Cụ thể, theo 3 phương án của Bộ GTVT thì: Phương án thứ nhất, nếu giữ nguyên vị trí trạm thu phí thì cần tăng cường tuyên truyền vận động người dân, kèm cải thiện các dịch vụ để giải đáp những thắc mắc như mở thêm làn.
Thứ hai, di dời trạm thu phí về tuyến tránh, tức là phá phương án tài chính. Với kịch bản này, cần tính toán lại, thương thảo với nhà đầu tư về thời gian thu phí. Tuy nhiên, rất khó khả thi bởi thời gian thu hồi vốn không đúng theo cam kết vay vốn, có thể ảnh hưởng tới nợ xấu ngân hàng.
Thứ ba là sẽ đặt 2 trạm thu phí, một trạm trên quốc lộ 1 để thu phí phần nhà đầu tư bỏ ra đầu tư trên quốc lộ; đồng thời, đặt một trạm trên tuyến tránh để thu phí phần nhà đầu tư đã đầu tư xây dựng tuyến tránh.
Bộ GTVT và nhà đầu tư phải “hy sinh”
Trao đổi với Reatimes về 3 phương án này, TS. Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT cho rằng, nút thắt để giải quyết vấn đề BOT Cai Lậy chính là vị trí đặt trạm thu phí.
Việc nhà đầu tư nâng cấp, sửa một đoạn trên quốc lộ 1 (khoảng 300 tỷ đồng), đồng thời, đầu tư tuyến tránh, sau đó lại đặt trạm thu phí trên quốc lộ là bất hợp lý và bị người dân phản ứng. Gỡ nút thắt thì phải di dời trạm thu phí vào tuyến tránh, sau đó Bộ GTVT đàm phán, tạo cơ chế cho nhà đầu tư dự án để thu phí, có thể tăng mức phí hoặc kéo dài thời gian thu phí để hoàn vốn.
Ông Thủy phân tích: “Phương án 1 đã thất bại rồi vì chúng ta vẫn đang làm đó thôi, phương án thứ 2 chuyển trạm sang đường tránh thì theo tôi đó là phương án hợp lý, còn phương án thứ 3 làm trạm thu ở cả hai nơi là không hợp lý, sẽ gây bức xúc cho người dân, không khác gì phương án 1.
Lâu nay, người dân vẫn ngán ngẩm BOT, mà thực tế là nhiều người thích đi tự do hơn là mất tiền. Trong khi đó, cả nước đang có khoảng 50 – 60 trạm thu phí BOT, người dân đã đóng phí đường bộ và đóng các khoản bảo trì, phí nọ phí kia rồi nhưng đi ra đường vẫn phải nộp tiền. Cho nên, đó là điều người dân canh cánh, chưa hài lòng.
Mặc dù, đó có thể là một phương án xã hội hóa, tận dụng năng lực của tư nhân để làm đường nhưng quyền của người dân là quyền đi lại đang không được đảm bảo nên hầu như cứ thêm trạm nào là lại có ý kiến”.
Cũng có ý kiến cho rằng, ở phương án hai, nếu xét về mặt pháp lý thì cái sai đầu tiên chính là thuộc về Bộ GTVT, khi đã tự ý vẽ ra khoản cải tạo, tăng cường quốc lộ 1 để sau đó đưa trạm thu phí từ tuyến tránh về địa điểm như hiện nay. Hợp đồng lại dựa theo nguyên tắc vị trí đặt trạm thu phí này nên nhiều khả năng chủ đầu tư sẽ không chấp nhận dù có hoàn tiền (kể cả đã tính thêm phần lợi nhuận cho khoản đầu tư này), đồng thời họ sẽ kiện Bộ ra tòa.
Theo đó, đây sẽ trở thành một tiền lệ xấu, làm ảnh hưởng đến các dự án cần kêu gọi vốn theo hình thức BOT sau này. Trong khi đó, phương án ba khả quan nếu mức phí phù hợp so với mức đầu tư bỏ ra và người tham gia giao thông vẫn có quyền lựa chọn tuyến đường đi, không có cảm giác “bị lừa”.
Theo TS. Nguyễn Xuân Thủy: “Không có cách nào giải quyết tâm lý người dân bằng phương án thứ hai. Tâm lý ở đây rất phức tạp, người dân họ đang nghĩ rằng họ "bị lừa", làm một đường nhưng đặt trạm thu phí một đường. Họ nói với nhau như thế và bức xúc, lên án, đòi hỏi phải làm đường nào thu tiền đường đó. Còn ở phương án thứ ba, người dân cũng sẽ không đồng ý vì đặt quá nhiều trạm thu phí. Ở đây, ta phải giải quyết vấn đề tâm lý đã gây mất lòng tin ở dân, một khi đã trạm vào lòng tự ái, tự trọng của người dân thì sẽ rất phức tạp”.
Cũng theo TS. Thủy, để thực hiện phương án hai thì Bộ GTVT và nhà đầu tư phải dám “hy sinh”. Cụ thể là trước đó muốn 3-5 năm phải thu hồi được vốn đầu tư thì nay lui lại xuống 10-12 năm. Như Thủ tướng đã nói, có những chuyện làm đúng luật nhưng người dân không đồng tình thì vẫn phải lưu ý chứ không phải cứ đúng luật là làm. Câu chuyện BOT Cai Lậy thì luật cũng chưa đúng hoàn toàn vì quốc lộ 1 đã được xây dựng từ rất lâu. Sau này, Bộ GTVT cũng tiến hành nâng cấp, nhưng sau nâng cấp lại biến nó thành đường BOT, đường để thu phí.
“Đó là vấn đề sai lầm về tâm lý, không đảm bảo việc đi lại của người dân, là cắt đường ra để kinh doanh. Tôi nghĩ Bộ GTVT cần phải nhìn nhận ra điều sai đó”, ông Thủy nhấn mạnh.
Cần một tổ chức độc lập kiểm tra và đánh giá
Cùng trao đổi với Reatimes, PGS.TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Thị trường giá cả, Bộ Tài chính cho hay: “Bộ GTVT đã gây ra sai lầm rồi, giờ đưa ra 3 phương án thì theo tôi cả 3 phương án này đều khó thực thi. Bộ cần phải xem xét gốc rễ vấn đề tại sao người dân lại phản ứng như vậy.
Khi đó mới đưa ra được giải pháp giải quyết hữu hiệu để tháo gỡ những khúc mắc tại trạm thu phí này. Nếu Bộ GTVT vẫn giữ quan điểm là mình đúng, không sai và người dân vẫn phản đối dữ dội thì còn rất lâu mới giải quyết được vấn đề này”.
Để giải quyết vấn đề đang tồn tại ở Trạm BOT Cai Lậy như hiện nay, PGS.TS. Ngô Trí Long cho rằng, Bộ GTVT cần phải đứng trên vị trí, lợi ích của người dân để giải quyết, sao cho hài hòa lợi ích của Nhà nước, của doanh nghiệp và của người dân. Đặc biệt, cần phải có một “trọng tài” đứng ra giải quyết.
“Phải đưa một tổ chức, cơ quan tư vấn độc lập vào kiểm tra, đánh giá cụ thể toàn bộ những vấn đề liên quan đến Dự án BOT Cai Lậy và chịu trách nhiệm về những đánh giá của mình thì mới đưa ra phương án giải quyết được. Nhưng tổ chức này không chỉ có cơ quan Nhà nước, bởi sẽ lại đặt ra câu hỏi có khách quan không? Thế nên, tổ chức này phải có thành phần do người dân cử ra. Hiện nay, với cả 3 phương án vẫn duy trì nguyên câu chuyện tranh cãi và chưa giải quyết được cốt lõi của vấn đề, phương án hai hay phương án nào cũng vậy thôi”, TS. Long nhấn mạnh./.