Aa

TS. Nguyễn Xuân Thủy: Sao không cấm ô tô mà lại cấm xe máy?

An Vũ (thực hiện)
An Vũ (thực hiện) pvhongvu@gmail.com
Thứ Ba, 12/03/2019 - 21:02

Sau khi tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đưa vào hoạt động, TP. Hà Nội dự kiến sẽ thí điểm việc dừng xe máy trên một số tuyến như Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi - Hà Đông, thông tin này một lần nữa lại khiến dư luận xôn xao tranh cãi. Reatimes đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Xuân Thuỷ, người đã có gần 40 năm nghiên cứu và làm việc trong lĩnh vực giao thông.

PV: Thưa TS. Nguyễn Xuân Thuỷ, mới đây, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết sẽ thí điểm dừng hoạt động xe máy trên một số tuyến đường như Lê Văn Lương và Nguyễn Trãi. Ông nhận định như thế nào về việc thí điểm này?

TS. Nguyễn Xuân Thuỷ: Tôi phải khẳng định một lần nữa rằng, chúng ta không thể cấm được xe máy khi mà bài toán về giao thông công cộng còn chưa làm xong. Nếu cấm xe máy quá sớm sẽ dẫn đến hàng triệu người không có phương tiện đi lại, trong khi các phương tiện công cộng chỉ đảm đương được từ 8 – 10%, cùng lắm đến năm 2030 thì được 20 – 25%. Vậy 70 – 80% còn lại người dân sẽ đi bằng gì, sinh sống ra sao? Điều kiện ở đây là khi đủ phương tiện giao thông công cộng, người dân sẽ bỏ xe máy.

Rõ ràng minh chứng ở các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Philippines cho thấy, người dân vẫn đi xe máy phổ biến và không cấm được xe máy. Đặc biệt ở Yangon (Myanmar) khi chính quyền TP. Yangon thực hiện lệnh cấm xe máy vào năm 2003, đến nay thành phố này đang rơi vào cơn “ác mộng” khi tắc nghẽn do lượng ô tô tăng nhanh đột biến. Tóm lại, người dân có quyền đi phương tiện cá nhân nếu Nhà nước không đủ điều kiện đáp ứng các phương tiện thay thế.

Quay lại với câu chuyện cấm xe máy trên một số tuyến đường tại Hà Nội, đương nhiên khi một đề án được đưa ra thực hiện thì cần thí điểm. Tuy nhiên, nếu lựa chọn thí điểm ở trên tuyến đường nào thì phải xem xét các yếu tố phương tiện công cộng đủ chưa? Hoạt động đã hiệu quả hay chưa?

Tại các điểm trung chuyển có bãi gửi xe tiện lợi hay không để người dân gửi xe máy? Cấm xe máy thì có cấm ô tô không? Còn chưa kể phải có giám sát phương tiện xe máy có vi phạm hay không? Nếu không xét đầy đủ các yếu tố thì rất khó để thực hiện. Chính quyền Hà Nội có thể dùng biện pháp hành chính để cấm xe máy nhưng lưu ý phải chịu trách nhiệm trước quyết định của mình bởi nếu cấm mà đời sống người dân nâng cao, thành phố giảm ùn tắc, làm tốt sẽ được tôn vinh, ngược lại nếu không hiệu quả phải chịu trách nhiệm.

Tất cả các bài toán hạn chế phương tiện cá nhân phải kèm theo có đường sắt đô thị, có xe buýt đầy đủ, hạ tầng phải phát triển để người dân chọn đi phương tiện nào chứ 90% người dân đi phương tiện cá nhân, bây giờ cấm người ta đi bằng gì? Tóm lại là bao giờ giao thông công cộng đảm đương được trên 40% thì lúc đó mới dùng đến biện pháp hạn chế xe máy hoặc ngày chẵn, lẻ chứ cũng không thể cấm được.

Đủ phương tiện giao thông công cộng, người dân sẽ bỏ xe máy

Đủ phương tiện giao thông công cộng, người dân sẽ bỏ xe máy.

PV: Vậy theo ông, lộ trình thí điểm để tiến tới đến năm 2020-2030 cấm xe máy vào nội đô liệu có thể thực thi?

TS. Nguyễn Xuân Thuỷ: Tôi cho rằng, đến năm 2020 - 2030 cấm xe máy vào nội đô nhưng giao thông thông công cộng mới chỉ đáp ứng 40% nhu cầu, là không thực tế. Hiện nay, xe buýt chỉ đáp ứng được khoảng 20 - 25%. Còn về quy hoạch thực tế, một tuyến tàu điện ngầm ở Trung Quốc người ta xây 5 năm mới được hơn 20km, còn ở ta bao nhiêu năm mới hoạt động được. Như vậy là quá chậm và khiến người dân từ kỳ vọng rồi đến thất vọng.

PV: Thưa ông, như nhiều quan điểm của giới chuyên gia đã nhận định bản chất của ùn tắc giao thông không phải chỉ là câu chuyện xe máy. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

TS. Nguyễn Xuân Thuỷ: Hiện nay, tại các đô thị của Việt Nam, hạ tầng giao thông yếu kém, đường sá đa phần nhỏ hẹp, phương tiện công cộng không bảo đảm, xe buýt đông đúc, đi không kịp giờ, tàu điện trên cao mới đang chuẩn bị hoạt động, tàu điện ngầm chưa có. Thực tế cho thấy xe máy không phải là phương tiện gây ùn tắc mà nguyên nhân chính do ô tô quá đông, chiếm phần lớn diện tích mặt đường và chỉ cần trong lưu thông, một chiếc ô tô chen ngang thì ùn tắc là câu chuyện tất yếu. Như thế, sao không cấm ô tô mà lại cấm xe máy?

TS. Nguyễn Xuân Thuỷ

TS. Nguyễn Xuân Thuỷ

PV: Nếu nguyên nhân không phải chỉ do xe máy thì việc cấm xe máy ở đây, người dân sẽ phải di chuyển bằng phương tiện gì thưa ông?

TS. Nguyễn Xuân Thuỷ: Đương nhiên là những tuyến đường thí điểm người dân sẽ di chuyển bằng phương tiện công cộng, nhưng nếu phương tiện công cộng chưa đủ thì họ sẽ dồn sức mua ô tô. Và với hệ thống hạ tầng giao thông như nước ta hiện nay, nếu tất cả mọi người đi ô tô ra đường thì ùn tắc cũng khó tránh, thậm chí còn ùn tắc hơn nếu có tai nạn xảy ra.

Giải pháp quan trọng số một để ngăn ngừa ùn tắc giao thông phải là đẩy mạnh phát triển hạ tầng và phương tiện giao thông công cộng. Nếu không làm được hai điều này thì dẫu ý thức của người tham gia giao thông có cải thiện đến đâu đi chăng nữa cũng không thể giải quyết được ùn tắc.

Hơn nữa, không một thành phố phát triển nào trên thế giới mà lại không phát phát triển hệ thống giao thông công cộng từ xe buýt, tàu điện ngầm, đường sắt trên cao… Muốn giải quyết được vấn nạn ùn tắc, chúng ta phải thực sự chú trọng đến điều này.

TS. Đinh Thị Thanh Bình, Đại học Giao thông Vận tải cho hay: “Việc thí điểm này được áp dụng khi trên đường Lê Văn Lương có tuyến BRT, đường Nguyễn Trãi có tuyến đường sắt đô thị trên cao. Thực chất thì việc thí điểm này mới chỉ là một đoạn hành lang từ phía Tây Nam Hà Nội đi vào trung tâm. Trong quá trình thí điểm này, các hệ thống buýt trên các trục đường giao thông còn lại vẫn như thế, vẫn không thay đổi về chất lượng và năng lực vận chuyển.

Phân tích ma trận TOD, nhu cầu thực tế của người dân ở điểm đầu và điểm cuối của tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông và BRT chiếm tối đa cũng chỉ được 1/3 chuyến đi. Nghĩa là, những hành khách có đường đi trùng với điểm đầu và điểm cuối trên hành lang đó thì hoàn toàn có thể sử dụng giao thông công cộng. Hoặc xung quanh hành lang đó có thể kết nối bằng những tuyến buýt nhỏ. Bên cạnh đó, tăng cường bãi đỗ xe, cải thiện vấn đề trung chuyển cho an toàn thuận tiện, tăng cường giao thông đường bộ thì thí điểm sẽ không có vấn đề gì.

Với 2/3 chuyến đi còn lại, người dân chỉ có thể đi điểm đầu của giao thông đó còn điểm cuối thì ở hành lang khác như phía Nam hoặc phía Bắc thì họ cần phương tiện trung chuyển. Và khi cấm xe máy thì liệu rằng năng lực của hệ thống xe buýt trên các hành lang giao thông khác liệu có tải nổi trong giờ cao điểm hay không? Theo đó, nếu cấm toàn bộ xe máy trên hai tuyến đường mà không cải thiện chất lượng xe buýt, năng lực vận chuyển trên các tuyến đường còn lại thì người dân vẫn sẽ dùng xe máy bằng cách tránh tuyến đường cấm, luồn lách trong các tuyến đường nhỏ hoặc song song. Như vậy, sẽ tạo áp lực, gây ùn tắc ở những chỗ khác”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top