Đó là chia sẻ của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực kinh tế, hạ tầng giao thông, khi nói tới chuyện quá tải hạ tầng giao thông trên địa bàn TP.HCM trong một khoảng thời gian khá dài, nhưng vì yếu tố chủ quan vẫn chưa thể tìm ra được giải pháp tối ưu để khắc phục.
Loại bỏ nguyên nhân chủ quan…
Theo PGS.TS Trần Chủng, thu ngân sách của TP.HCM mỗi năm lên tới hàng trăm nghìn tỉ nhưng lại bị động trong việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông là rất bất cập. Rõ ràng nguyên nhân này xuất phát từ yếu tố chủ quan chứ không hề có chút nào là yếu tố khách quan.
"Tại sao chúng ta cứ loay hoay mãi với những phương án hạn chế phương tiện, cấm giờ các loại phương tiện vào trong TP?. Một TP được mệnh danh là trung tâm thương mại của cả nước mà lại bị hạn chế điều này chính là kìm hãm sự phát triển của một TP nhộn nhịp và đầy năng động. Tại sao chúng ta không áp dụng chính sách đặc thù để đầu tư cho hạ tầng giao thông vốn dĩ đã quá tải từ nhiều năm nay?", PGS.TS Trần Chủng đặt câu hỏi.
Cũng theo PGS.TS Trần Chủng, nếu căn cứ các quy định hiện hành và để thành phố có thêm nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng mà Bộ Tài chính đã từng đề nghị TP.HCM triển khai quyết liệt các quy định tại Nghị quyết số 54/2017/NQ-QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, thì TP phải khẩn trương thực hiện ngay, đặc biệt là loại trừ yếu tố chủ quan để tận dụng và phát huy hiệu quả.
Trong đó cần tập trung phát triển nguồn thu cho ngân sách thành phố như đẩy nhanh việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước do UBND thành phố quản lý, đại diện chủ sở hữu; ban hành các khoản phí, lệ phí ngoài danh mục quy định tại Luật Phí và lệ phí; sắp xếp lại nhà, đất của các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố quản lý; phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương sắp xếp nhà, đất trên địa bàn.
… và áp dụng cơ chế đặc thù
Tương tự, theo Thạc sĩ, chuyên gia cầu đường Lê Anh Đức, tình trạng kẹt xe không còn là câu chuyện mới mẻ đối với người dân TP. Và mỗi khi nhắc lại thì có cảm giác như là chỉ trích, chuyện cũ biết rồi “khổ lắm, nói mãi”. Nhưng trong tình hình thực tế này thì không thể không nhắc, bởi nguyên nhân này xuất phát từ yếu tố chủ quan của các cơ quan chuyên môn, cơ quan tham mưu…
Do đó, để xử lý dứt điểm tình trạng này, TP.HCM có các kiến nghị một cách quyết liệt hơn với Chính phủ, Quốc hội khi thực hiện sơ kết Nghị quyết số 54/2017/NQ-QH14 của Quốc hội, để có thêm các căn cứ xây dựng đề án điều chỉnh tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025.
Việc kiến nghị cần đi vào trọng tâm để Trung ương xem xét tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách phần giữ lại cho thành phố, tạo điều kiện tốt hơn cho thành phố trong đầu tư phát triển lĩnh vực hạ tầng giao thông.
Trong đó, các giải đáp kiến nghị cần dựa trên cơ chế đặc thù và theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương được phân cấp các nguồn thu riêng, thực hiện phân chia một số nguồn thu nhất định.
Và trên cơ sở đó, căn cứ vào khả năng thu và nhu cầu chi ngân sách địa phương, tính theo hệ thống nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định, có địa phương phải nhận bổ sung cân đối (từ nguồn của ngân sách Trung ương bổ sung cho ngân sách địa phương để đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ chi theo quy định), có địa phương điều tiết (chia sẻ) một phần nguồn thu về ngân sách Trung ương. Tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia được ổn định 5 năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
"Căn cứ theo khoản 8 điều 9 Luật Ngân sách nhà nước, sau mỗi thời kỳ ổn định ngân sách, các địa phương phải tăng khả năng tự cân đối, phát triển ngân sách địa phương. Đồng thời, thực hiện giảm dần tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách cấp trên so với tổng chi ngân sách địa phương hoặc tăng tỷ lệ phần trăm nộp về ngân sách cấp trên đối với các khoản thu phân chia giữa các cấp ngân sách, để tăng nguồn lực cho ngân sách cấp trên thực hiện các nhiệm vụ chi quốc gia và phát triển đồng đều giữa các địa phương", ông Đức nói.
Cũng theo ông Đức, ngoài những quy định trên, Luật Ngân sách nhà nước cũng quy định, đối với năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách mới, việc xác định dự toán ngân sách của từng địa phương, trong đó có TP.HCM, căn cứ vào khả năng thu và nhu cầu chi ngân sách địa phương tính theo hệ thống nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành.
Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét quyết định tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. "Và chỉ có như vậy, TP.HCM mới giải quyết được việc nâng cấp, đầu tư mới cơ sở hạ tầng giao thông, tránh ùn tắc. Điều quan trọng hơn cả là “nếu xử lý được vấn đề này thì tất cả các vấn đề khác là cũng có thể giải quyết một cách thấu đáo và có tiền lệ để áp dụng những vấn đề khó khăn hơn nữa trong tương lai”, ông Đức nhấn mạnh.