CEO Mon Amie: Từ bang chủ game võ lâm trở thành nhà khởi nghiệp thời trang nổi tiếng
Từng khao khát mở công ty về game, Đặng Khang bất ngờ rẽ lối sáng lập nên thương hiệu Mon Amie Veston. Hành trình se duyên với thời trang mang đến cho anh nhiều trải nghiệm thú vị và dần biến thành đam mê mãnh liệt.
LTS: Ngày 13/10/1945, trong bức thư động viên, đặt niềm tin và khẳng định vai trò, sứ mệnh của các doanh nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi các doanh nghiệp và doanh nhân cùng chung sức phát triển nền kinh tế đất nước, từ đó tạo được lòng tin và những làn sóng tích cực cho phong trào thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Gần 8 thập kỷ đã trôi qua, những khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân là người làm giàu cho đất nước vẫn còn nguyên giá trị. Ngày nay, Đảng, Nhà nước, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân vẫn đang tiếp tục nỗ lực thực hiện lời căn dặn này của Người.
Sức mạnh và vị thế của mỗi quốc gia phụ thuộc trước hết vào sức mạnh kinh tế, nòng cốt là doanh nghiệp và doanh nhân. Doanh nghiệp là tài sản quốc gia, doanh nhân là hiền tài của đất nước. Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã có lực lượng doanh nhân hùng hậu, trong đó có nhiều doanh nhân đã trở thành niềm kiêu hãnh, phát triển bền vững, kinh doanh sáng tạo và có trách nhiệm với dân tộc. Đó là nền tảng vô cùng quan trọng để xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.
Trên tinh thần đồng hành cùng các doanh nhân, doanh nghiệp nỗ lực vượt khó, tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào hành trình xây dựng đất nước, Reatimes khởi đăng tuyến bài "Doanh nhân và khát vọng Việt Nam khởi nghiệp".
Bài 28: CEO Mon Amie: Từ bang chủ game võ lâm trở thành nhà khởi nghiệp thời trang nổi tiếng
Trân trọng gửi tới quý độc giả!
ĐƯA KINH NGHIỆM CHƠI GAME VÀO KINH DOANH
Đặng Khang sinh năm 1984 trong gia đình có truyền thống về nghề may âu phục - nhà may Hoàng Vy. Mong muốn của đấng sinh thành là khi Khang lớn lên sẽ nối nghiệp gia đình. Ấy vậy mà mà cậu con trai không những không thích nghề may mà còn dành rất nhiều thời gian cho game. Đặng Khang cũng chọn học một ngành nghề khác không liên quan đến thời trang.
Thời kỳ ấy, trong khi nhiều bạn trẻ tốn nhiều tiền cho việc chơi game thì Đặng Khang có thể kiếm tiền và dự định sau này sẽ lập một công ty sản xuất và kinh doanh các sản phẩm ở lĩnh vực này. Nhưng rồi sau một lần nói chuyện với cha, Đặng Khang thay đổi, quyết định thử sức với ngành thời trang.
“Thời điểm năm 2010, mình vẫn chưa bắt đầu cụ thể với một công việc nào và lúc ấy game đang mang lại nguồn thu nhập khá lớn. Dù vậy khi nhìn bạn bè cùng trang lứa đều có công việc và địa vị trong xã hội, mình nghĩ cần phải thay đổi vì không thể kiếm tiền từ game mãi được, nhất là đã đến độ tuổi lập gia đình. Sau đó, mình có một ngày nói chuyện với Bố và quyết định dừng hẳn game, rồi bắt đầu với công việc làm Marketing cho công ty của gia đình. Bố mẹ luôn động viên khích lệ rằng từ sớm, tôi đã bộc lộ những tố chất cần có của một người lãnh đạo, có thể truyền lửa, chiến thuật... Những tố chất ấy đã giúp tôi không nhỏ trong việc phát triển doanh nghiệp sau này", Khang kể lại.
Theo CEO Mon Amie, chính những kinh nghiệm mà anh đúc kết được trong quá trình chơi game đã giúp ích rất nhiều trên chặng đường khởi nghiệp với Mon Amie. Game thực chất cũng là 1 hệ sinh thái kinh doanh có quản lý nhân sự, bang hội, tìm kiến nguồn thu nhập tài chính, mở rộng thị trường và cạnh tranh với đối thủ. Do đó, khi chuyển sang hướng kinh doanh thời trang thì những kinh nghiệm thực chiến trong game vô tình lại là những kinh nghiệm thực tế hữu ích khi phát triển doanh nghiệp, giúp Mon Amie ngày càng phát triển. Sự tương đồng ấy giúp anh dần hứng thú trong lĩnh vực thời trang.
Tuy có nền tảng từ gia đình, nhưng với một nhân tố mới mẻ lần đầu bắt tay vào kinh doanh thời trang thì hành trình khởi nghiệp của Đặng Khang cũng thấm đẫm sự nhọc nhằn. Bắt đầu ở vị trí Phó giám đốc cho công ty gia đình, anh vừa phải học nghề may, vừa tìm kiếm, phát triển các nguồn khách hàng mới. Càng tìm hiểu và dấn sâu vào thị trường thời trang, Khang càng nhận thấy đây là một ngành nghề thú vị và đáng để theo đuổi. Những hoài bão về một tương lai thay đổi xu hướng mặc âu phục của người Việt đã thôi thúc anh muốn làm điều gì đó lớn lao hơn. Từ đây, chàng trai 27 tuổi bắt đầu xây dựng lộ trình cho riêng mình.
HÀNH TRÌNH 10 NĂM KHẲNG ĐỊNH THƯƠNG HIỆU CỦA MON AMIE
Năm 2011, Khang quyết định thành lập thương hiệu Mon Amie Veston, ban đầu chỉ có ba thành viên với vốn liếng duy nhất là niềm tin và sự hy vọng về tương lai. Lúc khởi nghiệp, Khang xác định khó khăn chắc chắn sẽ trùng trùng ở phía trước, nhưng bản lĩnh và ý chí đã luôn nhắc anh không được bỏ cuộc.
Từ một công ty của gia đình, Đặng Khang bắt đầu làm việc cật lực hết thời gian khi kiêm nhiệm nhiều vị trí cùng lúc từ Giám đốc, nhân viên kinh doanh, marketing, website, quảng cáo... Những lúc quá tải, không có nhân sự, anh kiêm luôn cả sổ sách giấy tờ, làm tài chính, rồi tự hoạch định chiến lược cho 3 năm, 5 năm sau. Cũng như những Startup khác, Khang phải tự đi thuyết phục từng khách hàng nhỏ, xây dựng bộ máy vận hành. Sau những năm tháng nỗ lực không mệt mỏi, anh đã chứng minh cho gia đình thấy khả năng phát triển mô hình công ty gia đình lên một tầm cao mới.
Thương hiệu Mon Amie Veston được định vị là doanh nghiệp dịch vụ may mặc. Thay vì một nhà may với thợ cắt, thợ may làm việc rời rạc, ngồi chờ khách tới rồi ghi tên, số đo lên cuốn sổ cũ kỹ, Khang chuẩn hóa thành quy trình khép kín từ thu mua nguồn nguyên liệu, thiết kế mẫu, nghiên cứu sản phẩm, chăm sóc khách hàng. Yêu thích công nghệ, anh tìm tòi xây dựng nền tảng quản lý hành trình trải nghiệm khách hàng, rồi chạy marketing để mang khách hàng đến nhiều hơn chứ không phải đến từ chỉ một chất lượng sản phẩm, mà còn đến từ chất lượng của dịch vụ.
“Trong ngành may, bên cạnh thời trang, tay nghề, sự tỉ mỉ thì uy tín và đam mê mang cái đẹp đến với khách hàng chắn chắn là động lực lớn nhất khiến mình theo đuổi chỉ suốt hơn 10 năm nay. Kinh nghiệm lớn nhất mà mình có được suốt quãng thời gian đó chính là hãy coi khách hàng là bạn bè thực sự, chắc chắn họ sẽ cảm nhận được và cùng bạn lan tỏa giá trị đó”, Khang nói.
Hiện Mon Amie đã có 9 chi nhánh tại TP. HCM và Biên Hòa, là doanh nghiệp tại TP. HCM dẫn đầu về lượng khách hàng may đo Veston cưới và Suit doanh nhân, phục vụ nhiều đối tác lớn tại Việt Nam. Trung bình Mon Amie phục vụ 4000 khách hàng là các doanh nhân, trang phục lễ cưới cùng hơn 200 công ty có nhu cầu may đồng phục mỗi tháng, cung cấp đồng phục cho các tập đoàn, doanh nghiệp lớn và nhiều nghệ sĩ nổi tiếng.
ĐAM MÊ KHỞI NGUỒN TỪ LỜI DẠY CỦA CHA
Vốn là một game thủ có tiếng, Đặng Khang từng nuôi ước mơ sẽ làm một thứ gì đó liên quan đến game hoặc về công nghệ. Thế nhưng, khi nhìn vào ánh mắt của bố, người mà từ khi Khang còn tấm bé đã luôn đặt kỳ vọng rằng sau này con trai lớn lên sẽ phát triển cơ nghiệp của gia đình, anh nghĩ rằng mình phải thay đổi. Một ngày cha nói với Khang rằng “Bố mẹ muốn con kế nghiệp truyền thống của gia đình”, Khang không ngần ngại từ bỏ đam mê của riêng mình.
Để tìm thấy niềm đam mê mới trong thời gian ngắn là vô cùng khó khăn, nhưng với Khang điều này thuận lợi hơn khi những ký ức về may mặc đã gắn vào tiềm thức, giúp Khang khơi lên được niềm tự hào về nghề truyền thống của gia đình và khao khát định vị nó ở một phương diện khác mới mẻ hơn, phù hợp hơn với xu thế may mặc của thế giới.
“Người có ảnh hưởng lớn nhất đối với mình là Bố! Hơn 20 năm chứng kiến bố mẹ làm kinh doanh, hằng ngày tiếp khách, chọn vải, làm việc với các cô chú thợ may, cầm mảnh vải, thước dây, cầm kéo… tạo cho mình thói quen ăn sâu vào tiềm thức. Được chứng kiến quá trình lập nghiệp của bố mẹ chắc chắn là sự ảnh hưởng lớn nhất đến hành trình khởi nghiệp của cá nhân mình”, Đặng Khang chia sẻ.
Ghé thăm một cửa hàng của Mon Amie vào những ngày cuối tuần, không khí ở đây vẫn luôn nhộn nhịp khách ra vào mua sắm. Mon Amie không chỉ bán hàng qua các kênh truyền thống mà còn đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử. Nhìn sự thành công của Mon Amie hôm nay, ít ai biết Đặng Khang vừa vượt qua cơn bão Covid-19 khiến doanh nghiệp của anh và ngành may mặc điêu đứng.
Nhiều khó khăn, thử thách dồn dập trong suốt 3 năm liền, nhưng bấy không thể làm chùn bước của người dẫn đường Mon Amie. Với doanh nhân trẻ Đặng Khang, khó khăn chỉ là để tiếp thêm động lực cho anh và toàn đội ngũ cố gắng, nỗ lực nhiều hơn trên hành trình xây dựng thương hiệu Mon Amie - hệ thống nhà may veston thế hệ mới tại TP. HCM.
“Có hai thời điểm khiến mình cảm thấy mệt mỏi nhất, đầu tiên là giai đoạn 6 bắt khởi nghiệp và lập thương hiệu Mon Amie. Khi đó vì tiết giảm chi phí và chưa có kinh nghiệm điều hành, mình phải kiêm nhiệm tất cả vị trí từ marketing, sales, chăm sóc khách hàng, tài chính và vô vàn công việc không tên khác. Đó là thời điểm mình phải dậy từ 8 giờ sáng và ngủ vào 3 giờ đêm sáng hôm sau. Tuy nhiên nó lại là một cuộc rèn luyện cả thể chất và tinh thần để sau này đứng trước những áp lực khác từ thị trường và kinh doanh mà mình vẫn có thể vượt qua.
Thời điểm thứ 2 là thời điểm dịch bệnh Covid-19 ở giai đoạn đầu, chứng kiến toàn bộ hệ thống phải đóng cửa, bộ máy kinh doanh bị đứng lại hoàn toàn và không biết trước tương lai ra sao.
Tuy nhiên lúc đó mình tự nhủ đây chắc chắn là một cơn bão lớn, chính sự yêu thương và tin tưởng của khách hàng là động lực đã giúp mình có thêm niềm tin để vượt qua đại dịch. Bên cạnh niềm tin thì trong suốt 2 năm ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Mon Amie đã có rất nhiều chiến dịch ngắn hạn và dài hạn để duy trì bộ máy và toàn bộ hệ thống qua khoảng thời gian khó khăn đó”, Đặng Khang trải lòng.
Theo Khang, những thành công của Mon Amie đi từ 3 yếu tố: Đầu tiên là niềm tin về việc xây dựng 1 sản phẩm và chất lượng Việt Nam có thể cạnh tranh và phát triển quốc tế, tiếp nữa là Mon Amie tập trung ở việc phát triển và tiên phong các dịch vụ trong ngành may đo, Mon Amie cũng luôn học hỏi và phát triển từng ngày, để qua từng năm phải phát triển và vượt bậc hơn về mọi mặt.
“Cũng như hàng trăm ngàn doanh nghiệp khác, giữa đại dịch khó khăn của Mon Amie là rất lớn mà bất cứ ai nhìn vào cũng thấy được đến từ vấn đề tài chính, nhân sự và khách hàng. Tuy nhiên chứng kiến 1 doanh nghiệp chuỗi 9 cửa hàng vẫn đứng vứng và tồn tại sau 2 năm đại dịch sự ủng hộ của các khách hàng từ doanh nhân, doanh nghiệp và các khác hàng khác, các khách hàng cũ là những thuận lợi rất lớn mà Mon Amie có được”, Khang thắng thắn.
CƠ HỘI LỚN, THÁCH THỨC NHIỀU
Khởi nghiệp trong giai đoạn thị trường công nghệ số như hiện nay, Khang cho rằng đó là cơ hội rất lớn cho các bạn trẻ. Tuy nhiên, riêng đối với lĩnh vực thời trang, sự cạnh tranh quá lớn là một trong những khó khăn, thách thức đối với Mon Amie trên những bước đầu tiên khẳng định thương hiệu.
“Mình có nhiều cơ hội khi tham gia ngành may đo từ khá sớm (2009) tuy nhiên mảng kinh doanh này thực sự khó. Nhiều người nhìn vào có vẻ dễ dàng khiến cho thị trường mỗi năm đều có hàng trăm, hàng ngàn thương hiệu bước vào thị trường làm sự cạnh tranh ngày một gay gắt. Tuy nhiên là 1 thương hiệu uy tín hàng đầu TP.HCM với hơn 100.000 khách hàng mỗi năm, đó là lợi thế và cơ hội để Mon Amie ngày một phát triển hơn”, Khang tự tin.
Hơn 3 năm làm thuê tại doanh nghiệp gia đình của bố, từ các vị trí học việc, Marketing, Sales, Phó giám đốc đã giúp Khang có nhiều kinh nghiệm tích lũy để khi nắm giữ vai trò lớn hơn thì anh đã có thể dễ dàng đảm nhận được. Hành trình này với Khang được ví như 1 cậu thanh niên tập tạ thời điểm đầu chỉ 10kg, sau lên 20 rồi 30kg nếu tiếp tục rèn luyện và chăm chỉ không ngừng thì thời điểm nâng được số tạ 80-90kg. Thành công tuy khó nhưng mỗi người sẽ có cách định nghĩa khác nhau, bất cứ chặng đường nào cũng cần có thời gian và mục tiêu rõ ràng thì sẽ đạt được.
Trong quan điểm của Khang, mỗi người đều có 1 năng lực quản lý & hoàn thành công việc, mục tiêu do mình đề (chủ) ra hoặc do người khác đặt ra cho mình (nhân viên). Nếu năng lực của mình cao hơn khối lượng công việc thì mình sẽ khỏe, còn ngược lại thì làm chủ hay làm nhân viên cũng sẽ đều rất vất vả. Trong đó, người chủ phải là người có sự cởi mở với cấp dưới, quan sát lộ trình của doanh nghiệp thông qua sự thấu hiểu đến từng nhân viên thì mới có điều hành tốt nhất.
“Nếu người đứng đầu chỉ biết nói, chỉ biết đưa ra yêu cầu mà không hiểu được độ khó và sự phù hợp của năng lực nhân sự thì sẽ khiến cho công việc và mục tiêu không được hoàn thành. Người đứng đầu rất cần có khả năng truyền lửa, hướng dẫn, giúp cấp dưới hoàn thành tốt tất cả mục tiêu, đó là điều mà mình đang nỗ lực hướng đến”, Khang chia sẻ.
Suốt hơn 10 năm khởi nghiệp, ngoài sự hỗ trợ và động viên của người thân, Khang cũng có sự đồng hành của những người anh, người bạn đã giúp đỡ từ vật chất, lẫn tinh thần nhất là ở những thời điểm khó khăn nhất. Đặc biệt đa số những người anh, người bạn đó lại là bằng hữu ngày trước khi cùng chơi trong con game võ hiệp với anh và gắn bó đến tận sau này.
TƯ DUY ĐỔI MỚI CỦA NGƯỜI KHỞI XƯỚNG
Theo chia sẻ của doanh nhân trẻ Đặng Khang, Mon Amie có khá nhiều sự khác biệt so với thị trường. Điển hình như Mon Amie có những người thợ tiên phong về xu hướng thời trang cho chú rể và doanh nhân tại Việt Nam. Mon Amie có các dịch vụ tiên phong trong ngành như may đo 24h, may đo 8h, may đo online, may do đồng phục cho các công ty có số lượng nhân sự từ 2000 - 10.000 người mà hầu như chưa có công ty nào làm được. Công ty cũng áp dụng cách thức lưu trữ số đo trên hệ thống với 9 chi nhánh phủ khắp TP.HCM giúp việc may đo qua nhiều năm trở nên thuận tiện và tiết kiệm.
CEO Mon Amie nói rằng, đây tuy là ý tưởng rất nhỏ, nhưng thực tế không mấy thương hiệu trên thị trường chú trọng đến điều này. Song nó lại thể hiện sự quan tâm, sâu sát đến khách hàng, thể hiện sự thấu hiểu và làm hài lòng khách hàng một cách tối đa.
Bí quyết thành công đến từ những điều rất nhỏ, nếu doanh nghiệp biết tôn nó lên điểm nhấn sẽ tạo ra sự khác biệt cho thương hiệu.
“Một doanh nghiệp giống như một đứa trẻ được sinh ra, chúng ta sinh nó ra thì phải tập trung sức lực nuôi dạy và khiến nó có ích với xã hội. Một doanh nghiệp chỉ có thể đi xa khi các thành viên cùng chung sức đồng lòng, cùng một hướng đi.
Tôi nghĩ rằng thay vì mỗi chúng ta tự tạo ra các doanh nghiệp nhỏ thì hãy tìm kiếm những người đồng hành cùng chung chí hướng để cùng nhau xây dựng doanh nghiệp Việt tầm cỡ quốc tế”, Khang bày tỏ.
Dưới góc nhìn của Đặng Khang, ngành thời trang của Việt Nam, đặc biệt là ngành thời trang may đo cao cấp gặp nhiều bất lợi so với bạn bè quốc tế vì năng lực tài chính có hạn, không được nhiều sự hỗ trợ và quan tâm của các cấp khiến cho việc kinh doanh khá đơn thân độc mã, chưa có những hiệp hội tổ chức để có thể đồng hành. Nghành cũng thiếu đoàn kết hỗ trợ lẫn nhau khiến cho ngành may đo khá rời rạc và bất cập. Tuy vậy, trong thời kỳ mở cửa, cơ hội của ngành vẫn là rất lớn. Việt Nam là 1 đất nước thân thiện, an toàn, là điểm đến của các cá nhân và doanh nghiệp quốc tế, giá cả tốt, hợp lý hơn so với quốc tế, đó là những thời cơ tốt mà chúng ta cần nắm bắt.
Trong tiến trình mới, Mon Amie sẽ ngày càng khẳng định chỗ đứng để xứng đáng là một trong những doanh nghiệp thời trang Top 1 tại TP.HCM về may đo Veston và đồng phục cao cấp. Dưới sự dẫn dắt của CEO Đặng Khang, giai đoạn 5 năm tới, Mon Amie dần hướng đến những đối tác tiềm năng, phát triển thị trường khắp các tỉnh thành, xa hơn là mở rộng quy mô ra nhiều quốc gia trên thế giới như một lời khẳng định chắc chắn về tiềm năng và uy tín của thời trang thương hiệu Việt trên toàn cầu.