Vô gia cư - Ám ảnh những phận người

Vô gia cư - Ám ảnh những phận người

Thứ Hai, 29/07/2019 - 20:08

LỜI MỞ ĐẦU

Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đặt ra mục tiêu: Năm 2020, diện tích nhà ở tối thiểu sẽ đạt 8m2 sàn/người.

Riêng tại Hà Nội, tính đến ngày 30/6/2019, diện tích nhà ở bình quân toàn Thành phố đạt 26 m2/người.

Nhưng chữ "bình quân" này vẫn là nỗi xót xa, vẫn là mơ ước xa vời của nhiều người dân.

Theo kết quả sơ bộ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, vẫn còn 4800/26,9 triệu hộ dân cư không có nhà ở. Tính trung bình cứ 10.000 hộ dân có khoảng 1,8 hộ không có nhà ở. Và có khoảng 1,4 triệu hộ dân với khoảng 5 triệu người đang sống trong các nhà đơn sơ, tồi tàn.

Phía sau ánh đèn đô thị và sự phát triển như vũ bão của các tòa cao ốc nội đô, vẫn còn đó những kiếp người sống mòn, không thể "lạc nghiệp" vì thiếu chốn "an cư".

 

Đằng sau những ánh đèn hào nhoáng và sự phồn vinh của Thủ đô, vẫn còn một làng chài nằm khép mình bên tả ngạn sông Hồng, bao đời nay chỉ có một khát vọng duy nhất: có được mảnh đất lên bờ an cư.

Không được cấp đất ở và canh tác, đời nối đời, người dân xóm chài Văn Đức, Gia Lâm, Hà Nội vẫn bám chặt sông. Từng phận người ra đời cũng lênh đênh như chính chiếc thuyền chài họ đang bấu víu.

Bà Son dò dẫm bước từng bước một, lội qua đoạn đường đất bì bõm nước, dày đặc ổ trâu. Qua những rặng lau cao quá đầu người, hiện ra hàng chục "nóc nhà" được quây tôn tạm bợ, chòng chành bên bờ Sông Hồng.

May quá trận giông bão lần này không cuốn mất nhà bà xuống sông. Con nốc rộng chưa đầy chục mét vuông vẫn còn đó.

Ngoài 80 tuổi, bà Son vẫn sợ chết. Cả cuộc đời sống trên mặt nước, mỗi khi nghe có tin bão về, bà đều canh cánh nỗi lo sợ thuyền lật.

Hôm trước đài báo có bão đổ về Quảng Ninh - Hải Phòng, nghe đâu Hà Nội cũng chịu ảnh hưởng. Lo đêm gió to không chạy kịp, bà Son vội vàng thu dọn đồ đạc, lên ở nhờ nhà họ hàng trong xã. Đến khi trời quang mây tạnh mới dò dẫm đi về.

"Ở trong kia nhà cửa chắc chắn lắm, ngồi trong nhà chẳng phải lo gì. Bão to hay nhỏ cũng chẳng quật được. Tôi nghĩ mà tủi thân. 80 năm sống ở mặt sông này, năm nào cũng có bão, sóng gió cứ thế quật cho tơi tả, khổ lắm", bà Son gạt nước mắt kể.

5 năm trước, một trận bão to ập đến cuốn phăng thuyền của nhà bà Hồ Thị Vinh. Thuyền lật, ông Luân, chồng bà Vinh chạy không kịp, bị sóng nhấn chìm.

Từ đó, bà con làng chài lại càng ám ảnh và lo sợ mỗi khi trời đổ cơn dông.

Làng chài bên tả ngạn sông Hồng đã xuất hiện từ những năm đầu của thế kỷ trước. Đến trước năm 1960, xóm chài này thuộc về địa bàn xã Văn Đức (Gia Lâm, Hà Nội) và được cấp hộ khẩu thường trú tại đây. Từ 103 hộ, nay còn 24 hộ vẫn sinh sống trên mặt nước.

Không được cấp đất, không kế sinh nhai, bao đời nay, những người dân này vẫn bấu víu vào nghề chài lưới để kiếm sống. Cứ thế, dòng sông Hồng đã nuôi sống bao nhiêu thế hệ.

Ông Hiền cho phèn vào trong mấy xô nước đục vừa múc nước sông lên. Nước sông khử bằng phèn chua đã trở thành thứ nước "đặc sản" của vùng này. Nhà nào cũng dùng thứ nước ấy để đun nấu khi lượng nước mưa không đủ dùng.

"Ai có tiền thì còn mua nước bình để nấu. Cũng mất 400 - 500 nghìn đồng / tháng. Còn tắm giặt, rửa ráy đều dùng trực tiếp nước sông", ông Hiền chỉ tay xuống dòng sông và nói. Ngoài kia, có mấy người phụ nữ, người đang rửa chén dưới sông, người đang giũ quần áo. Lại có mấy đứa nhỏ thi nhau nhảy tõm từ trên thuyền xuống tắm sông.

Nhà ông Hiền rộng chưa đầy 10m2 nhưng là chỗ trú ngụ của 7 con người. Vợ chồng ông, vợ chồng con trai và 3 đứa cháu nhỏ. Gọi là nhà nhưng thực chất là chiếc thuyền sắt, trên có mấy tấm tôn, gỗ ghép vào tạm bợ để tránh mưa, tránh nắng. Trong nhà, chỗ đặt bàn thờ, chỗ dành để nấu cơm, chỗ để quần áo, còn lại là chỗ ngủ.

Nhà ông Hiền đã năm đời ở trên sông. Năm nay, ông Hiền cũng đã ở tuổi 64, gần hết một đời người, sự khắc khổ đã in hằn lên gương mặt.

Chừng ấy năm, gia tài lớn nhất của ông Hiền là con thuyền có vẻ chắc chắn này. Sóng gợn chiều này, thuyền lắc lư theo chiều ấy, như chiếc võng đung đưa không cần đẩy.

Nhiều đời sinh sống ở Văn Đức, các hộ dân vạn chài đều thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân trên địa bàn, chỉ khác là họ không có lấy một mảnh đất cắm dùi. Bao kiếp người vẫn theo con nước kiếm kế sinh nhai. Từ miếng ăn, đến cái mặc, đến việc có tiền cho con cái học hành hay không, tất cả đều phụ thuộc vào cá tôm sông Hồng.

"Nhưng cá tôm khai thác dần cũng kiệt, ngày nào may mắn thì kiếm được vài ba trăm, không may thì bù lỗ tiền dầu. Những ngày mưa bão, có khi cả tháng chẳng kiếm được con nào", ông Hiền cho biết.

Bao năm qua, không ít dân chài Văn Đức phải thuê lối đi từ đường xuống nhà ở dưới sông, bởi phần đất bãi từ đường xuống sông thuộc quyền sử dụng của người khác. Đi qua đó, ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến hoa màu. Ông Hiền cho hay: "Dân chài Văn Đức thiệt thòi lắm. Đóng góp các khoản như dân trong thôn. Nhưng trong thôn thì đường sá khang trang, còn ngoài này, nắng thì bụi, mưa thì lầy. Đa phần các hộ còn phải đi thuê lối đi. Như nhà tôi, phải thuê lối đi một năm khoảng 1 triệu đồng".

Xóm chài Văn Đức, một chiều mưa tháng 7, chị Luân mặc áo tơi vội vàng lội xuống sông để cắm neo cho thuyền. Người phụ nữ nhỏ bé lôi xình xịch con thuyền nặng trĩu, kéo vào phía gần bờ rồi neo lại. Chồng chị đi đánh cá ở xa chưa về.

Người ướt nhẹp bước lên nhà thuyền, chị Luân kéo vội tấm bạt cũ để chắn mưa khỏi tạt vào nhà. Chị kể : “Mưa gió thế này, nếu neo không kịp hoặc giữ không đúng hướng gió thì chỉ cần một hồi gió đáp là thuyền trôi mất, có khi còn lật như chơi. Có nhà bố thấy con trôi mà không cứu được. Nếu mình xông ra, gió lớn có khi cũng chết. Ở bến chúng tôi, những thuyền cá bị đắm xảy ra thường xuyên”.

Mang thai 4 lần nhưng chị Luân chỉ có mỗi một đứa con. Còn lại đều không giữ được. Người phụ nữ mắt ậng nước nhìn về phía xa xăm qua ô cửa nhỏ. Trời vẫn mưa tầm tã.

“Mình sinh ra đã ở dưới sông, đến con mình cũng vậy. Không biết đến đời nào mới thoát khỏi cảnh trôi nổi, lênh đênh này. Mưa gió khổ lắm nhưng không biết làm thế nào được. Ngày nắng còn lên bờ mua rau về bán lại kiếm thêm đôi đồng. Còn mưa thì chỉ ở thuyền ngồi nhìn ra. Lúc giông to, bão lớn thì chỉ có mặc áo tơi dắt nhau lên bờ sông ngồi thành hàng, nhìn gió cuốn thuyền trôi, bao nhiều tài sản coi như mất hết, chìm hết”, chị Luân nghẹn ngào.

Không được cấp đất canh tác, tôm cá chỉ đủ nuôi mấy miệng ăn, nên đa số người dân ở xóm chài Văn Đức đều thất học. Có người chỉ học đến lớp hai, người còn không biết đến mặt chữ, học mỗi cách viết tên mình. Còn con trẻ hiện tại, học đến lớp 9 là ở nhà phụ bố mẹ, chứ không có điều kiện học lên. Số em học hết cấp 3 thuộc vào hàng hiếm. Bao năm qua, ở vạn chài Văn Đức, vẫn chỉ có duy nhất một trường hợp đỗ đại học là ông Chử Văn Thanh, vào khoảng năm 1985.

Từ những năm 80 của thế kỷ trước, những người dân vạn chài Văn Đức đã mong mỏi có được mảnh đất trên bờ để an cư, để thoát khỏi cảnh lênh đênh, trôi nổi, để không phải khổ sở khi trời nắng to hay giông gió. Thế nhưng, chừng ấy năm, thêm mấy thế hệ ra đời, vẫn chưa có một ai được cấp đất. Nhiều hộ khá hơn, thời giá đất còn rẻ, chắt góp, vay mượn thêm đã mua được đất, lên bờ định cư. Những hộ còn lại, chỉ biết chờ đợi vào chính sách của Nhà nước, sự hỗ trợ của chính quyền, còn không, không biết đến đời nào mới có được mảnh đất dung thân. Vì tự họ, với điều kiện hiện tại, không thể tích được tiền mua đất, dựng nhà.

Với mớ cá tôm vừa bắt được, vợ chồng anh Tuyến, chị Lý nấu bữa trưa. Bình rượu thuốc cứ vơi lại đầy, bữa nào cũng vậy, anh Tuyến phải uống vài chén rượu thuốc mới xong.

Người đàn ông với gương mặt lam lũ nhưng luôn cười lạc quan khi kể về đời mình. Những cực nhọc, khó khăn phải trải qua trên dòng sông này, đã quá quen thuộc và trở nên chai sạn với anh.

“Quả này như năm ngoái thì chết, gió xoáy, lốc kinh khủng lắm, thuyền bè tơi tả. Mỗi trận bão xong lại phải sắm lại từ đầu. Vì thế mà chẳng bao giờ có dư. Còn ngày nắng to thì ở đây không khác gì lò bát quái trong Tôn Ngộ Không, phải lên bụi cây ngồi chứ ngồi trong này không còn mỡ mà chảy” anh Tuyến nhấp chén rượu, vừa nói vừa cười khanh khách.

Mấy năm nay tôm cá ít đi, vợ chồng anh Tuyến lái thuyền đi xa cũng chẳng kiếm được là bao. Đành vay mượn chuyển sang nuôi cá lồng. Thế nhưng, nước sông ngày càng ô nhiễm, dân thải nước bẩn xuống sông nhiều, các nhà máy cũng thải hết xuống sông Hồng. Nên có lần, vợ chồng anh vay mượn được hơn chục triệu thả cá, được mấy hôm cá chết sạch. Lồng cá bỏ chỏng chơ với cả khoản nợ to đùng.

“Ban đầu cũng làm ăn được nhưng không hiểu vì sao nước trên sông ô nhiễm nặng khiến cá chết hàng loạt. Năm đó, hầu như nhà nào làm bè đều bị thiệt hại. Mỗi ngày vớt cả trăm con cá chết. Đau xót lắm. Nhiều hộ lâm vào cảnh tay trắng, nợ nần chồng chất”.

Không có đất đai thế chấp, nên chẳng ngân hàng nào cho vay vốn làm ăn. Nguồn sinh kế ngày càng khó khăn, những ngày rảnh rỗi, anh Tuyến nhận máy móc hỏng hóc về sửa kiếm thêm. Tất cả số tiền kiếm được từ nghề cá, nghề sửa máy đều dùng hết vào việc trang trải sinh hoạt, sửa sang chỗ ở và mua chài lưới, xăng dầu và cố cho đứa con ăn học. Vì thế, khát vọng lên bờ của vợ chồng anh Tuyến cũng như hầu hết các hộ dân còn ở dưới mặt sông lại ngày càng trở nên xa vời.

“Cỡ nhà tôi thì chỉ có mua đất ngoài bãi tha ma. Đất chôn thì bao giờ người ta cũng cắm cho. Còn giờ bảo mua đất ở trên kia thì chưa biết đến đời nào mới mua được”, anh Tuyến ngậm ngùi.

Hơn 80 năm nay, cuộc sống của bà Trần Thị Chung cũng đã gắn bó với bến chài Văn Đức trên con thuyền gỗ nhỏ hẹp. Ở cái tuổi gần đất xa trời, khát vọng lên bờ của bà Chung càng mãnh liệt nhưng lại rất xa xôi:

“Đến đời cháu tôi là 6 đời cứ ở dưới sông này. Mong muốn các bác làm thế nào cho tôi một tí đất xấu xấu trong kia cũng được, cho tôi lên bờ cho khỏi khổ chứ sắp chết đến nơi rồi. Nói thì cứ chảy nước mắt ra, đời sống nó khổ lắm. Cơn gió thì cứ ngồi bên cạnh bờ sông này.

Ở xã này người ta không cho ruộng cho đất gì đâu. Đóng thuế đóng góp đầy đủ hết, mà chả cho được cái gì”, bà Chung nói trong nước mắt.

Nói rồi, bà Chung lại cầm chiếc xô nhỏ múc nước dưới sông lên rửa mớ rau nấu bữa tối. Đời bà thế là cũng nếm trọn mọi đắng cay dưới mặt sông này. Những chuỗi ngày còn lại trên cuộc đời, cái đói khổ vẫn còn đeo đẳng.

“Nhà người ta có thì người ta vay mượn thêm mua đất lên bờ ở. Nhà mình nghèo quá, không có thì chịu. Chính quyền không cho đất thì cứ ở dưới này mãi thôi. Bao giờ chết thì chúng nó lái thuyền đưa vào bờ, rồi đưa vào làng”, bà Chung tổng kết lại hy vọng của đời mình.

Ông Đinh Văn Yên, Phó chủ tịch UBND xã Văn Đức nêu vướng mắc: Về đất canh tác, năm 1995 Nhà nước giao đất theo Nghị định số 64. Theo đó, các hộ trực tiếp sản xuất nông nghiệp mới được giao đất. Còn các hộ khai thác thủy sản thì không.

Hiện xã dự thảo tiêu chí đối với các hộ dân có hộ khẩu ở bến thuyền và không có đất... để nhân dân thống nhất. Tuy nhiên từ năm 2018 đến nay, triển khai nhiều cuộc họp nhưng người thì để nghị cấp tất cho 103 hộ, có người thì đề nghị cấp cho các hộ ngày xưa, thì khoảng hơn 30 hộ. Giờ họ sinh con đẻ cái, phát triển thành 103 hộ. Mà giờ cấp hết vậy thì không đúng lắm. UBND xã có đề nghị lên Thành phố thì chưa chắc đã được chấp thuận”.

Theo vị Phó Chủ tịch xã, hiện nay trên địa bàn xã Văn Đức, còn một khu đất công dự trữ dành cho việc giãn dân ở thôn Sơn Hô, khoảng 10.000m2. Nhưng việc cấp đất cho dân vạn chài còn ở mặt sông thì phải chờ bao giờ người dân thống nhất được. Nếu không, cấp cho người này, người khác lại khiếu kiện.

Mấy ngày mưa gió không có việc làm, xóm chài lại ngồi với nhau nói về hy vọng được lên bờ. Nhắc đến lời của vị lãnh đạo xã, họ trăn trở: “Chính quyền không can thiệp, giải quyết, để bà con chúng tôi tự chia sẻ với nhau thì rất khó. Vì dân đều muốn được chia. Chỉ có khổ những hộ dân còn ở sông nước, không có đất, cũng không có tiền lên bờ.

Đề nghị chính quyền đưa ra những tiêu chí cụ thể, để xem xét hoàn cảnh như thế nào thì được cấp đất. Tâm lý nếu được thì được cả còn không thì không tất, vẫn còn nhiều. Biết đến bao giờ mới giải quyết được”.

Trên lán chài, chị Dung, người phụ nữ gần như không nhớ nổi họ tên mình bày tỏ ước mơ lên bờ nhưng gần như là sự tuyệt vọng: “Cấp trên giải quyết cho tí đất thì các cháu lên bờ đỡ khổ. Cấp trên không cho thì cũng đành chấp nhận ở mãi mãi dưới sông thôi. Cũng chẳng biết làm thế nào được”.

Cha mẹ không chữ nghĩa, con cái thì bỏ học giữa chừng, theo con nước kiếmkế mưu sinh. Cứ thế, những thế hệ nối tiếp nhau được ra đời trên sông Hồng. Nhưng những đưa trẻ vẫn còn quá nhỏ để ý thức được tương lai bấp bênh của mình, vẫn hồn nhiên, thích thú với sự tươi mát của dòng sông. Còn với những người đã gắn bó gần hết cuộc đời với sông nước thì vẫn luôn thường trực sự trăn trở, mong mỏi có được mảnh đất để dung thân, để thoát khỏi cảnh khổ cực, bấp bênh ngay giữa lòng thủ đô.

“Lại đến tháng 7 rồi, mưa bão nhiều hơn, thực không dám nghĩ đến cảnh gió quật đổ thuyền, cả nhà chạy bão. Rồi không có cá, tiền đâu cho đứa út đến trường”, chị Dung nghẹn ngào.

Từ làng chài, phóng tầm mắt sang bên kia sông có thể nhìn thấy rõ những dãy nhà cao tầng. Tiếc là, ánh đèn thành phố chưa thể chiếu rọi cuộc sống tối tăm nơi góc khuất của dân vạn chài.

Tắt đèn, xóm vạn lại im lìm, chỉ còn tiếng ếch nhái ven sông. Đã nhiều đêm, chị Nhanh trằn trọc không ngủ. Hai năm trước, chồng chị đi đánh cá chẳng may trúng gió không qua khỏi, để lại cho chị 3 đứa con thơ.

Chị Nhanh lo cho tương lai của ba đứa nhỏ. Nếu không được lên bờ an cư, thì chẳng còn hy vọng gì. Đời chúng nó lại như đời chị. Bao giờ mới hết lênh đênh…

 

Tọa lạc giữa quận Cầu Giấy - một trong những khu vực sôi động nhất của Thủ đô, được xây dựng ngay sát ngã 3 với 3 mặt tiếp giáp đường lớn, chỉ cách con phố Trung Kính chưa đầy 1 cây số, gần nhiều trường học và bệnh viện, có khuôn viên cây xanh, có đường nội bộ rộng rãi, những tưởng khu nhà ở tái định cư A14 Nam Trung Yên sẽ là nơi chốn an cư mới cho nhiều gia đình thuộc diện giải tỏa đất đai trên địa bàn thành phố.

Thế nhưng, đến tháng 8/2018, cả 3 tòa A14 vẫn còn gần 140 căn hộ không có người ở, riêng block A14B1 21 tầng đến nay, mỗi tầng 10 căn hộ nhưng chỉ có khoảng 10 ô cửa sáng đèn, còn lại vẫn cửa đóng then cài, không người lai vãng.

Gần 2 năm qua, những cây cối trong khuôn viên khu tái định cư này đã lớn hơn rất nhiều, những bê tông cốt thép, những gạch ngói nhiều chỗ đã rêu xanh theo thời gian, nhưng khuôn viên ấy tới nay vẫn thiếu tiếng nói cười, thiếu lũ trẻ nô đùa, có chăng chỉ là tiếng nói quen thuộc của mấy người bảo vệ, không thì một vài khách lai vãng, hay tiếng của chủ quán nước vọng lại từ vỉa hè lát đá cùng những ồn ào của giao thông đô thị...

Bên trong tòa nhà A14B1, cảnh tượng dễ thấy nhất là dãy hành lang heo hút, lan can phủ bụi dày kịt, sơn tường nhiều chỗ bong tróc, loang lổ trong ánh sáng tự nhiên yếu ớt... Trong khi đó, tất cả các căn hộ đều cửa đóng then cài, dán niêm phong của chủ đầu tư, có căn thêm vài chữ nghệch ngoạc: "Căn hộ này đang tranh chấp".

Nghe đâu, cả tòa nhà 21 tầng, mỗi tầng 10 căn hộ, mới có chục hộ dân về sinh sống...

Cách A14 Nam Trung Yên gần 6km theo trục đường Phạm Hùng - Phạm Văn Đồng về phía tây bắc thành phố, khu nhà tái định cư Thành phố giao lưu cũng cùng chung số phận.

Mặc kệ những tiện ích hạ tầng, những dự báo khả quan về tương lai phát triển của khu vực cùng nhiều dự án mở rộng đường Phạm Văn Đồng, đường nối Võ Chí Công - Phạm Văn Đồng, metro Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo,... khu nhà tái định cư Thành phố giao lưu vẫn thưa thớt dân cư dù đã đưa vào sử dụng 5 năm nay.

Có những tầng nhà không một bóng người, có những tầng chỉ 1 - 2 căn hộ sáng đèn mỗi tối. Phân nửa số căn hộ vẫn khóa cửa hoặc bị niêm phong, bảng số nhà đã xộc xệch hoặc rơi mất từ lâu.

Năm 2017, một câu chuyện thật như đùa bị phát giác tại đây. Có tới 89 hộ dân đã về ở đến vài năm mà không cần trả bất cứ một khoản mua bán nào cho chủ đầu tư. “Họ ngang nhiên dọn đồ về ở như là nhà của họ vậy!”, ông Phùng Văn Sâm, khi ấy là tổ trưởng Tổ quản lý nhà tái định cư Thành phố Giao lưu, thuộc Công ty TNHH Một thành viên Quản lý nhà và phát triển nhà Hà Nội (Công ty), kể lại trong ngỡ ngàng. 

Hóa ra, lợi dụng sự sơ hở trong quản lý, nhiều cán bộ làm công tác quản lý nhà ở Công ty đã đưa người thân, người quen và chính gia đình mình vào ở trong các căn hộ bỏ trống. Có lẽ bởi nhìn nhà bỏ trống quá nhiều mà cảm
thấy… phí của (?!)

Nhiều trường hợp, chỉ cần nộp 40 triệu đồng cho cán bộ Tổ quản lý dự án tái định cư, không những được mua nhà với giả rẻ hơn mà còn được cho nợ tiền gốc mua nhà 3 - 5 năm. Những hộ dân “ở nhờ” tại khu nhà tái định cư Thành phố giao lưu đã bắt đầu như thế.

Cũng không rõ có phải vì số căn hộ trống có khi nhiều hơn cả căn có người ở, nên khu nhà tái định cư này cũng bị “bỏ quên”, không ai quản lý. Cơ sở vật chất xuống cấp không ai quan tâm, thang máy hỏng cũng dân tự góp tiền sửa chữa, nhà nào thích thay đổi hiện trạng căn hộ cũng chỉ cần “vài đồng” cho Tổ quản lý là xong. Mọi việc xung quanh đều do dân tự quyết, tự làm!

“Nhà có sàn gạch nhưng vỡ hết, đường ống nước cũng bị vỡ nên chuyển về đây sửa mất rất nhiều tiền nhưng vẫn không ở được. Cầu thang máy gần như hỏng, có tòa nhà người dân phải trèo lên sân thượng nhà này để đi sang tòa bên cạnh nhưng mãi vẫn chưa sửa. Trong khi đó, ban quản lý hứa sẽ có trường học, nhưng mãi vẫn chưa có gì. Hộ khẩu vẫn chưa được nhập về, con cái phải đi học ở trường cũ rất xa”, một người dân than thở.

Chấp hành việc giải phóng mặt bằng mở rộng khu đường Bưởi, nhiều gia đình về khu nhà tái định cư Thành phố giao lưu những mong ổn định lại cuộc sống, hy vọng như lãnh đạo thành phố từng nói “nơi ở mới tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ”.

Đường Bưởi mở rộng đã hoàn thiện từ lâu, nhưng những gia đình đã rời khỏi đó để đến sống tại “nơi ở mới” lại đang phải trải qua cảm giác sống ở “khu ổ chuột” giữa Thủ đô, mỗi ngày.

Cuối năm 2017, Công ty CP Xây dựng số 3 Hà Nội (HANCO 3) đã có một đề xuất gây “chấn động”: Xin phép phá bỏ 3 tòa nhà tái định cư tại khu đô thị mới Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội.

Triển khai trong giai đoạn 2001 - 2006, khu nhà này được xây dựng nhằm mục đích tái định cư tại chỗ khi thực hiện dự án giải phóng mặt bằng, mở rộng tuyến phố Sài Đồng. Nhưng suốt hơn 10 năm, không một người dân nào về ở tại dự án. Đây cũng là nguyên nhân HANCO 3 đưa ra khi đề xuất dỡ bỏ 3 tòa nhà.

Không nằm ngoài dòng chảy phát triển của thành phố và của quận Long Biên, Sài Đồng là một trong những con phố có tốc độ phát triển nhanh và sầm uất nhất. Những năm qua, giá đất Sài Đồng tăng liên tục, với mức 30 - 50 triệu đồng/m2. Thậm chí có những địa điểm, con số này là lên tới 60 - 70 triệu đồng.

Nếu đến Sài Đồng và nhìn thấy khu nhà ở tái định cư bị HANCO 3 đề xuất dỡ bỏ ở thời điểm hiện tại, chắc chắn sẽ không ít người phải đặt câu hỏi: Tại sao những tòa nhà kiên cố nằm ngay ngã tư đường lớn nhưng không gian không kém phần yên tĩnh, sát hồ điều hòa, xung quanh là khu dân cư có hạ tầng hoàn chỉnh…lại bị bỏ hoang, rêu mốc, xuống cấp đến thế?

Không làm tròn nhiệm vụ là mái nhà mới cho các gia đình thuộc diện tái định cư, khu nhà này hiện trở thành kho chứa đồ, nhà xưởng. Khoảng sân giữa các tòa nhà, thay vì có trẻ con chơi đùa, người già nghỉ ngơi, nay được trưng dụng làm bãi để vật liệu, bê tông, gỗ, sắt… Cây cỏ chen kẽ gạch mọc um tùm…

Lúi húi cuốc khoảnh đất nhỏ phía sau tòa nhà để trồng rau, một người dân sống gần khu nhà chép miệng: “Kiện tụng mãi người ta không về nhận nhà nên bỏ đấy cả chục năm rồi. Đất không trồng rau để cỏ mọc cũng phí. Đúng là… người thì không có chỗ mà ở, có nhà thì lại không ai về”.

Thời điểm HANCO 3 xin dỡ bỏ khu nhà, Thành ủy Hà Nội đã có văn bản yêu cầu chủ đầu tư lập kế hoạch đối với hai phương án. Hoặc cải tạo, sửa chữa khu nhà để làm nhà ở xã hội; Hoặc phá bỏ hoàn toàn để xây dựng quỹ nhà mới.

Ông Nguyễn Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cũng khẳng định chưa chọn phương án phá dỡ. Sau khi có phương án từ chủ đầu tư, Sở Xây dựng sẽ xin ý kiến các sở, ngành khác để báo cáo UBND TP. Hà Nội.

“Việc phá dỡ chỉ là đề xuất của chủ đầu tư, phá dỡ hay không thì phải chờ nhiều ý kiến”, ông Dũng đã nói vậy gần 2 năm trước.

Không biết rằng, các ý kiến này đã bàn thảo đến đâu. Chỉ biết, đến nay, sau hơn 10 năm không người ở, gần 2 năm xin được dỡ bỏ, 3 khối nhà tái định cư vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”.

Ở ngay bên kia ngã tư, một dự án nhà ở thương mại cao tầng với 5 – 6 tòa nhà san sát cách nhau vài chục mét, vẫn đang được xây dựng ngày đêm.

 

[br mobile-style='display:none'/]Rõ ràng, xây dựng nhà tái định cư là một chính sách nhân văn, nhưng giữa việc đi từ chính sách đến thực tế là một khoảng cách không nhỏ. Có thực sự nhân văn nữa không khi hàng nghìn tỷ đồng đã và sẽ được chi trả nhưng lại để xây lên những căn nhà vắng bóng người?

 

Với những người thu nhập thấp ở đô thị, nhà ở vẫn là một thứ xa xỉ, chỉ xuất hiện trong giấc mơ của họ. Có an cư mới lạc nghiệp, khi không có nhà ở thì sự nghèo vẫn cứ đeo đẳng nhiều người dân từ đời này qua đời khác.

Và ngay giữa thủ đô, cũng có hàng loạt những dãy nhà nghìn tỷ được xây dựng kiên cố rồi… bỏ hoang, những căn biệt thự sau bao năm dầm nắng phơi sương vẫn… cởi trần, không người ở.

Tất cả đang tạo nên một nghịch lý chua xót trong câu chuyện phát triển nhà ở tại các đô thị của Việt Nam hiện nay: Người cần không có, người có bỏ không.

Chiến lược Phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 nêu rõ các mục tiêu:

Diện tích nhà ở bình quân toàn quốc đạt khoảng 25m 2  sàn/người, trong đó tại đô thị đạt 29m 2 sàn/người và tại nông thôn đạt 22 m 2  sàn/người; phấn đấu đạt chỉ tiêu diện tích nhà ở tối thiểu 8m 2 sàn/người;

Trong giai đoạn 2016 - 2020, phấn đấu thực hiện đầu tư xây dựng tối thiểu khoảng 12,5 triệu m 2  nhà ở xã hội tại khu vực đô thị.

Tuy nhiên, theo kết quả sơ bộ tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, vẫn còn 4.800/ 26,9 triệu hộ dân cư không có nhà ở. Tính trung bình cứ 10.000 hộ dân có khoảng 1,8 hộ không có nhà ở. Và có khoảng 1,4 triệu hộ dân với khoảng 5 triệu người đang sống trong các nhà đơn sơ, tồi tàn.

Và theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng, thực tế xây dựng nhà ở xã hội mới chỉ đạt 33% nhu cầu. Những người thu nhập thấp vẫn khó tiếp cận với chính sách phát triển nhà ở xã hội.

Một Nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về Chiến lược toàn cầu về chỗ ở đến năm 2000 đã nhấn mạnh rằng: “Chỗ ở thích hợp và an toàn là một quyền cơ bản của con người và là điều cơ bản cho việc hoàn thành những ước vọng của con người”;

“Một môi trường ở tồi tệ là mối đe dọa thường trực cho sức khỏe và bản thân cuộc sống và như vậy tạo nên sự kiệt quệ các nguồn lực con người, một tài sản quốc gia giá trị nhất”;

“Tình trạng thảm thương này có thể tác hại đến sự ổn định xã hội và chính trị của các quốc gia”.

Nghị quyết cũng khẳng định: “Một số lớn gia đình và cá nhân ở các nhóm thu nhập khác nhau đang sống trong chỗ ở có tiêu chuẩn thấp hơn so với khả năng thực sự của họ. Họ không thể vươn lên được bởi vì chính sách hiện hành của chính phủ không tạo điều kiện hoặc thực tế không khuyến khích việc xây dựng chỗ ở”.

Thực tế trong nhiều năm, chính quyền đô thị ở Việt Nam dường như chỉ đang tập trung giải quyết các vấn đề nhà ở cho những hộ bị ảnh hưởng bởi chương trình cải tạo và chỉnh trang đô thị. Còn những hộ vốn dĩ chưa bao giờ có đất thì chưa được quan tâm một cách đúng mức. Đại đa số những người không mua được nhà đều sống tạm bợ, trong những căn nhà đi thuê san sát nhau giữa các con hẻm dài và nhỏ. Hằng ngày, vấn đề họ phải đối
mặt là rác thải, nước thải bao vây, “tựa lưng” vào những dòng kênh “đen” và đặc quánh rác. Họ ăn, ngủ, sinh hoạt, lao động, học tập từ năm này sang năm khác trong một không gian như vậy.

Mặt khác, nhìn lại thị trường nhà ở hiện nay tại Việt Nam cho thấy vẫn chưa bắt kịp với mức thu nhập của người lao động bình thường. Hiện tại, giá nhà ở trung bình cao hơn 25 lần so với thu nhập trung bình năm của người lao động, lớn hơn gấp 5 lần so với các nước phát triển và gấp 10 lần so với các nước chậm phát triển.

Dù áp đảo về tổng nhu cầu thị trường nhưng năm 2018, nguồn cung của phân khúc nhà giá rẻ chỉ chiếm tỷ trọng dưới 20%. Loại căn hộ có diện tích 60m2 và giá bán tầm 700 triệu đồng chỉ chiếm khoảng 5%. Và khoảng 80% người dân thành thị không thể mua nhà dù có giá bán thấp nhất trên thị trường.

Vào quãng thời gian 2012 - 2014, Ngân hàng Thế giới đã quyết định thực hiện một nghiên cứu nhằm trợ giúp chính sách và tài chính phục vụ giải quyết nhà ở cho người nghèo, người có thu nhập thấp tại Việt Nam. Nhiều chuyên gia giỏi trên thế giới đã liên tục sang Việt Nam để khảo sát thực tế và đề xuất giải pháp.

Tại một cuộc họp, một chuyên gia có hỏi tôi: "Tôi đã đến khảo sát thực tế tại khá nhiều đô thị ở Việt Nam, một ấn tượng rất lạc quan là tôi không nhìn thấy bất kỳ khu ổ chuột nào cả! Việt Nam dùng cách gì mà hay thế, trong khi hầu hết các nước đang phát triển đều phải đối mặt với vấn đề xóa bỏ các khu ổ chuột?"

Tôi rất thú vị với câu hỏi này và trả lời ngay rằng: "Nhà nước Việt Nam đã tìm mọi cách, động viên mọi nguồn lực để trước hết không còn cảnh nghèo đói tụ lại như một cộng đồng, nỗ lực này đã thành công. Khu ổ chuột cuối cùng mang tên Nhiêu Lộc - Thị Nghè tại TP.HCM đã được giải quyết, có sự trợ giúp của Ngân hàng Thế giới, đã trả lại sự trong xanh cho dòng kênh, mọi người trong các nhà ổ chuột đã được tái định cư đầy đủ".

Tôi nói như vậy cũng là sự thật, nhưng tôi vẫn nặng lòng với câu chuyện không còn sự tụ bạ của nghèo đói thành một cộng đồng, nhưng tại cả vùng đô thị và nông thôn vẫn còn tồn tại đơn lẻ những hộ nghèo, thiếu ăn, không có nhà ở, sống nhờ ở đậu tại một góc chợ quê, một quán vắng bên đường hay vỉa hè hoang tại đô thị. Tôi đã nhiều lần đi công tác đến những vùng quê nghèo, có hộ gia đình mấy thế hệ phải sống trong một chòi dựng đơn sơ trên sườn đồi hay trong một con thuyền nhỏ lênh đênh trên sông nước.

Tôi có hỏi một hộ gia đình sinh sống trên thuyền: "Bao lâu thì các bác lại quay về làng một lần?". Họ trả lời: "Đất ở làng đắt lắm, làm sao có được, mấy thế hệ đều sống trên thuyền, đâu đánh được cá thì đó là làng của mình". Khi đi kiểm tra việc thực thi Luật Đất đai vào 2005, có 2 cụ già đã đến gặp tôi rồi nói: "Chúng tôi già rồi, không viết được đơn, chúng tôi chỉ có một cái lều gần chợ để ở, nay đất bị Nhà nước thu hồi, cái lều đó cũng mất, nay không còn nơi ở, ông cứu chúng tôi với!". Những cảnh đời lẻ loi rơi lệ ấy cứ luôn đeo đẳng trong tư duy của tôi, không thoát ra được.

Vừa rồi, đọc kết quả sơ bộ của cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tôi thấy hầu hết các số liệu về nhà ở là rất lạc quan. Diện tích nhà ở bình quân đầu người, tỷ lệ nhà ở kiên cố tại cả đô thị và nông thôn gần như đạt chỉ tiêu đề ra cho năm 2020 tại Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 2127/QĐ-TTg ngày 30/11/2011.

Nhưng tiếp theo, nhìn thấy số liệu về các hộ gia đình không có nhà ở, những hộ vẫn còn ở trong nhà đơn sơ, tạm bợ…

Xã hội đang phát triển tốt, nhà ở cho toàn xã hội đạt mức tiến bộ đáng kể, bên cạnh đó vẫn tồn tại những gia đình không có nhà ở. Cảnh vô gia cư đơn lẻ vẫn đang tồn tại. Nhìn lại Chiến lược phát triển nhà ở nói trên, Nhà nước chỉ quyết tâm giải quyết nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, quyết tâm xóa bỏ tình trạng nhà ở đơn sơ. Tình trạng người nghèo không có nhà ở vẫn là một khoảng trống trong chiến lược phát triển nhà ở. Những cảnh tôi đã nhìn thấy về những cuộc đời nghèo khó không có nhà ở lại hiện về trong tư duy...

Những cảnh đời nghèo vô gia cư đơn lẻ là minh chứng rằng họ vẫn đang bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển.

GS.TSKH Đặng Hùng Võ

Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường

 

Tới năm 2020, khu vực đô thị có khoảng 3,4 triệu công nhân và người lao động khó khăn cần ổn định chỗ ở. Những mục tiêu phát triển nhà ở tiếp tục được vẽ lên. Và những người thu nhập thấp lại tiếp tục chờ đợi.

Người dân Văn Đức vẫn ngồi trên thuyền nhìn về phía bên kia thành phố, nơi có nhiều mảnh đời cũng khát khao nhà ở như họ. Và cùng với tốc độ phát triển của đô thị, các tòa nhà cao tầng vẫn mọc lên như nấm. Nhưng vẫn còn đó những dự án, những tòa nhà bỏ hoang, không người ở. Nghịch cảnh xót xa ấy vẫn đang chờ đợi những phép màu, giúp Việt Nam hoàn thành những mục tiêu phát triển nhà ở trong vỏn vẹn vài năm tới./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top