Aa

TP.HCM khởi động chiến dịch tiêm 836.000 liều vaccine phòng Covid-19

Thứ Bảy, 19/06/2021 - 16:56

Chính phủ đã nỗ lực đến mức tối đa, huy động, vận động, bằng mọi cách sớm nhất, nhanh nhất để nhân dân Việt Nam được tiếp cận với vaccine; trước mắt ưu tiên cho những điểm nóng, những khu vực có nguy cơ cao.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại lễ Khởi động Chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại lễ Khởi động Chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng

 

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh khi dự lễ Khởi động Chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19, sáng 19/6, tại Công ty FPT Software Hồ Chí Minh, Khu Công nghệ cao TP.HCM (TP. Thủ Đức, TP.HCM).

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long; Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên; Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TPHCM Nobuhiro Watanabe tham dự sự kiện.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho biết: “Chúng ta đã bước vào trận chiến thứ 4 với dịch Covid-19 và tại Thành phố đã ghi nhận hơn 1.000 ca nhiễm. Đây là trận chiến có diễn biến phức tạp nhất, khó lường nhất, do có nhiều biến chủng lây bệnh với khả năng lây nhanh hơn, rộng hơn, mạnh hơn, nặng hơn, vì thế số lượng ca mắc nhiều. Điều này đã ảnh hưởng đến rất nhiều mặt của cuộc sống, từ sức khỏe, thói quen sinh hoạt, gây xáo trộn các hoạt động xã hội và ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế, an sinh xã hội”.

Trong ba tuần qua, Thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội để ngăn chặn, kiểm soát sự bùng phát của dịch bệnh. Trong thời gian này, các lực lượng tuyến đầu, trực tiếp tham gia chống dịch như y tế, quân đội, công an, các cấp ủy, chính quyền của Thành phố làm việc không biết mệt mỏi, không có giờ nghỉ, quên mọi vất vả, hiểm nguy để tận dụng từng giây, từng phút với quyết tâm cao nhất nhanh chóng truy vết, khoanh vùng dập dịch, để sớm kiểm soát dịch bệnh, đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ thăm khu vực tiêm vaccine phòng Covid-19.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ thăm khu vực tiêm vaccine phòng Covid-19. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, cố gắng của các lực lượng chống dịch của Thành phố. Đồng thời cảm ơn sâu sắc đến toàn thể các tầng lớp nhân dân của Thành phố, những người đã luôn đồng lòng, hợp tác và chia sẻ sự khó khăn với lực lượng phòng, chống dịch trong thời gian giãn cách.

Đặc biệt, thông qua ông Nobuhiro Watanabe, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình gửi lời cảm ơn chân thành tới Chính phủ và nhân dân Nhật Bản về quyết định dành 1 triệu liều vaccine phòng Covid-19 tặng Việt Nam để phòng, chống dịch. Phó Thủ tướng cho rằng, đây là món quà quý báu, kịp thời, là sự chia sẻ lẫn nhau khi khó khăn, thể hiện tình hữu nghị tốt đẹp giữa Chính phủ và nhân dân hai nước.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực, đầu năm 2020, khi dịch bệnh bùng phát, cả thế giới lo lắng, bất an vì chữa thì không có thuốc, phòng thì không có vaccine. Tại thời điểm đó, cũng chính tại Thành phố, chúng ta đã tự hào chữa khỏi được cho nhiều bệnh nhân nặng.

Tuy nhiên, thời điểm hiện nay, để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, việc thực hiện 5K là chưa đủ, để chuyển trạng thái phòng, chống dịch sang dự phòng tích cực, chủ động, chúng ta phải có 1 biện pháp căn bản, đó là tiêm vaccine.

Mặc dù vậy, trước thực tế là nguồn cung của cả thế giới hiện vẫn rất khan hiếm, Chính phủ đã nỗ lực đến mức tối đa, huy động, vận động, bằng mọi cách sớm nhất, nhanh nhất để nhân dân Việt Nam được tiếp cận với vaccine; trước mắt ưu tiên cho những điểm nóng, những khu vực có nguy cơ cao.

TP.HCM khởi động chiến dịch tiêm 836.000 liều vaccine phòng Covid-19
Ảnh: VGP/Mạnh Hùng

TP.HCM là đô thị đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị và đang là điểm nóng của đợt dịch lần thứ 4 này, nên ngay sau khi tiếp nhận 1 triệu liều vaccine hỗ trợ của Nhật Bản, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Quốc gia đã quyết định phân bổ ngay lập tức phần lớn cho Thành phố. Đây không chỉ là sự quan tâm, mà còn là sự chia sẻ, động viên của Ban Chỉ đạo quốc gia đối với nhân dân, chính quyền Thành phố.

Do đó, Thành phố cần tổ chức tiếp nhận, bảo quản và triển khai tiêm chủng đúng quy định, đúng đối tượng, đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, bảo đảm an toàn ở mức cao nhất có thể.

Cho rằng, số vaccine phân bổ đợt này chỉ đáp ứng được một phần trong số nhu cầu trên 2,3 triệu người cần được ưu tiên tiêm, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu Thành phố cần triển khai tiêm cho các đối tượng theo đúng Nghị quyết số 21/NQ-CP và các đối tượng nguy cơ cao như công nhân các khu chế xuất, công nghiệp, công nghệ cao…

Và mặc dù có vaccine phòng Covid-19 nhưng tuyệt đối không được chủ quan, vẫn phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo thông điệp 5K.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình mong rằng các cấp, các ngành Thành phố tiếp tục phát huy tinh thần “chống dịch như chống giặc”, quyết tâm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới. “Chiến dịch tiêm vaccine đợt này tại Thành phố sẽ là minh chứng cho sức mạnh của sự đoàn kết, nỗ lực của toàn hệ thống chính trị. Niềm tin chiến thắng của chúng ta sẽ là động lực trong cuộc chiến đầy cam go này”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhân vên Công ty FPT Software Hồ Chí Minh, Khu Công nghệ cao TP.HCM xếp hàng thực hiện tiêm vaccine phòng Covid-19.
Nhân viên Công ty FPT Software Hồ Chí Minh, Khu Công nghệ cao TP.HCM xếp hàng thực hiện tiêm vaccine phòng Covid-19. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng

Trong đợt này, TP.HCM ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 cho công nhân lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, doanh nghiệp lớn nhằm đảm bảo vừa thực hiện phòng chống dịch, vừa duy trì sản xuất.

Bên cạnh đó, Thành phố cũng đang đẩy nhanh tiến độ đàm phán tìm các nguồn cung cấp vaccine cho người dân nhằm đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng. Phấn đấu đến hết năm 2021 có 2/3 người dân thành phố được tiêm vaccine phòng Covid-19.

TP.HCM sẽ bố trí 650 điểm tiêm mỗi ngày bao gồm điểm tiêm tại trung tâm y tế, trạm y tế và các trạm tiêm lưu động với hơn 5.000 nhân viên y tế thuộc 1.032 đội tiêm tham gia. Dự kiến hoàn thành chiến dịch tiêm lần này vào ngày 27/6.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top