Aa

TP.HCM: Thúc đẩy đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Thứ Năm, 20/04/2023 - 22:12

Một trong những vấn đề quan trọng đang được lãnh đạo TP.HCM quan tâm sát sao là cải thiện tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố khi trong 3 tháng đầu năm tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 0,7%.

Chiều 20/4, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM làm việc với Ủy ban Nhân dân thành phố về tình hình kinh tế - xã hội quý I và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của quý II/2023; Dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. 

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Phan Văn Mãi chủ trì Hội nghị. 

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Thành phố, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Thành phố, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Về tình hình kinh tế - xã hội của thành phố trong quý I/2023 và phương hướng, nhiệm vụ của quý 2 năm 2023, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Phan Văn Mãi nhấn mạnh, một trong những vấn đề quan trọng đang được quan tâm sát sao là tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố trong 3 tháng đầu năm chỉ đạt 0,7% là rất thấp so với kỳ vọng. 

Vấn đề này do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó, nguyên nhân sâu xa là động lực tăng trưởng của thành phố vốn đã suy giảm trong khoảng 5 - 10 năm qua lại chịu thêm tác động nặng nề từ sự bùng phát dịch Covid-19 dẫn đến thành phố rất khó khăn trong phục hồi kinh tế sau đại dịch. 

Vì vậy, TP.HCM cần có những giải pháp căn cơ, tháo gỡ điểm nghẽn mang tính chiến lược cả về thể chế, cơ chế lẫn phát triển hạ tầng, nguồn nhân lực…

Ông Phan Văn Mãi cho biết, Ủy ban Nhân dân thành phố đã và đang đưa ra những giải pháp cụ thể để thúc đẩy tăng trưởng trên các trụ cột đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu. Trong đó, xác định tập trung vào vấn đề thúc đẩy đầu tư, trọng điểm là tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục tập trung thực hiện chủ đề của năm để nâng cao hiệu quả công vụ, cải cách hành chính, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng công vụ và cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và quan tâm, làm tốt công tác chăm lo về an sinh xã hội cho người dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực của thành phố, rất cần tính đến sự cộng hưởng từ những chuyển biến tích cực của tình hình kinh tế thế giới.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Xuân Khu-TTXVN)
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Xuân Khu-TTXVN)

Theo đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, đầu tư công của TP.HCM chiếm khoảng 10 - 12% tổng vốn đầu tư nhưng có ý nghĩa quan trọng vì có giá trị đòn bẩy, mở đường cho các hoạt động đầu tư, phát triển khác. 

Lý do dẫn đến đầu tư công quý 1 của thành phố có tốc độ giải ngân thấp vì cả khách quan và chủ quan. Trong đó, có yếu tố phân đoạn độ rơi quý 1 vốn rất thấp của giải ngân vốn đầu tư công trong năm và yếu tố vốn khi tình hình trái phiếu doanh nghiệp bất ổn tác động vào thị trường bất động sản rồi đến ngành xây dựng. 

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng cùng với những biện pháp quyết liệt thúc đẩy đầu tư gồm cả đầu tư công và đầu tư tư; các biện pháp mở rộng thị trường xuất khẩu, quan tâm đến thị trường nội địa, thành phố rất cần sự hỗ trợ từ cơ chế, chính sách của Chính phủ, Quốc hội. 

Đồng thời, Hội đồng Nhân dân thành phố cần xem xét có thêm gói hỗ trợ tài chính trực tiếp cho người dân, nhất là các hộ chính sách, hộ gia đình nghèo, hộ gia đình có người thân bị ảnh hưởng bởi Covid-19 tại TP.HCM

Chia sẻ băn khoăn về tình hình phục hồi và phát triển kinh tế của thành phố trong những tháng cuối năm 2023, đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan cho rằng xây dựng và phát triển kinh tế không thể chỉ bằng niềm tin và ý chí mà phải có cơ chế đi kèm. 

Chính vì vậy, đề xuất những cơ chế, chính sách ưu tiên, đặc thù phát triển cho thành phố cũng chính là giúp thành phố phát triển, bảo tồn được các nguồn thu cho đất nước và cũng là hình mẫu để áp dụng tại các địa phương khác với các cơ chế, chính sách hiệu quả đã thực hiện thí điểm tại TP.HCM. 

Tại Hội nghị, đại diện các đơn vị Sở Công thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh TP.HCM đã có giải trình, báo cáo về một số vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm liên quan tình hình triển khai các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành phố trong thời gian sắp tới.

Các đại biểu tham dự Hội nghị được nghe thông báo về tiến độ xây dựng và nội dung của Dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top