Aa

TP.HCM tăng tốc để giải ngân trên 95% vốn đầu tư công

Thứ Năm, 23/03/2023 - 14:56

Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 của TP.HCM là 70.518 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn ngân sách Trung ương là 15.293 tỷ đồng; ngân sách địa phương là 55.225 tỷ đồng.

Nhằm phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đạt trên 95%, UBND TP.HCM vừa ban hành Chương trình hành động về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 với nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tháo gỡ các rào cản, khó khăn, thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, triển khai các công trình trọng điểm, các dự án hạ tầng, giao thông đô thị.

Cụ thể, UBND TP.HCM giao đến trước ngày 31/3, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND TP phương án phân bổ hết số vốn Thủ tướng Chính phủ, HĐND TP giao; đồng thời chủ trì đôn đốc các đơn vị, chủ đầu tư hoàn chỉnh thủ tục để được bố trí vốn, đồng thời tham mưu phương án điều chỉnh, điều chuyển vốn giữa các dự án các đợt trong năm nhằm phù hợp với tiến độ thực tế của từng dự án, góp phần nâng cao tỷ lệ giải ngân và hiệu quả sử dụng vốn.

Sở Tài chính định kỳ báo cáo Bộ Tài chính kết quả giải ngân chi tiết tất cả các nguồn vốn đầu tư do thành phố quản lý; thực hiện nhập liệu các thông tin về mục lục ngân sách nhà nước của các dự án được giao kế hoạch đầu tư công năm 2023 trên Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS), đảm bảo các dự án có thể giải ngân đủ số vốn được phân bổ…

UBND TP.HCM giao Kho bạc Nhà nước TP hướng dẫn các chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ đề nghị thanh toán, gửi kho bạc nơi mở tài khoản về thành phần, số lượng hồ sơ thanh toán theo quy định; chỉ đạo hệ thống tiếp nhận, kiểm soát, thanh toán cho các dự án khi có đủ điều kiện giải ngân theo đúng quy định; phối hợp với chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của Kho bạc Nhà nước phát sinh trong quá trình kiểm soát thanh toán.

Cùng đó, phối hợp với Sở Tài chính đôn đốc các chủ đầu tư, nhà thầu nhanh chóng hoàn thiện, gửi hồ sơ đề nghị giải ngân, hồ sơ hoàn ứng, quyết toán dự án hoàn thành, nộp trả ngân sách (nếu có), khi đủ điều kiện theo quy định.

Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm có ý kiến về chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng trong tổng mức đầu tư dự án đối với các hồ sơ trình chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư theo quy định pháp luật, bám sát giá thị trường, đảm bảo tính khả thi khi triển khai, tránh tình trạng sau khi phê duyệt dự án thì người dân lại không đồng ý, hợp tác, dẫn đến việc phải thực hiện điều chỉnh tổng mức đầu tư, ảnh hưởng tiến độ giải ngân và thực hiện dự án.

UBND TP yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương phối hợp với Sở Tài chính, Hội đồng thẩm định giá đất thành phố tham mưu UBND TP phê duyệt đơn giá bồi thường đối với những dự án đã có quyết định đầu tư để làm cơ sở giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2023.

Đối với các địa phương, UBND TP.HCM yêu cầu UBND TP. Thủ Đức, UBND các quận huyện chỉ đạo và giám sát thường xuyên các cơ quan chuyên môn trực thuộc, UBND phường, xã, thị trấn phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư có dự án trên địa bàn, chỉ đạo Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng ký hợp đồng và hỗ trợ thủ tục với các chủ đầu tư để thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng đáp ứng yêu cầu tiến độ của dự án và chịu trách nhiệm nếu để chậm tiến độ thực hiện, kết quả giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn.

Đối với các dự án đã được UBND TP phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì UBND các địa phương khẩn trương ban hành quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của toàn bộ các trường hợp bị ảnh hưởng trong dự án và thực hiện chi trả theo đúng quy định…

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn bồi thường các dự án, UBND TP. cũng đề nghị Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức, Bí thư quận ủy, huyện ủy, chủ tịch UBND 21 quận, huyện quan tâm tập trung chỉ đạo quyết liệt các phòng, ban, đơn vị, chủ đầu tư dự án phối hợp chặt chẽ với Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng địa phương giải quyết dứt điểm các vấn đề có liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng của từng dự án đầu tư công thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương.

Đối với các dự án đã được phê duyệt chưa thể triển khai hoặc đang triển khai nhưng vướng giải phóng mặt bằng không thể thi công tiếp, các chủ đầu tư dự án chủ động báo cáo, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, trường hợp cần thiết, đề xuất dừng hoặc thu hẹp quy mô dự án (nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả đầu tư của dự án) để đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, tránh để xảy ra tình trạng "ngâm" vốn hoặc phải điều chỉnh thời gian thực hiện dự án.

kênh tham lương - bến cát - rạch nước lên
Các đơn vị triển khai thi công dự án xây dựng hạ tầng kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Sở Nội vụ xem xét, không đề xuất khen thưởng đối với các cơ quan, đơn vị được giao chủ đầu tư dự án nhưng không thực hiện đúng tiến độ đã đăng ký với Chủ tịch UBND TP. Kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 là một trong những căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2023 của tập thể và lãnh đạo các Sở, ban, ngành thành phố, UBND TP. Thủ Đức, UBND các quận - huyện và các chủ đầu tư; nếu kết quả giải ngân năm 2023 đạt dưới 90% do lỗi chủ quan thì không xét thi đua hoàn thành nhiệm vụ tốt cho người đứng đầu, chủ đầu tư dự án liên quan.

Theo Nghị quyết HĐND TP.HCM, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 của TP.HCM là 70.518 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn ngân sách Trung ương là 15.293 tỷ đồng; ngân sách địa phương là 55.225 tỷ đồng.

Hiện nay, TP.HCM tập trung rà soát và bổ sung vào trung hạn những công trình dự án trọng điểm, cấp bách khác có đủ điều kiện triển khai, đảm bảo tính khả thi về thủ tục đầu tư, thực hiện và có thể giải ngân vốn ngay trong năm 2023, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới như dự án đoạn 1, đoạn 2 đường Vành Đai 2, dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm, dự án Xây dựng cao tốc Mộc Bài - TP.HCM.

Cùng với đó, tập trung giải ngân nhanh các dự án trọng điểm, đặc biệt là các dự án có sử dụng vốn ngân sách Trung ương như dự án đường Vành Đai 3 TP.HCM, Tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), tuyến tàu điện ngầm số 2 (Bến Thành - Tham Lương), dự án Xây dựng nút giao thông An Phú, dự án Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, dự án Xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50, huyện Bình Chánh.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước Thành phố, tính đến ngày 28/2, tổng số vốn giải ngân của TP.HCM là 369 tỷ đồng, chỉ đạt 1% so với kế hoạch vốn đã được UBND TP giao năm 2023 và kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách trung ương; đạt 0,52% so với tổng kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top