Aa

TP.HCM “hết cửa” đưa Cần Giờ thành khu đô thị

Thứ Sáu, 26/01/2018 - 06:01

Bộ Xây dựng vừa công bố Đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Trong đó, có phần quy định rằng TP.HCM không được phát triển đô thị tại các khu vực bảo tồn nghiêm ngặt và vùng phục hồi sinh thái thuộc khu bảo tồn thiên nhiên rừng ngập mặn, thuộc khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ.

Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM lần này đã được lập trên cơ sở đánh giá rà soát việc thực hiện Quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 589/QĐ-TTg ngày 20/5/2008) và thực tiễn phát triển của các địa phương, cũng như nghiên cứu các xu thế phát triển của quốc tế, quốc gia và vùng.

Đặc biệt điều chỉnh này cũng dựa trên việc đáp ứng được các yêu cầu về bảo vệ môi trường và kịch bản về biến đổi khí hậu và nước biển dâng đối với vùng.

Huyện đảo Cần Giờ được cứu nhờ Quy hoạch phát triển vùng năm 2030.

Huyện đảo Cần Giờ được cứu nhờ Quy hoạch phát triển vùng năm 2030.

Không phát triển đô thị trên diện rộng

Theo bản Quy hoạch này thì TP.HCM sẽ đóng vai trò là trung tâm thương mại – tài chính, trung tâm nguyên cứu khoa học – dịch vụ, trung tâm công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp chuyên sâu với trình độ chuyên môn hóa cao, trung tâm văn hóa, giáo dục – đào tạo, khoa học công nghệ và y tế chất lượng cao trong khu vực Đông Nam Á.

Để làm được điều này, Bộ Xây dựng đã đưa ra một phạm vi liên kết giữa các tỉnh lân cận là Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Tiền Giang. Tất cả tạo ra một trục hành lang kinh tế trọng điểm đó là trục hành lang Đông Nam dọc quốc lộ 51, gồm chuỗi đô thị Phú Mỹ, Bà Rịa, Vũng Tàu. Trong đó, TP. Bà Rịa và TP. Vũng Tàu là cực tăng trưởng.

Trục hành lang phía động dọc quốc lộ 51 gồm chuỗi các đô thị Dầu Giây, Long Khánh, Giá Ray (tỉnh Đồng Nai) trong đó đô thị Long Khánh là cực tăng trưởng. Trục hành lang phía Bắc dọc quốc lộ 13 gồm chuỗi đô thị Bầu Bàng (Bình Dương), Chơn Thành, Bình Long, Hoa Lư – Lộc Ninh, Đồng Xoài (Bình Phước), trong đó Chơn Thành là cực tăng trưởng.

Trục hành lang phía Tây Nam dọc quốc lộ 22, quốc lộ 22B gồm các đô thị Trảng Bàng, Phước Đông – Bời Lời, Gò Dầu, Mộc Bài – Bến Cầu, Hoa Thành, Tây Ninh, Tân Biên, Xa Mát (Tây Ninh). Trong đó, đô thị Trảng Bàng – Gò Dầu là cực tăng trưởng.

Đối với trục hành lang phía Tây Nam dọc quốc lộ 1 là các đô thị Bến Lức, Tân An (Long An), Mỹ Tho, Cai Lậy (Tiền Giang). Ở đây TP. Tân An – TP. Mỹ Tho là cực tăng trưởng.

Ngoài ra, sẽ có những tiểu vùng làm điểm nhấn cho phát triển kinh tế. Trong đó, TP.HCM sẽ là trung tâm kinh tế lớn nhất nước, là đô thị hạt nhân của vùng, có vai trò liên kết và hỗ trợ các đô thị trong các vùng cùng phát triển. Là trung tâm giao thương quốc tế của vùng và quốc gia…

Tỉnh Bình Dương sẽ quy hoạch phát triển đô thị - công nghiệp - dịch vụ - tài chính gắn với các trung tâm đầu mối đa phương tiện, tạo động lực phát triển cho khu vực phía Bắc của tiểu vùng đô thị trung tâm TP.HCM. Khu vực phía Tây tỉnh Đồng Nai sẽ phát triển kinh tế dịch vụ, công nghiệp đa ngành, công nghệ cao. Khu vực phía Đông tỉnh Long An sẽ phát triển đô thị sinh thái, công nghiệp nhẹ và nông nghiệp đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu. Tăng cường phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp sạch, công nghiệp đa ngành, công nghiệp chế biến nông sản…

Tất cả tạo cơ hội cho TP.HCM trở thành đô thị đặc biệt, phát triển theo mô hình đa cực gồm khu vực trung tâm với 4 cực phát triển được kết nối bằng hệ thống đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết mạng lưới giao thông vùng và quốc gia.

Đặc biệt TP.HCM sẽ không được phát triển đô thị tại các khu vực bảo tồn nghiêm ngặt và vùng phục hồi sinh thái tại huyện Cần Giờ, huyện Bình Chánh, Củ Chi…

Hệ thống đô thị trong tiểu vùng đô thị trung tâm sẽ tập trung đầu tư nâng cao chất lượng đô thị, cấu trúc đô thị hài hòa với cảnh quan tự nhiên, ưu tiên hình thành các vùng không gian xanh nông, lâm nghiệp. Vùng phát triển các đô thị nén, hạn chế mở rộng phát triển đô thị trên diện rộng, đặc biệt tại các khu vực chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, hạn chế phát triển theo mô hình đô thị lan tỏa.

Ngoài ra, TP.HCM sẽ phải tập trung phát triển hệ thống giao thông đường bộ, mạng lưới đường sắt đô thị nội vùng nhằm tăng cường kết nối vùng đô thị trung tâm và các cực tăng trưởng.

Đất xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật được lựa chọn phải đảm bảo phát triển đô thị bền vững và ổn định, giảm thiểu các ảnh hưởng xấu đến môi trường và cảnh quan đô thị, ít chịu ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu như ngập lụt, nước biển dâng.

Tầm nhìn đến năm 2030, 100% lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường; 100% tổng lượng chất thải rắn công nghiệp, 80% lượng chất thải rắn các điểm dân cư nông thôn tập trung và 100% tại các làng nghề, tiểu thủ công nghiệp được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn. Tổng khối lượng chất thải rắn toàn vùng đến năm 2030 khoảng 40.340 tấn/ngày.

Vùng cũng xác định các khu vực cần bảo vệ môi trường để có giải pháp trong quy hoạch phát triển đô thị, nhằm phát triển bền vững, tăng cường sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái chế, hạn chế các nguồn gây ô nhiễm, phát thải gây hiệu ứng nhà kính và ứng phó với hiện tượng biến đổi khí hậu - nước biển dâng, đặc biệt lưu ý giải pháp chống ngập tại tiểu vùng đô thị trung tâm.

Các đô thị lớn, vùng phát triển công nghiệp tập trung cần được cách ly với các khu dân cư, các khu vực bảo tồn bằng các hành lang xanh, vành đai xanh. Khuyến khích phát triển giao thông công cộng nội thị và đối ngoại để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm do giao thông. Xử lý triệt để chất thải, kiểm soát và giám sát ô nhiễm môi trường đô thị, nông thôn và các khu công nghiệp trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng.

Đối với các khu xử lý chất thải rắn, ưu tiên dự án có công nghệ xử lý tiên tiến, hiện đại. Nước thải sinh hoạt đô thị, công nghiệp phải được xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi xả ra môi trường…

Cứu cánh cho Cần Giờ

Là huyện đảo duy nhất của TP.HCM với bốn bờ là biển và rừng ngập mặn lớn, cách trung tâm TP.HCM chỉ hơn 70km. Huyện Cần Giờ có hệ sinh thái rừng ngập mặn được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Không những vậy, nơi đây có hệ thống sông ngòi dày đặc, với khi di tích lịch sử Rừng Sác, nơi nuôi giấu những người chiến sĩ cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.

Huyện đảo này từng được TP.HCM đặt mục tiêu phát triển khu du lịch sinh thái của TP, với việc xây dựng con đường từ Nguyễn Lương Bằng nối dài và điểm cuối kết nối với đường Rừng Sác. TP cũng lập kế hoạch xây dựng cây cầu Bình Khánh thay cho con phà cũ kỹ để tạo điểm nhấn ấn tượng cho du khách khi đến Cần Giờ. Cây cầu được kỳ vọng góp phần tăng trưởng và phát triển kinh tế của huyện đảo và dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ.

Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ

Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ

Từ tháng 4/2017 tới nay, huyện đảo Cần Giờ "dậy sóng" cơn sốt đất nền, khi mà từ phà Bình Khánh nối huyện Nhà Bè qua con sông Sài Gòn sang huyện đảo đã xuất hiện những biển bán đất nền cũng như những sàn giao dịch, môi giới bất động sản mọc lên như nấm sau mưa. 

Theo giới đầu tư địa ốc cho biết, cơn sốt đất nền Cần Giờ bắt đầu từ cơn sốt đất nền toàn TP.HCM diễn ra cuối năm 2016, nhưng tới tháng 4/2017 thì lan tới Cần Giờ bởi thông tin sẽ xây cầu Bình Khánh thay cho phà. Từ đây nhà đầu tư bắt đầu chuyển hướng về huyện đảo này đầu tư đất.

Ghi nhận thời điểm bắt đầu sốt đất, tại các khu vực mặt tiền đường Rừng Sác, xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ, ban đầu, đất chỉ 3,2 triệu đồng mỗi mét vuông, đến cuối tháng 4/2017 đã vọt lên 17 triệu đồng/m2. Và giờ đây khi các quận, huyện toàn TP.HCM đã qua cơn sốt thì ở huyện Cần Giờ, cơn sốt vẫn ở lại, giá đất nơi đây đã lên tới 25,4 triệu đồng/m2. 

Ở tuyến đường Duyên Hải, xã Cần Thạnh, trước đây hai bên đường là cánh đồng muối, với hàng phi lao xanh mát. Nhưng giờ đây những cánh đồng muối đã bị san lấp, đất được phân lô, cắm mốc, thân những cây phi lao bên đường được treo đầy những tờ rơi rao bán đất nền.

Giá đất tại khu vực này, theo ghi nhận của phóng viên, cũng đã có sự thay đổi lớn khi mà đầu năm 2017, đất mặt tiền trục đường này vẫn còn ở mức khiêm tốn 3,2 triệu đồng mỗi mét vuông nhưng đến nay đã vươn lên mốc 16,3 triệu đồng/m2, tức đã tăng giá 406%.

Cũng là tâm điểm của cơn sốt đất nền Cần Giờ hiện nay, tuyến đường Thạnh Thới, xã Long Hòa sau thời gian giữ mức giá dưới 10 triệu đồng thì giờ đây đã vượt qua ngưỡng 13,5 triệu đồng mỗi mét vuông, tăng 318,6% so với hồi đầu năm. Đất mặt tiền đường Nguyễn Công Bao, xã Tam Thôn Hiệp, hiện ghi nhận mức giá 11 triệu đồng/m2, tăng 240%...

Theo ông Nguyễn Văn Hiệp, Nguyên Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, khi cơn sốt đất nền vùng ven TP.HCM đã đi qua, nhưng đất nền Cần Giờ vẫn sốt là điều mà cơ quan chức năng cần cảnh giác. Chưa kể, Cần Giờ là huyện đảo, quy hoạch khác với các quận huyện khác của TP.HCM nên việc để diễn ra tình trạng phân lô bán nền rầm rộ sẽ phá vỡ quy hoạch của huyện đảo này.

Ngoài ra, đặc thù huyện đảo Cần Giờ là biển và rừng, và theo luật thì đất đai ở những khu vực này cần được bảo vệ nghiêm ngặt, chính vì vậy để dự án về đây xây dựng quá nhiều sẽ làm mất đi cảnh quan thiên nhiên, tác động lớn tới môi trường và đặc biệt là làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên mà vốn chỉ Cần Giờ mới có.

Dù nhận thức rõ những vấn đề này, nhưng tới nay, TP.HCM vẫn chưa có biện pháp nào ngăn chặn cơn sốt đất nền đang phá vỡ quy hoạch huyện đảo. “Quy hoạch trên đã cứu cánh cho Cần Giờ trước nguy cơ bị tàn phá”, ông Hiệp nói.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top