Aa

Tranh luận với TS. Lương Hoài Nam về chuyện cấm xe máy

Thứ Năm, 22/09/2016 - 09:15

Cho rằng những lý do TS. Lương Hoài Nam, một người có nhiều phát ngôn trên báo chí về việc cấm xe máy ở Hà Nội chưa thỏa đáng, Facebooker Nguyễn Quyết đã đưa ra những lý lẽ chứng minh xe máy không hẳn là "tội đồ" trong vấn nạn giao thông Thủ đô. TS xin trích dẫn phần phản biện dưới đây như một góc nhìn để độc giả tham khảo.

TS Lương Hoài Nam

TS. Lương Hoài Nam

TS. Lương Hoài Nam là người ủng hộ tích cực việc hạn chế và cấm xe máy ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Ông cũng có nhiều phát ngôn, trao đổi trên báo chí về việc này và nhận được nhiều sự đồng tình.

Là một người có ô tô cá nhân, ông không đề cập đến hạn chế xe ô tô cá nhân hoặc có những lý lẽ để ủng hộ hộ đi xe hơi cá nhân.

Tóm tắt 7 điểm chính trong quan điểm và lý luận của TS. Lương Hoài Nam về lý do tại sao nên cấm xe máy như sau:

1 - TS Nam cho rằng: "Nền giao thông xe máy đã và đang đầy đoạ bạn ngày ngày, với hiểm họa tai nạn giao thông có thể ập đến với gia đình bạn bất kỳ lúc nào".

--> Theo tôi, xe máy không phải là nguyên nhân duy nhất gây tai nạn. Số lượng người đi xe máy nhiều thì đương nhiên tỷ lệ tai nạn do xe máy cao hơn. Giống như xe Honda bao giờ cũng chiếm tỷ lệ là xe gây tai nạn nhiều nhất trong số các hãng xe vì nó đông khách hàng nhất. Trong thực tế, hầu hết các tai nạn thảm khốc thường là do ô tô gây ra.

2 -TS Nam cho rằng: Không có chính quyền nào lại liều lĩnh đến mức để dân hết cách đi lại khi thực hiện lộ trình từng bước hạn chế, tiến tới loại bỏ hoàn toàn xe máy khỏi giao thông đô thị mà sẽ phát triển mạnh mẽ giao thông công cộng văn minh, đủ sức phục vụ.

--> Theo tôi, suy diễn này mang tính chủ quan. Hà Nội muốn phát triển giao thông công cộng nhưng trong thực tế có phát triển được không thì là câu chuyện khác! Giữa kế hoạch và triển khai trong thực tế có đúng như mong muốn không thì đã có quá nhiều thực tế minh hoạ sinh động.

Phương tiện nào mới gây ra ách tắc?

Ô tô cá nhân hay xe máy là "tội đồ"?

3 - TS Nam cho rằng: "Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu (Trung Quốc), Yangon (Myanmar) và nhiều TP khác cũng đã cấm hoàn toàn xe máy hơn 10 năm rồi, họ có bị làm sao đâu?"

--> Theo tôi, 4/5 quốc gia trên thế giới không đi xe máy cũng không sao cả. Khi dẫn chứng các nước cần phải xem xét đến sự tương đồng trong hạ tầng, đường xá, khả năng triển khai chính sách, dự án... Không thể nguỵ biện rằng, họ không cần đi xe máy thì ta cũng tương tự được. Ta không đi xe máy chắc chắn... người dân sẽ có sao. Đấy là thực tế.

4 - TS Nam cho rằng: Nếu hạn chế xe cá nhân thì người dân sẽ đi lại bằng giao thông công cộng, đặc biệt là xe buýt. Nếu phủ kín Hà Nội, TPHCM với 20.000 xe buýt mỗi nơi, chỉ mất cỡ 2 tỷ USD. Nhưng để xe buýt hoạt động hiệu quả thì phải hạn chế, tiến tới cấm xe máy.

-->Theo tôi: Hà Nội hiện đang có hơn 1.200 xe chạy liên tục trong ngày trên 91 tuyến, vận chuyển được trên 500 triệu lượt hành khách trong một năm. Song xe buýt mới vận chuyển được 12 đến 13% hành khách có nhu cầu.

Với hơn 5,5 triệu chủ sở hữu xe cá nhân Hà Nội đang có, chỉ cần 50% số này bỏ xe cá nhân, Hà Nội sẽ có hơn 2,4 triệu người cần đi xe buýt mỗi ngày. Nếu mỗi chủ sở hữu xe cá nhân đi 1 lượt xe buýt, thành phố sẽ phải có hơn 2,4 triệu lượt vị trí trên xe buýt để phục vụ người dân.

5 - TS Nam cho rằng: Bình quân mỗi km đường Hà Nội hiện đang “gánh” hơn 2.300 xe máy/km đường. Xe máy kín đường thì xe buýt chạy nhanh, an toàn sao được? Số ô tô các loại trên 1 km đường ở Hà Nội là 146 chiếc/km, so với hơn 200 chiếc/km ở Singapore, hơn 300 chiếc/km ở Hong Kong.

-->Theo tôi, việc tính toán này không nên thực hiện 1 cách cơ học, đơn giản. Ô tô cá nhân thường chỉ chở 1 người và xếp lại nó mất diện tích của khoảng 6 chiếc xe máy.

Như vậy, cần nhân lên 6 lần để tính con số tương đương, nghĩa là 146 ô tô tương đương 876 xe máy. Trong khi chỉ đáp ứng nhu cầu của gần 200 người. Không cần làm phép tính nhiều có thể thấy nó "ưu việt" ra sao trong việc góp phần giảm tải cho giao thông.

Không ít các con đường tắc là do những chiếc ô tô có kích thước lớn đỗ vô tội vạ, dàn hàng 2- 3. Vì kích thước ô tô lớn, nó dễ gây kẹt khi có 2-3 xe chèn nhau trong không gian hẹp. Trong khi xe máy linh hoạt hơn nhiều, cho phép luồn lách, dễ dàng lưu thông đồng thời nhiều xe.

6 - TS Nam cho rằng: Không cần phải hạn chế ô tô cá nhân vì ô tô cá nhân đã bị hạn chế rất mạnh thông qua thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế nhập khẩu, làm cho giá xe ô tô ở Việt Nam đắt vào bậc nhất thế giới rồi.

-->Theo tôi, đây là một lý luận có tính đánh tráo khái niệm. Dù cùng là công cụ hạn chế song việc đánh thuế nặng không thể đánh đồng với việc hạn chế xe cá nhân ở đô thị được. Vì nó ngăn người nghèo mua chứ không ngăn được người giàu và không định lượng được, nó không phải là công cụ hạn chế xe cá nhân đối với giao thông đô thị.

7 - TS. Nam cho rằng: Ô tô là loại phương tiện giao thông đô thị an toàn, tiện nghi và văn minh bậc nhất mà loài người phát minh ra, chẳng lẽ chúng ta đi ngược lại xu thế văn minh của nhân loại để ước mơ có xe ô tô của người dân ngày càng xa vời.

-->Theo tôi, quan điểm này mang tính nguỵ biện, không tính tới cái đích cuối cùng là giải bài toán giao thông đô thị. Nếu mỗi km đường không có 146 chiếc ô tô cá nhân mà giải quyết được tắc đường thì nên lựa chọn hơn là bắt hơn 2.000 người đi xe máy phải cuốc bộ hoặc đi xe buýt trong tình trạng quá tải chứ? Bài toán của ta là giải quyết giao thông chứ không đặt tới vấn đề văn minh. Văn minh không chỉ thể hiện ở mỗi cái xe được.

TS. Lương Hoài Nam là một người có sức ảnh hưởng, tiếng nói được lắng nghe. Hy vọng ông vẫn nghe những ý kiến này như 1 sự phản biện vì mục đích cao nhất là để con cháu chúng ta được tận hưởng cái gọi là văn minh đô thị ở một thành phố vì hoà bình và đáng sống.

(*Đây là quan điểm cá nhân của một Facebooker)

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top