Mặc dù tăng trưởng kinh tế trong quý II/2021 của Việt Nam có thấp hơn kỳ vọng ở mức 6,61% so với cùng kỳ năm trước, nhưng đã khẳng định xu hướng tăng trưởng trở lại sau các ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 vào năm 2020, và cũng là sự tái lập xu hướng tăng đã diễn ra từ năm 2013 tới 2019.
Với tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2021 đạt 5,64% cùng với mức thấp của nửa cuối năm 2020 (trung bình: 3,6%), UOB giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP cả năm của Việt Nam ở mức 6,7% so với mức dự báo chính thức 6 - 6,5% của Chính phủ Việt Nam.
Dự báo này dựa trên tính toán tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 7,7% trong 6 tháng cuối năm 2021, vào khoảng gấp đôi tốc độ tăng trưởng trung bình trong 6 tháng cuối năm 2020 và có thể đạt được nếu các hoạt động kinh tế tiếp tục diễn ra bình thường và không bị gián đoạn một cách đáng kể.
Một số yếu tố đã định hình hỗ trợ cho dự báo tích cực hơn trong nửa cuối năm 2021. Dòng vốn FDI đã bắt kịp nửa đầu năm 2020 trong bối cảnh chuỗi cung ứng tiếp tục dịch chuyển tạo cơ sở cho các hoạt động tăng trưởng trong tương lai.
Lĩnh vực sản xuất tiếp tục thể hiện khả năng phục hồi và hoạt động tốt trong quý II/2021, bất chấp những trở ngại khác nhau từ sự bùng phát trở lại của đại dịch COVID-19 trên khắp các tỉnh thành và các nước lân cận.
Một môi trường lạm phát ổn định sẽ hỗ trợ ngân hàng trung ương linh hoạt hơn trong điều hành chính sách của mình qua đó đảm bảo một môi trường hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Do đó, chúng tôi tiếp tục kỳ vọng NHNN sẽ tiếp tục giữ nguyên các chính sách hiện hữu với lãi suất tái cấp vốn là 4,0% và lãi suất tái chiết khấu là 2,5%.
Đối với đồng Việt Nam (VND), sau khi đưa Việt Nam ra khỏi danh sách thao túng tiền tệ vào tháng 4, Bộ Tài chính Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tương tác cấp cao với Việt Nam về các chính sách quản lý ngoại hối. Tiếp theo đó, NHNN Việt Nam cũng đã giảm tần suất can thiệp ngoại hối (để ổn định giá trị VND) từ mỗi ngày sang một lần một tuần kể từ tháng 2.
Với các chính sách can thiệp thị trường từ Cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ trong thời gián tới, các diễn biến cho thấy áp lực mất giá lên VND sẽ không đáng kể đi cùng sự giám sát của các cơ quan chức năng Hoa Kỳ. Cập nhật của chúng tôi dự báo tỷ giá USD/VND có thể đứng ở mức 23.000 trong quý III/2021 và quý IV/2021, tiếp theo là 23.100 trong quý I/2022 và 23.200 trong quý II/2022.
Tuy nhiên, những rủi ro chính đối với triển vọng sẽ là những thách thức từ đợt bùng phát COVID-19 thứ tư hiện tại bắt đầu vào cuối tháng 4. Sự gia tăng nhanh chóng của các trường hợp nhiễm bệnh trong nước cộng thêm tốc độ tiêm chủng vắc xin trong cộng đồng chậm vốn được xem là một trong số ít các công cụ sẵn có để chống lại virus COVID-19.
Tính đến ngày 29/6, dữ liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy tổng cộng các trường hợp đã và đang nhiễm COVID-19 của Việt Nam là 16.136, tương đối thấp so với 254.515 ở Thái Lan và 739.266 ở Malaysia. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng các ca nhiễm đã tăng lên nhanh chóng kể từ cuối tháng 4 khi mà tổng số ca nhiễm chỉ ở mức 2.914 cho thấy sự lây lan dữ dội của dịch bệnh trong đợt bùng phát thứ tư hiện tại.
Chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu nhận được 150 triệu liều vắc xin cho 70% dân số để đạt được miễn dịch cho cộng đồng mặc dù nguồn cung cấp là yếu tố không chắc chắn, là một hạn chế mà nhiều chính phủ trên toàn thế giới phải đối mặt.
Với kết quả của Chính phủ Việt Nam trong việc kiểm soát thành công đại dịch trong năm qua, một khả năng rất cao là Việt Nam sẽ kiểm soát được đợt bùng phát dịch bệnh hiện nay.