Lời toà soạn:
Ngày 25/7/2019, Thành ủy TP.HCM ban hành Chỉ thị 23 - CT/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng (TTXD), tiến tới chấm dứt tình trạng xây dựng không phép, sai phép mà không bị xử lý đúng pháp luật, trên địa bàn thành phố.
Theo tinh thần Chỉ thị này, phường - xã - thị trấn nào để xảy ra xây dựng không phép và trái phép mà không bị xử lý thì tổ chức đảng nơi đó không được công nhận là trong sạch, vững mạnh; người đứng đầu cấp ủy và chính quyền không được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Sau khi triển khai thực hiện, Chỉ thị số 23-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy đã tạo hiệu ứng sâu, rộng trên toàn TP, tác động mạnh đến từng bộ phận người dân, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về TTXD của người dân, kéo giảm tình hình vi phạm TTXD trên địa bàn TP.
Đồng thời, việc triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị 23-CT/TU trong thời gian qua không chỉ góp phần chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về TTXD, kéo giảm tình hình vi phạm TTXD trên địa bàn TP mà còn góp phần đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính; công tác xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; công tác phòng, chống tham nhũng, làm trong sạch, vững mạnh đội ngũ cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước về xây dựng, đất đai, quy hoạch và quan trọng nhất là nhận được sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân TP từ khi Chỉ thị số 23-CT/TU được ban hành và triển khai thực hiện.
Dù tình hình vi phạm TTXD trên địa bàn TP đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tình trạng xây dựng trên đất nông nghiệp, trên đất không phù hợp quy hoạch được duyệt, vi phạm các quy định liên quan đến lĩnh vực đất đai ở huyện ngoại thành vẫn còn phức tạp. Tình trạng xây dựng sai phép, cấp phép xây dựng sai quy định ở một số địa bàn vẫn còn tiếp diễn. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm các công trình sai phạm còn kéo dài, chưa dứt điểm.
Trên tinh thần nghiên cứu và phản biện từ ghi nhận thực tế, Reatimes khởi đăng loạt bài: Triển khai Chỉ thị số 23-CT/TU tại TP.HCM: Thành quả và bài học thực tiễn. Trân trọng giới thiệu đến độc giả!
Phóng viên liên hệ theo đúng Luật Báo chí
Liên quan đến việc thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TU của Thành ủy TP.HCM trong việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng (TTXD) trên địa bàn thành phố, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam đã cử phóng viên N.N.L liên hệ với lãnh đạo UBND quận 10 để tìm hiểu thông tin về kết quả xử lý các tổ chức, cá nhân sai phạm trong việc xây dựng các dự án, công trình không phép, trái phép trên địa bàn.
Bên cạnh đó, theo Chỉ thị số 23-CT/TU yêu cầu Ban Tuyên giáo Thành ủy chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí tăng cường tuyên truyền, vận động hướng dẫn để các tầng lớp nhân dân thực hiện đúng quy định pháp luật về đất đai, quy hoạch và xây dựng; phê phán các hành vi vi phạm pháp luật, kịp thời biểu dương khen thưởng, nhân rộng các điển hình.
Khi đến liên hệ đặt lịch làm việc, phóng viên N.N.L đã được cán bộ phòng tiếp dân tiếp nhận: Giấy giới thiệu, nội dung câu hỏi, số điện thoại, địa chỉ văn phòng tòa soạn. Các thông tin liên quan cần được cung cấp phóng viên đã đánh máy rất rõ ràng: "Văn bản đề nghị cung cấp thông tin" và photo để lãnh đạo UBND quận 10 nắm được nội dung, chủ động trong việc thông tin đến báo chí.
Đến ngày 13/2/2019, sau hơn 1 tháng không thấy phản hồi, phóng viên liên hệ với ông Nguyễn Văn Thành - Trưởng Văn phòng Tiếp dân quận 10, vị này lấy lý do văn bản đã gửi về văn phòng Tòa soạn nhưng do bị hoàn về nên yêu cầu phóng viên đến văn phòng UBND quận 10 lấy.
"Máy móc" trả lời báo chí
Trong văn bản số 76/UBND-VP về việc trả lời Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam ngày 8/1/2020 do Chánh văn phòng UBND quận 10 ký có nội dung: “Qua rà soát lại vụ việc trên, UBND quận 10 trả lời như sau: Giấy giới thiệu số 525/GGT-Reatimes ngày 31/12/2019 Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam là chưa phù hợp với quy định của Luật Báo chí. Lý do: Giấy giới thiệu có nội dung chung chung, không rõ ràng về việc cử phóng viên đến UBND quận 10 tìm hiểu thông tin cụ thể gì về việc thực hiện Chỉ thị 23-CT/TU nên UBND quận 10 chưa thể cung cấp thông tin cho quý báo”.
Xét thấy việc trả lời thiếu trách nhiệm, văn bản “ngâm” cả tháng không thông tin lại, phóng viên N.N.L liên hệ tiếp với Chánh văn phòng UBND quận 10 Võ Văn Tiến và được cho biết: “Văn bản trả lời cho quý báo đã có từ lâu rồi, tôi không hiểu tại sao cán bộ tiếp dân lại không gửi cho quý báo. Tôi chỉ là người ký văn bản, để nắm bắt cụ thể như thế nào, anh liên hệ với anh Nguyễn Văn Thành - Trưởng Văn phòng Tiếp dân”.
Phóng viên tiếp tục liên hệ với ông Nguyễn Văn Thành - Trưởng Văn phòng Tiếp dân quận 10, ông này đưa lý do: Nội dung trong Giấy giới thiệu ghi rất chung chung “Tìm hiểu thông tin thực hiện Chỉ thị 23-CT/TU”, chúng tôi không biết là lý do gì?
Sau đó, vị này khẳng định rằng vừa qua có đi học một lớp bồi dưỡng nghiệp vụ do Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM tổ chức trong việc tiếp nhận trả lời báo chí, rằng chỉ khi nào trong Giấy giới thiệu ghi cụ thể, chi tiết liên hệ về việc gì thì mới có trách nhiệm trả lời.
Trong khi đó, phóng viên khẳng định đã ghi rõ ràng, rành mạch về nội dung liên hệ, đính kèm "Văn bản đề nghị cung cấp thông tin" có đóng dấu xác nhận công văn đến của UBND quận 10 cùng Giấy giới thiệu đã gửi trước đó, tại sao giờ lại gây khó khăn như vậy? Sau một hồi trả lời vòng vo, vị này vẫn quả quyết là đã làm đúng theo sự hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, đồng thời yêu cầu phóng viên gửi Giấy giới thiệu một lần nữa và sẽ trả lời lại.
Liên quan đến việc này, LS. Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty TAT Law Firm - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, đây là việc làm hết sức “máy móc” của cán bộ UBND quận 10, có thể coi đây là hành động cản trở, gây khó khăn cho hoạt động của nhà báo trong việc tiếp cận thông tin. Việc này, phóng viên có thể phản ánh lên lãnh đạo UBND Thành phố để chấn chỉnh lại cán bộ cơ sở trong công tác thông tin tuyên truyền.
Thiết nghĩ, với việc làm "máy móc", thiếu linh động của cán bộ UBND quận 10 trong việc cung cấp thông tin cho báo chí, đề nghị Thành ủy, UBND TP.HCM, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM kiểm tra, bổ túc lại kiến thức nền về Luật Báo chí cho cán bộ địa phương này.
Theo ông Võ Văn Hoan, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đã từng chia sẻ: Báo chí đi lấy tin để phục vụ cho nhu cầu thông tin của người dân. Cho nên khi phóng viên đến sở, ban ngành là phải được tiếp đón theo quy trình một cửa. Tại sao lại để phóng viên phải gõ lòng vòng hết cửa này đến cửa khác?
Ông Hoan cũng cho rằng, các đơn vị không nên câu nệ chuyện thẻ nhà báo hay giấy giới thiệu. Quan trọng hơn là tinh thần cầu thị, phải lắng nghe xem báo chí nói gì, phản ánh điều gì, cái nào có thể cung cấp thì cung cấp, cái nào chưa đủ thông tin thì cũng có cách phản hồi, trao đổi lại.
"Chúng ta nên tỏ rõ thái độ cầu thị, lắng nghe. Thành ủy cũng đã có quy chế về xử lý thông tin phản ánh từ người dân gồm thông tin từ kênh tiếp xúc cử tri, thông qua cơ quan dân cử và qua cơ quan truyền thông" - ông Hoan đề nghị với đại diện các sở, ngành, quận huyện.