“Vệ sinh tâm trí“

“Vệ sinh tâm trí“

Chủ Nhật, 19/09/2021 - 06:00

Có câu nói “Suy nghĩ của bạn tạo nên cuộc sống của bạn”. Có bao giờ bạn tự hỏi mình tại sao suy nghĩ lại tạo nên cuộc sống mình? Suy nghĩ tạo nên cuộc sống của mình như thế nào? Vì sao nó lại quan trọng và nếu nó quan trọng như vậy thì mình đang dành bao nhiêu thời gian cho việc chăm sóc nó? 

Có nhiều cách phân loại các suy nghĩ khác nhau, và một trong những cách đó là chia suy nghĩ thành 4 nhóm: Suy nghĩ tích cực; suy nghĩ tiêu cực; suy nghĩ cần thiết và suy nghĩ lãng phí. Suy nghĩ được coi là có vấn đề khi đó là suy nghĩ tiêu cực và suy nghĩ lãng phí. Sau nhiều năm khai vấn, có 2 nhóm vấn đề liên quan tới suy nghĩ mà tôi thấy những khách hàng của mình thường gặp phải.

Nhóm thứ nhất: Suy nghĩ lãng phí

Đó là nhóm có quá nhiều suy nghĩ, suy nghĩ lộn xộn, rối ren, suy nghĩ miên man, không ngừng nghỉ. Với nhóm này, họ chỉ nhận ra vấn đề khi thấy mình quá mệt vì suy nghĩ, khi bắt đầu thấy khả năng tập trung kém đi và điều này làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cũng như hiệu suất công việc, sự tự tin khi cần ra quyết định v.v...

Nhóm thứ hai: Suy nghĩ tiêu cực

Đó có thể là suy nghĩ tiêu cực về người khác và cả về chính bản thân mình. Suy nghĩ tiêu cực bao gồm những suy nghĩ lo lắng, căng thẳng, nghi ngờ bản thân, chỉ trích, phán xét, suy nghĩ nhỏ nhen, ích kỷ, đố kị, so sánh... Nhóm này nguy hiểm hơn nhóm thứ nhất vì nó giống như một loại thức ăn độc hại cho tâm trí, khiến tâm trạng của bạn khó chịu, căng thẳng, thậm chí thù địch, chán ghét, hoặc bi quan, chán chường, tự ti... Chẳng hạn tôi từng có khách hàng trong quá trình đi chào thầu và nhận về các phản hồi, trong đó phần lớn là từ chối và một số thì đánh giá dự án tiềm năng nhưng chưa phải là thời điểm phù hợp để hợp tác. 

Nếu người này có tư duy và suy nghĩ tiêu cực, anh ấy có thể tin rằng dự án mà mình đang đảm nhiệm và chính bản thân anh không đủ tốt, không có hy vọng gì. Ngược lại, nếu có suy nghĩ tiêu cực được loại bỏ, anh ta cũng có thể thấy những phản hồi mình nhận được có những dấu hiệu hứa hẹn và tiềm năng, anh sẽ tự hỏi mình liệu có thể làm những điều gì để cải thiện tốt hơn những nỗ lực của mình. Thậm chí anh cũng sẽ tiếp tục gửi thầu và hy vọng vào một sự hợp tác sẽ tới trong tương lai. 

Có thể nói, trong nhóm suy nghĩ tiêu cực thì những suy nghĩ so sánh là một kẻ phá hoại vô cùng nguy hiểm vì nó khiến mình bỏ qua tất cả những nỗ lực, điểm mạnh của bản thân, khiến mình không bao giờ cảm thấy đủ, đánh mất chính bản thân mình.

Chúng ta có thể sắp xếp, dọn dẹp tâm trí để loại bỏ bớt những suy nghĩ lãng phí, tiêu cực. Nhưng một khi không gian tâm trí của bạn quá chật chội, tối tăm, bị phủ đầy bụi bặm của những ký ức không vui trong quá khứ hoặc bị bao phủ bởi một màu xám xịt của những lo lắng về tương lai, thì đúng là cần phải vệ sinh nó thật! Vậy thì làm sao để dọn dẹp hay vệ sinh tâm trí mình? 

Dưới đây là công thức 3 bước: NHẬN THỨC - THÁI ĐỘ - HÀNH ĐỘNG để giúp bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể từng bước sắp xếp, dọn dẹp và vệ sinh tâm trí của mình. 

BƯỚC 1 - NHẬN THỨC (Awareness)

Điều đầu tiên và cũng là điều quan trọng nhất đó là thay đổi nhận thức của mình về suy nghĩ và không đồng hoá mình với suy nghĩ của mình. Suy nghĩ là một sản phẩm của tư duy do mình tạo ra, và mình tạo ra nó thì có thể thay đổi được nó. Để thực sự thay đổi được nhận thức, bạn sẽ cần trả lời câu hỏi: Tại sao mình cần làm việc này? Tại sao mình cần phải suy nghĩ ít đi hoặc tích cực hơn? Tại sao lại là lúc này mà không phải bất kỳ lúc nào khác? Nếu không thay đổi thì nó sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc hoặc các mối quan hệ của mình như thế nào? Nếu mình thay đổi được thì điều gì sẽ xảy ra? Mình có đang bảo thủ quá không? Bạn hãy nghiêm túc viết xuống các câu trả lời của mình nhé! 

BƯỚC 2 - THÁI ĐỘ (Attitude)

Sau khi đã có nhận thức rõ ràng về sự cần thiết hoặc cấp bách cần thay đổi, hãy thể hiện một thái độ không mong muốn rõ ràng hơn đối với 2 loại suy nghĩ: Lãng phí và tiêu cực. Thay vì coi những suy nghĩ lãng phí là bình thường, ai chẳng có hoặc suy nghĩ tiêu cực là điều tất yếu khi mình bị tác động bởi con người hoặc hoàn cảnh tiêu cực (tâm lý nạn nhân), thì hãy hít một vài hơi thở sâu và tự hỏi: Mình có muốn tiếp tục giữ những suy nghĩ này không? Nó đang đem lại lợi ích gì cho mình? Nếu mình lựa chọn một suy nghĩ tích cực về (con người, sự việc hoặc hoàn cảnh)… thì điều gì sẽ xảy ra?

Kể cả khi bạn chưa sẵn sàng hành động, thì việc trả lời các câu hỏi này sẽ giúp bạn có cái nhìn khách quan và chính xác hơn về tình huống, hoàn cảnh hoặc con người, nên bạn cứ thoải mái nghĩ tích cực mà không phải bận tâm về việc mình có nên làm hay không nhé. Đây là một bài tập đấu trí với chính mình! 

Suy nghĩ rất láu cá và mưu mô, nó có thể biến mất rất nhanh khiến bạn không kịp nhận ra nó hoặc có thể nấp dưới những cái vỏ bọc khác ví dụ cầu toàn chính là một cách muốn chứng tỏ bản thân, so sánh chính là chưa chấp nhận chính mình… Do đó, một gợi ý cho bạn để nhận ra suy nghĩ là quan sát cảm xúc của mình. Khi những cảm xúc bi quan, tiêu cực... hãy dừng lại, tự hỏi: Điều gì khiến mình có cảm xúc này? và bạn có thể tìm ra suy nghĩ đằng sau kích hoạt những cảm xúc đó.

BƯỚC 3 - HÀNH ĐỘNG (Action)

Việc đặt câu hỏi và trả lời một cách nghiêm túc như đã đề cập trong 2 bước trên (chủ động thay đổi nhận thức, và lựa chọn thái độ đem lại lợi ích nhất cho mình) đã chính là một phần của hành động rồi đó bạn. Nhận thức và thái độ mới này giúp bạn nhìn nhận lại tình huống với những góc nhìn khác và đưa ra đánh giá, hành động một cách thực tế và chính xác hơn, bây giờ là lúc bạn lựa chọn suy nghĩ mới để nói với mình.

Việc thường xuyên “tự vấn" bằng những câu hỏi thách thức suy nghĩ tiêu cực của mình sẽ giúp bạn tìm ra những manh mối của những suy nghĩ phá hoại cảm xúc của mình, và từ đó bạn có thể xây dựng được một cơ chế “tự miễn" cho riêng mình, thông qua việc nhận biết và loại bỏ nó.

Điều cuối cùng tôi muốn chia sẻ đó là thay đổi một thói quen vật lý hàng ngày đã khó, thay đổi thói quen suy nghĩ còn khó hơn nhiều. Nó đòi hỏi sự tỉnh thức để có thể quan sát, nhận diện và dừng lại để làm việc với những suy nghĩ đó. Tuy nhiên, thách thức lớn thì phần thưởng cũng sẽ lớn. Làm chủ được tâm trí và suy nghĩ của mình đồng nghĩa với việc giải thoát bản thân khỏi những tác động tiêu cực lên cảm xúc và tinh thần.

Nếu bạn chưa có khả năng tự làm việc với tâm trí của mình, bạn có thể lựa chọn một chuyên gia đồng hành để giúp mình thực sự hiểu và nhận diện được vấn đề từ đó kết hợp với những bài tập và thực hành để từng bước làm chủ kỹ năng này. 
Chúc bạn thành công trong việc phát triển sức mạnh làm chủ bản thân bằng cách làm chủ tâm trí và suy nghĩ của mình!/.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top