ đô như: Khu đô thị mới Định Công, Mỹ Đình II, Pháp Vân - Tứ Hiệp, Việt Hưng, Văn Quán - Yên Phúc...

Với những thành tựu đạt được, đặc biệt là vốn chủ sở hữu sau 10 năm phát triển của HUD đã tăng gấp 50 lần, đến năm 2000, HUD được nâng lên thành Tổng Công ty. Trên đà phát triển, HUD bắt đầu nhân rộng mô hình phát triển đô thị ra các tỉnh thành lân cận và nhân rộng mô hình khu đô thị ra các địa phương khác trong cả nước, đưa thương hiệu HUD ngày càng trở nên thân thuộc trong lĩnh vực phát triển đô thị và nhà ở của đất nước lúc bấy giờ.

Tại khu vực phía Nam, HUD trở thành cái tên nổi bật ở các địa bàn trọng điểm là TP.HCM và các tỉnh lân cận. Năm 2003, đơn vị này khởi công xây dựng khu dân cư Long Thọ - Phước An (quy mô 223ha) ở huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Năm 2005, HUD khởi công xây dựng khu đô thị mới Đông Tăng Long (quy mô 159ha) tại quận 9, TP.HCM và năm 2007 khởi công xây dựng khu đô thị sinh thái Chánh Mỹ giai đoạn 1 (147ha) tại thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

Tiếp nối thành công của các dự án khu đô thị mới và nhà ở tại phía Bắc và phía Nam, HUD cũng khởi động chương trình phát triển các dự án tại khu vực miền Trung, tập trung vào một số địa bàn có nhu cầu cao về nhà ở. 

Năm 2006, HUD được chuyển sang hoạt động sản xuất kinh doanh theo mô hình công ty mẹ - công ty con.

Khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm.

Đây cũng là thời điểm HUD bước vào thời kỳ hoàng kim khi sản phẩm mang tên thương hiệu này được sang nhượng ồ ạt trên thị trường, lợi nhuận thu về lên tới hàng trăm tỷ đồng. Tới năm 2009, HUD được biết đến như một tập đoàn phát triển nhà và đô thị, kết quả là năm 2010, doanh nghiệp này được thí điểm hình thành Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam.

Trong tiến trình phát triển của mình, HUD đã trở thành một trong những đơn vị tiên phong góp phần thay đổi diện mạo đô thị, đã và đang triển khai 25 khu đô thị mới tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, cung cấp hơn 6 triệu m2 sàn nhà ở, đáp ứng nhu cầu của hàng chục vạn hộ gia đình, trong đó có nhiều người dân có thu nhập trung bình và thấp, các đối tượng chính sách xã hội gặp khó khăn về nhà ở. 

Đó là những thành tích ấn tượng của “con cưng” ngành xây dựng - HUD cho đến nay. Đáng tiếc, những đóng góp của đơn vị này chỉ thể hiện rõ nét ở thời kỳ hoàng kim hơn 10 năm về trước. Sau thời điểm đó, tất cả những dấu ấn kể trên đã chìm vào dĩ vãng của một thời vang bóng.

Thời điểm thị trường địa ốc bước vào giai đoạn khủng hoảng (năm 2011), thời kỳ phát triển huy hoàng của HUD cũng chính thức chấm dứt. Thay vào đó là chuỗi ngày suy thoái, chìm trong núi nợ và đứng trước nguy cơ mất vốn. Ít ai biết rằng, một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực bất động sản bấy giờ lại phải bán dần các tài sản, đất đai để trả nợ và sống qua ngày.

Cụ thể, giai đoạn bất động sản phát triển lên đến đỉnh điểm, khoản chênh lệch giá trị căn hộ, liền kề, biệt thự tại các dự án được đẩy lên hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng, HUD đã có những quyết định đầu tư dàn trải vượt xa khả năng tài chính của mình.

“Quá trình hoạt động đầu tư kinh doanh, đặc biệt là từ 2011 trở về trước, HUD đã quyết định các dự án đầu tư vượt xa khả năng tài chính và quản trị, dẫn đến việc chậm trễ triển khai các dự án, sản phẩm dở dang và hàng tồn kho quá nhiều, đẩy HUD và một số đơn vị thành viên đến tình trạng khó khăn”, bản Thông báo kết luận thanh tra HUD của Thanh tra Chính phủ ngày 25/5/2015 chỉ rõ.

Kết luận thanh tra Chính phủ cho thấy, tại thời điểm thanh tra, các khoản nợ phải trả của HUD lên tới 6.684 tỷ đồng, khả năng thanh toán nợ khó khăn do mất cân đối dòng tiền.

Bên cạnh đó là một loạt bất cập khác: Tồn kho quá nhiều (hơn 4.352 tỷ đồng), thanh khoản chậm, hạch toán chưa đầy đủ các khoản nợ tiền sử dụng đất; nợ công trình hạ tầng chưa xây dựng và quá hạn chưa bàn giao được cho địa phương khối lượng lớn (4.501 tỷ đồng), hạch toán kinh doanh không chính xác, ghi nhận thiếu chi phí trước và chi phí dự phòng hơn 1.200 tỷ đồng dẫn đến phản ánh kết quả kinh doanh sai lệch.

Đặc biệt, Thanh tra Chính phủ phát hiện HUD đã làm trái và buông lỏng quản lý trong hoạt động ủy quyền kinh doanh dự án cho các công ty thành viên với quy mô lớn. Cụ thể, các dự án đô thị sau khi đầu tư hạ tầng kỹ thuật, HUD không tiếp tục đầu tư công trình trên đất hoặc chuyển nhượng đất có hạ tầng cho nhà đầu tư thứ cấp mà ủy quyền đầu tư kinh doanh cho các công ty thành viên, trái điều lệ tổ chức hoạt động và quy chế quản lý tài chính của HUD.

Làm ăn thua lỗ, HUD phải chuyển nhượng 1 phần các dự án. Trong ảnh là Khu đô thị Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội). Nguồn: Internet.

Thời điểm năm 2012, với hơn 65 dự án trong danh mục, HUD là một trong những nhà phát triển bất động sản sở hữu quỹ đất “khổng lồ” nhất. Do vậy, đứng trước núi nợ, HUD vẫn mạnh tay phát hành 600 tỷ đồng trái phiếu để lấy vốn đầu tư các dự án khác.

Tuy nhiên, việc làm ăn bết bát khiến HUD phải bán một phần trụ sở. Thậm chí, hàng loạt lô đất có vị trí đắc địa tại các khu đô thị như: Vân Canh, Văn Quán, Linh Đàm, Định Công, Việt Hưng… cũng được HUD bán cho các chủ đầu tư thứ cấp với giá rẻ từ nhiều năm trước. Hàng loạt dự án của HUD đã bị đình trệ, gặp nhiều khó khăn và phải chuyển nhượng lại cho đối tác khác với giá rẻ, lợi nhuận chuyển nhượng chỉ đạt từ 3 - 5%.

Nợ nần chồng chất, chiếc áo “tập đoàn” được khoác lên mình từ năm 2010 cũng trở thành ảo vọng. Năm 2012, mô hình tập đoàn thí điểm ở HUD đã bị khai tử, bởi dù hình thành tập đoàn tên tuổi nhưng các thành viên chính của tập đoàn đều có cùng chức năng tương tự (lĩnh vực xây dựng) và khi thị trường đóng băng, hoạt động của tất cả bộ máy gần như phải tạm dừng. Cùng với đó, sự tích hợp các nguồn lực lớn theo cấu trúc sơ khai, thiếu sự quản lý khoa học và xuyên suốt, vai trò chủ sở hữu mờ nhạt dẫn đến thất bại. Đó chỉ là phép cộng đơn thuần, không tạo thành sức mạnh tổng thể.

Vào giữa năm 2013, Bộ Xây dựng đã phải đề nghị Bộ Tài chính ứng vốn từ Quỹ tích lũy trả nợ nước ngoài của Chính phủ để trả nợ thay cho HUD khoảng 5,4 triệu USD.

Trong giai đoạn tái cơ cấu phục vụ kế hoạch cổ phần hóa, HUD cũng bán đi những tài sản lớn như: 1,5 triệu cổ phần tại Công ty Cổ phần Khách sạn và Du lịch Bảo Việt (vốn điều lệ 60 tỷ đồng); 280.000 cổ phần tại Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng Phú Quốc (vốn điều lệ 500 tỷ đồng).

Ở một số tỉnh, thành phố khác, HUD cũng gặp không ít khó khăn về tài chính. Đầu năm 2014, tỉnh Hà Tĩnh đã có công văn đòi nợ 78 tỷ đồng tiền sử dụng đất và 4,5 tỷ đồng tiền nợ chậm nộp tại Khu đô thị mới Bắc TP. Hà Tĩnh.

Cuối năm 2015, HUD phải bán đi Khu tổ hợp khách sạn - căn hộ cao cấp Ánh Dương, diện tích 2,1ha tại góc đường Phạm Văn Đồng - Võ Nguyên Giáp (Đà Nẵng).

Bên cạnh việc bán đất, HUD và các đơn vị thành viên đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy kinh doanh, thu hồi vốn để tái đầu tư, rà soát lại các chi phí; thay đổi hình thức đầu tư hoàn thiện căn hộ cho phù hợp với tình hình thị trường. Tuy nhiên, sự cố gắng này chỉ mang lại cho HUD khoản lợi nhuận trước thuế là 407 tỷ đồng. Với quy mô và quỹ đất khổng lồ, lợi nhuận mà HUD kiếm được năm 2015 chỉ như muối bỏ biển so với thời kỳ hoàng kim của đơn vị này.

Sự tuột dốc của HUD rơi đúng vào thời điểm thị trường bất động sản bước vào giai đoạn khủng hoảng, đóng băng. Tuy nhiên, việc thị trường đóng băng có lẽ không phải là nguyên nhân chính đẩy HUD vào cảnh thua lỗ triền miên và nợ nần chồng chất. Thay vào đó, như đã chỉ ra ở trên, chính những quyết định thiếu tầm nhìn cùng với việc đầu tư dàn trải đã khiến HUD chìm sâu vào vũng lầy khủng hoảng của thị trường bất động sản lúc bấy giờ. Hay nói cách khác, chính khó khăn của thị trường lúc đó đã phơi bày sự yếu kém trong năng lực kinh doanh và quản lý đất đai của một doanh nghiệp được coi là anh cả ngành xây dựng, dẫn đến động thái bán tháo đất đai, thất thoát và mất vốn.

Điều này cũng dẫn đến một thực tế khác, không kém phần trớ trêu. Đó là, dù giai đoạn 2014 - 2018, thị trường bất động sản đã hồi phục, phát triển lên đến đỉnh cao, trong khi nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn ngoài quốc doanh đã vượt qua thời kỳ khó khăn và có sự tăng trưởng vượt bậc, thì dường như dấu ấn của ông lớn bất động sản một thời HUD vẫn rất mờ nhạt trên thị trường.

Có thể thấy, thời kỳ hoàng kim “tỏa sáng” bao nhiêu thì từ sau giai đoạn khủng hoảng, HUD lại trở nên thảm hại bấy nhiêu. Có lẽ đó cũng là lý do mà trong phần lịch sử phát triển hiển thị trên trang chủ của HUD, giai đoạn sau năm 2012, mặc nhiên không có bất kỳ sự kiện, thông tin nào, cho đến năm 2018.

Trong tiến trình phát triển của mình, HUD đã có trong tay quỹ đất khủng ở rất nhiều tỉnh thành trên cả nước. Nhưng sự đầu tư thiếu đồng bộ khiến nhiều dự án bỏ hoang nhiều năm, chôn chặt hàng nghìn tỷ đồng.

10 năm trước, HUD đã “ôm” tới hơn 200ha đất tại Mê Linh để thực hiện 3 dự án, gồm: Dự án Mê Linh - Đại Thịnh (142ha), Thanh Lâm - Đại Thịnh 1 (54ha) và Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 (55ha). Những dự án ở cửa ngõ phía Bắc Hà Nội được kỳ vọng quy hoạch bám theo trục đường trung tâm rộng 100m nối liền thành phố Vĩnh Yên - Vĩnh Phúc, trở thành khu đô thị kiểu mẫu ở cửa ngõ phía Bắc Thủ đô.

Do vậy, năm 2011, chính quyền địa phương đã thu hồi và bàn giao hàng trăm héc-ta đất để giao cho HUD thực hiện dự án. Thế rồi cả thập kỷ trôi qua, tất cả những dự án HUD đang triển khai tại huyện Mê Linh, ngoại trừ một vài cơ sở hạ tầng đã đầu tư đang dần xuống cấp, thì tất cả chỉ là những bãi đất hoang, cỏ mọc um tùm.

Cũng vì năng lực tài chính yếu kém mà dự án Toà nhà văn phòng hạng A - HUD Tower tại khu đất 6.500m2, có vị trí đắc địa góc ngã tư đường Lê Văn Lương - Nguyễn Tuân (Hà Nội) được khởi công từ năm 2011 cũng rơi vào cảnh chết lâm sàng nhiều năm, cho đến nay vẫn chưa thể hoàn thiện hết hạ tầng và các hạng mục của dự án, tiến độ tiếp tục dời sang năm 2023. Trước đó, HUD đã liên tục đưa ra phương án muốn bán toàn bộ dự án này để thu hồi vốn. 

Tòa nhà văn phòng HUD Tower tại 37 Lê Văn Lương vẫn chưa được hoàn thiện hết các hạng mục của dự án. Ảnh: Internet.

Việc đầu tư vượt quá năng lực đã khiến hàng loạt các dự án bất động sản của HUD tại nhiều tỉnh thành khác sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, triển khai thi công giờ vẫn dậm chân tại chỗ và đứng trước nguy cơ chết yểu, chủ đầu tư liên tiếp nợ tiền sử dụng đất và thuế… Thực tế, nhiều địa phương đã và đang đau đầu với tình trạng “làm thinh” của HUD tại các dự án.

Năm 2009, Khu đô thị mới Phú Mỹ có quy mô 170ha nằm trên địa bàn phường Nghĩa Chánh và xã Nghĩa Đông, TP. Quảng Ngãi được chính thức khởi công. Đây là dự án Khu đô thị mới đầu tiên của HUD triển khai tại địa bàn miền Trung. Theo thiết kế, dự án là quần thể khu nhà thấp tầng, khu biệt thự, các công trình dịch vụ thương mại gắn với khu công viên và hồ điều hòa. Thế nhưng, cũng đã ngót 10 năm từ lúc được tỉnh Quảng Ngãi chỉ định đầu tư, dự án của HUD vẫn đang “nhẩn nha” chưa cán đích và không ít lần xin điều chỉnh tiến độ.

Còn tại Bình Dương, HUD được giao 181,66ha tại dự án Khu đô thị Chánh Mỹ (TP. Thủ Dầu Một). Tại dự án này, HUD có dấu hiệu huy động vốn trái phép khi có hàng trăm nền đất đã được ký hợp đồng chuyển nhượng từ năm 2010, nhưng đến nay người mua vẫn chưa được bàn giao đất. Còn dự án hiện nay vẫn đang “nằm ì”, chưa tiếp tục triển khai xây dựng hạ tầng. Đó là chưa kể đến việc, HUD ôm đất cả thập kỷ qua nhưng vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, nợ hàng trăm tỷ tiền thuế đất.

Cũng vì những sai phạm về tiến độ dự án và rao bán liền kề khi chưa hoàn thiện hạ tầng theo đúng cam kết ban đầu, một dự án khác tọa lạc trên khu đất vàng 9,1ha tại TP. Hà Tĩnh là Khu dân cư đô thị Bắc Nguyễn Du hồi tháng 6 đã bị Thanh tra tỉnh Hà Tĩnh “sờ gáy”. Theo tìm hiểu, dự án được khởi công từ tháng 10/2011 nhưng đến nay vẫn chưa về đích, tạo sự nham nhở giữa lòng thành phố, gây bức xúc cho người dân.

Chưa có một thống kê chính thức nào về số diện tích đất tại các địa phương mà đơn vị này đã “xí phần”. Tuy nhiên, ở hầu hết các dự án mà HUD thực hiện trong giai đoạn từ sau năm 2010 đều bộc lộ những sai phạm. Thực tế, dù không đủ năng lực triển khai dự án nhưng HUD vẫn có trong tay chủ trương đầu tư hàng loạt dự án. Đến năm 2017, đơn vị này có tới khoảng 43 dự án tại nhiều đô thị lớn trên cả nước. Điều này cho thấy, mục tiêu giữ đất thể hiện rõ ràng hơn việc phát triển, kinh doanh.

Quay trở lại câu hỏi về năng lực quản trị kinh doanh và sử dụng đất đai của HUD, có thể thấy, dù sở hữu quỹ đất lớn cùng hàng chục dự án trong tay nhưng doanh thu của HUD lại tuột dốc không phanh qua các năm bởi làm ăn bết bát, đầu tư kém hiệu quả.

Năm 2011, doanh thu đạt 2.373 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 256 tỷ đồng. Đến năm 2012, doanh thu giảm còn 2.056 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế sụt giảm gần một nửa, còn 150 tỷ đồng. Năm 2013, doanh thu tiếp tục sụt giảm mạnh, xuống còn 1.320 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế bốc hơi hơn 2/3, chỉ còn 56 tỷ đồng.

Năm 2014, doanh thu mặc dù có tăng nhẹ nhưng không đáng kể, đạt 1.328 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 63 tỷ đồng. Năm 2015, doanh thu tiếp tục sụt giảm xuống còn 1.051 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 66 tỷ đồng.

Từ năm 2016 đến nay, HUD không đưa ra được sản phẩm mới nào để cạnh tranh với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân. Những dự án mà HUD đang đầu tư phát triển chủ yếu là các dự án nhà ở xã hội…

Tháng 4/2018 là thời điểm đánh dấu một bước ngoặt mới của HUD khi được bổ nhiệm mới các cán bộ trong Hội đồng thành viên. Cụ thể, hội đồng thành viên Tổng Công ty HUD nhiệm kỳ 2018 - 2023 gồm 5 cán bộ: Nguyễn Việt Hùng - Chủ tịch Hội đồng thành viên; Nghiêm Văn Bang - Thành viên Hội đồng thành viên; Đỗ Hoài Đông - Thành viên Hội đồng thành viên; Nguyễn Tuấn Anh - Thành viên Hội đồng thành viên; Phan Trường Sơn - Thành viên Hội đồng thành viên.

Nhiệm vụ của các cán bộ mới là phát huy tốt hơn nữa vai trò hạt nhân, tiên phong và lãnh đạo toàn diện của các cấp ủy Đảng, tạo môi trường làm việc lành mạnh, đồng thuận, đoàn kết để toàn Tổng Công ty HUD chung sức chung lòng thực hiện các nhiệm vụ được giao; rà soát điều chỉnh và bổ sung các quy chế hoạt động của Tổng Công ty cho phù hợp với tình hình mới; khẩn trương thực hiện việc rà soát các dự án đang đầu tư để cơ cấu lại, gắn chặt với quá trình tái cơ cấu Tổng Công ty, lành mạnh hóa tình hình tài chính….

Lãnh đạo Tổng Công ty HUD từ đó sẽ tận dụng bề dày truyền thống, giữ vững và tiếp tục phát triển thương hiệu HUD - một thương hiệu lớn của ngành xây dựng trong lĩnh vực phát triển đô thị và nhà ở.

Chỉ có điều, từ khi có bộ máy lãnh đạo mới, nhiệm vụ chính của HUD là tái cấu trúc lại Tổng Công ty dường như chưa hiệu quả. Theo quan sát của Reatimes, HUD và các công ty con chưa có động thái nào mang tính đột phá trong công cuộc tái cấu trúc HUD. Thay vì tập trung hoàn thành các dự án dang dở tại Hà Nội và nhiều địa phương, trong 2 năm qua, doanh nghiệp này lại tập trung phát triển thêm các dự án nhà ở xã hội.

“Năm 2018: Xây dựng và triển khai chương trình phát triển nhà ở xã hội. Cho đến nay, HUD đã triển khai và hoàn thành nhiều dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội và một số địa phương khác trong cả nước với tổng diện tích sàn khoảng 250.000m2, góp phần cải thiện chỗ ở cho hơn 3.000 hộ gia đình công nhân viên chức, cán bộ chiến sỹ các lực lượng vũ trang, người thu nhập thấp tại đô thị... với các căn hộ nhà ở xã hội mang thương hiệu HUD”, thông tin được nêu trên trang chủ của HUD.

Theo ghi nhận, ngoài một số dự án nhà ở xã hội được thực hiện khẩn trương thì ở hầu hết các dự án khu đô thị tại nhiều địa phương, việc triển khai vẫn rất ì ạch. Tình trạng hoang hóa ở một số dự án nói trên vẫn chưa được cải thiện.

Trên báo cáo tài chính, các con số cũng chưa có gì nổi bật. Một số chỉ tiêu được cải thiện nhẹ như lợi nhuận tăng khoảng 10% đúng như kế hoạch, dòng tiền dương trở lại… Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, những biến đổi trên so với một Tổng Công ty từng dẫn đầu về xây dựng và bất động sản thì ảnh hưởng của người lãnh đạo vẫn còn mờ nhạt.

Nếu so với năm 2017, trước khi ông Nguyễn Việt Hùng được điều động về HUD, doanh thu năm 2018 giảm 3,8% và tổng tài sản giảm 8,2%. Chỉ số vòng quay tài sản năm 2018 là 0,42 lần cho thấy, 01 đồng tài sản tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh tạo ra 0,42 đồng doanh thu.

Biên lợi nhuận gộp của HUD được duy trì ổn định ở mức trên 17% trong năm 2017 và năm 2018. Nhưng lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2018 giảm 54% so với năm 2017, chỉ còn 212 tỷ đồng.

Nguyên nhân chính dẫn tới lợi nhuận sau thuế của HUD năm 2018 sụt giảm mạnh so với năm 2017 là do năm 2018 có chi phí tài chính 129 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2017 là âm 259 tỷ đồng.

Tuy vậy, báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018 của HUD ghi nhận điểm sáng về dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh năm 2017 dương 812 tỷ đồng và năm 2018 dương 780 tỷ đồng.

Năm 2019 và đầu năm 2020, lợi nhuận của HUD được cải thiện tốt hơn, nhưng chưa rõ khoản này vì phần chủ yếu nhờ nguồn thu khác. Kết thúc năm 2019, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của HUD đạt 7.403 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2018. Tuy nhiên, giá vốn tăng nên lợi nhuận gộp mục này tăng 12%, đạt 1.266 tỷ đồng. Trong khi doanh thu tài chính giảm đi thì chi phí lãi vay tăng 11 tỷ đồng, lỗ công ty liên kết tăng lên. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 70 tỷ đồng... Trừ đi các khoản, lợi nhuận thuần tăng 4% so với năm 2018. Tuy vậy, nhờ khoản chi phí khác giảm, cộng với lợi nhuận khác tăng nên lợi nhuận trước thuế tăng 20% lên 450 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 314 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính tổng hợp, 6 tháng đầu năm 2020, hàng tồn kho của HUD tiếp tục tăng thêm 200 tỷ đồng so với hồi đầu năm, lên 7.285 tỷ đồng. Lợi nhuận năm 2020 không biến đổi nhiều so với năm 2019, theo đó 6 tháng đầu năm đạt gần 100 tỷ đồng.

Chưa hết, kể từ khi có bộ máy lãnh đạo mới, các công ty con của HUD trên sàn vẫn tiếp tục bị bỏ bê. Chẳng hạn, cổ phiếu HUD1 của Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng HUD1 đã được niêm yết trên HOSE năm 2011, mệnh giá đến nay xuống còn 5.600 đồng/cổ phiếu. Doanh nghiệp này liên tục phớt lờ việc công bố thông tin nên thường xuyên bị HOSE nhắc nhở; lợi nhuận cũng khiêm tốn, thường phát sinh lợi nhuận tiền tỷ vào quý cuối của năm, những quý còn lại chỉ có vài chục hoặc vài trăm triệu đồng. 

Hay như cổ phiếu HD2 của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển nhà HUD2 niêm yết trên Upcom cũng có giá 5.200 đồng/cổ phiếu. Cổ đông lớn duy nhất của HD2 là AMERICA LLC vừa thoái hết vốn hồi tháng 7 vừa qua. HD2 dù có lợi nhuận khả quan hàng năm khoảng vài chục tỷ đồng nhưng lại không có giá phù hợp, không tạo lợi ích cho cổ đông. Một thời gian dài cổ phiếu của công ty này bị hạn chế giao dịch vì “chây ì”. Các công ty con còn lại của HUD cũng cùng tình trạng cổ phiếu kém hấp dẫn.

Tất cả những thực tế đó đều đặt ra nghi vấn về năng lực quản trị kinh doanh và quản lý đất đai của lãnh đạo HUD. Tuy nhiên, câu chuyện vẫn chưa dừng lại ở những con số về tình hình kinh doanh không mấy khả quan nói trên.

Việc thực hiện cổ phần hóa, tái cơ cấu lại doanh nghiệp của HUD đang rất ngổn ngang, chậm chạp, ách tắc dù đây là giải pháp tốt nhất để khắc phục tình trạng đầu tư kinh doanh bết bát, thua lỗ, nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổng Công ty.

Cụ thể, nhiệm vụ cổ phần hóa đã được đặt ra cho HUD và các doanh nghiệp khác trực thuộc Bộ Xây dựng từ trước năm 2015. Theo kế hoạch, lẽ ra HUD đã phải hoàn thành việc cổ phần hóa từ quý IV/2016. Tuy nhiên đến nay, cổ phần hóa vẫn đang là một mục tiêu cần hoàn thành trong năm 2020 của doanh nghiệp này.

Tại Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg ngày 15/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020, HUD sẽ được cổ phần hoá chậm nhất vào cuối năm 2020 và Nhà nước sẽ thoái hết vốn hoặc giữ dưới 50% vốn tại công ty này.

Tuy nhiên, việc cổ phần hóa tại HUD đang trở nên phức tạp hơn sau khi doanh nghiệp đề xuất được giữ lại nhiều lô đất vàng với diện tích hàng nghìn mét vuông tại Hà Nội nhưng Bộ Tài chính không đồng tình với phương án trên.

Mục đích của việc giữ lại các lô đất vàng theo vị thuyền trưởng HUD - Nguyễn Việt Hùng là doanh nghiệp cần có hàng hóa mới có thể tiến hành kinh doanh, sinh ra lợi nhuận. Đối với một doanh nghiệp bất động sản, các cơ sở nhà đất cần sắp xếp lại nên được nhìn nhận là một hàng hoá để kinh doanh, không phải tài sản công như những đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực khác.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đó có thể chỉ là cái cớ để doanh nghiệp giữ lại đất vàng. Còn mục đích của việc giữ lại đất vàng lại nằm ở câu chuyện lợi ích.

Một khu đất vàng tại Linh Đàm bị HUD sử dụng sai mục đích. Ảnh: Internet.

Lãnh đạo một công ty chứng khoán cho hay, đất vàng cổ phần hóa từ các doanh nghiệp Nhà nước kinh doanh thua lỗ, bết bát vẫn luôn nằm trong tầm ngắm của nhà đầu tư. Thậm chí, nhiều chủ đầu tư còn lập đội “đi săn”, tìm kiếm, lên kế hoạch, thậm chí hỗ trợ các doanh nghiệp Nhà nước này đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa để có thể thâu tóm đất vàng thông qua đấu giá cổ phần. Trong số này, những đơn vị thua lỗ triền miên sẽ trở thành mục tiêu hấp dẫn cho các “tay săn mồi”.

Mặc dù hiện nay đã có những quy định siết chặt hơn việc tính toán lợi thế đất do các doanh nghiệp sở hữu vào giá khởi điểm, nhưng sức hút với hoạt động cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước đang có lợi thế đất không vì thế mà giảm đi.

Trong đó, những lô đất do doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ thường có ưu thế đặc biệt là có vị trí đắc địa, ở các khu trung tâm và là quỹ đất sạch có thể triển khai dự án ngay, được hưởng những cơ chế, đặc quyền để tiếp cận các cơ hội kinh doanh, trong đó không ít doanh nghiệp có vị thế độc quyền mà các doanh nghiệp tư nhân khó có cơ hội chạm tới. Điều này trái ngược hoàn toàn so với việc tìm kiếm mảnh đất mới rồi lập phương án để triển khai dự án.

Thực tế, trước thềm cổ phần hóa, ngoài đất vàng và một diện tích đất lớn dành cho phát triển nhà ở xã hội được hưởng nhiều ưu đãi mà HUD đang triển khai khá tốt thì có lẽ doanh nghiệp Nhà nước này không còn gì để thu hút các nhà đầu tư.

Nhưng nếu các nhà đầu tư chỉ nhìn thấy lợi ích từ đất vàng ở một doanh nghiệp thì mục tiêu của việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước cũng coi như thất bại, thậm chí còn kéo theo nhiều hệ lụy khác.

Chia sẻ với báo chí, PGS.TS Lê Cao Đoàn, Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, khi HUD còn là doanh nghiệp Nhà nước, việc nắm giữ, quản lý các cơ sở nhà đất là nhằm mục đích xây dựng trụ sở, cơ sở phát triển kinh doanh. Tuy nhiên, khi thực hiện cổ phần hóa, tài sản đất đai phải được bàn giao lại cho Nhà nước và địa phương quản lý, doanh nghiệp chỉ được thực hiện cổ phần hóa những tài sản có giá trị trên đất.

Theo vị chuyên gia, hầu hết các doanh nghiệp Nhà nước đều làm ăn thua lỗ, sau đó xin giữ lại đất đai, trụ sở rồi trong quá trình thực hiện cổ phần hóa thì cố tình định giá thấp để hóa giá, chuyển nhượng gây thất thoát, thiệt hại lớn cho ngân sách Nhà nước.

Thực tế này thể hiện khá rõ ở Tổng Công ty Cổ phần Sông Hồng (cũng trực thuộc Bộ Xây dựng), khi doanh nghiệp này từng lấy lý do thua lỗ rồi cầu cứu xin được thoái vốn ngay trong năm 2019.

Tổng Công ty Cổ phần Sông Hồng đã thực hiện cổ phần hóa với tỷ lệ Nhà nước nắm giữ 49% vốn sở hữu và đang nắm giữ trụ sở đất vàng với diện tích hàng nghìn mét vuông. Nếu việc thoái vốn diễn ra tại thời điểm doanh nghiệp này làm ăn bết bát, mất khả năng thanh toán như hiện tại thì cũng có nghĩa, việc định giá giá trị doanh nghiệp cũng rất bèo bọt, thậm chí không có người mua.

Trước đó, câu chuyện cổ phần hoá liên quan đến đất vàng Hãng Phim truyện Việt Nam cũng gây nhiều tranh cãi. Sau nhiều năm làm ăn thua lỗ, năm 2016, Hãng Phim truyện Việt Nam (VFS) tiến hành cổ phần hóa. Trước khi được chuyển thành công ty cổ phần, toàn bộ tài sản của VFS được định giá gần 20 tỷ đồng. Điều đáng nói, trong tổng giá trị được định giá ấy, giá trị thương hiệu cùng hàng nghìn mét vuông "đất vàng" ở các vị trí đắc địa trên địa bàn Hà Nội và TP.HCM mà đơn vị này đang quản lý, đều được định giá bằng 0 đồng.

Việc cổ phần hoá VFS được khởi động từ tháng 3/2016. Khi danh sách các đơn vị tham gia mua cổ phần được công bố, Vivaso đã nổi lên như một ẩn số, bởi đơn vị này hoàn toàn không có kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất phim truyện. Ngày 14/4/2016, VFS tiến hành đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) với mức giá khởi điểm 10.200 đồng/cổ phần. Theo đó, sau nhiều lùm xùm, Vivaso đã hoàn tất quá trình mua lại đơn vị vào tháng 6/2017.

Sau cổ phần hóa, vốn điều lệ của VFS đạt 50 tỷ đồng. Trong đó, Nhà nước nắm giữ 20% vốn điều lệ, cán bộ công nhân viên nắm giữ 4,5% vốn, 10,5% vốn công ty được mang ra đấu giá công khai, còn lại 65% vốn cổ phần - tương đương 33 tỷ đồng thuộc về nhà đầu tư chiến lược Vivaso.

Được biết phía sau Vivaso lại là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, hạ tầng giao thông là Công ty liên hợp Xây dựng Vạn Cường, đơn vị sở hữu 77,1% vốn tại Vivaso. Ông Nguyễn Thủy Nguyên, Tổng giám đốc Vạn Cường là người nắm giữ tới 98,87% vốn điều lệ tại đây, đồng thời cũng là Chủ tịch HĐQT của Vivaso.

Việc Công ty Vạn Cường tiến hành thâu tóm Vivaso, và sau đó thông qua công ty này sở hữu 65% VFS đã đặt ra câu hỏi lớn về mục tiêu kinh doanh sau cổ phần hóa, bởi hai đơn vị được thâu tóm có hoạt động không mấy liên quan đến ngành nghề chính của Hãng phim.

Đến tháng 10/2017, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình giao Thanh tra Chính phủ thanh tra quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp này.

Tháng 9/2018, cùng với việc chỉ ra những vi phạm, khuyết điểm trong việc sử dụng đất đai, thực hiện cổ phần hoá Hãng Phim truyện Việt Nam, Thanh tra Chính phủ kiến nghị xử lý đối với người đứng đầu và cấp phó của hãng phim này, đồng thời xây dựng phương án cho nhà đầu tư chiến lược là Vivaso xin rút vốn trước thời hạn…

Kể từ sau kết luận của Thanh tra Chính phủ, công tác cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam hiện nay vẫn đang bị "đóng băng".

Do đó, đối với trường hợp của HUD, các chuyên gia cho rằng, phải tách bạch hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp với việc quản lý đất đai để không giẫm vào vết xe đổ của các sai lầm trong quá khứ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp “ăn mòn” vào đất, gây thất thoát.

"Giải pháp là các cơ quan chức năng cần phải rà soát lại trình tự thủ tục về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, rà soát lại các phương pháp tính toán cả về giá trị hữu hình và giá trị vô hình của doanh nghiệp một cách khoa học", ĐBQH Bùi Văn Xuyền nhận định. 

Theo ông Xuyền, cần phải có các quy định chặt chẽ để ngăn chặn lợi ích nhóm, nghĩa là có những người lợi dụng thẩm quyền để làm méo mó chính sách của Nhà nước, khiến quá trình tổ chức thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước diễn ra không đúng. Ngoài ra, cần công khai minh bạch những hoạt động cổ phần hóa về các nội dung liên quan theo quy định của pháp luật để người dân, doanh nghiệp giám sát quá trình này

Diễn biến quá trình cổ phần hóa tại HUD dưới thời bộ máy lãnh đạo mới có vẻ như chưa có nhiều bước tiến đáng kể, ngoài một số động thái liên quan đến đất đai.

Tuy nhiên, chính đất đai lại đang là nút thắt lớn nhất trong quá trình cổ phần hóa của đại gia ngành xây dựng một thời này. Bởi việc quản lý, sử dụng đất đai thiếu minh bạch với quy mô dự án trải dài khắp các tỉnh thành đã đẩy doanh nghiệp này vào thế khó trong việc hoàn thành phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất; phương án sử dụng đất và giá đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp theo quy định về sắp xếp, xử lý tài sản công. Đó là chưa kể, nhiều lô đất có vị trí đắc địa được HUD bán đi trước đây đã khiến các dự án rơi vào trạng thái không còn nguyên vẹn, trở thành điểm nghẽn trong việc xác định giá trị doanh nghiệp này.

Nhiều diện tích đất xây dựng khu đô thị tại nhiều tỉnh thành của HUD đang bỏ hoang.

Một trong những vấn đề được bàn thảo nhiều tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2020 của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, đó là tiến độ cổ phần hoá và thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp rất chậm so với kế hoạch đề ra. Đây cũng là nhận định được Ban Chỉ đạo chỉ ra về công tác tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước.

Đối tượng cổ phần hoá, thoái vốn trong giai đoạn này bao gồm một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty lớn, có tình hình tài chính phức tạp, phạm vi hoạt động rộng, sở hữu nhiều đất đai tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước nên việc xử lý tài chính, phê duyệt phương án sử dụng đất; xác định, kiểm toán giá trị doanh nghiệp, bán cổ phần lần đầu gặp nhiều khó khăn, thời gian kéo dài.

Tuy nhiên, theo đại diện Bộ Tài chính, nguyên nhân chính là do người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị chưa quyết liệt trong việc cổ phần hóa, thoái vốn.

“Vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của doanh nghiệp, công khai minh bạch, đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước”, vị này nói.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng khẳng định, vẫn còn hiện tượng không dám làm, không dám chịu trách nhiệm, viện dẫn vào các khó khăn vướng mắc để chậm hoặc không thực hiện, chưa xem xét đúng trách nhiệm của người đứng đầu các doanh nghiệp thực hiện chậm cổ phần hóa, chuyển giao về SCIC, niêm yết trên sàn chứng khoán...

Có thể thấy, năm 2018 - 2019 là giai đoạn bản lề để thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn ở HUD, nhưng lại chưa thấy các động thái để thúc đẩy quá trình này. Chậm cổ phần hóa cũng gây thất thoát tài sản Nhà nước. Do đó, theo các chuyên gia, bài toán trách nhiệm của người đứng đầu cần sớm được làm tròn.

GS. Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển nhận định, quy trình cổ phần hóa đã được quy định khá rõ ràng nhưng điều quan trọng là người thực hiện có làm đúng quy định hay không. “Cuối cùng vẫn là cái tâm, cái đức của người triển khai thực hiện quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp đó”, ông Đào nhấn manh.

Vị chuyên gia cho biết thêm, các công ty cổ phần hóa nhưng thực ra có khi là tư nhân hóa khiến đất đai, doanh nghiệp về tay một số người, trong khi rõ ràng mảnh đất đó là tài sản khổng lồ. Nhà nước phải nắm được quỹ đất và định rõ giá trị mảnh đất đó.

“Những cách trục lợi phổ biến nhất trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước là lợi dụng lỗ hổng của các quy định về quản lý, sử dụng đất và tiêu chí chọn nhà đầu tư chiến lược không rõ ràng, đấu giá không minh bạch. Hơn 20 năm thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, khúc mắc lớn nhất vẫn luôn là xác định giá trị đất đai. Đây là một trong những kẽ hở khiến tài sản của Nhà nước dễ bị thất thoát khi đất đai bị chuyển đổi mục đích sử dụng”, GS. Đặng Đình Đào cho hay.

Hạn chót hoàn thành cổ phần hóa của HUD đang đến gần, nhưng hiện vẫn chưa có thêm động thái nào mang tính đột phá để thuyết phục rằng, mục tiêu cổ phần hóa của doanh nghiệp này sẽ cán đích vào cuối năm nay.

Theo vị thuyền trưởng Nguyễn Việt Hùng, trong giai đoạn từ nay tới năm 2025, HUD định hướng tiếp tục phát triển nhà ở theo mô hình đầu tư xây dựng các khu đô thị mới, khu nhà ở đáng sống với các tiêu chí: Hệ thống hạ tầng kỹ thuật được đầu tư đồng bộ, hiện đại; chú trọng đầu tư cảnh quan hấp dẫn, thân thiện môi trường, phát triển đô thị theo hướng bền vững; nâng cao giá trị bất động sản và cơ hội kinh doanh, thương mại, việc làm cho cư dân; áp dụng các hình thức quản lý và dịch vụ đô thị, nhà ở phù hợp cho từng địa bàn, từng dự án… Tổng số căn hộ được đầu tư xây dựng mới tại các dự án giai đoạn này vào khoảng 13.000 căn hộ, tương đương 2,2 triệu m2 sàn. Dự kiến, giai đoạn 2020 - 2025, HUD tiếp tục phát triển thêm 21 dự án. Riêng với lĩnh vực nhà ở xã hội, HUD sẽ đầu tư gần 5.000 tỷ đồng để xây dựng nửa triệu m2 sàn với khoảng 6.500 căn hộ, trong đó, tại Hà Nội chiếm 240.000m2, với khoảng 3.500 căn hộ.

Đó là những mục tiêu có vẻ sẽ rất vang vọng trong tương lai. Và nếu thành hiện thực, tên tuổi thương hiệu HUD sẽ dần trở lại như thời oanh liệt trước đây nhưng với vóc dáng mới, sức hấp dẫn mới. Tuy nhiên, nhìn vào bức tranh ảm đạm hiện tại, những mục tiêu đó có lẽ vẫn đang chờ đợi một phép màu để có thể hoàn thành trong thời gian tới.

Chính vì vậy, một vài nhận định chủ quan cho rằng, mục tiêu mà HUD nên chú trọng trước mắt là cổ phần hóa, tái cấu trúc để tăng hiệu quả quản trị kinh doanh, hoàn thành các dự án đang dang dở. Nếu không quyết liệt thì có thể chương trình này lại tiếp tục bị “dời tiến độ” sang năm sau rồi năm sau nữa...

Vấn đề của HUD lúc này không chỉ nằm ở cơ cấu cồng kềnh, quy mô đất khó xác định mà có lẽ còn nằm ở năng lực của người lèo lái...

Minh Minh - Mộc Miên
Lê Quyên - Thanh Thảo
14/09/2020 06:00

 

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top