Từ những điều rất nhỏ

Từ những điều rất nhỏ

Thứ Bảy, 11/09/2021 - 06:00

Ở quê, cách gọi tên sự vật nhiều khi rất ngẫu hứng, tiện thể. Cây chay trồng ở vườn nhà bà cụ Hoàn nên cả xóm gọi là cây chay bà Hoàn. Đơn giản vậy thôi. Làng tôi ở vùng đồi trung du, bên cạnh con sông Thương thủy triều lên xuống. Thổ nhưỡng ở đây có vẻ rất hợp với loài cây chay, chứng cứ là cây chay bà Hoàn rất xanh tốt, tán lá xum xuê, rất sai quả. Thế nhưng rất lạ, cả làng chỉ có hai ba nhà trồng. Tôi vẫn nhớ, ngoài cây chay bà Hoàn, chỉ có cây chay ông Lương và cây chay ông Chất thì phải.

Cây chay là loại cây lành, bốn mùa xanh tốt. Quả của nó thu hoạch vào tháng Bảy tháng Tám âm. Ngoài làm gia vị để nấu canh chua, kho cá, thấy bảo hạt quả đay còn làm vị thuốc nam... Tuy nhiên, với người dân quê, cây chay có hai công dụng thiết thực: Quả dùng nấu canh chua và rễ dùng làm “vỏ” (vỏ ngoài của rễ) để các bà các mẹ ăn trầu. Với bọn trẻ con thì chỉ thích thú nhất là được ăn quả chay chín.

Quả chay không trở thành hàng hóa được, bán không ai mua. Bởi vì nếu cần gia vị chua để nấu nướng thì ở quê không thiếu những thứ thay thế là lá me, quả sấu, quả quéo… Hoặc quả chay chín, cũng không phải là loại quả ngon, bởi thường là chua quá mức, nhiều người không ăn được. Khi quả chay chín, bọn trẻ con trong xóm hay rình mò, trèo trộm.

Thực ra, nhà cụ Hoàn chả tiếc quả chay, nhưng chỉ sợ bọn trẻ con leo trèo, gẫy cành ngã xuống đất thì khốn. Cụ Hoàn tuổi đã cao, mắt kèm nhèm, lưng còng. Bọn trẻ con rình lúc cô chú (con của cụ) đi làm ngoài đồng, bèn rủ nhau vào trèo trộm. Cụ nghe thấy tiếng động, biết là lũ trẻ trôm chay, cụ đứng trong sân, nhướng mắt về phía vườn chửi.

Cụ bảo: “Cha bố chúng mày, muốn ăn thì bảo thằng bố con mẹ chúng mày đến mà vặt. Chứ chúng mày trèo lên mà ngã thì lại khổ thằng bố con mẹ chúng mày đới…”. Cụ cứ chửi thế. Bọn trẻ con cứ trèo. Tôi là loại nhát cáy, xin làm chân cảnh giới. Hễ thấy cô hoặc chú đi làm về, tôi huýt sáo ra hiệu cho bọn bạn tụt nhanh xuống thoát thân. 

Quả chay chín thường là mềm nẫu, nếu tự rơi từ trên cây xuống đất là nát. Nên, nếu thấy sắp chín, có thể hái xuống, để hai ba ngày là chín nục. Khi chín, trong lòng quả màu hồng sậm, nhiều nước, vị ngọt pha chua, có những cây già vị ngọt, có những cây lại ngả vị chua. Nếu phải cây ngả vị chua, phải bạo lắm mới dám ăn. Chứ cái vị chua của chay thường rất gắt…

Quả chay (Ảnh sưu tầm)

Đối với làng quê thuở những năm 1980 trở về trước, cây chay đặc biệt quý ở bộ rễ của nó. Cây càng lớn thì bộ rễ càng to, càng xum xuê. Thỉnh thoảng, người ta lại đào tỉa lấy vài cái rễ lớn để mang đi bán cho các bà làm vỏ ăn trầu. U tôi nghiện trầu thuốc. Cụ đặc biệt quý vỏ rễ cây chay. Các cụ gọi nó là “vỏ đỏ”, chắc là với cái nghĩa nó không chỉ tạo ra nước cốt trầu màu đỏ, mà còn với nghĩa khẳng định nó thuộc đẳng cấp đỏ, son, ngon nhất...

Các hàng trầu vỏ ở chợ thường để nguyên đoạn rễ dài, bó lại trong bẹ chuối để giữ cho tươi lâu. Khách đến mua, tùy vào túi tiền, mua ít hay nhiều, chủ hàng dùng con dao sắc ngọt, đặt cái rễ chay lên thớt chém một nhát vạt chéo ngọt lịm. Trông khúc vỏ thật nục nạc, thích mắt, rất ngon.

Ở làng quê ngày ấy, để tỏ lòng hiếu thảo với mẹ, con dâu con gái đi chợ thường hay mua đồng quà tấm bánh cho mẹ chồng mẹ đẻ ở nhà; nếu mẹ nghiện trầu, trong mấy thức quà không thể thiếu một khúc vỏ đỏ tươi. Nếu đứa con nào mua cho khúc vỏ đỏ dài, tươi tốt là được khen có lòng thảo.
Ngày xưa nghèo khó, nhiều khi không đủ tiền mua vỏ. Những lần ăn giầu thiếu vỏ, u tôi thường sai tôi đến cụ Hoàn xin bẻ một nhánh bé tẹo trên cành cây đay để về tước lấy vỏ thêm vào miếng giầu. Ngày ấy sao mà khổ thế…

Hôm rồi tôi về thăm quê. Tự nhiên nhớ U, nhớ cây chay bà Hoàn. Bây giờ cả cụ Hoàn, cả cô chú con cụ và cả U tôi đều đã ra người thiên cổ. Hỏi ra, mới biết cây chay ấy đã bị chặt rồi, lấy chỗ làm nhà. Chủ của mảnh đất ấy bây giờ thuộc lớp con của cô chú, gọi bà Hoàn là bà nội…

Đàn bà thôn quê những năm xưa khi về nhà chồng hầu như mất cả cái tên cha mẹ đặt cho: Lúc chưa có con gọi theo tên chồng, có con đầu lòng gọi theo tên con. Bà Hai mà tôi đang nói tới, chính là gọi tên theo thằng Hai, con cả của bà cùng tuổi tôi. Cả làng cả tổng gọi thế, chứ không riêng gì ai. Cho đến bây giờ, thế hệ chúng tôi cũng không nhớ tên cúng cơm của bà là gì? Hay do tôi đi xa làng đã lâu mà không nhớ tên thật của bà…

Bà là một nông dân bình thường, ngày ngày bới đất lật cỏ kiếm ăn. Nhưng bà cũng là một nông dân khác thường, bà làm nghề đỡ đẻ cho cả làng cả xóm, thậm chí các làng lân cận nữa, nhiều người rước bà đi đỡ đẻ giúp.

Chả biết bà học cái nghề này ở đâu, từ ai. Tôi chỉ nhớ, bà không phải người làng. Bà người thiên hạ, lấy chồng về làng tôi.

Ngày ấy, trạm xá xã chỉ có vài ba nhân viên là cùng. Trạm trưởng may lắm thì là một y sĩ, học trung cấp y dược ra, hoặc một y tá quân đội phục viên về làm. Cho nên, mỗi khi ai trong làng trong xã có bệnh chỉ cần hơi nặng một tí thôi là trạm xá xã viết giấy chuyển lên bệnh viện huyện. Lên huyện đâu có dễ dàng gì. Làng/xã tôi thuộc vị trí cuối huyện, cách khoảng hơn chục cấy số. Ngày đó cũng chưa có xe máy. Nếu người bệnh nặng, chỉ có thể khiêng cáng đi bộ hoặc may mắn hơn là chở cáng bằng xe đạp, xe trước xe sau kẽo kẹt mãi rồi cũng tới nơi.

Nói thế, để thấy việc đỡ đẻ của dân làng, nếu không có bà Hai chẳng quản đêm hôm gà gáy “chia lửa” cho bệnh xá xã thì thật nan giải. Bà đỡ đẻ giỏi lắm. Đầu tiên bà thăm khám, bà biết ngay đẻ khó/dễ thế nào. Những ca đẻ thông thường, chả phải bàn, bà đỡ ngon ơ. Còn những ca đẻ khó là khi thai nhi nằm ngược hoặc vỡ ối sớm hoặc sinh đôi… bà phỏng chừng liệu sức, có ca bà quyết đoán nhận lời, có ca bà kiên quyết bắt người nhà sản phụ đưa đi bệnh viện.

Nhà tôi nằm sát cạnh nhà bà, ngăn cách bằng một bức tường thấp. Nếu nói chuyện to có khi hai nhà nghe tiếng nhau. Có việc gì, ới nhau qua hàng rào, rất tiện. Tôi với thằng Hai lại cùng học cấp một, chơi với nhau rất thân, nên lắm lúc cứ trèo tường sang nhà nhau xoành xoạch.

Bố mẹ tôi có 9 lần sinh, đậu 8. U tôi bảo, trong số này có đến 6 đứa do bà Hai đỡ giúp, còn hai đứa khác là do những lần bà Hai đi vắng, không có nhà nên phải đưa đi bệnh xá xã.

Quê hương và những ký ức không thể nào quên... (Tranh của họa sĩ Trần Nguyên)

Chưa ai thống kê bà hai đỡ đẻ bao nhiêu đứa trẻ trong làng, dễ có đến hàng trăm. Bà chưa để một thai nhi sản phụ nào trở thành… người xấu số. Không hẳn bà cố ý tránh những ca khó quá đâu. Mà thật lạ, có những ca đẻ ngược, hoặc vì lý do nào đó vì mưa to gió lớn hay đêm hôm gà gáy mà không đưa đi bệnh xá/bệnh viện được, bà vẫn cứ đánh liều đỡ. Lúc ấy, cũng chả có biên bản cam đoan gì, bà chỉ nói đại ý tôi đã yêu cầu đi bệnh viện, nhưng không đi, tôi nể gia đình đỡ giúp, nếu có làm sao là tôi không chịu trách nhiệm đâu nhé… Thế mà dưới bàn tay đầy ma thuật của bà, mẹ tròn con vuông hết. Sau khi đỡ xong, bà tắm cho trẻ rồi vui vẻ ra về, không hề lấy công. Có ai đó định đưa cho bà ít tiền nong, bà lại sa sả mắng cho…

Có thể nói cả làng quý bà, mang ơn bà. Thỉnh thoảng ai đó đi chợ hay đi đâu xa về thường mua về làm quà cho bà chút quà quê, khi thì cái bánh tẻ, lúc cái bánh đa, phiên đậu… Thế thôi.
Nhà tôi cũng thế, hễ có giỗ chạp hoặc ăn uống gì, thường mời bà sang chơi, ăn cơm cùng. Có bận bà nhận lời, có bận bà không. 

Thói đời ở cạnh nhà nhau, có khi con chó con mèo con gà con lợn sang vườn, sang nhà nhau phá phách; có khi cũng hờn dỗi bất hòa; xong rồi lại làm lành. Hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau mà. Khi chúng tôi lớn lên, U tôi dặn: “Nhà mình mang ơn bà Hai nhiều lắm đây. Cho nên sau này, nếu U có đi trước, các con phải ăn ở tử tế với bà ấy. Không có bà ấy, chắc gì đã có chúng mày…”. Chúng tôi rất quý bà. Cũng lại bắt chước U tôi và dân làng, đi đâu cũng nhớ sắm chút quà mọn đem biếu bà. Bà vui lắm, khen các cháu biết ăn biết ở…

Thế mà giời bắt bà đi sớm, trước cả U tôi. Ở dưới cõi âm, chắc các cụ đã lại gặp nhau rồi đấy. Cũng mừng cho các cụ, có hàng xóm láng giềng…

Ấy là tôi muốn nói đến một "tour guide" (hướng dẫn viên du lịch) đặc biệt, một người vừa lái xe vừa thuyết minh trên cung đường từ Điện Biên đi A Pa Chải dài hơn 240km, một người H’Mông chính hiệu. Nếu anh không tự khai, chẳng ai biết anh người H’Mông. Nói năng tròn vành rõ tiếng, lái xe sành điệu, nhanh nhẹn, ứng biến, kể rất nhiều chuyện vui suốt hành trình.

Chiếc xe của anh thuộc loại Toyota mới cóng, gầm cao, 7 chỗ, phù hợp với đường trường miền núi. Đuôi xe, nổi bật dòng chữ anh cho dán vào “Mảng mảng mùng - Coi coi pay!”. Tôi tò mò hỏi nghĩa của nó là gì. Anh đố tôi đoán. Tôi bảo: “Đừng hôn tôi” chăng? Anh cười lớn, giải thích: Vế thứ nhất là tiếng H’Mông, vế thứ hai là tiếng Hà Nhì, đều có nghĩa là “Từ từ đã/Từ từ nhé”. Không ai lại muốn xe sau nó hôn vào đít, ông giáo ạ. Ha ha, ra thế!

Anh là một cán bộ cấp tỉnh mới về hưu. Trông còn ngon giai lắm. Anh bảo “vẫn chạy tốt”, ngày vài trăm cây số đèo dốc vẫn chưa mùi gì. Một cán bộ mới hưu mà chẳng thấy anh quan cách tẹo nào, mà lại kể chuyện rất có duyên. Tôi gợi chuyện, hỏi xem cái ngày anh mới ra trường, đi làm công an ở cơ sở bản xã có gì hay không. Anh bảo ngày ấy khổ lắm, muốn đến cơ sở có khi phải đi bộ hàng tuần mới tới. Nhưng mà cũng lắm chuyện hay. Ngày ấy có chuyện lập công, được Chủ tịch huyện, Chủ tịch tỉnh mời lên tuyên dương, trao bằng khen hẳn hoi. Mà chiến công thì có gì đâu, đi tán gái lại thành được việc…

Một thoáng A Pa Chải (Ảnh sưu tầm)

Ngày ấy, ở xã nọ có ông nhân viên bán hàng cho cửa hàng của xã (toàn các thứ nhu yếu phẩm như dầu đèn mắm muối vải vóc chở từ xuôi lên) tự nhiên bị mất bọc tiền, rõ ràng ông ta kê lên gối để ngủ, sao không có cánh mà bay mất. Ông chủ cửa hàng vội trình báo lên cấp trên. Theo suy luận, có thể bọn ăn cắp thông thường, cũng có thể bọn phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của xã. Yêu cầu các cán bộ, công an tất cả phải nêu cao cảnh giác, vào cuộc, nếu phát hiện có nghi vấn phải báo cáo ngay.

Lúc ấy, anh thanh niên người H’Mông mà ta đang nói tới mới học xong Trung cấp An ninh, vừa được điều động về xã đó làm việc. Anh cũng được quan triệt. Cũng đi thăm dò, hỏi han, để ý, khai thác đủ thứ mà không tìm ra manh mối gì. Mối lo bọn phản động phá hoại là rất lớn. Tuy nhiên tìm mãi không ra, đành phải gác lại để còn làm việc khác. Vụ việc phát hiện kẻ gian xem như là chìm xuồng.

Đêm trăng rời rợi. Một đêm xuân. Tiếng kèn pí pặp trên lưng chừng con dốc vẳng lại. Các trai bản đã bắt đầu rời nhà, tỏa về các nhà có gái trẻ chưa chồng. Anh lúc ấy mới 20 tuổi. Hai mươi tuổi người ta không thể cứ ăn xong lại ru rú trong căn phòng (vừa làm việc vừa để ở) được. Anh vùng dậy, khoác áo thường phục, vào bản chơi cùng. Ôi chao, các giai bản diện quần áo mới, có anh đội mũ nồi, có anh đeo bên hông chiếc đài mở nhạc oang oang, có anh tay cầm cây khèn thỉnh thoảng lại thổi lên một chặp như ra hiệu cho bạn tình biết… Trai bản thấy anh đi chơi cùng vui lắm. Cán bộ cũng là thanh niên người H’Mông ta cả mà…

Bỗng nhiên anh để ý có một thanh niên mở đài to hơn bình thường, một khúc nhạc mới vang lên, át cả tiếng kèn tiếng hát. Anh tò mò hỏi anh bên cạnh: “Anh kia có cái đài đẹp, đắt nhất bản không?”. Trả lời: “Nó mới mua đấy. Nó bây giờ nhất giai bản ta rồi”. “Đài ấy có đắt không”? “Ô, phải bằng ba con trâu đực đấy”. “Nhà nó mới bán trâu à?”. “Tao không biết đâu”…

Trong đầu anh công an trẻ lóe lên ý nghĩ về vụ mất trộm của ông chủ cửa hàng nọ. Cứ thế, trong tối hôm ấy và trong các cuộc tiếp xúc khác với thanh niên bản sau đó, anh biết nhà ấy không có trâu để bán, nhà ấy cũng không có thuốc phiện để bán cho Hợp tác xã, nhà ấy nghèo lắm, vào mùa giáp hạt còn chẳng đủ ăn…

Một hôm, anh mời ông bố của anh thanh niên kia lên Ủy ban hỏi han về chuyện thằng con “ăn chơi” kia. Ông bố than thở: “Nó hư lắm, chẳng chịu làm gì, chỉ đi chơi gái uống rượu là giỏi thôi”. “Vậy nó lấy tiền đâu mà mua cái đài đẹp thế?”. “Ồ cái này thì tao không biết đâu. Mày đi mà hỏi nó”…

Sau mấy ngày thu thập chứng cứ xong, biết chắc chắn gã thanh niên kia là thủ phạm, anh bèn cho người mời lên Ủy ban làm việc. Hỏi, nó chối phắt. Buộc tội, nó cãi nhem nhẻm. Nó bảo cán bộ không tốt, vu oan cho đồng bào… Anh công an dùng đủ lời ngon ngọt, dụ dỗ, dọa dẫm nó vẫn quyết không nhận. Cuối cùng anh quyết định tạm giữ nó ở Ủy ban.

Anh bảo: “Tao giữ mày ở đây, tao không trói, không đánh mày, tao nấu cơm cho mày ăn, nhưng tao phải buộc mày ở chân giường để mày khỏi trốn. Mày nhớ lại đi, khi nào mày nhớ lại mày lấy tiền của ông bán hàng thế nào thì mày kể cho tao nghe, rồi tao cho về”. Thế mà hai ngày nó không khai. Mình lại là người đi hầu nó, cơm nước cho nó ăn, canh cho nó ngủ…

Đến ngày thứ ba, anh đánh đòn tâm lý, bảo mày có muốn gặp bố mày không thì tao gọi bố mày lên. Nó gật đầu. Bố trí cho hai bố con gặp riêng, sau đó anh gặp lại riêng ông bố. Mừng sao, gã con trai ông đã nhận tội. Ông bố bảo nó lấy trộm thì nó phải chịu thôi, nhưng đừng đánh nó, để nó đi cải tạo về còn lấy vợ nhé. Nói xong, ông trở về nhà ôm bọc tiền thằng con vẫn giấu mang lên nộp. Để cho không bị oan, anh cho lấy lại số seri tập tiền mà ông chủ cửa hàng còn nhớ, đối chiếu với tập tiền mới tìm được, trúng phoóc…

Vụ án được đem ra xử. Gã ta lĩnh án đi tù 2 năm.

Anh bạn đường trường kể: Sau này có gặp lại nó sau khi đi tù về, hỏi: Mày có hận tao không? Nó bảo: Cán bộ làm thế để tao thôi không dám ăn trộm nữa, thế là tao lấy được vợ rồi đấy.

Kể xong chuyện, anh cười lớn: Đấy, đi tán gái mà lập chiến công, rồi lại còn được tuyên dương, bằng khen. Có gì mà phải tuyên dương…

Kết thúc chuyến đi, tôi bắt tay anh, bắt chước trong Vợ chồng A Phủ: “Chéo lù! Chéo lù”. Nghe thấy thế, anh ngơ ngác. Phút sau anh mới vỡ lẽ, cười lớn: “Nó đúng ra phải là “Tró lù, tró lù”, tức là “trở lại”. Ông Tô Hoài cũng bịa quá.

Thì ra là vậy. Theo cách phát âm của người H’mông, phải là “tró lù”, chứ bảo “chéo lù” thì chả ai hiểu gì. Tôi thầm nghĩ, chắc để cho dễ đọc, dễ phát âm, cụ Tô Hoài cố tình gọi chệch đi như vậy, chứ kỹ tính, tinh quái như cụ thì đâu có thể nhầm… Vậy thì này anh bạn thân mến ơi, “tró lù, tró lù” nhé!/.

Nhà NCPBVH Văn Giá
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top