Trịnh Văn Quyết – Người hồi sinh những “vùng đất” khó!

Trịnh Văn Quyết – Người hồi sinh những “vùng đất” khó!

Sơn Bà
Sơn Bà Congnguyenthanhyb@gmail.com
Thứ Ba, 27/07/2021 - 06:06

Doanh nhân Trịnh Văn Quyết là người tiên phong góp phần thay đổi chân dung của Sầm Sơn nói riêng và Thanh Hoá nói chung. Nhiều thứ không hay từng bước được dẹp bỏ, thay vào đó là sự văn minh và hiện đại. Chính FLC đã khởi động công cuộc này.

Doanh nhân Trịnh Văn Quyết cũng là người tiên phong thay đổi diện mạo của Quy Nhơn nói riêng và Bình Định nói chung. Nếu như không có sự xuất hiện của FLC, Quy Nhơn vẫn như một nàng công chúa mơ màng ẩn dưới lớp cát trắng bạc màu, ngàn năm giữ mình trong quên lãng.

Rồi FLC Hạ Long nằm trên khu đồi khai thác than "thổ phỉ", vùng bán sa mạc gần như không người ở, hiện lên dự án FLC Quảng Bình và biết bao siêu dự án khổng lồ khó kể hết tên. Có lẽ, mỗi dự án là một số phận. Sẽ có những góc khuất mà chẳng bao giờ ta chạm đến được, nhưng thật tình cờ là dự án nào cũng có một điểm chung: “Nở hoa” trên đất khó – nơi mà tưởng chỉ có… người điên mới lao vào.

Doanh nhân Trịnh Văn Quyết cũng là người thay đổi thị phần và chất lượng dịch vụ hàng không Việt Nam chỉ sau hai năm tham gia vào thị trường. Trước đó, ai cũng nghĩ hàng không là một vùng đất khốc liệt, không dành cho FLC. Trước khi Bamboo Airways cất cánh, người ta vẫn nghĩ ông Quyết… chém gió, mạo hiểm, bất khả thi… Thậm chí tôi biết, có không ít người đánh cược FLC sẽ trắng tay với Bamboo Airways.

Sau tất cả, thực tế đã chứng minh. Thời gian đã trả lời và đền đáp xứng đáng cho những khát vọng của doanh nhân Trịnh Văn Quyết, dù trước đó, người ta nghĩ ông ấy “hoang tưởng”.

Và “chàng hoàng tử” Trịnh Văn Quyết vẫn đang âm thầm “đi ngược chiều gió” để đánh thức những vùng đất "ngủ quên".

Nhưng có lẽ, “vùng đất” khó nhất mà doanh nhân này đã chạm tới và đang góp phần cải tạo, nâng cấp và bồi đắp, không phải là một vùng đất như chúng ta đang nghĩ – đã có vị trí và địa chỉ rõ ràng trên bản đồ.

 

 

Ngày 4/5/2014, siêu dự án kỷ lục của đầu tư tư nhân từ trước đến nay: 450ha chính thức được khởi công trên quê hương xứ Thanh do Tập đoàn FLC đầu tư, với số vốn 5.500 tỷ đồng, gồm sân golf 18 hố và khu nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế… 9 tháng sau,, siêu quần thể nghỉ dưỡng lớn nhất miền Bắc đã hoàn thành trong sự ngỡ ngàng đến kinh ngạc, trở thành cực hút khách của cả tỉnh Thanh Hoá.

Điều gì đã làm nên sự thần kỳ đó? Tôi nghĩ đi nghĩ lại và thấy rằng, có lẽ không ai hiểu điều đó hơn ông Trịnh Văn Chiến, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá – người đã gắn bó với FLC Sầm Sơn từ khi ý tưởng còn đang thai nghén.

- Ông Trịnh Văn Quyết có nguyên tắc đầu tư “5 không”: “Không xin, không mua lại, không làm chung dự án, không làm nhỏ và không làm chậm”. Bởi trước tiên, nếu như địa phương trải thảm đỏ mời gọi thì doanh nghiệp sẽ rất thuận lợi. Trên cơ sở đó, mới có “4 không” còn lại. Thưa ông, FLC Sầm Sơn có phải là dự án như vậy?

Ông Trịnh Văn Chiến: Đến năm 2013, Thanh Hóa đã thu hút được nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, nhưng còn rất khiêm tốn. Thanh Hoá là tỉnh có diện tích đứng thứ 5 cả nước, dân số chỉ sau Hà Nội và TP.HCM; Tiềm năng về mọi mặt cho phát triển còn rất lớn. Chính vì thế, lãnh đạo Tỉnh thời kỳ đó có nhiều trăn trở, làm sao để thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư trong nước và ngoài nước.

Trong thu hút đầu tư, lãnh đạo tỉnh đã nghĩ tới việc trân trọng tất cả các doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng phải tập trung cao thu hút các nhà đầu tư lớn, làm ăn bài bản, khoa học. Muốn vâỵ, lãnh đạo tỉnh phải đi đấu mối, không để các nhà đầu tư lớn đi xin dự án; Vì làm thế vô hình chung thương hiệu của các tập đoàn lớn bị xoá nhoà. 

Suy nghĩ và hành động đó đã trùng hợp với doanh nhân Trịnh Văn Quyết và hai bên đã đến được với nhau.

- Khi có sự trùng hợp và đã đến được với nhau thì mọi thứ sẽ trở nên thuận lợi hơn? 

Ông Trịnh Văn Chiến: Mới chỉ bước đầu thôi, còn nhiều việc phải làm, nhiều vấn đề phải giải quyết lắm thì việc giữa tỉnh và doanh nghiệp lớn đến được với nhau mới có kết quả hiệu quả được. 

Tôi cho rằng cơ bản có 4 việc sau: 

Thứ nhất, cần sự chia sẻ, thông cảm và hiểu biết lẫn nhau trên nguyên tắc: Tỉnh mời doanh nghiệp đến, còn Tập đoàn FLC không đi xin dự án; tức là xác định vị thế, vị trí đôi bên để cùng làm việc. Do vậy, cần phải hiểu sâu nguyên tắc ấy và từ đó biến thành hành động của chính quyền tỉnh Thanh Hoá trong làm việc với Tập đoàn FLC. 

Tuy nhiên, chính quyền các cấp không dễ thực hiện được nguyên tắc đó, bởi cán bộ này cán bộ kia vẫn quen nếp cũ; thậm chí một số cán bộ lãnh đạo cũng không dễ chia sẻ, và hành động theo nguyên tắc này đâu. Vậy muốn nhà đầu tư tập trung cao cho thành công của dự án thì người đứng mũi chịu sào phải xử lý được vấn đề này. 

Thứ hai, các thủ tục hành chính liên quan tới đầu tư của các doanh nghiệp lớn phải được ưu tiên để giải quyết. Nói thế thì có thể các doanh nghiệp vừa và nhỏ không đồng tình, nhưng quan điểm phải rõ ràng: Đầu tư lớn thì phải ưu tiên và hỗ trợ hơn, chỉ đạo gắt gao và sâu sát hơn. Đi liền với đó là những tổ chức, cá nhân gây khó khăn, nhũng nhiễu thì phải biết được họ là ai, họ ở đơn vị nào để có chỉ đạo buộc họ phải vì sự phát triển của tỉnh mà tự mình thay đổi nếu không sẽ bị xử lý. 

Nhớ lại trong giai đoạn hơn 4 năm làm Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa (2010 – 2014), tôi đi dự và phát biểu khởi công nhiều dự án nhưng duy nhất có dự án FLC Sầm Sơn, khi dự khởi công xong tôi về và yêu cầu Văn phòng UBND Tỉnh ra thông báo chỉ đạo của Chủ tịch UBND Tỉnh về thực hiện dự án này. Tại buổi lễ khởi công, có cả đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ dự, tôi tuyên bố với đội ngũ Giám đốc các sở (thuộc thẩm quyền quản lý của Thường vụ Tỉnh ủy): Nếu đồng chí nào không thực hiện những chỉ đạo của tôi thì dứt khoát là đình chỉ công tác và xử lý. Tôi phải làm rắn tới mức độ như vậy, vì sự thành công của dự án lớn nhất của đầu tư tư nhân ở Thanh Hoá đến thời điểm này. 

Thứ ba, để Tập đoàn FLC cảm thấy yên tâm thì cần phải tạo cho họ một số điều kiện. Ví dụ, nếu vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh có thể đáp ứng được thì cần phải tạo điều kiện cho các nhà đầu tư làm. Như vậy, tỉnh được lợi, doanh nghiệp trên địa bàn, người dân và chính Tập đoàn FLC cũng được lợi. Cái này không riêng gì Tập đoàn FLC mà các nhà đầu tư khác cũng vậy. 

Hay như công tác giải phóng mặt bằng, cũng phải làm chỉ đạo để thực hiện nhanh nhất, an toàn nhất, đúng yêu cầu về thời gian của nhà đầu tư…

Cũng có những doanh nghiệp quan tâm tỉnh hỗ trợ vấn đề tài chính, nhưng với các tập đoàn lớn, họ cũng không quan trọng vấn đề này lắm. Miễn là làm sao họ được tôn trọng và tạo các điều kiện để thực hiện tốt dự án đầu tư của họ. 

Thứ tư, phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo để bảo vệ các nhà đầu tư trên tất cả các hoạt động. Từ vấn đề về dư luận xã hội đến an ninh trật tự và nhiều việc khác liên quan đến dự án. Ví dụ, như ở góc độ về dư luận xã hội, nhất là tỉnh có truyền thống văn hóa lâu đời như Thanh Hóa, có rất nhiều mặt tốt, nhưng cũng có mặt không được tích cực, có nhiều ý kiến nói ra nói vào, dư luận phản đối nhiều là điều không thể tránh khỏi. Nếu dư luận như vậy mà chính quyền không đứng ra bảo vệ nhà đầu tư thì khó làm lắm. Và điều quan trọng là cán bộ và người dân hiểu sai thiện chí của nhà đầu tư trong đầu tư ở địa phương, làm cho hình ảnh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Điều này ở Thanh Hoá tôi thấy rất là thấm thía. 

Tất cả những việc như vậy đều rất quan trọng, quyết định sự thành bại của một dự án.

- Trong chính nội bộ chính quyền Thanh Hoá, có nhiều người phản đối dự án của FLC hoặc chưa hiểu hết được giá trị và tầm quan trọng của dự án không, thưa ông?

Ông Trịnh Văn Chiến: Cũng có một bộ phận chưa hiểu, chưa chia sẻ, chưa thông cảm. Đến bây giờ, người dân Thanh Hoá hoàn toàn được thuyết phục bởi dự án này. Về sau cũng có một vài ý kiến nói về rừng phòng hộ, nhưng hiện nay, số cây phòng hộ phải gấp hàng chục lần so với thời điểm trước khi triển khai dự án. Đó là sự nghiêm túc, trách nhiệm và đàng hoàng của nhà đầu tư.

Ngày 13/10/2014, ông Trịnh Văn Chiến, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã đi thăm dự án FLC Samson Beach & Golf Resort do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư.

Riêng cá nhân tôi cho rằng, khi làm việc với các nhà đầu tư lớn như FLC và doanh nhân Trịnh Văn Quyết, bản thân tôi và cán bộ Thanh Hoá cũng học được nhiều về tư duy phát triển kinh tế. Điều này rất bổ ích đối với tư duy quản lý và hoạch định chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của Tỉnh. Chúng ta dễ dàng nhận thấy, khi FLC vào, nếu chính quyền tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm, sẽ tạo ra hiệu quả kinh tế lớn, tăng thu ngân sách, có công ăn việc làm cho người dân. Còn lãnh đạo thì được gì? Theo tôi, nếu lãnh đạo cầu thị sẽ có thêm kiến thức khi nói chuyện, tiếp xúc và giải quyết công việc với các doanh nhân lớn. Hiện tại, còn một số cán bộ quản lý đang tư duy phát triển kinh tế – xã hội theo sách vở, thậm chí còn chủ quan duy ý chí, nhưng Chủ tịch các tập đoàn lớn thường có tư duy sắc bén về kinh tế, rành rọt, rõ ràng và đặc biệt hết sức chú trọng đến hiệu quả. Đó là những khoảng trống cần bù đắp cho chính đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp, nhất là cán bộ chủ chốt của tỉnh…

- Có nhân viên của FLC kể lại với tôi rằng, khi làm dự án FLC Sầm Sơn, ông Quyết trong bộ dạng áo phông, quần đùi đích thân lặn lội trên công trường lúc 1, 2 giờ sáng để kiểm tra từng hạng mục. Có những ngày ông ấy chỉ ngủ 3, 4 tiếng, mắt thâm quầng. Chính sự quyết liệt và sâu sát của ông Quyết đã khiến FLC cán đích trong vòng 9 tháng. Giai đoạn 1, dự án hoàn thành khu biệt thự biển, khu khách sạn, trung tâm hội nghị quốc tế 1.200 chỗ, 2 khu spa, sân golf 18 hố view biển và hệ thống hơn 150 bể bơi… Năm 2017, FLC Grand Hotel Samson – khách sạn tiêu chuẩn 5 sao thứ hai tại FLC Sầm Sơn ra đời, bổ sung thêm 586 phòng hạng sang với tầm nhìn hướng biển. Bên cạnh hệ thống hơn 1.000 phòng khách sạn và biệt thự biển theo phong cách hiện đại, sang trọng, FLC Sầm Sơn cũng sở hữu chuỗi 17 nhà hàng và quán bar đa dạng.

Chính ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với ông Trịnh Văn Quyết, khi chưa đến 1 năm đã xây dựng xong khu FLC Sầm Sơn từ bãi sình lầy thành khu nghỉ dưỡng như ngày hôm nay.

Theo quan sát của ông, trước và sau khi FLC vào Sầm Sơn thì vùng đất ấy có sự thay đổi như thế nào?

Ông Trịnh Văn Chiến: Sự thay đổi là quá lớn.

Thứ nhất, không gian cảnh quan đã khác một trời một vực. Và Sầm Sơn từ một đô thị tai tiếng với câu chuyện “9 tháng Thu, Đông, Xuân mài dao; 3 tháng Hè chặt chém”… đã trở thành một đô thị nổi tiếng.

Cũng bởi “Hè chặt chém” như vậy nên nhiều du khách có lời nguyền không bao giờ đến Sầm Sơn nữa. Nhưng sau khi FLC vào, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung của tỉnh, Sầm Sơn đã thay đổi về mọi mặt.

Có một lần, trong một buổi dạ tiệc, có người khách đến nói với tôi rằng, em đã bỏ lời nguyền. Lúc đầu tôi không hiểu, nhưng sau mới hiểu ra rằng, câu chuyện bỏ lời nguyên là như trên. Để thấy sự thay đổi của Sầm Sơn là rất ngoạn mục.

Thứ hai, Sầm Sơn đã trở thành đô thị loại III. Ngày xưa, vùng đất này là đầm lầy mà giờ đây đã trở thành đô thị với những công trình đẳng cấp 5 sao. Sau khi FLC Sầm Sơn đi vào hoạt động, nhiều dự án bất động sản du lịch, khách sạn cao cấp, nhà hàng mọc lên, Sầm Sơn đã trở thành một đại đô thị biển văn minh và hiện đại hơn, mỗi năm thu hút hàng triệu lượt khách du lịch. Văn hoá du lịch cũng thay đổi theo hướng tích cực hơn.

Thứ ba, người dân văn minh hơn, có cuộc sống tốt hơn. Khi ông Quyết vào, giá đất tăng cao. Trước khi có dự án, giá đất cao nhất ở mặt đường Hồ Xuân Hương cũng chỉ khoảng 14 triệu đồng/m2, giờ lên tới 140 – 150 triệu đồng /m2. Tức là 5 năm sau; hay khu vực quảng cư trước khi dự án vào, giá đất chỉ khoảng 1- 1,2 triệu /m2, bây giờ đã trên dưới 30 triệu /m2, chỉ có khoảng 4-5 năm. Như vậy, người dân được hưởng lợi rất lớn, Nhà nước cũng thu thêm được thuế.

Có thể nói, với việc Tập đoàn FLC vào Sầm Sơn đã làm cho Sầm Sơn thay đổi theo hướng tích cực, cả về không gian kiến trúc và văn hoá văn minh du lịch; đặc biệt là kinh tế du lịch phát triển rất nhanh chóng. 

- Khi tôi trao đổi với PGS. TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam và TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương thì cả hai chuyên gia đều chung một nhận định: Cùng với quy hoạch và định hướng thu hút đầu tư phát triển có tầm nhìn, Thanh Hóa cần tạo môi trường du lịch “đàng hoàng”, văn hóa. Nếu văn hóa du lịch của người dân thấp thì rất khó để vươn xa. Thời gian qua, đã có những tác động tích cực, những Tập đoàn lớn như FLC đã thay đổi chân dung của Sầm Sơn. Nhiều thứ không hay từng bước được dẹp bỏ. FLC đã khởi động công cuộc ấy.

Từ quan sát của mình, ông có cảm nhận gì trước những nhận định này?

Ông Trịnh Văn Chiến: Điều đó là quá đúng. Là người trong cuộc, tôi biết rõ bối cảnh của Thanh Hóa những năm 2013 – 2014 trở về trước. Lời nhận xét của những chuyên gia kinh tế hàng đầu đất nước như trên là rất xác đáng. Tôi có một vài ý như sau:

Khi làm Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá, tôi nghĩ, để nâng Thanh Hóa lên, cần có hai sân: “Sân bay và sân golf” (cười). Thế nên, phải tập trung lo cái sân bay, rồi lo tiếp cái sân golf bằng cách kêu gọi ông Trịnh Văn Quyết vào.

Khi làm điều đó, tôi cũng không biết được sau này, thương hiệu của Thanh Hóa lan tỏa như thế nào. Tôi chỉ nghĩ trong đầu rằng, hai cái đó sẽ nâng tầng thương hiệu, du lịch sẽ phát triển, thu hút đầu tư sẽ cao. Nhưng sau này mới thấy làm được hai cái đó thật sự quá giá trị, ngoài sự mong đợi ban đầu.

Sau này có nhiều dự án khác vào, đầu tư FDI của Thanh Hoá đến năm 2020 đạt khoảng 13,8 tỷ USD, đầu tư trong nước khoảng 10 tỷ USD, cơ bản thực hiện xong. Thương hiệu, uy tín của Thanh Hóa với các tỉnh thành trong cả nước, với Trung ương, thậm chí là với nước ngoài được nâng cao. Ngày xưa, khi tôi đi Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore…, không ai biết đến Thanh Hóa, nhưng giờ đã có nhiều doanh nghiệp nước ngoài quan tâm. Ngay như sân golf của FLC, có nhiều khách du lịch Hàn Quốc biết và tìm đến, hay như Nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn…, có nhiều người nước ngoài làm việc. Họ sẽ là những người giới thiệu Thanh Hoá với bạn bè quốc tế.

Như vậy, nếu lấy năm 2014 là mốc để so sánh phân tích thì việc FLC vào Thanh Hoá là bước ngoặt của Sầm Sơn và góp một xung lực quan trọng cho Thanh Hoá phát triển. 

 

Sau này, tôi nghĩ nên có Hội thảo để bàn và đánh giá lại việc FLC đầu tư vào Thanh Hóa một cách thật khách quan, chứ không người ta cứ nhìn nhận nhiều khi méo mó, không đúng sự thực.

Tôi khẳng định rằng, nếu FLC không vào thì thương hiệu du lịch Thanh Hóa trên bản đồ du lịch Việt Nam sẽ không đâu vào đâu, còn khiêm tốn lắm. Rồi Sầm Sơn có lên thành phố được không? Chắc chắn là không thể, nếu như FLC không vào.

FLC và doanh nhân Trịnh Văn Quyết đã góp phần quan trọng làm nên thương hiệu, uy tín của Thanh Hoá như ngày hôm nay.

Quan trọng hơn hết, FLC đã tạo ra một điểm nhấn để thay đổi tư duy thu hút đầu tư, thay đổi tư duy về phát triển du lịch. Và đặc biệt, một số cán bộ cầu thị trong thời kỳ đó cũng có thêm được một số kiến thức rất quan trọng và cần thiết, góp phần vào tư duy phát triển của Thanh Hóa.

Tôi đã ngồi với các doanh nhân là ông Trịnh Văn Quyết, ông Phạm Nhật Vượng, ông Lê Viết Lam…, mỗi người có một cách làm và tư duy riêng. Bản thân tôi học được rất nhiều điều. Tôi cho rằng, người lãnh đạo không chỉ chú trọng kêu gọi đầu tư đơn thuần, mà quan trọng hơn, là kiến thức thu nhận được qua từng dự án, từng câu chuyện đầu tư cụ thể.

- Chính việc doanh nhân Trịnh Văn Quyết đầu vào Thanh Hóa đã kéo theo xu hướng các tập đoàn lớn, nhỏ khác đổ về địa phương?

Ông Trịnh Văn Chiến: Chính FLC là minh chứng cụ thể để hấp dẫn các nhà đầu tư khác vào Thanh Hoá cùng đầu tư và cùng lo cho sự phát triển của Thanh Hoá.

 

- Đúng như ông chia sẻ. Nhưng ở mình, nhiều cán bộ cũng cao ngạo lắm, có phải ai cũng hiểu được như vậy đâu?!

Ông Trịnh Văn Chiến: Nhiều lãnh đạo quan niệm, họ đẳng cấp hơn (ví dụ như chức danh Chủ tịch UBND tỉnh “oách” như thế), không tiếp thu và học hỏi từ doanh nghiệp, doanh nhân. Tôi cho rằng như thế rất nguy hiểm. Tôi nghĩ, trong xã hội, “mỗi người đều có một cái nhất”. Lãnh đạo thì nhất cái này, nhưng chủ tịch các tập đoàn lại nhất cái khác; thậm chí những người lao động họ cũng có cái nhất riêng của mình. Vậy nên, cầu thị học hỏi lẫn nhau thì tất cả sẽ tốt đẹp hơn. 

- Cụ thể, ông học được điều gì từ tư duy và hành động của doanh nhân Trịnh Văn Quyết?

Ông Trịnh Văn Chiến: Một dẫn chứng đơn giản là, nếu không có một buổi tối ngồi nói chuyện với ông Trịnh Văn Quyết thì suýt chút nữa, tỉnh Thanh Hoá đã nhập TX. Sầm Sơn vào TP. Thanh Hóa rồi. Điều này vô cùng tai hại.

Khi đó, bản thân tôi và một số ít lãnh đạo tỉnh chưa hiểu hết câu chuyện thương hiệu có giá trị như thế nào nên trong công tác chuẩn bị Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII (2015 – 2020) nên đã dự kiến đưa nội dung nhập TX. Sầm Sơn vào TP. Thanh Hoá. Ông Trịnh Văn Quyết có nói với tôi rằng: “Bao giờ anh cho nhập Sầm Sơn vào thì anh báo em trước để em bán hết tất cả tài sản và rút”. (cười)

Lúc đó, tôi mới giật mình nghĩ lại về câu chuyện thương hiệu của Sầm Sơn. Một đô thị mà người Pháp đã tìm ra hơn 100 năm nay, đã đi vào tiềm thức của nhiều người dân đất nước mình và một số bạn bè quốc tế, thế mà bị mất thương hiệu thì đó là điều tai hại. 

Sau đó, tôi nghĩ ông Quyết tập trung xây dựng thương hiệu FLC thì chúng tôi xây dựng thương hiệu Thanh Hóa.

 

- Theo quan sát của tôi, FLC gặp phải nhiều áp lực từ dư luận. Thậm chí, có những đánh giá không mấy thiện cảm. Vậy áp lực của ông khi lựa chọn và đồng hành cùng FLC làm dự án này là gì? Chúng ta có thể nhìn nhận ra sao về vai trò các doanh nhân như ông Quyết?

Ông Trịnh Văn Chiến: Tôi là người trong cuộc, tôi hiểu áp lực ghê gớm lắm! Áp lực từ trong lãnh đạo, từ trong cán bộ rồi đến một bộ phận người dân chưa hiểu hết vấn đề. Nhưng cái chính là do một bộ phận cán bộ quan điểm chưa thống nhất nên đẩy xuống dân, làm cho người dân hoang mang, và hồ nghi về việc thực hiện dự án. 

Khi đó, người đứng đầu tỉnh phải có trách nhiệm tháo gỡ khó khăn và áp lực cho nhà đầu tư và chính bản thân mình. 

Có lẽ, tôi nghĩ cũng không cần phải nói nhiều, giải thích nhiều mà hãy tập trung làm và khi công trình phát huy hiệu quả là câu trả lời tốt nhất. Bây giờ, người dân Thanh Hóa, Đảng bộ và chính quyền Thanh Hóa đã nhìn nhận và đánh giá ông Trịnh Văn Quyết khác hơn rất nhiều so với 7 – 8 năm trước đây.

- Chính ông cũng rất giữ ý khi giữ độ thân tình với FLC?

Ông Trịnh Văn Chiến: Ứng xử mọi công việc đều phải phù hợp với hoàn cảnh. Nếu nói câu chuyện sức ép thì từ cuối năm 2013, khi FLC vào Thanh Hoá, đến cuối năm 2020, khi tôi nghỉ công tác, vẫn có ý này ý kia. 

Nhưng, suốt cả thời gian làm Chủ tịch, đến Bí thư Tỉnh uỷ, tôi luôn có quan điểm ủng hộ các nhà đầu tư, cùng lo cùng làm để các nhà đầu tư yên tâm, nhất là những tập đoàn đầu tư vào vùng khó khăn và tạo ra những “cú huých” thì tôi càng ủng hộ. Nhưng để giải quyết cho hài hoà giữa quan điểm của tôi và áp lực như nêu trên thì không đơn giản. 

Ngày 4/5/2021, đúng 7 năm khởi công dự án Sầm Sơn, tôi có nói với ông Quyết là tôi muốn trồng một cây đa tại chùa Thiên Phúc trong quần thể FLC Sầm Sơn mà không trồng ở nhiều vị trí khác đẹp hơn trong dự án.

Tôi không trồng trong thời kỳ công tác, đó là chi tiết để thấy rằng, tôi có áp lực hay không và làm như thế nào thì tốt cho nhà đầu tư. Khi trồng cây, tôi cho đề tên tôi và ghi: “Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, thời kỳ 2010 –2014; Ủy viên TW Đảng Khoá XII, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa, thời kỳ 2015 – 2020, trồng nhân kỷ niệm 7 năm khởi công dự án FLC”.

- Thế mới thấy áp lực của dư luận lớn như thế nào…

Ông Trịnh Văn Chiến: Tại sao khi đương chức tôi không trồng cây? Nếu trồng khi đương chức thì chắc là “oách” hơn nhiều chứ! Tại sao năm nay tôi mới trồng? Bởi đây là năm đầu tiên tôi được nghỉ công tác. Như vậy để thấy rằng, bảo vệ một nhà đầu tư lớn một cách quyết liệt, mạnh mẽ, nhưng hợp tình, hợp lý thì không đơn giản. Còn nếu lúc đang công tác, cứ kệ nhà đầu tư để họ làm đến đâu thì hay đến đó, hoặc mình chỉ làm qua qua, thì cũng không sao. Giả sử nếu có kiểm điểm Bí thư hay Chủ tịch Tỉnh thì chắc là mình cũng không thiếu lý do để bao biện. Tất cả suy cho cùng đều nằm ở tâm huyết, tầm nhìn và trách nhiệm của cán bộ.

- Ông nghĩ sao về tư duy khai thác các nguồn lực kinh tế tư nhân nhìn từ những dự án đầu tư cụ thể như FLC Sầm Sơn?

Ông Trịnh Văn Chiến: Thật ra, để đất nước phát triển nhanh, mạnh thì đầu tư tư nhân giữ vai trò cực kỳ quan trọng. Nhà nước phải tập trung lo những công trình hạ tầng thiết yếu, phục vụ đời sống nhân sinh. Còn lại, những lĩnh vực khác mà Nhà nước chưa phủ đến, thậm chí một số lĩnh vực Nhà nước không có khả năng huy động vốn thì cần tập trung kêu gọi tư nhân vào đầu tư. Cho nên, Trung ương cũng đã có Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 (khóa XII) về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và ngay đối với tỉnh Thanh Hóa, sự phát triển về cơ bản dựa vào kinh tế tư nhân. Do vậy, để phát triển bứt phá, phải kêu gọi đầu tư tư nhân và chú trọng kêu gọi những tập đoàn có tên tuổi lớn, như cách Thanh Hoá kêu gọi FLC, bởi họ làm ăn bài bản, khoa học.

 

Quan điểm của tôi là, kinh tế tư nhân rất quan trọng. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, kể cả kinh tế hộ gia đình cũng có đóng góp đáng kể. Nhưng mình chưa có hành lang pháp lý đầy đủ và sự bảo hộ cần thiết nên sự phát triển nhiều khi còn bị bó hẹp lại. Nếu có chính sách tốt thì chắc chắn, đất nước sẽ phát triển nhanh, GDP sẽ tăng cao hơn nữa.

- Ông đánh giá ra sao về cách thức làm việc, tương tác với chính quyền của doanh nhân Trịnh Văn Quyết?

Ông Trịnh Văn Chiến: Tôi cho rằng ông Quyết là con người thông minh, tư duy kinh tế và tổ chức sản xuất kinh doanh tốt. Đặc biệt, đây là con người táo bạo, mạnh mẽ. Tôi thấy đó là những phẩm chất rõ ràng, và rất cần những con người như thế để thay đổi những vùng đất khó khăn.

Ngoài ra, về tình cảm thì đó là con người tuyệt vời, rất chân tình, đáng trân trọng.

 

Những doanh nhân như ông Trịnh Văn Quyết khi làm việc hay nêu ra những yêu cầu cao hơn, khó hơn để chính quyền giải quyết. Nhiều khi, cán bộ chưa đủ trình độ, năng lực để giải quyết thì cho rằng ông Quyết gây khó khăn, tạo áp lực cho mình, còn nếu cán bộ đủ khả năng để giải quyết thì rất thích cách làm của ông Quyết. Vì làm như vậy thì doanh nghiệp phát triển nhanh hơn và đơn vị địa phương cũng được hưởng lợi nhiều hơn. 

Tôi nghĩ, ông Trịnh Văn Quyết có những cách làm của tương lai, của sự văn minh và chuyên nghiệp, chứ không phải cách làm “có đi, có lại”.

- Ông có ấn tượng gì với cá nhân ông Trịnh Văn Quyết?

Ông Trịnh Văn Chiến: Điều tôi ấn tượng nhất ở doanh nhân Trịnh Văn Quyết là người thông minh.

Tôi xin nói câu chuyện về tầm nhìn của ông Quyết:

Từ năm 2004, dự án du lịch và sân golf Sầm Sơn đã có các nhà đầu tư đến nghiên cứu và tỉnh đã đồng ý chấp thuận. Sau đó, nhà đầu tư này không làm, tỉnh buộc phải thu hồi. Tiếp đến là 4 nhà đầu tư khác cũng gặp phải tình trạng như vậy. Có lẽ các nhà đầu tư khác không tìm được vật liệu để san lấp diện tích đầm lầy lớn như vậy, với khoảng trên dưới 6 triệu mét khối cát. Và vì vậy, họ bỏ dự án. Ông Quyết là nhà đầu tư thứ 6, khi lần đầu vào khảo sát, đã nhìn ra Cồn Nổi ở điểm giao giữa sông Mã đổ ra biển. Và nếu lấy Cồn Nổi đi, thì lợi cả đôi đường. Ở chỗ, Tập đoàn FLC thì có vật liệu để san lấp khu vực dự án, còn sông Mã thì đổ ra biển thuận lợi hơn, hạn chế nước khi đẩy vào Cồn Nổi tạo ra xoáy, sạt lở bờ biển Sầm Sơn về phía Nam. Và thế là Tỉnh đồng ý giải quyết, dự án FLC Sầm Sơn được thành công từ tầm nhìn này. Có lẽ đó là cái khác của ông Quyết mà tôi ấn tượng.

 

Tháng 5 năm 2020, tôi và TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ Quốc gia, có chuyến khảo sát vòng quanh thành phố biển Quy Nhơn và các tuyến phố dọc bờ biển của Bình Định. Quy Nhơn giờ thật nhiều gốc bàng biển là đỏ đang đồng loạt chuyển màu, tạo nên khung cảnh thật bình yên và thơ mông.

Hình ảnh những cây bàng biển được trồng tại FLC Sầm Sơn do ông Trịnh Văn Quyết chụp tháng 4/2019.

Ông Nghĩa trầm trồ trước sự thay đổi đến chóng mặt của thành phố biển này, nơi mà cách đó chừng 10 năm, không có lấy một dự án quy mô còn hạ tầng du lịch vừa thiếu, vừa sơ sài. Anh lái xe taxi cũng hào hứng kể với chúng tôi: “Gia đình tôi ở nơi khác chuyển đến đây, giờ muốn mua một mảnh đất đủ để làm nhà cũng khó vì giá cao quá trời. Chỉ trong khoảng 3 năm mà một lô đất 100m2 có giá khoảng 400 triệu đồng thì giờ đã tăng lên hơn 800 triệu đồng”.

Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cũng không ngờ FLC Quy Nhơn triển khai nhanh, bài bản và có sức ảnh hưởng đến thế. Tháng 4 năm 2015, FLC có mặt tại Bình Định để chính thức khởi công xây dựng quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Quy Nhơn có diện tích 1.300ha, tổng mức đầu tư 7.000 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục biệt thự nghỉ dưỡng và khách sạn 5 sao 1.500 phòng, trung tâm hội nghị quốc tế 1.500 chỗ, sân golf 36 hố, học viện golf, khu du lịch sinh thái biển, khu công viên động vật hoang dã, khu tâm linh và nhiều tiện ích khác. Và chỉ sau 1 năm đã khánh thành toàn bộ dự án. Tốc độ triển khai nhanh đến mức tưởng chỉ có trong mơ.

Tiếp đó, cuối năm 2020, FLC đã khánh thành FLC Grand Hotel Quy Nhon - khách sạn xây dựng theo tiêu chuẩn 5 sao có quy mô bậc nhất tại Việt Nam nói chung cũng như khu vực Nam Trung Bộ nói riêng. Khách sạn sở hữu khoảng 1.500 phòng, với sức chứa lên tới 3.500 người, toạ lạc tại quần thể FLC Quy Nhon Beach Golf Resort (FLC Quy Nhơn) – quần thể nghỉ dưỡng 5 sao đầu tiên của Bình Định. Sau khi đưa vào vận hành, khách sạn này sẽ nâng công suất của toàn quần thể lên 150%, tổng sức chứa hơn 5.000 khách.

Cách đây tròn 1 năm, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và cạnh tranh từng băn khoăn rằng, nhãn tiền thì FLC đã thành công và có nhiều cơ hội để tiếp tục trỗi dậy ở Bình Định. Tuy nhiên, cách đây dăm bảy năm thì không hiểu vì lý do gì, ông Trịnh Văn Quyết lại “đánh bắt xa bờ” khi đặt chân đến Bình Định.

Tôi cho rằng có hai lý do quan trọng. Trước hết, cũng giống với câu chuyện của Thanh Hoá, chắc chắn, FLC đã nhận được sự mời gọi và đồng hành của chính quyền. Thứ hai, quan trọng hơn, đó là tư duy toàn tâm, toàn lực, “sống chết” với địa phương, với vùng đất đã lựa chọn của ông Trịnh Văn Quyết.

Để giải mã nhận định này, một lần nữa, tôi lại tìm đến những người am hiểu và sát cánh với FLC khi vào Quy Nhơn ngay từ những ngày đầu tiên, đó là ông Nguyễn Thanh Tùng, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định (2015 – 2020) và TS. Trần Du Lịch, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, Thành viên Tổ tư vấn phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Bình Định – một người con của quê hương đất võ, trời văn.

Nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định hào hứng nhớ lại hơn 6 năm về trước, khi doanh nhân Trịnh Văn Quyết đặt chân đến Quy Nhơn, đây vẫn là vùng đất biển hoang hoá, không ai ngó ngàng tới. Tỉnh giao đất cho FLC và chỉ sau vài năm là có sự thay đổi ngoạn mục.

Ông Nguyễn Thanh Tùng cười sảng khoái và khẳng định chắc nịch với tôi: “FLC như con sói đầu đàn. Bình Định nhờ FLC tiên phong vào khai phá mở đường sau đó có nhiều nhà đầu tư vào. Tôi đánh giá cao vai trò của FLC đối với sự phát triển của Bình Định nhiệm kỳ vừa qua. FLC có những bước tiến rất nhanh (giai đoạn 2015 – 2020). FLC thành lập hãng hàng không Baboo Airways và trụ sở đóng tại Bình Định, tạo ra nhiều giá trị cho Bình Định trong giao thương, phát triển du lịch và kinh tế – xã hội”.

Người đứng đầu tỉnh Bình Định nhiệm kỳ qua cho biết, cũng giống như Thanh Hoá, Bình Đình đã chủ động mời gọi FLC vào vì xác định đây là nhà đầu tư tiềm năng và chiến lược. Và khi có sự theo sát của chính quyền, FLC đã quyết định đầu tư và đánh bật dậy tiềm năng vùng đất này. Tất nhiên, chỉ mời gọi thôi là chưa đủ.

TS. Trần Du Lịch cho rằng, tầm nhìn của doanh nhân Trịnh Văn Quyết chính là nhìn thấy con đường dẫn về vị trí dự định làm FLC Quy Nhơn – con đường dẫn ra biển, chứ không phải ở đây có biển thì FLC nhảy ngay vào. Hơn 6 năm về trước, chính ông Lịch là người đã dẫn ông Trịnh Văn Quyết đi khảo sát một vòng trước khi đưa ra quyết định đầu tư dự án này. Về vị trí và địa thế mà ông Quyết lựa chọn, ông Lịch cho rằng đó là một tầm nhìn xa.

Bên cạnh đó, ông Quyết có triết lý đầu tư là làm lớn, gắn bó dài lâu, tạo lợi thế cạnh tranh và tất cả cùng thắng. Ngay như câu chuyện vào Quy Nhơn, thuở ban đầu cũng như một tờ giấy trắng, FLC đã phác thảo ra tỉnh cần sản phẩm này, khách du lịch cần sản phẩm này, nhà đầu tư cần sản phẩm này… Thậm chí như ở Bình Định, trong 1 – 3 năm tới nếu như dịch bệnh được kiểm soát, ông Quyết còn dự định tạo ra thêm nhiều sản phẩm cho khu vực này nữa, ví dụ có thể giống như một khu outlet ở Mỹ. FLC được chính quyền địa phương tạo điều kiện để có thể xây dựng 6 dự án ở toà tháp đôi tại Bình Định, nhưng ông Quyết chỉ nhận một dự án và hứa sẽ làm tốt. Và sắp tới, FLC sẽ phát triển dự án du lịch nghỉ dưỡng ở Cù Lao Xanh.

- Khi ông Quyết tham gia dự án này, lãnh đạo tỉnh Bình Định có cảm thấy lo lắng hay không?

Ông Nguyễn Thanh Tùng: Không có bất cứ lo lắng nào. Một vùng bãi cát hoang hóa không ai sử dụng, không ai làm gì giờ có người vào đầu tư, chúng tôi vui mừng không hết chứ sao phải lo lắng?!

 

FLC vào chỉ hai năm sau đã khác hẳn, tốc độ phát triển rất nhanh với quyết tâm cao của doanh nhân Trịnh Văn Quyết và đội ngũ nhân sự của Tập đoàn. Chính quyền Bình Định cũng tạo mọi điều kiện tốt nhất để FLC yên tâm phát triển.

Thật ra, khi nhà đầu tư gặp khó khăn, tỉnh đã tìm cách tạo điều kiện. Chủ yếu là về các thủ tục hành chính làm sao để nhanh, đúng, đủ. Tôi xin khẳng định rằng, thủ tục tỉnh làm rất nhanh, đúng quy định của Nhà nước. Không phải ở đâu cũng giải quyết thủ tục nhanh như Bình Định.

- Không dễ gì để có thể tạo ra được phong thái phục vụ nhà đầu tư như vậy, đúng không thưa ông?

Ông Nguyễn Thanh Tùng: Tất nhiên cũng phải quán triệt đây là doanh nghiệp lớn mà Bình Định không dễ dàng có được. Chỉ khi thu hút được những doanh nghiệp như FLC đầu tư vào mới khiến địa phương bừng tỉnh. Cho nên, tôi đã quán triệt giữa các cấp, các ngành có liên quan cần tạo điều kiện thuận lợi cho FLC đầu tư. Cán bộ Bình Định rất quan tâm, hỗ trợ nhiệt tình.

 

Cuối năm 2014, dự án bắt đầu khởi công và đến cuối 2015 đã đi vào khai thác. Có lẽ không có dự án quy mô lớn nào triển khai nhanh đến như vậy.

- Qua dự án này, ông cảm nhận ra sao về doanh nhân Trịnh Văn Quyết?

Ông Nguyễn Thanh Tùng: Tôi chỉ biết tới ông Quyết qua dự án FLC Quy Nhơn. Chứ ông ấy đầu tư nhiều nơi với quy mô rộng lớn. Trong thời gian ông Quyết đầu tư ở Bình Định, tôi thấy đây là người có khát vọng, có quyết tâm, nói được làm được.

- Khi làm việc với chính quyền, thái độ và tác phong của ông ấy ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Thanh Tùng: Người đứng đầu Tập đoàn FLC luôn có sự quyết tâm, quyết đoán.

Do tỉnh Bình Định tích cực hỗ trợ nhà đầu tư nên hai bên gặp được nhau. Một bên là khao khát nhà đầu tư, một bên là quyết tâm thực hiện dự án. Tỉnh không đòi hỏi gì nên ông Quyết luôn đánh giá cao sự hỗ trợ của Bình Định. Tạo ra sự tin tưởng giữa chính quyền và doanh nghiệp là yếu tố tiên quyết để dự án thành công.

- Theo đánh giá của ông, dự án FLC Quy Nhơn có ý nghĩa ra sao đối với người dân xung quanh?

Ông Nguyễn Thanh Tùng: Ai cũng thấy được vai trò đầu tầu của FLC khi đầu tư vào Bình Định. FLC như con sói đầu đàn kéo theo nhiều con sói khác, cho nên Bình Định trong vòng mấy năm phát triển rất nhanh, Quy Nhơn có rất nhiều sự khác biệt. Người dân cũng tự thấy được vai trò của FLC đối với mình, nhờ có sự thành công của FLC nên các doanh nghiệp khác mới vào đầu tư khiến đời sống của người dân Bình Định được nâng cao hơn.

Giá đất xung quanh cũng tăng lên gấp nhiều lần. Nếu không có đầu tư thì đất cũng bỏ hoang mà thôi, bán chả ai mua chứ nói gì đến chuyện tăng giá.

Quần thể FLC Quy Nhơn có khoảng 5.000 cây dừa. Ông Quyết tự tay hái những trái dừa hồi tháng 11/2020.

- TS. Trần Du Lịch có nói khi FLC vào, tỉnh Bình Định đầu tư hạ tầng mạnh mẽ hơn?

Ông Nguyễn Thanh Tùng: Đúng vậy. Nhưng tôi phải tính trước một bước làm sao để tạo điều kiện cho nhà đầu tư. Tỉnh phải tập trung lo hạ tầng để nhà đầu tư yên tâm. Ví dụ, tỉnh đầu tư tuyến đường cao tốc 4 làn chạy từ sân bay về thẳng khu kinh tế Nhơn Hội. Doanh nghiệp bỏ ra số tiền lớn nhiều ngàn tỷ đồng đề đầu tư thay đổi cả một vùng đất thì phải có một tuyến đường mới tạo thuận lợi cho nhà đầu tư.

Tỉnh tập trung làm tuyến đường trong thời gian ngắn. Đường rất đẹp, chính giữa trồng cây chà là, chạy từ sân bay đến FLC Quy Nhơn chỉ mất khoảng 20 phút.

 

- Từ câu chuyện FLC vào Quy Nhơn, tỉnh có rút ra được bài học gì về phát triển kinh tế?

Ông Nguyễn Thanh Tùng: Khi FLC vào, Bình Định khởi sắc nhanh chóng kéo theo nhiều dự án như Becamex Bình Định. Tôi cũng cho làm tuyến đường 4 làn xe từ Quy Nhơn lên thẳng Becamex.

Tất nhiên, có đầu tư tư nhân thì tỉnh mới phát triển. Muốn thu hút đầu tư cũng giống như đàn sếu bay, trước hết phải có con sếu đầu đàn và nó sẽ kéo theo những con sau.

Ông Quyết có triết lý kinh doanh: “Không biến vàng thành trang sức mà biến sỏi đá thành vàng”. Ông ấy luôn chọn những vùng đất khó.

Các nhà đầu tư có cách để đảm bảo sinh lời nên luôn tính toán kỹ. FLC cũng vậy.

- Dư luận có nhiều ý kiến trái chiều về FLC của ông Quyết. Ông có thấy điều gì bất thường không?

Ông Nguyễn Thanh Tùng: Tôi cũng nghe cái này cái kia nhưng qua thực tế dự án ở Bình Định đâu có thấy gì đâu. Quan trọng là người ta đã làm gì cho mình, cho tỉnh Bình Định mà thôi.

Không có FLC vào thì mấy năm qua Bình Định khó mà phát triển được, có đầu tư thì tỉnh mới mạnh dạn làm giao thông, làm cơ sở hạ tầng. Rồi từ đó mới tiếp tục thu hút được đầu tư. FLC có vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển của Bình Định.

Nhìn rộng ra ở bình diện quốc gia, TS. Trần Du Lịch cho rằng, trong từng ngành nghề, số doanh nhân thành công mang tính dẫn dắt nền kinh tế hiện nay có khá nhiều. Từng lĩnh vực đều xuất hiện những “sếu đầu đàn”. Trong đó, có những doanh nghiệp nổi đình nổi đám trên mạng, nhưng cũng có khá nhiều doanh nghiệp thành đạt nhưng ẩn mình trước truyền thông.

Việt Nam đã có khá nhiều doanh nhân thành danh trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, bất động sản hay năng lượng tái tạo. Ví dụ đột phá đi vào công nghiệp công nghệ cao là trường hợp Vingroup hay Trường Hải. Cả ông Phạm Nhật Vượng và ông Trần Bá Dương đều xác định đi vào công nghệ trí tuệ nhân tạo.

Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng công trình hạ tầng theo hình thức BOT, đối tác công tư, nếu chính sách tốt sẽ thu hút doanh nghiệp tốt và đạt được nhiều thành công. Phải khẳng định rằng hiện nay, công trình xây dựng nào do tư nhân triển khai đều có tốc độ nhanh, bởi họ tận dụng được yếu tố thời cơ và thời gian.

Đặc biệt, không ít công trình du lịch, bất động sản du lịch do tư nhân làm đã mang đẳng cấp quốc tế.

- Đó là những chủ đầu tư nào, thưa ông?

TS. Trần Du Lịch: Tôi đánh giá rất cao những doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản, đã làm thay đổi, biến những vùng đất hoang vu, có tiềm năng nhưng bị bỏ quên hàng ngàn năm trở thành miền đất hứa.

Ví dụ như FLC, họ đã đóng góp rất lớn cho địa phương khi biến những cồn cát ở Nhơn Hội đầy nắng gió trở thành một khu du lịch nghỉ dưỡng phủ sắc xanh cực kỳ cao cấp, một địa điểm giá trị.

Thêm nữa, doanh nghiệp bất động sản cũng đóng góp rất lớn trong giải quyết vấn đề nhà ở đô thị, làm thay đổi cả bộ mặt đô thị. Như Novaland, Vinhomes, FLC… đã tạo ra biết bao hạ tầng đô thị, với những căn hộ hiện đại cho xã hội. Thử hỏi nếu không có tư nhân làm thì ai sẽ làm?

Dĩ nhiên, cũng không thể tránh khỏi còn những vấn đề, nhược điểm cần phê phán như bất cập liên quan đến quy hoạch, tiến độ, giá thành…

Tuy nhiên, thực sự chúng ta nên nhìn một cách công bằng và toàn diện hơn, khi doanh nghiệp, doanh nhân đã đem lại những sản phẩm gì, để lại những giá trị gì cho xã hội. Đó mới là điều nên nhìn nhận, còn nếu chỉ nhìn vào cái sai để phê phán thì chỗ nào chẳng có lỗi. 

Những công trình bất động sản nghỉ dưỡng “vươn lên” từ những vùng đất vốn hoang vu, đó chính là những tài sản hiện thực của xã hội, vì con người.

- Đối với quần thể FLC Quy Nhơn, doanh nghiệp triển khai dự án có gặp nhiều khó khăn không, thưa ông?

TS. Trần Du Lịch: Phải nói rằng, khi ông Trịnh Văn Quyết triển khai dự án ở Nhơn Hội cũng gặp may khi được địa phương tạo điều kiện vô cùng tuyệt vời. Thực sự, nơi nào phát huy được vai trò hỗ trợ của chính quyền, có chính quyền đứng sau lưng mạnh dạn hỗ trợ nhà đầu tư, nơi đó thường sẽ thành công.

Còn để nói về sai phạm, tôi cho rằng nơi nào cũng tồn tại sai phạm, bởi thực sự cơ chế của ta ai muốn làm nhanh đều rất dễ sai phạm. Nếu làm như đầu tư công không có sai phạm thì kéo dài không biết đến bao giờ mới xong một dự án.

Ta thấy gần đây, những tỉnh càng nghèo, càng khát khao phát triển, thì họ càng thích mời gọi những doanh nghiệp lớn tầm cỡ vào đầu tư. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, tôi nhận thấy có sự thay đổi quan trọng trong cách làm, đó là nhiều nơi đã không làm dự án theo kiểu cò con, mỗi ông một chút nữa, mà triển khai những dự án lớn. Ví dụ như ở Bình Thuận, trước đây vùng Mũi Né bị chia năm xẻ bảy thì giờ đây chuyển sang làm dự án lớn như Novaworld Phan Thiết. Có như vậy mới tạo ra được động lực phát triển.

Hay như kinh nghiệm của TP.HCM khi giao cả vùng trũng phía Nam mấy trăm héc-ta cho Phú Mỹ Hưng và doanh nghiệp đã triển khai thành công. Ngược lại, nếu chia nhỏ ra thì “nát” hết, khó mà làm được. FLC của ông Quyết cũng phát triển dự án theo hướng siêu quy mô, quần thể hội tụ chứ không bao giờ làm những dự án nhỏ lẻ. Đó là cách làm vừa trách nhiệm, vừa đúng với xu thế đầu tư hiện đại với những khát khao và nỗ lực rất lớn.

Tôi xin nhắc lại rằng, lĩnh vực nào doanh nghiệp làm cũng có lỗi nhất định, nhưng chúng ta đánh giá điều lớn nhất họ để lại cho dân tộc, khát khao họ hướng tới cái gì, đó mới là điều đáng nói.

- Có quá không khi gọi đó là những khát khao định vị chân dung Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới, thưa ông?

TS. Trần Du Lịch: Đó là những doanh nghiệp có khát vọng dấn thân, họ nghĩ làm những thứ vượt qua cả quan điểm thông thường với mọi người.

Đơn cử như việc Sun Group làm sân bay Vân Đồn, cao tốc Quảng Ninh – những công trình kỳ vỹ và đẳng cấp không thể phủ nhận. Thực sự, nếu quan sát kỹ thì thấy những doanh nghiệp lớn làm được những việc như vậy không có nhiều.

Còn riêng Nhơn Hội, quê tôi ở đó nên tôi biết, bao nhiêu đời nay đó là vùng cồn cát trắng. Khi FLC vào làm dự án đã khơi dậy cả một vùng đất, hình thành cả đô thị rộng lớn và khang trang. Giá trị mà doanh nhân Trịnh Văn Quyết để lại cho địa phương rất lớn, không biết bao nhiêu mà tính được. Nếu trở về thời điểm trước năm 2016, có lẽ không ai nghĩ rằng đất ở Nhơn Hội giờ đây đấu giá có thể thu được vài chục triệu đồng một mét vuông.

- Ông Trịnh Văn Quyết đưa ra triết lý đầu tư là khi vào tỉnh nào cũng suy nghĩ sẽ phát triển lâu dài tại tỉnh đó. Một địa phương để có thể thu hút nhà đầu tư, nhà phát triển dự án thì điều quan trọng nhất là sự đối xử công bằng của chính quyền tỉnh đối với các nhà đầu tư lớn và vừa, đặc biệt là nhà đầu tư chiến lược. Tức là sự đóng góp, sự đồng hành của chính quyền địa phương có vai trò quyết định đến sự thành công của doanh nghiệp tư nhân?

TS. Trần Du Lịch: Đúng vậy. Những nơi doanh nghiệp thành đạt, không thể phủ nhận được vai trò hỗ trợ, vai trò “bà đỡ” của chính quyền. Nơi nào chính quyền làm tốt điều đó, thậm chí “đỡ” cả dư luận, thì doanh nghiệp sẽ thành công.

Theo TS. Trần Du Lịch, ông Trịnh Văn Quyết có sự quyết tâm để thay đổi diện mạo vùng đất này chứ không chỉ riêng FLC Quy Nhơn. Với chỉ 1 dự án, FLC đã làm thay đổi hoàn toàn nơi đây, không chỉ mở ra nhiều cơ hội cho thị trường du lịch mà còn cả thị trường bất động sản. Nếu không có dự án FLC thì chưa chắc đã có người mua đất ở khu đô thị bên cạnh. Do đó, rất cần những nhà đầu tư như FLC đầu tư tại Bình Định và rồi mở ra những thị trường cho nhà đầu tư thứ cấp. Ông bà xưa đã có câu: “Thóc đến đâu, bồ câu đến đó”. Chính dự án này đã mở ra cơ hội cho nhiều nhà đầu tư. Điều đó cho thấy, thị trường mới nổi không thể nổi được nếu như không có dự án, không có nhà đầu tư tiên phong.

 

Với thị trường Bình Định, chưa bao giờ trong vòng 4 năm tỉnh Bình Định có thể làm được cơ sở hạ tầng giao thông kết nối như hiện nay, từ Quy Nhơn đi các vùng khác. Điểm nổi bật trong phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh là hàng loạt dự án giao thông trọng điểm được đầu tư xây dựng, như: Tuyến QL19 mới đoạn từ cảng Quy Nhơn đến giao QL1 (dài gần 18km), tuyến đường phía Tây tỉnh kết nối phía Tây Nam cửa ngõ TP. Quy Nhơn đến Khu Công nghiệp Becamex Bình Định (hơn 14,3km), tuyến đường trục Khu kinh tế nối dài từ Cảng Hàng không Phù Cát về Khu kinh tế Nhơn Hội (18,5km), tuyến đường ven biển từ Cát Tiến đến Đề Gi (hơn 21,5km)... Đến nay, tuyến QL19 mới và tuyến đường phía Tây tỉnh đã hoàn thành đưa vào khai thác. Tất cả những điều này góp phần mở ra thị trường tương lai cho Bình Định. Đặc biệt, mở ra những đô thị ven biển gắn với kinh tế. Chính hạ tầng giao thông là nhân tố quyết định sự thành công của dự án.

Trong hình dung của nhiều chuyên gia, có lẽ ở Việt Nam không có nhiều doanh nhân có máu liều và dám đi tiên phong vào những vùng đất khó như ông Trịnh Văn Quyết. Cũng bởi mạo hiểm đi tiên phong mà đến nay, quỹ dự án của FLC lên tới hơn 300 dự án trải dài khắp cả nước.

Trong giai đoạn chịu ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19, FLC vẫn đồng loạt đẩy nhanh tiến độ trên các công trường xây dựng từ Hạ Long (Quảng Ninh), Quy Nhơn (Bình Định), Kon Tum đến Sa Đéc (Đồng Tháp)...

Dự án FLC Legacy Kontum với shophouse, shopvilla, tổ hợp chung cư và khách sạn 5 sao.
Dự án FLC Legacy Kontum với shophouse, shopvilla, tổ hợp chung cư và khách sạn 5 sao.

 

Tại Quảng Ninh, dự án FLC Tropical City Hạ Long ra mắt, với gần 3.500 căn shophouse, liền kề và căn hộ chung cư với khoảng 100 tiện ích nội khu. Hay tại Quảng Bình, FLC cũng chi hơn 20.000 tỷ đồng xây dựng quần thể nghỉ dưỡng FLC Quang Binh Beach & Golf Resort trên tổng diện tích gần 2.000ha, trải dài trên 5km bờ biển Hải Ninh.

FLC cũng tiên phong đánh thức thị trường Quảng Ngãi khi đầu tư dự án quần thể nghỉ dưỡng kết hợp đô thị trên vùng biển của huyện Bình Sơn, khu đô thị mới Vạn Tường, thuộc khu kinh tế Dung Quất, có tổng vốn đầu tư giai đoạn đầu ước tính 11.000 tỷ đồng.

FLC Hạ Long.

Năm 2021, FLC dự tính đưa ra thị trường gần 20 dự án, tập trung tại các thị trường Hà Nội, Quảng Ninh, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Gia Lai, Kon Tum, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Sóc Trăng... với hai phân khúc bất động nghỉ dưỡng và đô thị.

Mới đây nhất, FLC đã được UBND tỉnh Hậu Giang chấp thuận nghiên cứu, tiếp cận đồ án Quy hoạch phân khu Quần thể khu đô thị mới, dịch vụ thể thao và du lịch nghỉ dưỡng Châu Thành. Dự án có quy mô 487,7ha, gồm: Đất ở (hơn 213ha), đất khách sạn - resort (gần 13ha), đất thương mại dịch vụ (gần 21ha), đất khu du lịch sinh thái miệt vườn (gần 20ha)...

Ông Trịnh Văn Quyết sinh năm 1975, trong một gia đình công chức nghèo tại Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Có người nói ông là “con ông cháu cha”, nhưng sự thực thì không phải. Xuất phát điểm của các doanh nhân thường nghèo khó, riêng doanh nhân Trịnh Văn Quyết thì có nhiều điểm không mấy suôn sẻ. Khi tốt nghiệp cấp 3, dù rất muốn được học ngay Đại học với mong muốn sau khi ra trường trở về huyện nhà, làm thẩm phán hay kiểm sát viên, nhưng chàng thanh niên Trịnh Văn Quyết đã phải tạm gác giấc mơ đầu đời để vào Sài Gòn học và làm nghề sửa chữa đồ điện tử. Hai năm sau, khi có được chút vốn dù còn ít ỏi, gác lại công việc, anh chàng “nhà quê” Trịnh Văn Quyết đã chính thức trở thành sinh viên trường Đại học Luật Hà Nội. Niềm vui đầu đời có lẽ chính là bước ngoặt. Nói là bước ngoặt bởi môi trường Đại học Luật Hà Nội có lẽ là nơi đào tạo con người khắt khe nhất, bài bản nhất, khoa học nhất so với các trường Đại học trong nước.

Thông qua một vài thầy cô ở trường Đại học Luật Hà Nội, tôi biết được rằng ở ngôi trường này từng có một cậu sinh viên ham học đến kỳ lạ. Học đã trở thành mệnh lệnh tự thân. Và sinh viên Trịnh Văn Quyết yêu trường Đại học Luật Hà Nội đến cháy bỏng, tràn đầy tự hào là dân trường Luậtvới những thầy cô vừa lịch lãm, vừa uyên thâm và trí tuệ như thầy Nguyễn Ngọc Hiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp – Bộ Nội vụ, nguyên Hiệu trưởng; thầy Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, nguyên Hiệu trưởng…

Ngay từ khi còn là một sinh viên, ông Quyết đã khởi nghiệp từ văn phòng gia sư ở Giảng Võ, rồi mở Trung tâm đào tạo tin học và kinh doanh máy tính ở Đê La Thành, sau này có thêm vốn thì mở thêm hai cửa hàng điện thoại lớn ở Kim Mã, vừa bán buôn vừa bán lẻ, khá phát đạt đủ cho sinh hoạt và trang trải cho các em. Năm 1999, chàng sinh viên Trịnh Văn Quyết đã tốt nghiệp Trường Đại học Luật Hà Nội và Học viện Hành chính Quốc gia.

Cựu sinh viên Trịnh Văn Quyết và bạn học về thăm thầy cô trường Luật tháng 11/2019.

Khi đó, ông Quyết mơ đến việc được trở thành một công chức, với một căn hộ chung cư nhỏ chừng ba chục mét vuông và có một chiếc xe máy Dream để đi lại. Nhưng rồi, chính cuộc sống nghèo khó và những bấp bênh trở ngại đã chọn ông Quyết làm doanh nhân.

Sau khi tốt nghiệp được hai năm, với số vốn kinh doanh tích góp từ thời sinh viên, năm 2001, ông Quyết đăng ký thành lập công ty cổ phần đầu tư thương mại chuyên kinh doanh các lĩnh vực điện máy, điện tử, điện thoại, đồ gỗ… Nhưng bởi luôn ý thức rằng là “dân Luật” và muốn được hành nghề Luật nên ông đã dành thêm 2 năm để tích lũy đủ các chứng chỉ cần thiết. Khi có thẻ Luật sư, ông thành lập Văn phòng Luật sư SMIC. Sau này, khi luật thay đổi, cho phép công ty luật cũng được tranh tụng thì chuyển đổi Văn phòng Luật sư này thành Công ty Luật SMIC chuyên tư vấn luật doanh nghiệp, luật đầu tư, các vấn đề sở hữu trí tuệ doanh nghiệp dù khi đó, việc tư vấn luật cho giới doanh nhân là vô cùng khó khăn. Nhờ kiến thức chuyên sâu và khả năng chớp cơ hội nhanh nên thông qua SmiC, ông dần mở rộng các mối quan hệ, nhất là trong lĩnh vực bất động sản. Sau 7 năm, SMIC nằm trong Top 10 hãng luật hàng đầu Việt Nam và cũng là hãng luật duy nhất được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen ở thời điểm đó.

Mọi người hay nhìn nhận ông Trịnh Văn Quyết dưới góc độ một doanh nhân, một người làm kinh tế thuần túy, chứ thực ra ông Quyết có cả chục năm hành nghề luật khi tham gia rất nhiều vụ án, tư vấn rất nhiều các vụ việc về kinh tế, dân sự.

Bước ngoặt tiếp theo đến khi trong năm 2008, ông Quyết thành lập Công ty TNHH Đầu tư Trường Phú Fortune với số vốn 18 tỷ đồng và sau đó, năm 2009, ông khởi công dự án FLC Landmark Tower, trở thành ngôi sao sáng trên thị trường bất động sản.

Mang tiếng là dự án nằm ở đường Lê Đức Thọ (Hà Nội) nhưng đây vốn dĩ là một vùng đất trũng, đầy cỏ dại. Ông Quyết kể lại rằng, đã dồn toàn bộ vốn liếng bao nhiêu năm vào dự án này, thậm chí, khi đi vay từ người thân, có người đã bỏ vào mấy chục triệu nhưng sau băn khoăn mãi lại đòi rút. Dự án thi công thần tốc sau hai năm, trong bối cảnh thị trường khủng hoảng, la liệt dự án đóng băng, xung quanh toàn “anh hùng hảo hán” như Vinaconex, HUD, Ciputra, Nhà Từ Liêm... Giai đoạn đó, vị luật sư tay ngang sang bất động sản phải tự xoay xở các loại thủ tục từ A đến Z.

Đến năm 2010, ông sáp nhập và chuyển đổi các công ty thành Công ty Cổ phần tập đoàn FLC, hàng loạt siêu dự án quy mô ra đời với tốc độ thần tốc như FLC Sầm Sơn, FLC Hạ Long, FLC Quy Nhơn… Ông Quyết đã đích thân đi đến hầu hết các tỉnh, thành phố của Việt Nam và tự nhận ra rằng, có cơ hội để mình “đánh thức” những vùng đất đang ngủ quên mà quá nhiều tiềm năng có thể khai phá.

Tuyết Sơn Phi Hồng tại FLC Sầm Sơn do ông Trịnh Văn Quyết chụp tháng 7/2019.

 

Tôi đặt chân đến Sầm Sơn và Quy Nhơn nhiều lần và thật tình cờ là mùa nào cũng được chứng kiến những bông hoa Tuyết Sơn Phi Hồng nở rực hồng khắp các lối đi trong những khu du lịch, nghỉ dưỡng của FLC. Có lẽ hiếm có một loài hoa nào có sức sống bền bỉ và mãnh liệt như Tuyết Sơn Phi Hồng, khi địa hình càng khắc nghiệt, môi trường càng nắng gió, những bông hoa càng rực rỡ.

Sau khi thành công trong lĩnh vực bất động sản, doanh nhân Trịnh Văn Quyết đã viết tiếp “giấc mơ bay” với sự xuất hiện của Bamboo Airways. Đó là sự thôi thúc của cả một tuổi thơ khao khát được bay. Từ hồi 2014, FLC đã mua trực thăng để làm dịch vụ nhưng kết quả không khả quan. Và rồi, Bamboo Airways ra đời hoành tráng và thần tốc, đúng với phương châm của Chủ tịch Trịnh Văn Quyết: “Không làm bé”, “không làm chậm”, “đã làm phải làm lớn luôn, bay là phải rộn ràng, phải hoành tráng, chứ nếu bay mà chỉ hai ba tàu thì nhom nhem, chết ngay”.

Khi ấy, nhiều người, kể cả người thân cũng doạ ông Quyết lao vào hàng không có thể phá sản như chơi!

 

Tôi nghĩ, có lẽ đó không phải là quyết định cảm xúc. Bởi ông Quyết là dân Luật. FLC cũng là tập hợp của rất nhiều dân Luật. Có người còn gọi đùa tổng hành dinh Tập đoàn FLC là “Hợp tác xã của dân Luật”. Vì thế, mỗi lộ trình và kế hoạch đều rất chắc chắn.

Nói thêm về khát khao được bay, khi còn nhỏ, nhà ông Quyết ở gần sân bay Nội Bài. Mỗi lần nghe thấy tiếng máy bay là cả đội lao ra ngoài và ngửa cổ lên trời nhìn những chiếc máy bay lao đi vun vút. Có những lúc, thấy tiếng mà không thấy hình, bởi mây che khuất, nhưng cảm giác máy bay bay ngang qua thật lâng lâng khó tả. Đó là cả một miền ký ức đầy thương nhớ và ước ao.

Năm 19 tuổi, khi từ Sài Gòn ra Hà Nội để tiếp tục giấc mơ học Đại học, chàng thanh niên Trịnh Văn Quyết đã lần đầu tiên được bay. Đó là chuyến bay thử cảm giác đầu đời, với suy nghĩ rất đơn giản: Thử một lần cho biết.

Ở đời này, có nhiều người mong muốn làm một điều gì đó nhưng không dám thử. Điều đó thật buồn biết bao. Cuộc đời rất dài nhưng vốn hữu hạn, có những thứ khi còn trẻ nếu không thử, thì sẽ mãi mãi không bao giờ có được cảm giác ấy nữa, bởi mỗi khoảnh khắc chỉ có một lần trong đời…

 

- Năm 2014, ông Trịnh Văn Quyết bắt đầu ấp ủ việc lập hãng hàng không. Ngày 12/11/2018, Bamboo Airways được cấp phép vận chuyển hành khách và chuyến bay đầu tiên cất cánh từ TP.HCM đi Hà Nội vào ngày 16/01/2019. Ông có thể lý giải vì sao tập đoàn FLC của ông Trịnh Văn Quyết lại có những dư luận không hay khi đã lao vào những lĩnh vực mà có lẽ, nhiều người không tin FLC có thể làm được, đó là hàng không?

TS. Trần Du Lịch: Tôi cũng không rõ, không biết được, nhưng có lẽ một phần cũng trách mình về cách làm. Bởi cách làm không hợp với suy nghĩ của người ta, rồi cái gì phát triển quá nhanh thì hay bị đặt những câu hỏi.

Nhưng không thể phủ nhận rằng, nếu như ngành hàng không cạnh tranh được khởi đầu là bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet đã làm thay đổi thị phần và tính chất của ngành hàng không thì bây giờ, ông Trịnh Văn Quyết với Bamboo Airways một lần nữa không chỉ làm gia tăng tính cạnh tranh mạnh mẽ mà còn làm thay đổi một phân khúc khác, đó là hàng không thương mại chất lượng cao. Bamboo Airways không còn làm theo cách giá rẻ như của Vietjet nữa.

Sáng 27-2, tại Phủ Chủ tịch, dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Donald Trump, ngay trước thềm cuộc hội đàm lịch sử giữa Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un, Hãng hàng không Bamboo Airways đã  ký thỏa thuận mua 10 máy bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner trị giá gần 3 tỷ USD với Tập đoàn Boeing (Mỹ).
Sáng 27/2/2019, tại Phủ Chủ tịch, dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Donald Trump, Hãng hàng không Bamboo Airways đã ký thỏa thuận mua 10 máy bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner trị giá gần 3 tỷ USD với Tập đoàn Boeing (Mỹ)

Vietjet khởi đầu đột phá với hàng không giá rẻ để ai cũng có khả năng, có cơ hội được đi máy bay, nhưng để tạo ra sự thay đổi mang tính đối chọi buộc Vietnam Airlines phải nhìn lại chính mình, thì đó là Bamboo Airways, với sự năng động và hướng nhìn của thương hiệu này.

 

Ngay từ đầu, ông Trịnh Văn Quyết đưa ra tiêu chuẩn tiệm cận mục tiêu 5 sao, hướng tới mục tiêu 5 sao. Có thể khi đó, nhiều người nghĩ họ không khiêm tốn, nhưng không, họ có khát vọng hướng tới mục tiêu đó. Ai cấm người ta khát vọng? Người ta phải đặt ra mục tiêu cao để người ta hướng tới chứ.

Một doanh nghiệp làm ăn mà không nghĩ đến một phẩm cấp cao hơn, một tương lai tốt đẹp hơn thì làm sao có thể tồn tại, làm sao có thể phát triển được.

- Đi trên những chuyến bay của Bamboo Airways, ông cảm thấy chất lượng dịch vụ của họ như thế nào?

TS. Trần Du Lịch: Như tôi đã phát biểu, chất lượng của Bamboo Airways cực kỳ tốt. Tôi đã đi nhiều nơi trên thế giới bằng nhiều hãng hàng không, tôi hy vọng Bamboo Airways, một hãng hàng không trẻ nhưng khỏe, với dịch vụ cao cấp nhất trong số các hãng hàng không nội địa, sẽ như một chiếc ô tô con, quy mô chưa lớn, nhưng tiến rất nhanh, rất mạnh. Có cơ sở để tin vào điều đó:

Thứ nhất, họ rất tôn trọng hành khách. Đội ngũ phục vụ của Bamboo Airways được huấn luyện rất chuyên nghiệp và bài bản. Tôi nhận thấy những sự tương đồng giữa Bamboo Airways với Singapore Airlines hay Korean Air. 

 

Dĩ nhiên, họ chưa toàn diện 100% nhưng tôi nhấn mạnh lại rằng, cách làm của Bamboo Airways đã buộc Hãng hàng không quốc gia Việt Nam phải nhìn lại mình, đồng thời cũng chính là chất xúc tác để Vietnam Airlines cải tiến hơn nữa. Bamboo Airways là một doanh nghiệp đối trọng. Trong kinh doanh, nếu không có đối trọng, doanh nghiệp sẽ rất dễ nảy sinh tâm lý coi thường, chủ quan.

Cũng giống như trong ngành viễn thông, FPT hay Viettel ra đời đã buộc VNPT phải thay đổi. Hiện nay, VNPT tái cấu trúc rất thành công. Để thay đổi được như vậy thì phải có đối trọng trong kinh doanh. Nếu không có đối trọng, VNPT sẽ không bao giờ thay đổi được, thậm chí là ngày càng tệ hơn.

Thứ hai, và khi đã trở thành đối trọng thì buộc mình cũng phải phấn đấu, phấn đấu liên tục để nâng mình lên, nếu không sẽ bị tụt lại.

- Vừa qua, ông Trịnh Văn Quyết đã lên tiếng chia sẻ về việc Bamboo Airways sẽ IPO tại Mỹ như Vinfast. Theo quan điểm của ông, sau khi gây dựng vị thế đủ lớn mạnh, mong muốn này của ông Quyết có khả thi không?

TS. Trần Du Lịch: Về nguyên tắc, doanh nghiệp Việt nào IPO được tại thị trường chứng khoán thế giới như Mỹ, Singapore, Hồng Kông… là một cách thu hút, huy động vốn nước ngoài trực tiếp một cách hiệu quả. Không chỉ riêng Bamboo Airways mà cả những doanh nghiệp khác nữa, tôi cho rằng đó là việc mà nếu làm được thì chúng ta nên cổ vũ.

IPO chính là huy động vốn. Bamboo Airways cũng cần vốn để tiếp tục phát triển. Về ý tưởng và khát vọng không có gì trái với chính sách và quy luật hết.

Nhưng với tình cảm đối với Bamboo Airways, tôi nghĩ rằng dù IPO ở đâu đi nữa cũng cần phải xây dựng một thương hiệu Việt, để chúng ta có thể tự hào về một doanh nghiệp Việt.

Vì Bamboo ra đời trong thời gian chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 nên chưa có được một mạng lưới quốc tế – phát triển mạnh thương hiệu doanh nghiệp trong mạng lưới quốc tế.

Khi đó, thương hiệu của doanh nghiệp không chỉ ở thị trường chứng khoán mà trên thị trường hàng không quốc tế, phải có vị trí cao trong hàng trăm hãng hàng không đã có tên tuổi và bề dày thương hiệu.

Tôi không rõ ý định của nhà đầu tư cần tiền hay cái gì, nhưng điều mà tôi rất tiếc là Bamboo ra đời trong bối cảnh đầy khó khăn và những ý định mở rộng mạng lưới quốc tế chưa thực hiện được. Tôi nghĩ rằng, cần tiếp tục khuếch trương đường bay quốc tế.

 

- Thời gian vừa qua, việc Nhà nước hỗ trợ cho Vietnam Airlines nhưng chúng ta vẫn còn Bamboo Airways và Vietjet. Ông Trịnh Văn Quyết cũng có kiến nghị cần hỗ trợ công bằng giữa các thành phần kinh tế. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

TS. Trần Du Lịch: Có 2 vấn đề. Thứ nhất, đối với Vietnam Airlines, Chính phủ có 2 vai trò, là chủ sở hữu và nhà đầu tư.

Thứ 2 là về chính sách hỗ trợ lãi suất tín dụng, tôi cho rằng chính sách này phải giống nhau. Giống nhau ở đây không phải là hỗ trợ bằng nhau, mà phải đánh giá được về quy mô, mức độ khó khăn của từng doanh nghiệp. Tiền không phải tiền chùa để mà cho đều. Hỗ trợ là dựa trên nền tảng khó khăn.

Cần căn cứ vào mức độ, thể trạng của từng doanh nghiệp để hỗ trợ, kể cả với ngành khác cũng vậy.

Năm 2017, ở độ tuổi 43, doanh nhân Trịnh Văn Quyết trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, với khối tài sản vốn hoá là hơn 58.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, ông ấy không có cảm xúc gì bởi đơn giản, triết lý kinh doanh của người đứng đầu Tập đoàn FLC là: Không quan tâm đến vị trí của bản thân, mà quan trọng là hiệu quả công việc trên thực tế, ví dụ như hôm nay bán được bao nhiêu căn hộ, xây được bao nhiêu mét vuông sàn, bay được bao nhiêu chuyến… Đó mới là giá trị đích thực.

Với FLC, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa ấn tượng rằng, FLC là doanh nghiệp trẻ, có tuyên ngôn vững chãi và nhiều cái nhất: An toàn nhất (máy bay mới, đi an tâm), đúng giờ nhất, dịch vụ của Bamboo Airways tốt. Ngoài ra, ông Lê Xuân Nghĩa cho rằng, hãng hàng không này đang hướng đến quy trình chuyên nghiệp nhất, tiết kiệm thời gian nhất và tránh cho khách hàng chờ đợi mỏi mệt.  Đáng chú ý, FLC trở thành hãng hàng không tư nhân đầu tiên khai thác máy bay thân rộng tại Việt Nam; hãng bay đầu tiên mở 3 đường bay thẳng tới Côn Đảo.

Cũng phải nói thêm rằng, để Bamboo Airways đạt được 5 sao thì con người phải 5 sao trước. Có thể tàu bay chưa được ngay 5 sao, nhưng con người phải chuẩn chỉnh. Vì thế, ông Quyết đã chuẩn bị kỹ càng cho mục tiêu 5 sao từ vấn đề con người. Và việc các nhân viên Bamboo Airways có hành động đặc trưng là đặt tay lên ngực trái chào khách chính là biểu hiện đầu tiên của “con người 5 sao” ấy. Một động tác nhỏ nhưng mang lại thông điệp lớn. Không chỉ là sự tri ân với hành khách mà còn là sự truyền tải sự tri ân từ trái tim đến trái tim. Với cuộc đời, khi ta có thể tự tin đặt tay lên ngực trái mình để cám ơn cuộc đời, khi đó, ta mới đang sống một cuộc đời tự tại và an nhiên.

 

Văn hoá đặt tay lên ngực trái chào khách bắt nguồn từ văn hoá của người Nhật. Đó là cách ứng xử thành tâm và xuất phát từ trái tim. Tất nhiên, cần nhiều thời gian và dụng công đào tào. Với Bamboo Airways, "hơn cả một chuyến bay" có nghĩa là phục vụ bằng trái tim.

Ông Trịnh Văn Quyết là người nói không với sự thoả hiệp trong cung cấp dịch vụ. Có một câu chuyện nổi tiếng ở Bamboo Airways, đó là ông Quyết từng ngay lập tức kỷ luật lãnh đạo cấp cao và sa thải ngay trong ngày nhân viên chăm sóc khách hàng của Bamboo Airways, sau khi đã thanh tra làm rõ một tin nhắn phàn nàn khi kết nối với tổng đài mà ông nhận được từ khách hàng.

Ông Quyết luôn khuyến khích nhân viên của minh học cách người Nhật làm dịch vụ và tiếp thu tinh thần của người Nhật để trái tim không bao giờ nguội lạnh, luôn hướng đến điểm 10 hoàn hảo.

 

 

- Ông Thành này, ông cảm nhận ra sao về cách chơi của doanh nhân Trịnh Văn Quyết?

TS. Võ Trí Thành: Cũng giống như nhiều doanh nhân khác, về tinh thần và khát vọng của doanh nhân Trịnh Văn Quyết, tôi nghĩ đều rất tốt và xứng đáng được cổ vũ.

Nghĩa đầu tiên là chân trời kinh doanh của doanh nhân Trịnh Văn Quyết rộng mở và hội nhập.

 

Thứ hai, ông Trịnh Văn Quyết dám chơi, dám khẳng định mình, dám cạnh tranh ở những thị trường chất lượng với tiêu chí cao nhất. Tôi vẫn nói vui là nếu như chúng ta xuất khẩu bền vững được một mặt hàng sang châu Âu về tiêu dùng thì mới chứng tỏ được năng lực cạnh tranh.

Thứ ba, ông Trịnh Văn Quyết dám tiên phong lao vào những vùng đất khó, những nơi mà nhiều nhà đầu tư khác có cho thêm tiền cũng không dám vào và bước đầu FLC đã thành công.

Thậm chí, khi dám chơi, biết chơi trong một thế giới rộng lớn ở thị trường chất lượng cao thì dù có thất bại, họ cũng đã đóng góp cho thương hiệu và bài học kinh doanh của doanh nhân Việt Nam.

Tôi cho rằng, họ phải đối diện với khó khăn vô cùng lớn, thậm chí là thất bại nhưng luôn giữ cho mình tinh thần tốt, khát vọng và sống an nhiên.

- Để được cấp phép bay vào Mỹ một vùng trời cạnh tranh đẳng cấp, cho thấy Bamboo Airways đang nỗ lực vươn tầm thế giới?

TS. Võ Trí Thành: Đấy là một cuộc chơi lớn mà ông Quyết đã dám chơi, dám cạnh tranh, dám khẳng định mình.

- Ông Quyết có triết lý: Khách hàng là ân nhân. Nhìn vào thái độ phục vụ của Bamboo Airways và FLC thì ông có nhận xét gì về triết lý đó?

TS. Võ Trí Thành: Rất tốt. Rất nhiều doanh nhân đều quan tâm tới triết lý này. Bản chất slogan doanh nghiệp cũng có ba loại: Tôi là ai; Hướng vào khách hàng; Gắn với công nghệ. Cũng có thể kết hợp cả ba.

- Ba lĩnh vực FLC tập trung chiến lược đó là hàng không, du lịch nghỉ dưỡng, bất động sản nhà ở đều đang đối diện với khó khăn. Ông có nghĩ khi đối diện với những khó khăn đó, ông Quyết có run sợ không?

TS. Võ Trí Thành: Gặp khó khăn thì ai cũng phải lo, nhưng nói ông Quyết sợ thì không đúng. Nhiều chuyên gia trên thế giới nói đúng, cái xác định nhất đó là không xác định được gì. Hiện tại, chiến lược cũng chỉ nên dự báo 2 – 3 năm, bởi thế giới thay đổi nhanh, thị trường, trò chơi, cách chơi liên tục biến ảo.

Chúng ta cần đặt ra vấn đề: Doanh nghiệp dám chơi và dám chấp nhận rủi ro tới mức nào. Thế giới không cho anh quyền hiểu 100% thì anh mới dám chơi. Cho nên, muốn đột phá thì phải chấp nhận rủi ro để chơi. Còn nếu sợ không dám chơi thì cứ mãi như vậy.

Công chức cũng thế, phải dám làm, dám chịu trách nhiệm và dám rủi ro chứ không riêng gì doanh nhân. Không có gì chắc chắn 100%, bên cạnh chấp nhận và quản trị rủi ro, cũng phải có chút may mắn nữa (cười).

Một lĩnh vực được coi là mũi nhọn, tăng trưởng như thế nhưng rủi ro tới không có cách nào khắc phục được cả. Ngay cả khi mọi thứ thuận lợi thì rủi ro cũng không tính hết được. Chúng ta đang sống ở thế giới với dịch chuyển tài chính quá phức tạp, tinh xảo và công nghệ thay đổi chóng mặt. Không ai ngờ giá điện mặt trời giảm nhanh như thế, điện gió cũng giảm nhanh, chưa kể công nghệ năng lượng mới.

Cái lớn nhất của doanh nghiệp không phải là biết cái gì mà là anh kết nối như thế nào, học hỏi được những gì và có cách dùng người ra sao.

Thực ra, khi lò xo càng nén sẽ càng bật mạnh. Quan trọng là ai sẽ làm cho nó bật dậy?

 

- Hai năm trước khi Bamboo Airways mới bắt đầu vào thị trường là con số 0, nhưng hiện tại đã có 60 đường bay nội địa, 7 triệu lượt khách, thị phần chiếm 20%. Những con số này nói lên điều gì, thưa ông?

TS. Võ Trí Thành: Nhu cầu có, tầng lớp trung lưu có. Cơ hội có và cuộc chơi mới chỉ bắt đầu.

- Về dài hạn, ông nghĩ mảng hàng không của Bamboo Airways có ổn không?

TS. Võ Trí Thành: Tôi nghĩ ổn.

Nhưng “có tài không bằng dài vốn”. Doanh nghiệp đang phải chống chọi với những cú sốc. Đằng sau đó là những giây phút chúng ta sống thật với nhau, thế giới bất định, không biết ngày mai ra sao.

Nếu doanh nghiệp cứ đợi hiểu 100% mới bắt đầu cuộc chơi thì sẽ lỡ cơ hội. Một nền kinh tế đôi khi cũng vậy. Trong lịch sử cải cách của Việt Nam, rất nhiều lần chúng ta chưa biết hết. Ví dụ như việc ra nhập ASEAN, Việt Nam cần môi trường ổn định, hợp tác, nhưng đôi khi chưa hiểu rõ thương mại tự do là gì, mình không dám chắc trong cuộc chơi mình sẽ thắng.

Hay như việc tham gia hiệp định thương mại BTA với Hoa Kỳ, nhiều khi tính toán quá nên ít nhiều bị lỡ mất thời gian hoặc cơ hội.

Trước đây, khi viết một bài báo về EVFTA, tôi có nhấn mạnh: “Đã chơi thì phải tự tin. Phải dám chơi và đã chơi là phải tự tin”. Tất nhiên, cái chính đáng là học, là trải nghiệm. Chứ không phải cứ liều là không học.

Nên hiểu rằng, đây là cuộc chơi có thể hai bên cùng thắng, dù mình yếu hơn họ.

- Việc ông Quyết đặt ra vấn đề IPO tại Mỹ giống như ông Phạm Nhật Vượng có ý nghĩa ra sao, thưa ông?

TS. Võ Trí Thành: Đó là việc dám chơi và đã chơi là chơi với người lớn. Khi chơi được sẽ khẳng định được thương hiệu của mình, chứng minh được mặt hàng của mình.

- Ở Việt Nam, Vinpearl đã hợp tác chiến lược với Bamboo Airways trong lĩnh vực du lịch – hàng không, hướng đến phát triển du lịch nội địa, cùng quảng bá Việt Nam ra thế giới và tạo nguồn khách mới đến Việt Nam.

TS. Võ Trí Thành: Chuỗi các hệ sinh thái phải gắn chặt với nhau. Phú Quốc đang làm thí điểm chuỗi giá trị như cách ông Phạm Nhật Vượng đã làm với bà Nguyễn Thị Phương Thảo và họ cùng thắng. Hợp tác bao giờ cũng đem lại lợi nhuận và kinh nghiệm.

- Ông có nghĩ một ngày nào đó, ông Quyết vươn lên vị trí số 1 trong các hãng hàng không Việt Nam?

TS. Võ Trí Thành: Tôi thích nghĩ theo cách ngược lại. Tương lai có thể không bao giờ là số 1 nhưng bài học của họ, khát vọng của họ mới là thứ tạo ra nhiều giá trị.

- Kể cả bài học mà ông Quyết bị dư luận phản ứng với những góc nhìn trái chiều?

TS. Võ Trí Thành: Có thể dư luận chưa hiểu đúng sự thật và chưa hiểu hết sự thật. Minh bạch và sự thật là tốt nhưng đôi khi vẫn chưa đủ. Vì sao nó chưa đủ? Bởi vì đôi khi chưa phản ánh hết được bối cảnh rộng lớn của vấn đề. Vả lại, có những góc nhìn khác nhau trên thị trường. Ông Quyết là người rất chịu khó lên tiếng và luôn cố gắng minh bạch mọi thứ, giải trình mọi thứ.

- Nhà thơ Sơn Tùng có câu thơ: “Nước dưới sông có khi đầy khi cạn / Trăng trên trời khi tỏ khi mờ”, huống hồ là con người, “nhân vô thập toàn” đúng không thưa ông! Quả thực nếu sống mà chỉ dành thời gian nghĩ đến tin đồn này kia hay để tâm xem dư luận nghĩ về mình như thế nào thì chẳng làm được việc gì. Người tài giỏi là người chứng minh bằng hiệu quả công việc. Ở góc độ cá nhân, ông cảm nhận như nào về con người ông Quyết?

TS. Võ Trí Thành: Tôi cảm nhận được sự vô thường trong con người ông Quyết. Ông ấy có tinh thần tiên phong, dám nghĩ dám làm, sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm để chọn cho mình một lối đi khác biệt! Đây là người có thể biến bất lợi thành lợi thế và khi đó, lợi thế đó là thứ không ai có được.

Tôi biết có một người luôn theo sát và đồng hành cùng những bước tiến của doanh nhân Trịnh Văn Quyết ngay từ những ngày ông Quyết khởi nghiệp ở công ty Luật, đó là TS. Uông Chu Lưu, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội. Ông Lưu nói với tôi rằng, đã quen và ấn tượng với ông Quyết từ khi doanh nhân này mới chập chững khởi nghiệp. Khi đó, TS. Uông Chu Lưu đang là Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội tự hào: “Đó là doanh nhân trẻ, giàu khát vọng và đóng góp nhiều cho đất nước. Rất tiếc là FLC khi đi vào các lĩnh vực như bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng hay hàng không gặp phải nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch. Tuy nhiên, tôi nghĩ họ sẽ vượt qua. Bởi ông Quyết cùng đội ngũ cán bộ, nhân viên FLC sẽ có các dự án, kế hoạch để tiếp tục phát triển, giữ được thương hiệu của họ”.

Ông Trịnh Văn Quyết đang giữ trong tay chiếc chìa khoá để đưa FLC đi qua những thời điểm cam go nhất, đó không thực sự là câu chuyện về vốn, quan hệ, hay chính sách như nhiều người nghĩ. Tất cả chỉ là: Không bỏ cuộc.

TS. Uông Chu Lưu cho rằng: “Trong khó khăn, nhưng Bamboo Airways đã ghi những dấu ấn tốt đẹp, nhất là chỉ số giờ bay an toàn và chỉ số đúng giờ, dịch vụ hàng không được hành khách đánh giá tốt. Đó là hãng hàng không có tầm cỡ quốc tế”.

- Ông cũng đã có mặt tại Lễ Khởi công và Lễ Khánh thành nhiều dự án của FLC tại Sầm Sơn, Quy Nhơn, Hạ Long… Từ những chuyến đi đó và quan sát của mình, ông thấy những vùng đất ấy trước và sau khi có sự đầu tư của doanh nhân Trịnh Văn Quyết đã có sự thay đổi ra sao?

Ông Uông Chu Lưu: Đó là sự lựa chọn độc đáo của doanh nhân Trịnh Văn Quyết so với các nhà đầu tư và doanh nhân kinh doanh bất động sản khác. FLC chọn nơi rất hoang sơ, khó khăn nhưng thông qua nỗ lực và tư duy đầu tư của tập đoàn, đã làm tươi mới, bừng sáng những vùng đất khó. Ví dụ như FLC Sầm Sơn ngày xưa là đầm lầy, rất nhiều nhà đầu tư đã đến nhưng không thành công. Khi FLC vào thì chỉ chưa đến 2 năm đã làm được dự án nghỉ dưỡng quy mô, có sân golf đẳng cấp, tạo điều kiện để sau này TX. Sầm Sơn trở thành thành phố và trở thành điểm du lịch thu hút của Thanh Hóa và miền Bắc.

Ở Quy Nhơn, ngày xưa là vùng cát trắng gió biển heo hút, tập đoàn FLC vào đã biến nơi đây trở thành điểm du lịch rất lớn của phía Nam. Đó là đóng góp lớn của tập đoàn FLC khi không chỉ mang lại lợi ích cho riêng doanh nghiệp mà cho cả vùng, cả tỉnh và chính tôi cũng cảm thấy bị thuyết phục.

 

Vấn đề ở đây là có phải ai cũng dám chấp nhận mạo hiểm đầu tư vào những vùng đất khó khăn để thay đổi cả khu vực đó hay không? Đó là tầm nhìn và sự đóng góp to lớn của một doanh nhân.

- FLC đang mở lối tiên phong cho các nhà đầu tư khác vào các thị trường mới?

Ông Uông Chu Lưu: Rõ ràng FLC là người đi đầu, dám đầu tư và làm với cách nhìn hệ thống. Ngay như tuyến đường ven biển của Sầm Sơn bây giờ so với ngày xưa đã đổi thay rất khác, trở thành một bãi biển rất đẹp, văn minh.

- Từ câu chuyện của doanh nhân Trịnh Văn Quyết, ông nghĩ gì về vai trò và sứ mệnh của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam trong sự phát triển của đất nước?

Ông Uông Chu Lưu: Tôi nghĩ, nếu mình có cơ chế chính sách phù hợp thì kinh tế tư nhân sẽ là động lực quan trọng để phát triển đất nước. Không chỉ là bây giờ mà trong cả giai đoạn tới, đây sẽ là xu thế, là chủ trương rất đúng với sự vận động của thời cuộc.

Tháng 9 năm 2020, trong chuyến công tác tại FLC Quy Nhơn, tôi chứng kiến một bối cảnh thực sự xúc động. Khi sự kiện bàn về thị trường bất động sản 2021 chuẩn bị bắt đầu, một đoàn khách là lãnh đạo và nhân dân xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc có mặt và được chính ông Quyết tận tay sắp chỗ ngồi trang trọng trong Hội trường và luôn nở nụ cười thật tươi mỗi khi hướng mắt về phía những vị khách đặc biệt. Về sau tôi mới biết, ông Quyết cũng thường xuyên mời bà con quê hương mình đến trải nghiệm miễn phí tại chính các khu du lịch, nghỉ dưỡng đẳng cấp 5 sao của FLC. Và có lẽ, còn có những ý nghĩa lớn hơn đằng sau hành động đó.

Trước đó chỉ mấy tháng, Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết đã ủng hộ trên 6,5 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông và nhà văn hoá tại xã Vĩnh Thịnh. Trong thời gian tới, ông Trịnh Văn Quyết cho biết sẽ tiếp tục tham gia tài trợ quá trình xây dựng, cải tạo toàn bộ hệ thống đường thôn tại xã Vĩnh Thịnh, mảnh đất nơi ông sinh ra và lớn lên.

Vĩnh Phúc hiện là một trong những địa bàn đầu tư trọng điểm của Tập đoàn FLC. Tại đây, quần thể nghỉ dưỡng FLC Luxury Resort Vĩnh Phúc giai đoạn một đã đi vào vận hành trong tháng 3/2016, đáp ứng nhu cầu du lịch, vui chơi giải trí ở phía Bắc. Bên cạnh hoạt động đầu tư, tại Vĩnh Phúc, FLC triển khai nhiều hoạt động xã hội như: Xoá đói giảm nghèo; giúp đỡ các gia đình chính sách, hộ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; tài trợ thiết bị có giá trị cao cho trạm y tế xã; cùng nhiều hoạt động khuyến tài khuyến học trên toàn tỉnh.

Bamboo Airways đón công dân Gia Lai trở về từ TP.HCM.

Tính riêng từ đầu 2020 đến nay, FLC đã đồng hành cùng nhiều điểm nóng về dịch bệnh, thiên tai… với kinh phí hỗ trợ ước tính trên 150 tỷ đồng. FLC cũng tích cực tham gia tài trợ, ủng hộ hàng trăm tỷ đồng cho các chương trình từ thiện, quỹ khuyến học, các hoạt động văn hoá xã hội, đồng hành cùng các địa phương trong quá trình gìn giữ, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa đặc sắc... trên cả nước.

Ông Quyết là người nói nhiều, không kín tiếng như một số doanh nhân khác. Nhưng ông cũng làm gấp nhiều lần ông nói. Không “đao to búa lớn” nhưng doanh nhân Trịnh Văn Quyết luôn nghĩ lớn. Tất cả các bước đi của FLC đều có sự chuẩn bài bản và kỹ càng.

 

Ông Quyết “liều”, nhưng “liều” ở đây không có nghĩa là mù quáng, liễu lĩnh quyết định không dựa trên bất cứ cơ sở nào. Ông quan niệm: Tối thiểu khi quyết định, phải nắm chắc và chuẩn bị cho 80% khả năng thành công trở lên và chấp nhận 20% rủi ro còn lại. Tất nhiên, khi đội ngũ của bạn chính là những nhân tố góp phần tạo dựng nên con số 80% này thì không có lý do gì để họ không đặt niềm tin. Khi đó, mỗi nhân sự sẽ biết rõ rằng mình đang ở vị trí nào trong bức tranh tổng thể của doanh nghiệp, sự nỗ lực của họ sẽ giúp đội ngũ đạt được những mục tiêu gì, đi đến đâu. Từ nhận thức của từng mắt xích, chúng ta có thể tạo dựng được một bộ máy kết nối chặt chẽ, để tất cả cùng nhìn về một hướng. Điều này lại đề cập đến một văn hoá khác của FLC là tinh thần dân chủ. Ai cũng có quyền nêu ý kiến và thậm chí chỉ cần một tin nhắn, ý kiến này đã có thể gửi thẳng đến những lãnh đạo cao nhất tại FLC mà không cần thông qua một hệ thống quy trình hay ban bệ phức tạp nào.

Có thể thấy, Trịnh Văn Quyết là điển hình cho tinh thần không bỏ cuộc, ý chí và sự dấn thân, luôn tận tâm và đi đến cùng. Nếu không “vững niềm tin, bền ý chí” thì không có FLC và Trịnh Văn Quyết ngày hôm nay.

Chính vì tinh thần đó, doanh nhân Trịnh Văn Quyết đã không để các địa phương mở rộng cửa chào đón và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư thất vọng. Trái lại, đã góp phần thay đổi diện mạo kinh tế của nhiều địa phương. Quan trọng hơn, đó là hành trình thay đổi tư duy chiến lược phát triển kinh tế xã hội và tư duy quản lý, đồng hành cùng doanh nghiệp, vốn đã quen với nếp cũ và cơ chế xin – cho, ban phát rất khó thay đổi.

Đến đây, tôi chợt nghĩ, có lẽ doanh nhân Trịnh Văn Quyết đang âm thầm góp phần hồi sinh một vùng đất khác, vùng đất vốn đã cằn cỗi trong tâm hồn và tư duy thời cuộc. Tất cả, có lẽ cần thêm thời gian…

Năm nay, FLC tròn 20 tuổi. Độ tuổi của sức trẻ, khát vọng mạnh mẽ và những hoài bão lớn lao. FLC từ công ty 1 người giờ đã trở thành tập đoàn đa ngành với hơn 10.000 nhân sự.

Có một doanh nhân Trịnh Văn Quyết, đi ra từ luỹ tre làng và vẫn đang kiên cường chống chọi và thích ứng, như một cây tre bền bỉ, dẻo dai sinh sôi nảy nở trên đất khó và đứng vững trước bão giông.

Tôi chợt nhớ đến những dòng trong tác phẩm “Cây tre Việt Nam” của nhà văn Thép Mới: “Cây tre xanh, nhũn nhặn, ngay thẳng, thuỷ chung, can đảm. Cây tre mang những đức tính của người hiền là tượng trưng cao quý của dân tộc Việt Nam”.

Sơn Bà
27/7/2021 06:06

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top