Trần Hoàng Thái - CEO DEWOO: Khởi nghiệp không phải cuộc chơi bản năng

Trần Hoàng Thái - CEO DEWOO: Khởi nghiệp không phải cuộc chơi bản năng

Thứ Tư, 23/03/2022 - 06:09

CEO Trần Hoàng Thái: "Người ngoài nhìn vào nghĩ tôi liều, nhưng tôi cảm thấy mình không liều, thậm chí còn khá chắc chắn với mọi quyết định từ lúc khởi nghiệp đến nay".

***

LTS: Ngày 13/10/1945, trong bức thư động viên, đặt niềm tin và khẳng định vai trò, sứ mệnh của các doanh nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi các doanh nghiệp và doanh nhân cùng chung sức phát triển nền kinh tế đất nước, từ đó tạo được lòng tin và những làn sóng tích cực cho phong trào thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Gần 8 thập kỷ đã trôi qua, những khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân là người làm giàu cho đất nước vẫn còn nguyên giá trị. Ngày nay, Đảng, Nhà nước, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân vẫn đang tiếp tục nỗ lực thực hiện lời căn dặn này của Người.

Sức mạnh và vị thế của mỗi quốc gia phụ thuộc trước hết vào sức mạnh kinh tế, nòng cốt là doanh nghiệp và doanh nhân. Doanh nghiệp là tài sản quốc gia, doanh nhân là hiền tài của đất nước. Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã có lực lượng doanh nhân hùng hậu, trong đó có nhiều doanh nhân đã trở thành niềm kiêu hãnh, phát triển bền vững, kinh doanh sáng tạo và có trách nhiệm với dân tộc. Đó là nền tảng vô cùng quan trọng để xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

Trên tinh thần đồng hành cùng các doanh nhân, doanh nghiệp nỗ lực vượt khó, tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào hành trình xây dựng đất nước, Reatimes khởi đăng tuyến bài "Doanh nhân và khát vọng Việt Nam khởi nghiệp".

Bài 10: Trần Hoàng Thái - CEO DEWOO: Khởi nghiệp không phải cuộc chơi bản năng

Trân trọng gửi tới quý độc giả!

Chúng tôi có cơ duyên gặp gỡ doanh nhân Trần Hoàng Thái vào những ngày cuối Xuân ở vùng đất Quảng Nam, ngay tại nhà máy của Công ty DEWOO nằm trong KCN Điện Nam - Điện Ngọc (Thị xã Điện Bàn) - một nhà máy rộng 10.000m2. Thật bất ngờ khi chào đón chúng tôi là hình ảnh một doanh nhân trẻ mặc áo sơ mi giản dị với nụ cười rạng rỡ và đang… bồng con! Anh nói đùa rằng “mình vừa làm kinh doanh, vừa làm bảo mẫu”.

Thương hiệu DEWOO được sáng lập bởi doanh nhân Trần Hoàng Thái đã trở nên thân thuộc trong 7 năm qua và nhận được nhiều giải thưởng, đồng hành hơn 10.000 công trình trên khắp Việt Nam, góp phần tích cực trong việc thay thế các vật liệu bằng gỗ tự nhiên đang ngày càng khan hiếm với việc đặt trọng tâm vào sản xuất gỗ MDF phủ Melamin và cửa gỗ nhựa Composite.

Cuối tháng 12/2021, lễ trao danh hiệu “Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc năm 2021” diễn ra tại Hà Nội được tổ chức quy mô lớn. Trần Hoàng Thái là doanh nhân thế hệ 9x duy nhất của khu vực Nam Trung Bộ được xướng lên trong “Top 10 Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc năm 2021”.

THẤT BẠI LÀ VỐN LIẾNG

PV: Anh biết không, giới truyền thông nói về việc khởi nghiệp của anh gắn với sự liều lĩnh khi liên tục thay đổi và liên tục sáng tạo mà lại toàn là những thứ mới mẻ. Nó liều lĩnh thật chứ?

Doanh nhân Trần Hoàng Thái: Người ngoài nhìn vào nghĩ tôi liều nhưng tôi cảm thấy mình không liều mà thậm chí còn khá chắc chắn với mọi quyết định từ lúc khởi nghiệp đến nay.

Đầu tiên là quyết định khởi nghiệp ngành cửa gỗ nhựa, lúc ấy thị trường còn quá mới mẻ nhưng tôi đã nhìn nhận được vấn đề. Tôi nghĩ việc ra đời cửa nhựa nó có thể thay thế được cửa gỗ, cửa nhôm khi lắp ở trong nhà, giải quyết được bài toán chống ẩm, chống nước… Tôi nhận định được điều ấy nên tôi mới làm, chứ tôi không làm liều, nhiều người hay bảo ông này liều, làm cái này sang cái khác nhưng tôi khá chắc chắn trong các quyết định của mình. Tôi nhận định ra được vấn đề thì mới làm.

Hay sản xuất gỗ MDF phủ Melamine, đến năm 2019 tôi đầu tư ngành gỗ và mở xưởng sản xuất, tôi cũng làm nội thất và đã có kinh nghiệm làm nhiều năm trước đó nên quá hiểu về sản phẩm gỗ nó sẽ phát triển như thế nào thì tôi mới đầu tư chứ không phải mắt nhắm mắt mở đầu tư, tất cả tôi đều nhìn nhận vấn đề thấu đáo rồi mới đầu tư.

Mong muốn bấy lâu nay của tôi đầu tiên là hàng được xuất khẩu, thứ hai là tập trung thật tốt chất lượng mặt hàng trong nước. Về sản phẩm gỗ, hiện nay người tiêu dùng chưa phân biệt được loại gỗ gì tốt, loại gỗ gì chưa tốt vì thế có những loại gỗ không tốt ảnh hưởng đến chính sức khỏe người tiêu dùng, nhiều nhà dùng gỗ nội thất nhưng đóng vào nhà thì có mùi hôi, cay mắt bởi “chất phooc-man-đê-hít” trong gỗ phát thải ra gây độc hại. Vì vậy, công ty đang hướng tới những dòng sản phẩm mang đến lợi ích về sức khỏe, hướng tới chất lượng và mở rộng thêm phân khúc: giá mềm, giá tầm trung và giá cao cấp để tăng sự lựa chọn và tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng hơn. Mà muốn điều này thì sự sáng tạo không bao giờ nằm ngoài rìa! Vậy nên tôi nghĩ thay vì gọi là liều lĩnh ta nên gọi là bản lĩnh, bản lĩnh để dám lựa chọn, dám đương đầu và dấn thân.

PV: Anh là một người con của vùng đất Hà Tĩnh, điều gì đã khiến anh chọn TP. Đà Nẵng để học tập và Quảng Nam để khởi nghiệp, tạo dựng thương hiệu?

Doanh nhân Trần Hoàng Thái: Với tôi mọi sự đi hay ở đều gói gọn trong chữ “duyên”, tôi là người thích sự mới mẻ và trải nghiệm. Đặc biệt là khi còn rất trẻ, tôi của những năm 18 tuổi khao khát sự trải nghiệm, thích đi đây đi đó và tìm đến những vùng đất mới nên tôi chọn Đà Nẵng để học đại học. Cho đến khi khởi nghiệp, là lúc tôi 24 tuổi, vừa ra trường được 1 năm, tất nhiên cũng là do “duyên” và tôi vẫn thấy Đà Nẵng còn nhiều cơ hội nên mở xưởng sản xuất đầu tiên tại đây. Nhưng việc ở đâu không quan trọng bằng việc bạn làm được gì và không nhất thiết chỉ ở quê nhà mới có thể cống hiến được cho quê hương.

PV: Sau khi tốt nghiệp Kỹ sư ngành Cơ khí chế tạo tại Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng, anh ra trường làm việc trong một doanh nghiệp lớn, lương ổn định, đúng chuyên môn và được đi nhiều nơi. Nhưng anh còn tận dụng thời gian để làm thêm nhiều công việc khác, có lẽ anh luôn thích sự bận rộn từ những ngày còn rất trẻ?

Doanh nhân Trần Hoàng Thái: Thật vậy! Tính cách của tôi là rất thích làm, hễ có thời gian rảnh là tôi rất khó chịu, luôn muốn kiếm việc gì để làm, thứ gì để suy nghĩ. Vì vậy, ngày còn trẻ tôi làm việc mỗi ngày 16-17 giờ đồng hồ là chuyện bình thường, thời gian còn lại chỉ dành cho những nhu cầu thiết yếu nhất là hết ngày. Năm 2013 tôi ra trường, hồi đó đi làm chuyên về thiết kế cơ khí được 1 năm cũng có kinh nghiệm. Thời gian làm đến 16h30 là về rồi, thứ 7 và Chủ Nhật lại được nghỉ, vì vậy tôi muốn tranh thủ thời gian kiếm thứ gì đó làm thêm chứ thời gian rảnh thì tôi lại cảm thấy rất khó chịu.

Lúc đầu tôi không nghĩ đến chuyện mình sẽ đi bán hàng, nhưng nhận thấy bản thân mình rất ngại giao tiếp và tự ti nên chắc chỉ có bán hàng mới khiến mình mạnh dạn và tự tin hơn nhỉ? Hồi đó tôi nghĩ như vậy, nghĩ rất đơn giản nên nhận chào hàng dùm ông anh và nghĩ việc bán hàng không phải để kiếm tiền mà để cải thiện kỹ năng giao tiếp.

Nhớ những lần đầu mình đến mấy nhà đang xây dựng chào hàng, cầm cuốn mẫu sản phẩm đưa cho khách mà tay run bần bật, đến mức thấy khách hàng mà sợ quá bỏ chạy về, rồi nghĩ đến chuyện không đi chào hàng nữa! Nhưng rồi nghĩ lại, nếu bỏ cuộc thì cũng không giải quyết được cái gì nên tôi vẫn kiên trì đi tiếp, bán một thời gian thì cảm thấy: À! Thì ra mình bán cũng được ghê ấy chứ! Mình dân kỹ thuật nhìn thật thà chắc họ cũng thấy tin tưởng. Đó là thứ đã khiến tôi mạnh dạn hơn.

PV: Và đó có phải là cột mốc đánh dấu cho quá trình bắt đầu khởi nghiệp của anh?

Doanh nhân Trần Hoàng Thái: Dần dần vừa đi làm ở công ty vừa đi làm thêm khiến tôi tự tin và cải thiện khả năng giao tiếp nhiều hơn. Năm 2014, tôi góp vốn với một công ty nội thất, chưa làm thì đã thất bại vì trong quá trình nhập hàng, định hướng kế hoạch tôi cảm thấy họ không phù hợp với mình nên đã chấp nhận bỏ tiền rồi rút vốn. Hồi đó, tôi rất thích cửa nhựa, vì thời sinh viên tôi đã đạt giải cao nghiên cứu khoa học về máy sản xuất thanh profile nhựa nên tôi cũng tìm hiểu sâu về ngành nhựa.

Tôi rất thích tự lập nên một cái gì đó, như cách để chinh phục nó! Khi khởi nghiệp, trong đầu tôi khi ấy hiện lên 2 lý do chính: thứ nhất mình đang còn rất trẻ, làm giả sử thua cũng chẳng sao, tay trắng lập nghiệp cũng chả sợ cái gì, tuổi trẻ tôi máu làm lắm! Thứ hai nữa, tôi thấy bạn bè phải đi ra nước ngoài làm tháng 30.000.000-40.000.000 triệu đồng, thì khi ấy cũng có một phần ý định muốn đi nước ngoài vì tôi là dân kỹ thuật tay nghề cũng khá cứng. Nhưng rồi tự đặt câu hỏi: Ở Việt Nam mình cũng làm được, cũng có thể phát triển được chứ, sao cứ phải đi nước ngoài? Vì vậy, năm 2015 tôi quyết định thành lập DEWOO với sản phẩm chính là cửa gỗ nhựa.

Các sản phẩm của DEWOO đã đến với hơn 10.000 công trình khắp miền Trung.

PV: Nhiều người hay nói rằng start-up thường sống chung với thất bại, đó là chuyện bình thường, nhẹ thì 2-3 lần, nặng thì hàng chục lần. Và chắc câu chuyện khởi nghiệp của anh cũng không ngoại lệ?

Doanh nhân Trần Hoàng Thái: Tất nhiên! Làm gì có phép lạ trên thương trường, với mỗi start-up thất bại chính là vốn liếng. Và tôi cũng vậy! Thậm chí là thất bại hàng chục lần, ngẫm lại tôi cũng khó kể hết được. Nhưng tôi xem khó khăn là tên gọi khác của thử thách. Những ngày mới lập nghiệp tôi gặp 3 thử thách lớn: thử thách thứ nhất là ban đầu thị trường về cửa gỗ nhựa rất khó được người tiêu dùng đón nhận, vì thị trường này quá mới mẻ, để đạt doanh số cho một xưởng vận hành đủ không phải là chuyện đơn giản.

Thứ 2 là tài chính không có, lúc lập nghiệp tôi chỉ có vài trăm ngàn dính túi, nên tiền toàn phải đi mượn, đi vay bởi gia đình tôi đều thuần nông. Thực ra, bố mẹ cũng không nghèo khó đến nỗi không có tiền cho tôi, nhưng từ ngày còn trẻ tôi đã suy nghĩ đàn ông sau 18 tuổi cái gì cũng xin bố mẹ thì không được, cho nên từ lúc đi học đại học đến nay tôi không bao giờ xin tiền bố mẹ, thời sinh viên cũng tự đi làm thêm kiếm tiền trang trải. Thứ 3 là kinh nghiệm chưa có.

Để giải quyết 3 vấn đề lớn này thì đầu tiên phải chăm chỉ, bán chưa được hàng thì không nản, cứ bán miết sau thời gian dài người ta biết đến mình, sản phẩm mình tốt thì người này giới thiệu người kia, cứ dần dần nhân rộng ra, mình làm dịch vụ cũng tốt, sản phẩm chất lượng thì người sử dụng sẽ tự nói về mình. Còn về tài chính thì cứ cặm cụi làm tiết kiệm bớt đi, ăn mì tôm nhiều hơn, thời kỳ đó khá vất vả đấy!. Về kinh nghiệm thì không tự nhiên mà có, hồi đó tôi đọc sách chứ làm gì có tiền đi học và rồi kết hợp với trải nghiệm hằng ngày, ngày nào cũng tiếp xúc, ngày nào cũng bán hàng kết hợp với kiến thức trong sách vở sẽ cải thiện năng lực nhanh hơn, chứ bán hàng không thì chưa giỏi được! Hay vấn đề về nhân sự, quản trị nhân lực, mình đọc sách rồi áp dụng, đọc ít cũng được nhưng đọc đến đâu hiểu đến đấy.

Hành trình kinh doanh của tôi không đơn độc, tất cả những người xung quanh tôi đều xem là thầy, đó có thể là đối tác, bạn bè, khách hàng… Họ hay chia sẻ cho tôi những câu chuyện và tôi lắng nghe họ, rồi tôi có thể chia sẻ ngược lại để giải quyết tốt công việc hơn.

CỔ ĐÔNG VÀ NHÂN VIÊN CHẠY BỞ HƠI TAI VỚI Ý TƯỞNG MỚI

PV: Anh đã rút ra những kinh nghiệm gì khi chọn khởi nghiệp những sản phẩm còn khá mới mẻ, như nghiên cứu thị trường, nguồn cung ứng, thị hiếu khách hàng…? Đặc biệt là các sản phẩm cửa gỗ nhựa Composite lúc này còn quá mới mẻ.

Doanh nhân Trần Hoàng Thái: Nếu bạn chọn thị trường khi mới khởi nghiệp còn quá mới mẻ thì vừa có cái khó nhưng cũng có cái dễ. Cái khó ở đây là mình phải tự đi xây nó, còn cái dễ là mình ít cạnh tranh. Tôi của những ngày đầu tiên khởi nghiệp đến nay vẫn giữ tâm thế cần mẫn và sáng tạo.

Vì sao 2 yếu tố này lại cần thiết? Bởi một doanh nghiệp đang kinh doanh không có khái niệm ổn định mà nó luôn ở trong trạng thái giữ thăng bằng động, ổn định chỉ trong tầm kiểm soát chứ luôn có sự bất động trong đó. Với doanh nghiệp 1 là phát triển 2 là thụt lùi, chứ đứng yên 1 chỗ thì không có, bởi không tiến thì ắt sẽ lùi!

PV: Thương trường cửa nội thất là một cuộc chiến khốc liệt, lại là một công ty còn non trẻ, điều gì khiến anh đứng vững được trong “cuộc chơi” này và tạo dựng được niềm tin, tìm kiếm nguồn khách hàng?

Doanh nhân Trần Hoàng Thái: Thật vậy! Khi công ty trên đà phát triển thì cạnh tranh rất nhiều. Ngay từ đầu lập nên doanh nghiệp, tôi định hình giá trị cốt lõi của kinh doanh ít nhất là trong doanh nghiệp sản xuất thì sản phẩm là thứ cốt lõi, bởi sản phẩm không tốt thì không thể tồn tại trên thị trường được. Tiếp theo là giá cả phù hợp, dịch vụ bán hàng, chăm sóc khách hàng tốt, tập trung làm điều khách hàng cần chứ không tập trung quá nhiều vào marketting.

Bây giờ cạnh tranh lớn thì thị trường cũng lớn. Thêm nữa thì hiện nay công ty cũng có kinh nghiệm lâu rồi, đặc biệt là kinh nghiệm trong quá trình sản xuất kinh doanh nên tôi khá tự tin trên thị trường với sản xuất gỗ MDF phủ Melamine và cửa gỗ nhựa Composite.

PV: Anh thường hay nhắc nhiều đến sự “sáng tạo”, anh nghĩ điều này có vai trò gì trong sự phát triển của công ty và với một người trẻ khởi nghiệp?

Doanh nhân Trần Hoàng Thái: Bạn thấy đấy! Cụm từ: khởi nghiệp luôn gắn liền với sáng tạo: Khởi nghiệp! Sáng tạo! rồi Sáng tạo! Khởi nghiệp! Nhất là trong ngành sản xuất sáng tạo là bắt buộc, nếu không sáng tạo thì chỉ nên vứt đi. Muốn phát triển bắt buộc phải sáng tạo, muốn sáng tạo phải bắt tay vào thực tế, làm nhiều mới có sáng tạo chứ làm ít thì không thể. Làm nhiều mới thấy được sự bất hợp lý về sản phẩm, quá trình sản xuất, quản lý, vận hành… Nhiều cổ đông và nhân viên “chạy theo” ý tưởng mới của tôi đến bở hơi tai. Tôi luôn khuyến khích nhân viên tích cực sáng tạo và đề xuất sáng kiến. Cái tính này dường như đã ngấm trong máu của tôi rồi!

Điển hình như năm 2018 công ty đạt doanh thu, lợi nhuận tốt từ mảng thiết kế, thi công nội thất tôi lại bất ngờ chuyển hướng đầu tư vào lĩnh vực mới - gỗ MDF phủ Melamine. Ý tưởng này bắt nguồn từ một bữa ngồi chơi, tôi ngồi trước một cái bàn làm bằng ván rồi lấy tay sờ sờ và thầm nghĩ: Làm sao họ làm ra được tấm ván? Bằng cách nào họ đã tạo ra chúng? Tôi chỉ suy nghĩ thế thôi và rồi tôi tìm kiếm, thật ra lúc đó khá ít thông tin về ngành ván này, tôi thấy mấy trang thương mại điện tử quốc tế như Alibaba bán máy ép làm ván nên liền đặt vé máy bay sang ngay Trung Quốc tìm hiểu suốt 1 tháng ròng tại các công ty sản xuất.

Nhận thấy tiềm năng của thị trường này tôi về Việt Nam và bắt tay vào làm. Khi hội đủ điều kiện, đến năm 2019 công ty họp cổ đông và quyết định xây dựng thêm nhà máy, đầu tư dây chuyền sản xuất đầu tiên để chủ động trong sản xuất, thiết kế sản phẩm để tạo nên 2 lĩnh vực kinh doanh chính của DEWOO là cửa gỗ nhựa Composite và gỗ MDF phủ Melamine đều đạt tăng trưởng, doanh thu tốt.

PV: Bước ngoặt năm 2021, anh và các cổ đông thống nhất chuyển toàn bộ nhà máy, dây chuyền sản xuất, đầu tư 10.000m2 đất tại Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc để xây dựng nhà máy (với 4 phân xưởng). Vì sao anh lại chọn sự thay đổi này?

Doanh nhân Trần Hoàng Thái: Thật ra quyết định chuyển đi này là quyết định khá liều bởi với một bộ máy hoạt động tương đối ổn định mà chuyển đi từ Đà Nẵng đến Quảng Nam cũng khá xa. Mình nhận thấy ở Quảng Nam có nhiều thuận lợi, về công nghiệp được chú trọng, khu công nghiệp quá sạch đẹp không có gì phải chê cả, công nhân dễ tuyển, con người hiền hòa, thuận tiện gần Đà Nẵng. Quảng Nam cũng là mảnh đất rộng lớn, thị trường còn rất nhiều tiềm năng để phát triển.

Một điều mà doanh nghiệp luôn đau đáu khi chuyển cơ sở nữa là vấn đề nhân sự. Bởi một doanh nghiệp sản xuất thì chất lượng là giá trị cốt lõi, muốn sản phẩm chất lượng thì phải có con người chất lượng, họ giỏi thì họ mới làm ra sản phẩm tốt, muốn có con người chất lượng thì phải đào tạo và có chính sách tốt để giữ những con người giỏi ấy!

Khi tôi chuyển nhà xưởng sản xuất cách xưởng cũ 45km, nhưng những cán bộ chủ chốt của công ty nhà ở gần xưởng cũ vẫn đi làm, sáng đi tối về. Với tôi, những con người làm việc trong tập thể gắn bó với nhau không chỉ đơn thuần là đi làm kiếm tiền, mà còn có tình, có những giá trị khác, họ mong muốn cho tập thể phát triển. Tôi thường lắng nghe các nhân sự xem mong muốn như thế nào, rồi tôi chia sẻ về mong muốn phát triển doanh nghiệp để họ đồng hành cùng, bản thân con người ai cũng mong muốn mình cùng một tập thể làm cái gì lớn lao một chút. Đi làm một là tài chính hai là niềm vui, nhưng niềm vui ở đây không phải kiểu cười suốt ngày là vui đâu, mà là doanh nghiệp có đường lối phát triển rõ ràng để cho mọi người cùng theo đuổi, mình sản xuất ra sản phẩm chất lượng, khách hàng tin dùng yêu quý thì chính nhân viên cũng vui thôi!

Công việc thì luôn phải có áp lực, niềm vui không phải là môi trường quá vui vẻ, quá thoải mái thậm chí môi trường làm việc bên mình khá áp lực, nhưng mọi người cùng nhau làm một cái gì, cùng nhau phấn đấu để đạt mục tiêu dài hạn thì thấy vui thôi. Nhiều người hiểu câu chuyện niềm vui khác nhau, niềm vui của DEWOO là vượt qua bao nhiêu khó khăn, thử thách đạt được “trái ngọt” thì đó mới thật sự là niềm vui. Nên công ty đến nay vẫn giữ được những nhân sự cốt lõi.

PV: Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến ngành nghề nội thất và có lẽ công ty anh cũng không ngoại lệ. Nhưng điều đặc biệt là doanh thu công ty vẫn tăng theo từng năm, điều gì đã tạo nên sự phát triển của công ty bất chấp dịch bệnh kéo dài?

Doanh nhân Trần Hoàng Thái: Tôi cho rằng trong khó khăn luôn tồn tại cơ hội. Công ty của mình khó khăn thì công ty khác cũng vậy và điều quan trọng là phải chủ động đón nhận để tìm ra các giải pháp phù hợp. Năm 2020 tăng trưởng khá tốt vì tồn đọng lại các công trình của năm 2019 kết hợp với việc công ty đẩy mạnh thị trường. May mắn nữa là năm 2021 mình chuyển xưởng vào Quảng Nam thì sau đó Đà Nẵng đóng cửa cho lockdown toàn thành phố nên luân chuyển hàng hóa giữa các tỉnh với nhau rất khó khăn, hàng hóa Hà Nội, Sài Gòn không về được nên xưởng mình ở Quảng Nam kinh doanh tốt hơn, vì vậy trong giai đoạn ấy lại có rất nhiều tiềm năng.

LÀM THUÊ HAY KHỞI NGHIỆP ĐỂ LÀM CHỦ?

PV: Cuối năm 2021, một dấu mốc đáng nhớ là anh vinh dự được lọt “Top 10 Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc năm 2021”, khoảnh khắc ấy anh đã nhớ nhất về điều gì?

Doanh nhân Trần Hoàng Thái: Lễ trao danh hiệu “Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc năm 2021” được Trung ương Hội LHTN Việt Nam và Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức, các cá nhân tham gia được đánh giá rất kỹ về: năng lực, doanh số, tiềm năng, đóng góp cho xã hội… điều này đã khích lệ động viên cho những người khởi nghiệp và những người làm thật. Đây xem như là nỗ lực của công ty có được sự công nhận.

Nhận giải về tôi trân trọng cất trong tủ kính và rồi tiếp tục với vòng xoay thường nhật, bởi giải thưởng nào cũng chỉ là ngày hôm qua, còn cái chúng ta cần là sự cố gắng trong ngày hôm nay. Tôi khi ấy và bây giờ nghĩ đơn giản lắm: mình cứ cặm cụi làm, sáng tạo bằng cách làm nhiều, khó khăn thì xem như thử thách và là một bài toán cần phải giải, giải xong thì kinh nghiệm tăng lên và tiếp tục bồi đắp nó và xây dựng tập thể vững mạnh. Chỉ có vậy thôi! (Nói xong anh cười rất tươi…)

PV: Khi đạt danh hiệu này, anh và công ty đều còn khá… “trẻ”, điều gì đã tôi luyện nên một doanh nhân trẻ Trần Hoàng Thái của ngày hôm nay và những bài học của DEWOO từ ngày hôm qua đã khiến anh nhận ra những giá trị gì để phát triển trong tương lai?

Doanh nhân Trần Hoàng Thái: Tôi nghĩ đầu tiên là định nghĩa khởi nghiệp trong tôi. Thật ra, nhiều khi nói khởi nghiệp thì nghe lớn quá và nếu xem nó là một trào lưu thì không nên lắm. Ví dụ như người trẻ tích góp làm công ăn lương vài ba năm mở một cái xưởng nho nhỏ không có định hướng gì, nợ người này người kia mỗi người một chút, không có uy tín cũng chẳng có định hướng và sản phẩm không tốt thì tôi nghĩ đi làm thuê sẽ tốt hơn.

Trong kinh doanh tôi chia thành 2 kiểu: kinh doanh theo dạng làm nghề là ví dụ như thế này: mở quán tạp hóa cũng gọi là kinh doanh, người chủ đó mua đi bán lại để kiếm đồng lời thì mình cho đó là làm nghề. Còn như những công ty họ dùng vốn, dùng nguồn lực kiến thức và tri thức quản trị doanh nghiệp, tạo ra sản phẩm thì đó là kinh doanh.

Trong câu chuyện sản xuất cũng như vậy, mở một cái xưởng sản xuất nhỏ để làm thì làm nghề chứ không phải là kinh doanh. Ví dụ cái ông thợ đó ra mở cái xưởng nhận đôi ba đơn hàng thì đó là làm nghề. Đối với một người trẻ mới ra trường khởi nghiệp cũng rất tốt, nhưng nếu làm nghề hãy làm đúng cái tâm của người làm nghề và làm thật tốt nghề của mình. Nghĩ đơn giản nhất là làm kinh doanh đến từ việc nâng cấp chuyện làm nghề. Đầu tiên phải làm nghề tốt, sau đó hãy làm kinh doanh!

PV: Hiện nay, khởi nghiệp được xem như một phong trào của giới trẻ, nhất là sinh viên khối ngành kinh tế, bách khoa. Anh suy nghĩ gì về quan niệm “làm thuê, làm chủ” và những người trẻ có thiên hướng muốn khởi nghiệp ngay sau khi tốt nghiệp?

Doanh nhân Trần Hoàng Thái: Những người trẻ mới ra trường có mong muốn khởi nghiệp ngay cũng rất tốt. Đầu tiên, đó là trải nghiệm, bởi bất kỳ công việc nào cũng đều cho con người ta kiến thức, kinh nghiệm nhất định. Nhưng sẽ tốt hơn nếu có định hướng làm như thế nào và có khát vọng, thể hiện bằng hành động cụ thể chứ không phải để nói cho hay. Tôi không thích kiểu nói ngon mà làm dở!

Tôi nghĩ mình có một cái may mắn là lập nghiệp mà không có tiền. Nếu có đủ tiền có thể tôi sẽ không làm được như ngày hôm nay. Bởi không có tiền, tôi vay mượn nhiều nơi, gặp nhiều khó khăn, vì vậy phải thận trọng làm tới đâu chắc tới đó. Có tiền khởi nghiệp thì cũng tốt nhưng dễ sa lầy, bởi vì tâm lý chủ quan và không chắt chiu, tiết kiệm, không tối ưu được câu chuyện tài chính. Mà câu chuyện tối ưu tài chính khi doanh thu lên hàng trăm tỷ sẽ rất cần thiết. Không có tiền sẽ là áp lực lẫn động lực để mình vươn lên, làm cho con người ta khi nào cũng phải biết chắt chiu cơ hội, thậm chí là khi không bán được hàng tôi chắt chiu từng cơ hội nho nhỏ để tạo thành một thói quen.

Với tôi khởi nghiệp không nhất thiết là phải có công ty riêng. Kể cả đi làm cho một doanh nghiệp nào đó bạn cũng có cơ hội khởi nghiệp trong chính doanh nghiệp của họ. Khởi nghiệp là tìm ra cái mới để phát triển, tạo ra giá trị cho xã hội chứ không phải cứ mở cái xưởng, mở công ty thì được gọi là khởi nghiệp! Có thể là mình có ý tưởng tạo ra một dự án mới cho công ty. Sáng tạo là nền tảng cơ bản, bởi lúc nào khởi nghiệp cũng đi kèm với sự sáng tạo. Vậy thì ở trong doanh nghiệp bạn cũng có thể sáng tạo mà, cơ hội nhiều mà! Còn khởi nghiệp thì quan trọng nhất là phải có ý tưởng tốt, phải có định hướng phát triển thế nào đã rồi hãy tính đến triển khai các bước tiếp theo. Nếu không… thì cầm chắc thất bại!

Doanh nhân Trần Hoàng Thái nhận danh hiệu: "Top 10 Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc năm 2021".

*****

Ông Đỗ Duy Thái - Chủ tịch Tập đoàn Thép Việt, đã từng nói: “Kinh doanh là một lời nguyền cay đắng”. Ngẫm lại, quả là cay đắng thật, khi mà người kinh doanh phải đối mặt với hết thảy mọi khó khăn, bất trắc của thị trường, lại phải lo lắng cho cuộc sống của con người, những gia đình mà mình trót đeo mang. Nhưng cái cay đắng này lại là thứ dư vị khiến nhiều người trẻ muốn “thưởng thức”… Và với nhiều doanh nhân, dù đóng vai trò gì trong xã hội, thì ngay lúc ấy họ vẫn là một người chồng, người cha và sự nghiệp là để phụng sự đầu tiên cho gia đình.

Giản dị và cần mẫn có lẽ là hai tính từ dành cho doanh nhân Trần Hoàng Thái. Bởi trong suốt cuộc trò chuyện, anh luôn dành cho người đối diện nụ cười niềm nở, những hành động hết sức bình dị từ phong thái cho đến trang phục và không muốn nói về những thành tựu trong tương lai của DEWOO. Anh bảo: “Đợi tôi làm xong có kết quả rồi kể, chứ tôi không bao giờ nói trước”.

Điều này, giống như cách vẫn đang có một thế hệ khởi nghiệp đâu đó trên khắp đất nước, lặng lẽ làm việc cần mẫn từng ngày để tạo ra những sản phẩm mới, công nghệ mới và những giải pháp mới cho cuộc sống. Và, DEWOO cũng vậy, doanh nhân Trần Hoàng Thái cùng các cộng sự luôn tối ưu hóa các hoạt động của công ty và mang đến những trải nghiệm thật tốt cho khách hàng. Đây cũng chính là điều mà đối thủ lo sợ nhất. Họ không sợ công ty có bao nhiêu vốn, có bao nhiêu nhân viên mà sợ ý chí, khát vọng của tập thể ấy, luôn miệt mài cố gắng, đưa ra ý tưởng và sáng tạo.

Triết lý này giống như việc chạy bộ, để cải thiện sức khỏe của chúng ta tốt hơn mỗi ngày, tìm niềm vui trong hành trình chạy bộ chứ không phải là dò xét đối thủ để về nhất hay về nhì. Thắng thua có thể chỉ xảy ra trong một chặng đua nước rút, nhưng lập nghiệp lại là một cuộc đua đường dài. Muốn bền bỉ vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, chạm đích thành công thì bí quyết ở doanh nhân Trần Hoàng Thái được gói gọn trong hai chữ: “Cần mẫn”!

Nguyễn Ngọc Trâm
23/03/2022 06:09
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top