Aa

Vì sao BIDV và các ngân hàng “cuồng”trái phiếu

Mộc Trà
Mộc Trà vukimlinh@gmail.com
Thứ Năm, 20/08/2020 - 11:38

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội vừa công bố tình hình phát hành riêng lẻ trái phiếu doanh nghiệp trong nửa đầu năm 2020.

Ngân hàng ồ ạt phát hành trái phiếu, vì sao?

Theo đó 130 doanh nghiệp đã tham gia chào bán trái phiếu và huy động được hơn 156.300 tỷ đồng. Tổng cộng các ngân hàng chào bán thành công 47.300 tỷ đồng, chiếm 30% tổng lượng phát hành trong kỳ và các doanh nghiệp bất động sản chào bán thành công 45.600 tỷ đồng, chiếm 29%. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xây dựng cũng huy động được gần 8.500 tỷ đồng.

Còn số liệu được khối phân tích của Công ty Chứng khoán SSI tổng hợp từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và các doanh nghiệp cho thấy, tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong quý II/2020 là 122,3 nghìn tỷ đồng, tăng tới 69,7% so với cùng kỳ 2019. Lũy kế 6 tháng đầu năm là 171,5 nghìn tỷ đồng, tăng 61,3% so với 6 tháng 2019 - bỏ xa mức tăng trưởng 37% trong năm 2019.

Trong đó, nhóm ngân hàng là những tổ chức phát hành lớn thứ hai thị trường (chỉ sau nhóm doanh nghiệp bất động sản). Trong đó, 98% số trái phiếu phát hành tập trung trong quý II/2020; khoảng 67% là các trái phiếu 2 - 3 năm có lãi suất cố định, chỉ 33% là các trái phiếu dài hạn 7 - 15 năm có lãi suất thả nổi.

Theo tính toán, kỳ hạn bình quân của trái phiếu do các ngân hàng phát hành là 4,55 năm - dài hơn mức 4,12 năm của năm 2019 và lãi suất bình quân 6,68%/năm - thấp hơn mức lãi suất 7,04%/năm của 2019.

Có 3/11 ngân hàng có kỳ hạn trái phiếu bình quân trên 5 năm, bao gồm BIDV, VietinBank và ACB. Lãi suất các khoản trái phiếu kỳ hạn dài đều trội hơn hẳn, ở mức 7,5 - 8,5%/năm.

Ngân hàng là nhóm đứng thứ hai phát hành nhiều trái phiếu nửa đầu năm
Ngân hàng là nhóm đứng thứ hai phát hành nhiều trái phiếu nửa đầu năm

BIDV tiếp tục là ngân hàng phát hành nhiều nhất với 15,2 nghìn tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn từ 6 đến 15 năm - đều là những trái phiếu đủ tiêu chuẩn để tính vào vốn cấp 2 và BIDV đều có quyền mua lại trước hạn sau 1 - 5 năm, riêng các trái phiếu 15 năm là sau 10 năm kể từ ngày phát hành. Nếu BIDV không thực hiện quyền mua, lãi suất các kỳ sau sẽ bật lên rất cao.

Nếu tính theo kỳ hạn thực hiện quyền mua, số trái phiếu của BIDV phát hành trong 6 tháng đầu năm 2020 có kỳ hạn bình quân chỉ là 2,34 năm. Lãi suất bình quân kỳ đầu tiên 7,45%/năm – cao hơn lãi suất tiền gửi gần 2% và các kỳ sau cũng cộng thêm biên độ từ 0,6 - 1,2%/năm.

Xếp sau BIDV là hai ngân hàng tư nhân HDBank và VPBank với lượng trái phiếu phát hành lần lượt đạt 8.500 tỷ và 7.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm với kỳ hạn bình quân từ 2,83 đến 3 năm, lãi suất từ 5,93% - 6,06%.

VIB, TPBank và OCB là những ngân hàng có lượng phát hành trái phiếu từ 3.000 tỷ đến dưới 4.000 tỷ đồng trong 6 tháng qua. Nhóm ngân hàng này cũng chủ yếu phát hành trái phiếu kỳ hạn 2 - 5 năm, lãi suất 5,9 - 6,88%/năm.

Theo tổng hợp, các ngân hàng đã mua vào khoảng 30% tổng lượng phát hành (loại trừ ngân hàng) của toàn thị trường. Các ngân hàng thương mại tập trung mua các trái phiếu bất động sản và trái phiếu các doanh nghiệp năng lượng. Tuy nhiên, số lượng trái các ngân hàng mua thực tế có thể lớn hơn đáng kể do nhiều lô phát hành chỉ ghi chung chung là tổ chức trong nước mua.

Quay lại câu chuyện phát hành trái phiếu của ngân hàng thì đây có lẽ động thái cần thiết hỗ trợ vốn dài hạn cho cho các ngân hàng. Giai đoạn 2018 - 2020, ngân hàng đã phải tự cải thiện lợi nhuận để có nguồn xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, điều quan trọng là để hệ thống ngân hàng lành mạnh hơn, các ngân hàng phải tăng vốn chủ sở hữu để nâng tỷ lệ an toàn vốn. Việc tăng vốn phải tránh được bài học trước đây là vẫn có những ngoại lệ được “khất”, “hoãn”, hoặc tăng nhưng không phải tiền thật mà bằng các hình thức sở hữu chéo, đầu tư chéo.

Nói về hiện tượng mang tính "đột biến" này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính, ngân hàng cho rằng, việc các ngân hàng tăng phát hành trái phiếu có thể do tăng trưởng tín dụng quá thấp nên các ngân hàng phải huy động vốn bằng trái phiếu. Thứ nữa, đây là loại trái phiếu được tính vào vốn cấp 2 hỗ trợ ngân hàng tuân thủ quy định Thông tư 41 và làm tăng sự an toàn của ngân hàng. Chính vì vậy, dù tín dụng tăng trưởng yếu nhưng ngân hàng vẫn ồ ạt phát hành trái phiếu.

Hơn nữa, do tình trạng vốn huy động thấp do tác động của dịch bệnh nhưng ngân hàng vẫn luôn cần vốn mới để bù đắp cho phần vốn thiếu hụt đáng lý phải trở lại ngân hàng qua kênh khách hàng trả nợ.

Trong khi, ngân hàng huy động vốn mới chỉ trông chờ vào tiền gửi của khách hàng chủ yếu là vốn ngắn hạn dễ dẫn tới tình trạng ngân hàng mất thanh khoản, nên việc ngân hàng phát hành trái phiếu trung, dài hạn cũng là để đảm bảo an toàn cho hoạt động của ngân hàng trong thời gian tới.

Các chuyên gia kinh tế cùng cho rằng, tính thanh khoản của ngân hàng đang có dấu hiệu căng thẳng, nhưng đây là tình trạng chung của cả nền kinh tế. Vì vậy, chắc chắn đợt tới các nhà băng sẽ có nhiều đợt phát hành vốn trung và dài hạn nhưng thị trường có hấp thụ được hay không thì chưa có gì đảm bảo.

BIDV tích cực phát hành trái phiếu nhất

Như số liệu trên, BIDV tiếp tục là ngân hàng phát hành nhiều nhất với 15,2 nghìn tỷ đồng trái phiếu trong 6 tháng đầu năm, chiếm 1/3 tổng trái phiếu ngân hàng phát hành.

Hồi tháng 6, vừa có thông báo cho biết đã phát hành riêng lẻ thành công tổng cộng 2.311 tỷ đồng trái phiếu trung và dài hạn trong thời gian từ ngày 22 đến 26/5/2020.

BIDV cho biết thêm, tất cả hơn 2.300 tỷ đồng trái phiếu nói trên là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không được bảo đảm hoặc bảo lãnh, được phát hành và thanh toán bằng Đồng Việt Nam, xác lập nghĩa vụ trả nợ trực tiếp, là nợ thứ cấp của BIDV và thỏa mãn các điều kiện để tính vào vốn cấp 2 của BIDV theo quy định hiện hành.

Trước đó trong các tháng đầu năm và năm 2019 BIDV cũng đã huy động được tổng cộng hàng chục nghìn tỷ đồng thông qua phát hành trái phiếu để tăng vốn cấp 2, nằm trong nhóm những ngân hàng huy động được trái phiếu nhiều nhất trên thị trường.

BIDV phát hành trái phiếu tăng vốn dài hạn
BIDV phát hành trái phiếu tăng vốn dài hạn

Năm ngoái, trước khi KEB Hana (Hàn Quốc) trở thành cổ đông chiến lược, áp lực tăng vốn của BIDV là vấn đề lo ngại bậc nhất. Khi đó, BIDV vẫn còn nợ xấu tại VAMC, hệ số an toàn vốn (CAR) của BIDV ở mức rất thấp dù áp dụng theo chuẩn Basel I. Khi đó, tăng vốn cũng đang là yêu cầu bức thiết đặt ra với BIDV khi mà tổng tài sản của ngân hàng này đạt tới gần 1.283 triệu tỷ đồng, song vốn điều lệ mới chỉ đạt gần 34.200 tỷ đồng – thấp nhất trong số 3 ngân hàng thương mại Nhà nước đã cổ phần hóa. 

Do đó, ngoài việc tháo gỡ vướng mắc trong việc hợp tác với đối tác chiến lược, lãnh đạo ngân hàng cũng cho rằng, kiến nghị phát triển thị trường chứng khoán như một kênh vốn dài hạn chủ yếu của nền kinh tế để đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, chia sẻ về áp lực vốn dài hạn với hệ thống ngân hàng. Do đó, trong chiến lược tăng kênh vốn, trái phiếu là một phương án được ngân hàng này lựa chọn.

Năm 2020, BIDV dự kiến tăng trưởng huy động vốn phù hợp với sử dụng vốn, dự kiến tăng trưởng 9%; tín dụng tăng trưởng theo kế hoạch của Ngân hàng Nhà nước, hiện nay là 9%; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 12.500 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu kiểm soát thấp hơn 1,7%; tỷ lệ chi trả cổ tức dự kiến 7%.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo BIDV, đây là kịch bản tích cực nhất khi chưa tính đến tác động của dịch bệnh Covid-19. Ngân hàng sẽ cố gắng hết sức hoàn thành kế hoạch được ĐHĐCĐ giao, nhưng theo hướng linh hoạt, có thể sẽ điều chỉnh các chỉ tiêu trong trường hợp cần thiết và báo cáo với cổ đông. Tại cuộc họp đại hội cổ đông hồi tháng 3/2020, HĐQT ngân hàng đã trình cổ đông tờ trình phương án tăng vốn điều lệ lên 46.450 tỷ đồng. 

Để tăng vốn cũng như giải toả áp lực nợ xấu, ngân hàng này cũng đang tăng cường bán nợ bất động sản. Trong tháng 3 và 4, BIDV thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Thương mại Tài Nguyên. Tổng nợ gốc, lãi phát sinh tại thời điểm bán đấu giá tính đến ngày 29/3/2020 là 4.063 tỷ đồng; dư nợ ghi nhận tại BIDV chi nhánh Sở giao dịch 2 và chi nhánh Nam Sài Gòn.

Tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai thuộc dự án Kenton, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, Tp.HCM. Giá trị định giá tài sản là 7,836.7 tỷ đồng, giá trị tài sản bảo đảm được phân chia, hạch toán tại BIDV là 4.545,5 tỷ đồng; trong đó BIDV chiếm 58% giá trị.

Hiện, tình trạng pháp lý của hợp đồng thế chấp đã đăng ký giao dịch đảm bảo. Theo BIDV, giá trị khoản nợ bán là toàn bộ nợ gốc, lãi phát sinh tại thời điểm bán đấu giá và 90 tỷ đồng (nợ gốc, lãi tạm tính đến ngày 29/3/2020 là 4.063 tỷ đồng.

Về Kenton Residence (Kenton Node), theo quy hoạch ban đầu, dự án có diện tích 9,1 ha, gồm 9 tòa tháp cao từ 15 - 35 tầng, 1.640 căn hộ cao cấp và trung tâm mua sắm 20.000m2.

Kenton Residence được khởi công từ năm 2009, đến năm 2011 thì toàn bộ công trình đã ngừng thi công. Sau đó, nhiều lần chủ đầu tư đưa ra các chính sách bán hàng cũng như nỗ lực trong việc tìm kiếm giải pháp tháo gỡ khó khăn nhưng vẫn không thể cứu vãn tình thế.

Đến năm 2017, Kenton Residences mới được tái khởi động và đổi tên thành Kenton Node sau 6 năm "đắp chiếu", dự án lúc bấy giờ được hai ngân hàng là BIDV và Maritimebank rót vốn đầu tư, tuy nhiên kết quả đến nay đã bị phát mại.

Hồi đầu tháng 4, BIDV - Chi nhánh Thăng Long – ra thông báo đấu giá tài sản là căn hộ chung cư tại toà T09 Times City. Trước đó, BIDV chi nhánh Gia Định cũng tiến hành rao bán 65 căn hộ tại chung cư Kỷ Nguyên (The Era Town), 15B đường Nguyễn Lương Bằng, phường Phú Mỹ, quận 7, Tp.HCM.

Giá bán khởi điểm BIDV đưa ra dao động từ khoảng 2,18 - 5,54 tỷ đồng/căn, trong đó căn hộ tại dự án này có diện tích doa động 160-368m2, tương ưng đơn giá bình quân chỉ vào khoảng 15 triệu đồng/m2. Được biết, dự án The Era Town có tổng mức đầu tư khoảng 5.500 tỷ đồng. Dự án khởi công từ năm 2010 và bàn giao vào tháng 12/2013 với hơn 3.162 căn hộ. Đây là lần thứ 3 BIDV rao bán.

Theo giới chuyên gia, đây chỉ là những khoản nợ bất động sản rất nhỏ trong tổng dư nợ bất động sản của ngân hàng này. Cũng như động thái tập trung phát hành trái phiếu để tăng vốn dài hạn cho ngân hàng đang khiến các chuyên gia xung đột ý kiến về sự tích cực hay rủi ro!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top