Aa

TP.HCM có hướng dẫn trình tự thủ tục đầu tư dự án nhà ở trước 15/5

Thứ Bảy, 15/05/2021 - 00:33

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình yêu cầu khẩn trương ban hành Văn bản hướng dẫn trình tự thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở trên địa bàn thành phố trước ngày 15/5.

Văn phòng UBND TP.HCM mới đây ban hành Thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hòa Bình tại cuộc họp liên quan đến việc thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng các dự án nhà ở trên địa bàn.

Theo đó, ông Lê Hòa Bình giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính và các đơn vị có liên quan rà soát Luật Đầu tư năm 2020, Luật Xây dựng sửa đổi 2020, Nghị định số 30/2021/NĐ-CP và Nghị định số 31/2021/NĐ-CP của Chính phủ cùng các quy định pháp luật khác có liên quan.

Đặc biệt cần khẩn trương ban hành Văn bản hướng dẫn trình tự thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở trên địa bàn thành phố trước ngày 15/5 cho các Sở ngành, nhà đầu tư áp dụng và báo cáo kết quả thực hiện cho UBND thành phố.

thị trường bất động sản TPHCM ách tắc do vướng thủ tục
Thị trường bất động sản TP.HCM ách tắc do vướng mắc về thủ tục đầu tư

Trước đó, sáng 5/5, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình cùng các sở, ngành đã có buổi làm việc với Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) về việc triển khai thực hiện Nghị định 30/2021/NĐ-CP, Nghị định 31/2021/NĐ-CP, Nghị định 148/2020/NĐ-CP và hướng dẫn thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng đối với dự án nhà ở thương mại.

Tại đây, Phó Chủ tịch Lê Hòa Bình đã chỉ đạo các Sở, ngành xem xét thống nhất các nội dung trình hướng dẫn thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng đối với dự án nhà ở thương mại trên địa bàn thành phố theo các bước.

Thứ nhất, Sở Kế hoạch Đầu tư thực hiện thủ tục “chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư” đối với dự án nhà ở thương mại có quyền sử dụng đất, theo quy định của Luật Đầu tư 2020 và Nghị định 31/2021/NĐ-CP.

Thứ hai, Sở Quy hoạch Kiến trúc, hoặc UBND TP. Thủ Đức, các quận, huyện thực hiện thủ tục “phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, hoặc quy hoạch tổng mặt bằng” dự án nhà ở thương mại đã có văn bản “chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư”, theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị 2009, Luật Xây dựng (sửa đổi) 2020.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cũng đề xuất bổ sung các bước thủ tục tiếp theo, trong đó, giao Sở Tài nguyên Môi trường thực hiện thủ tục giao thuê đất, hoặc chuyển mục đích sử dụng đất, theo quy định của Luật Đất đai 2013.

Cuối cùng là Sở Xây dựng thực hiện thủ tục thẩm định thiết kế cơ sở; cấp phép xây dựng; đồng thời Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Tài chính thực hiện thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính, tiền sử dụng đất và thông báo để chủ đầu tư thực hiện.

Đồng thời, HoREA đề nghị Sở Kế hoạch Đầu tư và các Sở, ngành quy định thời gian thực hiện từng thủ tục hành chính, công bố để các chủ đầu tư cùng thực hiện.

Ngoài ra, HoREA cũng đề nghị quy định các dự án chỉ được huy động vốn, bán nhà ở hình thành trong tương lai sau khi hoàn tất nộp tiền sử dụng đất và nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước. Sau khi đã hoàn thành xây dựng, nộp tiền sử dụng đất và nghĩa vụ tài chính, chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại và khách hàng được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Trên thực tế, khoảng 2 năm vừa qua, thị trường bất động sản TP.HCM gần như không có dự án nhà ở nào được phê duyệt mới vì những vướng mắc về thủ tục đầu tư.

Báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, nhìn chung nguồn cung nhà ở năm 2020 đưa ra thị trường so với năm 2019 giảm 34% về tổng số dự án, giảm 30,4% về tổng số căn nhà. Thị trường bất động sản có tốc độ giao dịch chậm hơn, không có dự án nào được UBND thành phố cho phép chuyển nhượng. 

Đối với dự án đã hoàn thiện pháp lý, đa số doanh nghiệp lựa chọn phát triển sản phẩm theo phân khúc cao cấp và trung cấp. Điều này dẫn đến cơ cấu sản phẩm mất cân đối, tỷ lệ căn hộ bình dân giảm từ 51% xuống còn 1%, chiếm tỷ lệ thấp nhất, phân khúc căn hộ trung cấp tăng từ 23,8% lên 56,9%, và phân khúc căn hộ cao cấp tăng cao nhất từ 25,2% lên 42,1%.

Đây là dấu hiệu lệch pha cung cầu và cũng là dấu hiệu rõ rệt nhất của sự phát triển thị trường bất động sản thiếu bền vững, không đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu của đại đa số người dân có thu nhập thấp và trung bình. 

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các quy định pháp luật về đầu tư, nhà ở, đất đai, quy hoạch đô thị chưa có sự thống nhất trong quá trình chuyển tiếp và ban hành. Nhiều dự án đang trong quá trình điều tra, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, rà soát lại thủ tục pháp lý, dẫn đến tình trạng xử lý hồ sơ còn chậm của một số cơ quan quản lý nhà nước. 

Do đó cần có giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhằm tác động trực tiếp đến sự phát triển của thị trường, trong đó có các doanh nghiệp bất động sản để làm tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước từ các hoạt động đầu tư, xây dựng và kinh doanh bất động sản./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top