Tư duy thị trường và cuộc cải cách tạo động lực cho kinh tế tư nhân

Tư duy thị trường và cuộc cải cách tạo động lực cho kinh tế tư nhân

Thứ Tư, 14/07/2021 - 06:00

Hiện nay, kinh tế tư nhân và đội ngũ doanh nhân đã trở thành lực lượng không thể thay thế trong xây dựng và phát triển kinh tế đất nước. Trải qua đại dịch vừa qua cho thấy, nếu không có kinh tế tư nhân phát triển như hiện nay, thì nền kinh tế không đủ sức cung ứng lương thực, thực phẩm và các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác cho người dân trong bối cảnh giãn cách xã hội; đời sống và an sinh xã hội không thể giữ được ổn định.

***

Trong thời kỳ kế hoạch hóa tập trung quan liêu, kinh tế tư nhân Việt Nam là đối tượng cải tạo xã hội chủ nghĩa; sự hiện diện của kinh tế tư nhân bị coi là phi pháp. Kể từ năm 1991, thực trạng nói trên đã bắt đầu thay đổi nhờ Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân (1990). Hai luật đó đã tạo nền tảng pháp lý đầu tiên cho phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam. Sau 10 năm được thừa nhận về mặt pháp lý, đến năm 2000, có khoảng 32.000 doanh nghiệp hoạt động (trong khoảng 45.000 doanh nghiệp được phép thành lập). 

Có thể nói đây là thế hệ doanh nhân đầu tiên của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trong đó nhiều người đã thành đạt, có đóng góp lớn vào phát triển kinh tế đất nước như ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Tập đoàn Geleximco; ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Tôn Hoa Sen; ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT…

Từ năm 2000, nhờ Luật Doanh nghiệp 1999, kinh tế tư nhân Việt Nam đã có bước phát triển nhảy vọt. Đến năm 2011, có hơn 325.000 doanh nghiệp hoạt động; tăng gấp 10 lần so với năm 2000. Đây là thế hệ doanh nhân thứ hai mà một số người trong số họ đã trở thành tỷ phú đô la, như ông Phạm Nhật Vượng, ông Trần Bá Dương, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, bà Thái Hương,...

Và 10 năm sau, đến cuối năm 2020, cả nước có hơn 800.000 doanh nghiệp của kinh tế tư nhân (và hơn 4 triệu hộ kinh doanh cá thể).

Hiện nay, kinh tế tư nhân đã trở thành lực lượng không thể thay thế trong xây dựng và phát triển kinh tế đất nước. Kinh tế tư nhân đã đóng góp hơn 42% GDP (chưa tính phần đóng góp vào thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm); tạo ra hơn 80% số việc làm cho nền kinh tế; là lực lượng quan trọng nhất thực hiện sứ mệnh xóa nghèo, đói, vươn lên làm giàu của đất nước. Riêng về doanh nghiệp, khối tư nhân ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và quy mô.

Hiện nay, các doanh nghiệp của tư nhân chiếm 96,7% số lượng doanh nghiệp, 61% về lao động, 53% về vốn, 56% về tổng tài sản, khoảng 57% về doanh thu thuần, khoảng 36% lợi nhuận trước thuế.

Doanh nghiệp của tư nhân đã hoạt động trên hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội, cả những lĩnh vực mà trước đây chỉ có các tập đoàn kinh tế Nhà nước, các tập đoàn xuyên quốc gia mới có khả năng tham gia, ví dụ như công nghệ cao, công nghiệp luyện kim, công nghiệp ô tô... 

Rất nhiều công trình lớn về xây dựng, bất động sản, cầu cảng, sân bay, những công trình phức hợp lớn được thực hiện bởi các tập đoàn tư nhân. Trải qua đại dịch vừa qua cho thấy, nếu không có kinh tế tư nhân phát triển như hiện nay, thì nền kinh tế không đủ sức cung ứng lương thực, thực phẩm và các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác cho người dân trong bối cảnh giãn cách xã hội; đời sống và an sinh xã hội không thể giữ được ổn định.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn nền kinh tế đã huy động được tổng số vốn đầu tư khoảng 9,2 triệu tỷ đồng; chiếm khoảng 33,7% GDP; với mức tăng trung bình hằng năm gần 10%. Trong đó, đầu tư tư nhân chiếm 45%, tương đương 4,14 triệu tỷ đồng (187 tỷ USD); đầu tư Nhà nước 33,7%, tương đương 3,1 triệu tỷ đồng (khoảng 140,5 tỷ USD), và FDI chiếm 22,3%, tương đương hơn 2 triệu tỷ đồng, khoảng 93 tỷ USD.

Thực tế trên cho thấy, kinh tế tư nhân đã trở thành lực lượng kinh tế lớn nhất của đất nước. Tuy vậy, nó vẫn còn nhỏ so với các nền kinh tế khác; ở đó, kinh tế tư nhân chiếm tới 70 - 80% GDP, là lực lượng chủ yếu của nghiên cứu phát triển, đi đầu trong áp dụng khoa học công nghệ và cạnh tranh quốc tế. Như vậy, dư địa phát triển khu vực tư nhân ở nước ta còn rất lớn; có tiềm năng tăng trưởng cao hơn hẳn các khu vực khác, chắc chắn phải là động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. 

Nhà máy sản xuất ô tô Vinfast

Cùng với quá trình cải cách, mở cửa, vị thế chính trị của kinh tế tư nhân ngày càng được đề cao. Từ chỗ phi pháp chuyển sang hợp pháp và được thừa nhận; rồi trở thành bộ phận không thể thiếu của nền kinh tế; và nay là động lực quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Đồng hành với thay đổi nói trên của quan điểm chính trị, pháp luật cũng ngày càng được hoàn thiện theo hướng khuyến khích và tạo thuận lợi hơn cho phát triển kinh tế tư nhân.

Điều 51 Hiến pháp 2013 khẳng định: “Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa”. Đây là điều hết sức quan trọng để các nhà đầu tư tư nhân yên tâm đầu tư quy mô lớn và dài hạn. 

Tuy vậy, thành tựu đáng ghi nhận nhất, tạo động lực cho kinh tế tư nhân phát triển chính là những thay đổi về quyền kinh doanh.

Như trên đã nói, khi chuyển từ phi pháp sang hợp pháp và được thừa nhận, doanh nghiệp tư nhân chỉ được quyền kinh doanh những gì mà cơ quan quản lý Nhà nước cho phép. Trong suốt 9 năm (1991 - 1999), quyền và phạm vi kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân là rất hạn hẹp, phụ thuộc vào sự can thiệp hành chính tùy ý của cán bộ, công chức Nhà nước có thẩm quyền. 

Vào thời kỳ đó, thành lập doanh nghiệp chưa phải là quyền đương nhiên của công dân, mà phải có sự cho phép của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, và trong một số trường hợp phải có sự cho phép của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ). Thời gian để thành lập được một doanh nghiệp bình thường kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm, phải qua 42 thủ tục khác nhau; và tốn kém ít nhất khoảng 4.000 - 5.000 USD, gấp hơn 10 lần thu nhập bình quân/đầu người của thời kỳ đó.  

Trong quá trình hoạt động, mỗi một thay đổi dù rất nhỏ đều phải xin phép cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền. Luật Doanh nghiệp năm 2000 đã thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận về quyền kinh doanh của doanh nghiệp và cách thức quản lý Nhà nước. Đó là, doanh nghiệp được quyền tự do kinh doanh tất các các ngành, nghề mà pháp luật không cấm; và quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp đã chuyển từ chủ yếu tiền kiểm sang chủ yếu hậu kiểm. 

Dây chuyền hàn bấm thân vỏ, lắp ráp nội thất và lắp ráp hoàn thiện xe minibus Iveco Daily

Từ đó, thời gian thành lập doanh nghiệp rút ngắn xuống còn không quá 10 ngày làm việc với chi phí hầu như không đáng kể. Hàng ngàn loại giấy phép không tên và có tên bị bãi bỏ ngay lập tức khi Luật Doanh nghiệp có hiệu lực ngày 1/1/2000. Sự thay đổi đó được Thủ tướng Phan Văn Khải gọi là “một luồng sinh khi mới đang chạy vào môi trường kinh doanh Việt Nam”. 

Chính nhờ luồng sinh khí mới đó mà số doanh nghiệp mới thành lập năm 2000 là hơn 14.000, và sau đó lên hơn 20.000, 30.000… Chỉ trong 10 năm, số doanh nghiệp đang hoạt động gấp 10 lần số doanh nghiệp của 10 năm trước đó. Tinh thần tự do kinh doanh liên tục được phát triển trong hơn 20 năm qua; và đến nay, doanh nghiệp đã được quyền kinh doanh tất cả những gì luật không cấm, (thay vì pháp luật không cấm).

Cùng với Danh mục ngành nghề cấm kinh doanh, Quốc hội cũng đã ban hành danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện; đồng thời, yêu cầu Chính phủ tập hợp, rà soát, đánh giá và bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh không hợp lý, không phù hợp, không rõ ràng, cụ thể…

Nhà máy sản xuất xe bus Thaco

Trong mấy năm qua, Chính phủ đã bãi bỏ hàng ngàn điều kiện kinh doanh như thế. Đây là xu hướng không thể đảo ngược. Vì vậy, danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện sẽ từng bước thu hẹp; điều kiện kinh doanh tiếp tục được cắt bỏ; kết quả là quyền kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục được mở rộng và nâng cao; an toàn trong đầu tư kinh doanh tiếp tục được gia cố. 

Trình bày trên đây cho thấy đã có bước tiến dài trong cải cách, tạo thuận lợi và động lực cho kinh tế tư nhân phát triển. Tuy vậy, vẫn còn không ít nút thắt và rào cản cả về tư duy và thể chế, cả chính trị và pháp lý... đối với phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam.

Trước hết về quan điểm, kinh tế tư nhân Việt Nam vẫn bị coi là thành phần kinh tế “hạng hai”, “hạng ba”; vì trong đường lối chính trị phát triển đất nước, kinh tế Nhà nước vẫn tiếp tục được khẳng định là có vai trò chủ đạo; và các doanh nghiệp Nhà nước là lực lượng vật chất chủ yếu thực hiện vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước.

Quan điểm đó đang tác động đến vai trò của Nhà nước, đến tiến trình và quy mô tư nhân hóa doanh nghiệp Nhà nước, đến thay đổi cơ chế phân bố nguồn lực và tiếp cận của doanh nghiệp tư nhân đến các nguồn lực xã hội. Nếu các vấn đề nói trên không thay đổi, thì cơ hội và dư địa cho phát triển kinh tế tư nhân chưa thể khai thác đến mức cao nhất có thể.

Về tư duy, vẫn còn chưa thật rõ ràng về vai trò của Nhà nước và thị trường; vì vậy, cải cách chuyển đổi sang kinh tế thị trường chưa thật sự dứt khoát. Điều này kéo theo một số hệ lụy đối với cải cách, phát triển kinh tế nói chung và phát triển kinh tế tư nhân nói riêng. 

Một là, không thiết lập đầy đủ các yếu tố nền tảng của kinh tế thị trường. Cải cách chuyển đổi sang kinh tế thị trường cho đến nay chủ yếu thực hiện ở hành pháp, một phần nhất định ở lập pháp; còn tư pháp hầu như chưa có nhiều cải cách theo kinh tế thị trường, thúc đẩy kinh tế thị trường phát triển. 

Một số công cụ quản lý Nhà nước lạc hậu, không còn phù hợp như thanh tra chung về tuân thủ luật pháp vẫn còn sử dụng khá phổ biến. Vì vậy, sau 35 năm cải cách, nền kinh tế thị trường Việt Nam vẫn chưa đầy đủ theo thông lệ quốc tế, mà thậm chí còn những méo mó.

Hai là, cách làm luật và thực thi pháp luật thiên về quản lý, kiểm soát nhiều hơn là giải quyết các vấn đề vì phát triển và thúc đẩy phát triển. 

Hai nút thắt nói trên đã và đang tạo ra hàng loạt các rào cản đối với phát triển kinh tế tư nhân. Pháp luật chưa rõ ràng, không nhất quán, chồng chéo, mâu thuẫn và không tiên liệu trước được là nỗi ám ảnh của đa số doanh nhân và nhà đầu tư. Cách quản lý Nhà nước buộc doanh nghiệp phải kinh doanh theo quy định pháp luật làm tăng thêm rủi ro và triệt tiêu sức sáng tạo của doanh nhân trong việc tìm kiếm các cách làm tốt hơn, hiệu quả hơn, qua đó tận dụng hết cơ hội và tiềm năng phát triển. 

Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao TH Hà Nội

Nói cách khác, một cách làm khác tạo ra kết quả tốt hơn, nhưng không đúng với quy định của pháp luật có thể dẫn tới quy kết làm trái quy định pháp luật; hoạt động kinh doanh đó của doanh nghiệp bị coi là phi pháp. Với thị trường, các nhân tố sản xuất còn kém phát triển, phân bố nguồn lực vẫn nặng về xin - cho, thì đa số doanh nghiệp tư nhân không tiếp cận được, nhất là vốn và đất đai, và không có đủ nguồn lực để phát triển, ngay cả khi có dự án, phương án kinh doanh tốt. 

Trong bối cảnh đó, một thất bại trong kinh doanh hay có tranh chấp với đối tác kinh doanh cũng chôn vùi tài sản và cơ hội kinh doanh có liên quan trong ít nhất vài năm, và thậm chí không còn cơ hội phục hồi, tái sinh. Những nút thắt và rào cản đó làm cho đa số doanh nghiệp tư nhân “chưa muốn lớn” hoặc “không thể lớn được”. 

Do đó, nhìn về tương lai, các nút thắt và rào cản nói trên phải được từng bước tháo bỏ. Bởi vì, không có kinh tế tư nhân, nhất là doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh, có năng lực cạnh tranh quốc tế, thì sẽ không có nền kinh tế quốc gia vững mạnh, tự chủ và có sức chống chịu tốt.

Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021 - 2030 đã xác định mục tiêu đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp và khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 60 - 65% GDP. 

Để đạt mục tiêu nói trên, phải triển khai thực hiện ít nhất hai nhóm giải pháp sau:

Một là, trong nhiệm kỳ Chính phủ 2021 - 2026 tiếp tục thực hiện mạnh mẽ, nhất quán chương trình cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Chính phủ với các giải pháp cụ thể sau đây:

(a) Đổi mới tư duy về vai trò của pháp luật và cách thức làm luật; luật pháp không phải để quản lý xã hội mà là giải quyết các vấn đề xã hội, nhằm thúc đẩy xã hội phát triển thịnh vượng hơn, công bằng hơn, văn minh hơn…

Văn bản quy phạm pháp luật cần linh hoạt, đáp ứng yêu cầu phát triển; không nhất thiết phải đầy đủ và toàn diện; không nhất thiết phải có hàng chục, hàng trăm điều khoản; mà chỉ cần đủ để giải quyết một hoặc một số vấn đề đang cản trở quá trình phát triển xã hội. Quá trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật phải liên tục, hàng ngày; linh hoạt và thích ứng với yêu cầu phát triển; không thể làm luật, lập quy theo lối “xuân thu nhị kỳ” và thiếu chuyên nghiệp như hiện nay.

(b) Liên tục tập hợp, phát hiện và chỉ đạo giải quyết ngay các vướng mắc, rào cản pháp lý, thủ tục hành chính phức tạp, phiền hà, và thái độ công vụ sách nhiễu, gây phiền hà, tốn kém… để tạo thuận lợi và củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp đối với Chính phủ (công việc này có thể làm thường xuyên theo vụ việc hoặc tập hợp thành nhóm vấn đề và trở thành một nội dung của nghị quyết).

(c) Rà soát, đánh giá các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong các luật chuyên ngành, trên cơ sở đó kiến nghị Quốc hội (một luật sửa đổi bổ sung nhiều luật) bãi bỏ, sửa đổi đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh không rõ ràng, không cụ thể, không cần thiết, không còn phù hợp với yêu cầu quản lý Nhà nước.

(d) Tiếp tục rà soát, bổ sung sửa đổi các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong các nghị định để bảo đảm thực sự quyền tự do kinh doanh và nâng cao mức độ an toàn trong đầu tư kinh doanh, khuyến khích sáng tạo trong đầu tư kinh doanh, trên cơ sở đó:

- Tiếp tục bãi bỏ, sửa đổi các điều kiện kinh doanh chưa rõ ràng, chưa cụ thể, không còn phù hợp, ràng buộc doanh nghiệp chỉ được kinh doanh theo cách mà pháp luật quy định; 

- Xem xét từng bước bãi bỏ các điều kiện đầu tư kinh doanh hạn chế doanh nghiệp thực hiện các quyền tự do trong kinh doanh…;

- Thay đổi cơ bản phương thức quản lý Nhà nước về đầu tư kinh doanh có điều kiện, chuyển mạnh sang hậu kiểm trên cơ sở theo dõi, đánh giá mức độ tuân thủ của doanh nghiệp và mức độ rủi ro của đầu tư kinh doanh có liên quan đối với xã hội.

Bất động sản du lịch

(e) Tiếp tục cải cách toàn diện công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo thông lệ quốc tế, chuyển triệt để sang hậu kiểm trên các mặt: 

- Tiếp tục cắt giảm danh mục hàng hóa, sản phẩm thuộc diện kiểm tra chuyên ngành;

- Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền: Có tổ chức thẩm định phù hợp và hoạt động theo nguyên tắc cạnh tranh thị trường công bằng; và một mặt hàng chỉ có một cơ quan Nhà nước chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước;

- Thời điểm và cách thức kiểm tra: Chủ yếu sau thông quan và thực hiện kiểm tra hoàn toàn trực tuyến;

- Có đầy đủ quy chuẩn, tiêu chuẩn rõ ràng tương ứng; 

- Công khai, minh bạch phí thẩm định và phí kiểm tra chuyên ngành; 

- Tiếp tục cải cách triệt để thủ tục hành chính; thực hiện thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành hoàn toàn trực tuyến; hồ sơ, dữ liệu và các loại chứng nhận điện tử, số hóa hoàn toàn thay thế hồ sơ giấy;

- Liên tục nâng cấp hệ thông tin một cửa quốc gia, đảm bảo vận hành thông suốt, không tắc nghẽn, kết nối tương thích, thuận lợi, dễ dàng với các cổng thông tin khác có liên quan của các bộ, cơ quan và địa phương;

(f) Rà soát, đánh giá pháp luật trong từng lĩnh vực, ngành nghề và pháp luật có liên quan để xác định các khái niệm không còn phù hợp, các nội dung không rõ ràng, không cụ thể, hoặc còn thiếu; các quy định chồng chéo, trùng lặp, mâu thuẫn, không tương thích…

Kiến nghị một luật sửa nhiều luật, một nghị định sửa nhiều nghị định có liên quan để khắc phục tình trạng nói trên. Lập tổ chuyên gia độc lập thực hiện nhiệm vụ rà soát và soạn thảo văn bản pháp luật nói trên.

Ưu tiên trước hết vào các ngành, lĩnh vực thuộc trọng tâm của đột phá về thể chế bao gồm: Huy động, phân bố, quản lý và sử dụng các nguồn lực xã hội (đất đai, tài nguyên, vốn đầu tư…), lao động và thị trường lao động; tài chính, thị trường chứng khoán, ngân hàng, vốn đầu tư mạo hiểm và các công cụ phi truyền thống.

(g) Cải cách mạnh mẽ hành chính tư pháp; bổ sung sửa đổi Luật Phá sản doanh nghiệp, Luật Tố tụng thương mại và dân sự nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả giải quyết tranh chấp thương mại, giảm thời gian và chi phí rút khỏi thị trường, cải thiện mạnh mẽ chỉ số phá sản và chỉ số giải quyết tranh chấp hợp đồng thương mại.

Xem xét, sửa đổi căn bản chế độ thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp; bãi bỏ chế độ thanh tra chấp hành pháp luật chung đối với doanh nghiệp; chỉ có thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và đổi mới chế độ thanh tra, kết hợp với quản lý Nhà nước theo chế độ hậu kiểm và trực tuyến…

Hai là, nhóm giải pháp trực tiếp hỗ trợ phát triển mạnh kinh tế tư nhân và doanh nghiệp tư nhân Việt Nam:

(a) Nghiên cứu, xác định nguyên nhân làm cho tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, phá sản ở mức cao và tăng lên trong các năm gần đây; trên cơ sở đó, thực hiện các giải pháp tương ứng giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động/số doanh nghiệp mới thành lập hàng năm xuống khoảng không quá 40%.

(b) Nghiên cứu, xác định rào cản hạn chế chuyển đổi doanh nghiệp phi chính thức thành doanh nghiệp đăng ký theo luật doanh nghiệp; hoàn thiện pháp luật bãi bỏ các rào cản đã xác định; đồng thời truyền thông và hỗ trợ để hàng năm có thể chuyển đổi thành công khoảng 10.000 - 12.000 doanh nghiệp.

(c) Nghiên cứu xây dựng và thực hiện các giải pháp thích hợp khuyến khích thành lập mới doanh nghiệp ở các địa phương ngoài Hà Nội và TP.HCM, đặc biệt ở miền Trung, Tây Nguyên, vùng miền núi phía Bắc và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

(d) Xây dựng và phát triển các khu công nghiệp dành riêng cho các nhà đầu tư tư nhân trong nước; hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân tiếp cận và có được địa điểm phù hợp để đầu tư phát triển.

(e) Hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa về các mặt:

- Nâng cao năng lực hiểu biết và tiếp cận công nghệ; nhận chuyển giao công nghệ, áp dụng và cải tiến công nghệ, tiến tới nghiên cứu và phát triển công nghệ.

- Nâng cao năng lực áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và áp dụng công nghệ 4.0 trong quản lý và phát triển sản xuất kinh doanh.

- Nâng cao nhận thức, năng lực quản lý và năng lực kết nối, tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu trong các ngành, nghề có lợi thế; có đủ năng lực và đáp ứng đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm đến các thị trường có yêu cầu chất lượng cao.  

- Nâng cao năng lực marketing, tiếp cận thị trường, phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

(f) Hỗ trợ các doanh nghiệp vừa, các doanh nghiệp quy mô lớn về các mặt:

- Mở rộng đầu tư kinh doanh ra thị trường khu vực và toàn cầu; hình thành tập đoàn kinh tế có quy mô khu vực và toàn cầu.

- Khuyến khích nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ; hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.

- Khuyến khích, hỗ trợ và định hướng đầu tư phát triển công nghiệp chế tác, chế tạo, chế biến nông sản phẩm.

- Hỗ trợ, định hướng phát triển cân đối, bền vững, đầu tư có trách nhiệm…

- Hỗ trợ các hiệp hội doanh nghiệp nâng cao năng lực phản biện chính sách, năng lực hỗ trợ và bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp thành viên; tạo điều kiện để các hiệp hội doanh nghiệp tham gia soạn thảo, phản biện và góp ý nâng cao chất lượng dự thảo các văn bản pháp luật.

Có thể thấy, doanh nghiệp tư nhân và doanh nhân có sứ mệnh đặc biệt quan trọng trong sự phát triển của quốc gia. Muốn phát huy vai trò và sức mạnh đó, cần nhanh chóng tháo gỡ những nút thắt, cần thay đổi từ nhận thức, tư duy đến phương pháp và hành động thực tiễn… với phương châm phục vụ thay cho quản lý và tất cả tập trung cho sự phát triển, lớn mạnh của doanh nghiệp.

Thảo Quyên
14/07/2021 06:00
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top