Aa

TP Hà Nội sẽ giải quyết tình trạng vi phạm TTXD ở Cầu Giấy ra sao?

Thứ Bảy, 07/11/2020 - 13:12

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã có chỉ đạo xử lý tình trạng sai phạm TTXD trên địa bàn quận Cầu Giấy mà báo chí phản ánh đến UBND Thành phố Hà Nội để xem xét, giải quyết.

Lời dẫn: Nhiều năm qua, những sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng đã trở thành vấn đề nhức nhối tại Hà Nội. Trước tình trạng này, mới đây chính quyền thành phố đã có những động thái mạnh mẽ, yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp, biện pháp xử lý, khắc phục các vi phạm đất đai.

Với mong muốn đồng hành cùng chính quyền Thủ đô trong công cuộc chống sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng, chúng tôi sẽ phản ánh đến độc giả những thông tin trung thực, chính xác nhất về công tác xử lý, khắc phục các vi phạm trên tại địa bàn Hà Nội. Tin rằng, với những hành động quyết liệt từ bộ máy chính quyền thành phố, các sai phạm này sẽ được xử lý triệt để trong thời gian tới.

Mới đây, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục đã ký ban hành văn bản số 8867/VPCP-CN gửi UBND Thành phố Hà Nội truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng về tình trạng sai phạm trật tự xây dựng (TTXD) trên địa bàn quận Cầu Giấy mà báo chí phản ánh đến UBND Thành phố Hà Nội để xem xét.

Trước đó, ngày 20/10/2020, Thừa lệnh của Trưởng ban Nội chính Trung ương, Vụ trưởng Vụ Cơ quan Nội chính Nguyễn Quốc Vinh đã ký ban hành văn bản số 6047-CV/BNCTW về nội dung các dấu hiệu sai phạm trong công tác quản lý quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng tại địa bàn quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội, gửi đến Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội để xem xét, chỉ đạo giải quyết theo thẩm quyền các vấn đề này. 

Theo đó, trên địa bàn quận Cầu Giấy xuất hiện rất nhiều các dấu hiệu sai phạm trong công tác quản lý quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng, trong đó có Quy hoạch tổng mặt bằng đối với ô đất D2* - nơi xảy ra vụ cháy khiến 13 người chết vào năm 2016; các công trình bất thường về quy mô, chiều cao tại phường Dịch Vọng;

Cụ thể, vụ cháy quán Karaoke tại số 68 Trần Thái Tông, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội khiến 13 người thiệt mạng đã xảy ra được gần 4 năm. Đối với vụ việc này, UBND quận Cầu Giấy đã nhận trách nhiệm trong quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy cùng nhiều cán bộ đã bị thi hành kỷ luật và các đối tượng có liên quan đã nhận bản án nghiêm khắc của pháp luật.

Vụ cháy quán Karaoke tại số 68 Trần Thái Tông, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội khiến 13 người thiệt mạng

Sau gần 4 năm, những lãnh đạo của quận Cầu Giấy đã có nhiều sự thay đổi về nhân sự, chức vụ, thế nhưng nguyên nhân của vụ cháy năm 2016 vẫn chưa có câu trả lời thoả đáng, khi mà một phần nguyên nhân là do những sai phạm trong công tác quản lý đô thị. Những công trình có chiều cao ngất ngưởng, mật độ xây dựng "khủng" vẫn tiếp tục "nở rộ".

Nguyên nhân chính của vụ cháy quán Karaoke kinh hoàng xảy ra ngày 01/11/2016 tại số 68 Trần Thái Tông khiến 13 người thiệt mạng được xác định là do trong lúc thợ thi công đang tháo cánh cửa ra vào ở tầng 2, Nguyễn Diệu Linh - chủ quán vẫn cho khách hát tại phòng 502 và 601 từ 12h. Đến 13h30, Hoàng Văn Tuấn, 23 tuổi, trú tại huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An, là thợ hàn cắt (không có bằng cấp, chứng nhận hành nghề) được thuê làm tại tầng 2, cắt bản lề cửa thì lửa và vảy hàn chảy xuống nền nhà, bắn lên vách và gây cháy căn nhà số 68 Trần Thái Tông.

Nhưng ít ai biết rằng, trong suốt một thời gian dài, Quy hoạch tổng mặt bằng đối với ô đất D2* - nơi xảy ra vụ cháy đã khác quá xa so với thực trạng xây dựng hiện nay. Việc buông lỏng quản lý còn có sự tiếp tay, “chống lưng” từ các cấp chính quyền từ phường lên đến quận để “thả cửa” cho sai phạm.

Theo tìm hiểu, số nhà 68, 70, 72… Trần Thái Tông thuộc ô đất đấu giá D2* với chức năng là công trình nhà ở. Tại Quyết định 1129/QĐ-UBND ngày 18/06/2008 của Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy lúc đó là ông Bùi Trương Luân ký phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch tổng mặt bằng đối với ô đất D6, D11, D2*.

Những công trình này đều có dấu hiệu vi phạm trật tự xây dựng. 

Trong đó, ô đất D2* được điều chỉnh từ chỉ tiêu quy hoạch đã được UBND thành phố phê duyệt từ mật độ xây dựng 60%, cao 4 tầng sang chỉ tiêu quy hoạch mới với chiều cao cho phép lên đến 6 tầng, 1 hầm, 1 tum, mật độ xây dựng không quá 60%. Theo đó, Trưởng phòng Quản lý Đô thị quận Cầu Giấy chịu trách nhiệm xác nhận hồ sơ, bản vẽ thiết kế kèm theo quyết định phê duyệt để thực hiện quản lý, kiểm tra, giám sát, xây dựng theo quy hoạch và xử lý các trường hợp sai quy hoạch.

Quy định là vậy nhưng thực tế các công trình khi xảy ra vụ cháy đều xây dựng cao từ 8-10 tầng. Trong đó, nhà số 68 Trần Thái Tông xây dựng lên 8 tầng và 1 tum, mật độ xây dựng, chiều cao công trình đều có dấu hiệu sai nghiêm trọng.

Vậy đây có phải là một phần nguyên nhân dẫn đến cháy nổ kinh hoàng khiến 13 người thiệt mạng? Trách nhiệm của lãnh đạo UBND quận Cầu Giấy, Trưởng phòng Quản lý đô thị, lực lượng Thanh tra Xây dựng qua các thời kỳ là như thế nào? Ai cho phép các công trình tại ô đất D2* - nơi xảy ra vụ cháy được xây dựng như thế?

Sau vụ cháy thảm khốc, nhiều cán bộ, lãnh đạo chủ chốt của quận Cầu Giấy không những thoát án kỷ luật mà còn được điều động, luân chuyển, đảm nhận các chức vụ cao hơn. Cụ thể, ông Dương Cao Thanh là Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy không phải nhận một hình thức kỷ luật nào và hiện đang làm Bí thư Huyện ủy Ba Vì.

Ông Bùi Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND quận cũng không hề phải chịu trách nhiệm mà còn được lên chức Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy thay ông Dương Cao Thanh.

Ông Bùi Tuấn Anh - Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy

Kể từ khi đảm nhận chức vụ Chủ tịch UBND quận, dưới thời ông Bùi Tuấn Anh, thực trạng quản lý trật tự xây dựng, đô thị, quy hoạch - kiến trúc tại quận Cầu Giấy hiện nay đã bộc lộ nhiều tồn tại, bất cập, yếu kém, phát sinh đơn thư, khiếu kiện vượt cấp.

Tại Khu đô thị mới Cầu Giấy (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) xuất hiện hàng loạt công trình xây dựng “khủng” có dấu hiệu vi phạm trật tự xây dựng, phá vỡ quy hoạch đã được phê duyệt.

Tại Quyết định 1129/QĐ-UBND ngày 18/6/2008 của Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy thời đó là ông Bùi Trương Luân ký phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch tổng mặt bằng đối với ô đất D6, D11, D2*.

Nói là khu đô thị nhưng những công trình ở đây thiếu đồng bộ, ảnh hưởng rất lớn tới mỹ quan chung. Nhiều công trình có chiều cao “khủng” lên đến 9 - 10 tầng. Ngoài ra, không ít công trình được đang gấp rút hoàn thiện, điều này khiến dư luận hoài nghi có hay không sự “bao che”, chống lưng của chính quyền sở tại.

Trên địa bàn phường Dịch Vọng, hàng loạt biệt thự, nhà liền kề có dấu hiệu vi phạm trật tự xây dựng, phá vỡ quy hoạch vẫn đang thi công rầm rộ.

Điển hình là các công trình 31 phố Trương Công Giai, 94 - 96 phố Khúc Thừa Dụ có chiều cao lên đến từ 8 - 10 tầng, mật độ xây dựng khủng khiếp, áp đảo về không gian so với các công trình liền kề, lạc lõng về thiết kế, cảnh quan kiến trúc. Xung quanh công trình, vật liệu xây dựng tràn lan, gây mất mỹ quan đô thị đồng thời không đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông. Suốt thời gian dài, những công trình này thi công nhưng không bị chính quyền phường, quận “sờ gáy”.

Công trình 94 - 96 phố Khúc Thừa Dụ có chiều cao lên đến tối thiểu 8 tầng.

Cách đó không xa là các căn biệt thự nằm trong Khu đô thị Dịch Vọng. Cả một dãy biệt thự liền kề nhau nhưng hầu hết không đồng nhất về kiến trúc. Các căn biệt thư này đều cơi nới mở rộng diện tích ban công của căn hộ, đáng chú ý, nhiều chủ sở hữu còn cấy thêm dầm, dựng cột bê tông, ghép cốt pha, xây tường, xây dựng vượt tầng, không đúng với hồ sơ cấp phép và thiết kế đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Theo Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt, các ô đất tại Khu đô thị mới Cầu Giấy (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) được dành thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất gồm D2, D4, D5, D6, D7, D11, D13, D18, D21, D23; đây là vị trí được quy hoạch xây dựng biệt thự, nhà vườn.

Biệt thự trong khu đô thị này phải tuân thủ các tiêu chí: Có diện tích 200-300m2, mật độ xây dựng 50-60%, chiều cao 3 tầng, chỉ giới xây dựng lùi 3m so với chỉ giới đường đỏ. Trước khi tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, UBND Thành phố Hà Nội điều chỉnh quy hoạch các lô đất biệt thự diện tích 200 - 300m2/lô thành các lô đất nhà vườn diện tích khoảng 150m2/lô, nhưng vẫn giữ nguyên tiêu chuẩn về chiều cao, mật độ xây dựng nhằm giữ gìn cảnh quan và môi trường cho khu đô thị.

Hay như công trình ở số 5 Nguyễn Khang cũng đang được xây dựng với chiều cao "khủng"

Có thể thấy rằng, để xảy ra những sai phạm trên phần lớn là do năng lực, trách nhiệm của chính của các lãnh đạo quận Cầu Giấy. Phải chăng vì yếu kém trình độ, thiếu chuyên môn, nghiệp vụ nên lãnh đạo UBND quận Cầu Giấy và UBND các phường trực thuộc đã làm ngơ, tiếp tay cho những sai phạm về TTXD? Liệu rằng, những vụ cháy như 68 Trần Thái Tông sẽ không còn lặp lại trong những ngày tháng tới?

Qua thực trạng nhiều dự án tại quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội cho thấy, công tác quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng chưa được chú trọng đúng mức; việc kiểm tra thực hiện quy hoạch chi tiết được duyệt, quá trình triển khai thiếu kiểm tra đôn đốc, các chủ đầu tư có dấu hiệu tự điều chỉnh quy hoạch; cơ quan có thẩm quyền không tiến hành hậu kiểm hoặc hợp thức cho sai phạm, để làm lợi cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến cộng đồng. Từ đó đã dẫn đến quy hoạch bị thêm thắt, bóp méo, dự án bị “biến tướng”, không theo trật tự gây nhiều hậu quả nặng nề cho hạ tầng khiến người dân vô cùng bức xúc.

Dư luận đang mong chờ tân Chủ tịch TP Hà Nội sẽ có những biện pháp mạnh mẽ, sớm xử lý, giải quyết dứt điểm tình trạng sai phạm TTXD tại quận Cầu Giấy. 

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top