Aa

Tỷ lệ lạm phát sẽ giữ ở mức dưới 4% trong năm 2020?

Thứ Tư, 01/07/2020 - 05:50

Đây là dự báo của các chuyên gia kinh tế về tỷ lệ lạm phát của Việt Nam 6 tháng cuối năm 2020 và trong năm nay. Đồng thời, chỉ số giá tiêu dùng sẽ tăng. Đây là tín hiệu đáng mừng giữa mùa dịch Covid-19 của thế giới.

Đánh giá chỉ số CPI 6 tháng đầu năm 2020

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng đầu năm 2020 đã tăng 4,39% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất trong 3 năm gần đây.

Tuy nhiên, CPI tháng 5 giảm 0,03% so với tháng trước, đồng thời giảm 1,24% so với tháng 12 năm trước, mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020. Theo Tổng cục Thống kê, sở dĩ CPI tháng 5 giảm là do Chính phủ triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Cùng với đó là sự chủ động điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương và Bộ Tài chính; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giảm lãi suất điều hành và thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, chủ động.

Nhận định về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, thực tế, để cứu nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19, hầu hết các nước trên thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU... đã đưa ra nhiều gói cứu trợ cho người dân và ngân hàng trung ương các nước bơm thêm tiền vào kinh tế.

Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm vẫn tăng

Theo chuyên gia Phú, đối với Việt Nam, trong mức giảm 0,03% của CPI tháng 5/2020 có 4/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm. Trong đó, nhóm giao thông giảm nhiều nhất với 2,21% do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh giảm giá xăng, dầu vào thời điểm 28/4/2020 và tăng giá vào thời điểm 13/5/2020 làm chỉ số giá xăng, dầu giảm 4,98% (tác động làm CPI chung giảm 0,21%).

Bên cạnh đó, nhiều chương trình khuyến mại để kích cầu tiêu dùng của các hãng xe ô tô đưa ra nhằm giảm lượng hàng tồn kho làm giá ô tô giảm 0,25%. Nhóm bưu chính viễn thông và nhóm văn hóa, giải trí và du lịch đều giảm 0,02%; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép giảm 0,01% chủ yếu do các cửa hàng thời trang đã áp dụng nhiều chương trình giảm giá để thu hút khách hàng sau ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản tháng 5/2020 giảm 0,03% so với tháng trước và tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 5 tháng đầu năm nay tăng 2,88% so với bình quân cùng kỳ năm 2019. Thời gian qua, để kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4%, cơ quan quản lý giá đã có các giải pháp đồng bộ để điều hành, quản lý giá cả trong nước, nhờ đó chỉ số CPI tháng 4, tháng 5 bắt đầu hạ nhiệt.

Tuy nhiên, một yếu tố được xem là sẽ tác động lớn tới CPI 2020 là giá thịt lợn hiện vẫn neo ở mức cao, do nguồn cung vẫn thiếu. Một trong các giải pháp để giữ được lạm phát theo yêu cầu của Quốc hội (dưới 4% hoặc tăng khoảng 4%) là phải giảm được giá thịt lợn.

Dự báo chỉ số CPI 6 tháng cuối sẽ dưới 4%

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, những tháng cuối năm, tình hình kinh tế xã hội sau dịch đã có nhiều chuyển biến tích cực, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp có chiều hướng phát triển khả quan hơn. 

“Chúng ta không thể chủ quan với những diễn biến của giá cả 6 tháng cuối năm, đặc biệt lưu ý nhu cầu tiêu dùng của những ngày lễ Tết sẽ tăng lên. Giá dầu thô có chiều hướng tăng trở lại, giá thịt lợn tuy bước đầu có nhiều giải pháp để kéo giá xuống, có thể đến quý IV/2020 trở về mức giá cũ như thời gian trước đây.

Cần đặc biệt lưu ý đến điều hành các mặt hàng chiến lược của Quốc gia như xăng dầu, điện nước và các dịch vụ khác như bảo hiểm y tế giáo dục… Nếu từ nay đến cuối năm giá xăng dầu không tăng ở những biên độ lớn và giá thịt lợn được hạ nhiệt thì CPI cả năm 2020 sẽ đạt được mức mà Quốc Hội đề ra là dưới 4%”, chuyên gia Phú nói.

Theo các chuyên gia dự báo chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng cuối năm vẫn ổn định mặc dù giá xăng dầu có tăng trở lại và thịt lợn vẫn còn neo cao

Ông Phú cũng nhấn mạnh rằng, chúng ta tin tưởng với sự chỉ đạo quyết liệt và hiệu quả kịp thời của Chính phủ, sự cố gắng nỗ lực của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, nhiệm vụ của năm kế hoạch 2020 sẽ đạt được mức dự kiến là GDP cả năm phấn đấu ở mức tăng trưởng 4,1%, chỉ số giá tiêu dùng CPI sẽ phấn đấu đạt mức dưới 4% như đã đề ra từ đầu năm kế hoạch, góp phần vào việc khôi phục tình hình kinh tế xã hội sau dịch Covid-19 làm tiền đề cho kế hoạch năm 2021 và những năm tiếp theo.

Đồng ý với quan điểm của ông Phú, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực dự báo chỉ số CPI năm 2020 sẽ là 4%. Nguyên nhân là do giá dầu thô của thế giới đã phục hồi trở lại nhưng không quá mạnh, sức mua của người dân và doanh nghiệp còn yếu. Theo dự báo của quốc tế, năm nay, giá dầu thô quốc tế sẽ ở ngưỡng 35 - 38USD/thùng. Điều này sẽ làm ảnh hưởng tới giá cả của Việt Nam.

Ngoài ra, giá thịt lợn trong nước vẫn cao. Mặc dù đã có những dấu hiệu hạ nhiệt nhưng so với những năm trước thì không đáng kể. Cùng với đó, Chính phủ đã có những biện pháp kiềm chế lạm phát, tránh không để tình trạng này tăng cao do ảnh hưởng với chính sách bơm tiền để cứu nền kinh tế.

“Chính sách tiền tệ với tài khóa cũng là vấn đề luôn được Chính phủ quan tâm hiện nay. Do đó, tình hình lạm phát của năm 2020 dưới 4% là có khả thi. Giá cả năm nay ổn định”, chuyên gia Cấn Văn Lực nói. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top