Aa

TS. Trần Du Lịch: "Doanh nghiệp Việt yếu đuối hơn nhiều so với khu vực FDI"

Thứ Tư, 24/01/2018 - 06:00

Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, xét về tổng thể, phần lớn doanh nghiệp Việt còn tham gia chuỗi giá trị thấp nhất, hiện không cạnh tranh nổi thị trường nội địa nhất là chuỗi bán lẻ.

PV: Ông đánh giá như thế nào về sức khỏe của doanh nghiệp Việt hiện nay? Trước áp lực hội nhập ngày càng sâu rộng, Chính phủ cần phải tương tác thế nào với doanh nghiệp để giải bài toán cạnh tranh và hội nhập ngay tại sân nhà?

TS. Trần Du Lịch: Giai đoạn 2011-2015 có thể thấy, nếu so với khu vực FDI doanh nghiệp Việt yếu đuối hơn nhiều dù bối cảnh cạnh tranh là giống nhau. Một nhược điểm thấy rõ là doanh nghiệp Việt mỏng vốn, kinh doanh chủ yếu nhờ đi vay, chi phí tài chính rất lớn.

Số thương hiệu giữ được uy tín còn mỏng quá, số làm theo sở đoản, theo phong trào thì nhiều, hoặc kiểu kinh doanh như Khaisilk chẳng hạn không giữ được uy tín. Để hội nhập thành công, vấn đề hợp tác làm ăn cùng nhau còn quá yếu.

TS. Trần Du Lịch

TS. Trần Du Lịch

Còn xét về tổng thể, phần lớn doanh nghiệp còn tham gia chuỗi giá trị thấp nhất, hiện không cạnh tranh nổi thị trường nội địa, nhất là chuỗi bán lẻ. Đây là vấn đề của Nhà nước chứ không phải trách nhiệm của doanh nghiệp không.

Giữa khối FDI và doanh nghiệp trong nước không gắn kết được với nhau thành ra chính sách dùng FDI chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước còn hạn chế.

Một vấn đề mang tính thời cơ là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hay nền kinh tế số, phần lớn doanh nghiệp trong nước chưa bắt kịp, như cuộc cạnh tranh giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ chẳng hạn.

Mặc dù nỗ lực của Chính phủ là nâng tầm doanh nghiệp tư nhân, nhưng để đạt được còn nhiều thách thức. Số doanh nghiệp xây dựng thương hiệu ổn định còn ít quá.

Dù khu vực tư nhân đóng góp trên 40% GDP, nhưng số doanh nghiệp hoạt động theo luật doanh nghiệp đóng góp chỉ 10%, còn lại 30% là cá thể, tiểu thương, nông dân. Chúng ta kỳ vọng số doanh nghiệp chiếm 10% GDP này làm sao phải lớn mạnh lên.

PV: Là người đồng hành với doanh nghiệp trong những thời kỳ khủng hoảng nhất, để tiếp cận được với nguồn vốn ngân hàng, theo ông, làm thế nào để nguồn vốn đang rất dồi dào trong ngân hàng đến được với doanh nghiệp?

TS. Trần Du Lịch: Về tín dụng, ngân hàng vẫn ưu tiên cho 5 ngành sản xuất quan trọng, chỉ kiểm soát bất động sản thôi. Nhưng rõ ràng tiếp cận vốn ngân hàng với doanh nghiệp nhỏ là rất khó, vì độ an toàn thấp, ngân hàng thương mại không mặn mà lắm vì sợ rủi ro, tăng nợ xấu.

Phải có hướng để doanh nghiệp tư nhân tương đối có tầm vóc tăng vốn bằng phát hành trái phiếu trên thị trường.

Năm 2017 số doanh nghiệp phát hành trái phiếu trên thị trường cũng lên đến trên 100 ngàn tỷ đồng, chính điều này làm giảm lãi vay, chi phí tài chính.

PV: Ông từng cho rằng nợ xấu không có gì là xấu cả?

TS. Trần Du Lịch: Bản thân nợ xấu không có gì xấu cả, chỉ khi nào nợ xấu lên tới mức mất an toàn hệ thống. Vì bất cứ ngân hàng cho vay lúc nào cũng có rủi ro, khi họ phá sản thì không đòi được nợ, hoặc đòi được ít thôi.

Nên ngân hàng nào cũng phải trích lập ngân sách dự phòng, chính vì thế mới có thị trường mua bán nợ xấu, đó là sản phẩm của thị trường tài chính chứ chẳng có chuyện gì lạ. Nhưng vì nhiều ngân hàng đã để cho nợ xấu thái quá, gây bất ổn toàn hệ thống nên mới thành vấn đề.

Phải quy định rất rõ đối với các ngân hàng về trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu, vì nợ xấu là bạn đồng hành với ngân hàng thương mại. Chính phủ thời gian qua đã phải tập trung giải quyết nợ xấu, tắc tài sản không bán được, Quốc hội phải xử lý để bán được tài sản mới kiểm soát được gốc vấn đề.

PV: Những vụ đại án gần đây được đưa ra xét xử liệu rằng có tác động gì đến tâm lý của doanh nghiệp, nhà đầu tư không thưa ông?

TS. Trần Du Lịch: Cảm nhận vậy thôi, chứ tôi cho rằng nhìn chung doanh nghiệp đang làm ăn cũng không lo lắng nhiều về điều này.

Những vụ đại án vừa rồi đều dính vào doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt một số liên quan các dự án bất động sản, còn các ngành sản xuất tôi thấy cũng bình thường, không có vấn đề gì lớn.

Hiện nay luật pháp tương đối chặt chẽ, từ 2018 ai phạm tội gì quy định rõ tội đó chứ không nói chung chung “cố ý làm trái” nữa. Luật đã thêm vào 15 tội danh mới rất cụ thể, doanh nghiệp nhìn vào đó biết mình làm sai cái gì rồi.

Xin cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top