Aa

World Bank: Việc triển khai tiêm vắc-xin sẽ tác động đến tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Linh Chi
Linh Chi hoanguyen1304@gmail.com
Thứ Hai, 15/03/2021 - 06:32

World Bank khuyến nghị Việt Nam trong thời gian tới cần đặc biệt chú ý đến việc triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 vì hoạt động này sẽ tác động đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Tại Báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 3/2021 công bố mới đây, Ngân hàng Thế giới (World Bank) nhận định, những biện pháp ứng phó kịp thời của Chính phủ đã giúp nhanh chóng kiểm soát đợt bùng phát dịch Covid-19 vào cuối tháng 1.

Cụ thể hơn, Chính phủ đã nhanh chóng đưa ra các biện pháp nghiêm ngặt nhưng có mục tiêu để ngăn chặn đợt bùng phát dịch Covid-19 mới ở tâm chấn là tỉnh Hải Dương, kể cả trong những ngày Tết. Chỉ số đo lường mức độ nghiêm ngặt của các chính sách giãn cách xã hội đã tăng vọt vào cuối tháng 1 và duy trì ở mức cao trong nửa đầu tháng 2. 

Nhờ đó, số lượng các ca nhiễm mới bắt đầu có xu hướng giảm và các hạn chế phần nào được nới lỏng trong nửa cuối của tháng. 

Chính phủ Việt Nam nhanh chóng có biện pháp ứng phó với đợt dịch bệnh Covid-19 mới

Cùng lúc đó, Việt Nam đã phê duyệt 3 loại vắc-xin, Astra Zeneca (Anh), Moderna (Mỹ) và Generium (Nga). Chính phủ cũng đã thông qua nghị quyết mua tổng cộng khoảng 150 triệu liều vắc-xin phòng bệnh Covid-19 và nêu rõ các nhóm đối tượng được ưu tiên.

Việt Nam đã nhận được 117.000 liều vắc-xin đầu tiên vào cuối tháng 2/2021, và hoạt động tiêm vắc-xin đã được triển khai từ ngày 8/3/2021, bắt đầu từ các nhân viên y tế tại Hà Nội, TP.HCM và Hải Dương.

Trong tháng 2/2021, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 7,2% so với cùng kỳ năm trước. World Bank đánh giá, sự sụt giảm này chủ yếu phản ánh sự khác biệt giữa hai năm về thời điểm nghỉ Tết, khi các nhà máy ngừng hoạt động trong một tuần.

Tính bình quân trong hai tháng đầu năm 2021, chỉ số này vẫn ghi nhận mức tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất kim loại, và sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học tiếp tục tăng lần lượt 8,6% và 3,2% trong tháng 2, nhờ nhu cầu cao trên thị trường thế giới.

Chỉ số sản xuất công nghiệp giảm trong tháng 2/2021

Đáng chú ý, theo báo cáo của World Bank, mặc dù có đợt bùng phát dịch Covid-19 mới, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong tháng 2 vẫn tăng 0,3% so với tháng trước và 8,3% so với cùng kỳ năm trước nhờ nhu cầu tiêu dùng cao hơn trong dịp Tết.

"Dù vẫn thấp hơn trước khi có dịch Covid-19, tỷ lệ tăng trưởng này cho thấy những biện pháp ứng phó có mục tiêu của Chính phủ với đợt bùng phát đã giảm thiểu việc tác động tiêu cực của những biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt đối với các hoạt động kinh tế lan sang các tỉnh ngoài tâm chấn", báo cáo nhấn mạnh.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng nhờ doanh số bán lẻ hàng hóa tăng mạnh hơn trong tháng 2 (10,5%, so với cùng kỳ năm trước) so với tháng 1 (5,4%, so với cùng kỳ năm trước). Trong khi doanh thu từ dịch vụ lưu trú và ăn uống chỉ thấp hơn 0,1% so với một năm về trước, dịch vụ lữ hành tiếp tục giảm sút nghiêm trọng với mức giảm 60,8% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa sụt giảm trong tháng 2/2021

Sau khi giảm vào tháng 1/2021, Việt Nam đã thu hút được 3,4 tỷ USD vốn FDI vào tháng 2/2021, cao hơn 70,4% so với tháng trước và tăng gấp ba lần giá trị vốn FDI ghi nhận vào tháng 2/2020.

Sự gia tăng về vốn FDI này trong bối cảnh đại dịch Covid-19 được World Bank chỉ ra là do được thúc đẩy bởi hoạt động đăng ký cấp mới (tăng 265,7% so với cùng kỳ năm trước) và tăng vốn (tăng 273,0% so với cùng kỳ năm trước). Các dự án lớn bao gồm: Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II trị giá 1,31 tỷ USD tại Cần Thơ và Nhà máy sản xuất modul tấm nền OLED trị giá 750 triệu USD tại Hải Phòng.

Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2 tháng đầu năm 2021

Trong tháng 2, tăng trưởng tín dụng duy trì ở mức 12,0% (so với cùng kỳ năm trước), tương đương tốc độ ghi nhận trong những tháng gần đây. Tỷ lệ tăng trưởng này chỉ thấp hơn 1 - 2 điểm phần trăm so với trước khủng hoảng Covid-19, phản ánh sự phục hồi của nền kinh tế thực và chính sách tiền tệ nới lỏng của Ngân hàng Nhà nước.

Tăng trưởng tín dụng táng 2/2021

"Việc nhanh chóng kiểm soát đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 mới vào cuối tháng 1/2021 đã giúp duy trì triển vọng phục hồi kinh tế tích cực của Việt Nam trong năm 2021", World Bank đánh giá.

Tuy nhiên, nhóm chuyên gia của đơn vị này khuyến nghị Việt Nam trong thời gian tới cần đặc biệt chú ý đến việc triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 vì hoạt động này sẽ tác động đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Đặc biệt, có thể sẽ cần có thêm những can thiệp về chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ phục hồi nhu cầu của khu vực tư nhân./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top