Aa

Vì sao Việt Nam trở thành điểm sáng thu hút đầu tư FDI?

Thảo Bùi
Thảo Bùi Buithao021197@gmail.com
Thứ Năm, 25/08/2022 - 06:10

Dòng vốn FDI vào Việt Nam đang ghi nhận những tín hiệu tích cực. Chuyển biến này dự báo còn kéo dài trong thời gian tới nhờ làn sóng dịch chuyển sản xuất toàn cầu. Bất động sản vẫn xếp vị trí thứ 2 về thu hút FDI.

Làn sóng FDI tăng kỷ lục

Tính đến ngày 20/07/2022, tổng vốn đăng ký FDI vào Việt Nam đạt trên 15,54 tỷ USD. Trong đó, vốn đăng ký FDI vào vùng Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng sông Hồng chiếm hơn 70% trong tổng vốn đăng ký FDI vào Việt Nam. Tuy tổng vốn đăng ký FDI giảm so với cùng kỳ năm trước (giảm 7,1%) nhưng tính chung tổng vốn FDI được thực hiện tại Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2022 đã tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước với số vốn đạt 11,57 tỷ USD, cao nhất trong 5 năm qua (vốn FDI thực hiện 7 tháng các năm 2018 - 2022 lần lượt là: 9,85 tỷ USD - 10,55 tỷ USD - 10,12 tỷ USD - 10,50 tỷ USD và 11,57 tỷ USD).

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhận định: “Đây được coi là 1 trong những điểm sáng trong hoạt động thu hút vốn đầu tư nước ngoài, bởi vì vốn thực giải ngân mới là điều có ý nghĩa quan trọng đối với các quốc gia, vì khi đó vốn mới thực sự đi vào nền kinh tế, cho nên chúng ta có thể nói rằng vốn FDI 7 tháng qua về cơ bản được coi là tốt”.

Trong 7 tháng đầu năm 2022, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 51 tỉnh, thành trên cả nước. Trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, TP.HCM hút vốn FDI nhiều nhất với hơn 2,43 tỷ USD, tăng 36,5% so với cùng kỳ. Trong đó, các dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có 373 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 274,93 triệu USD, tăng 8,1% số dự án cấp mới .

Về lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu thu hút FDI với tổng vốn đầu tư đạt trên 10 tỷ USD, chiếm 64,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đáng chú ý, không chỉ thu hút lượng vốn đầu tư khủng, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo còn có sức hấp dẫn đối với những tập đoàn công nghiệp lớn, có tầm ảnh hưởng trên thế giới, như: Samsung, LG, Canon, Honda, Toyota,… trong đó những tập đoàn này liên tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam sau một thời gian đầu tư và hoạt động hiệu quả.  Đứng thứ 2 là ngành kinh doanh bất động sản, với tổng vốn đầu tư trên 3,21 tỷ USD, chiếm gần 20,7% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Về đối tác đầu tư, đã có 88 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2022; trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 4,3 tỷ USD, chiếm 27,7% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Hàn Quốc đứng thứ hai với trên gần 3,26 tỷ USD, chiếm gần 21% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam trong 7 tháng. Đan Mạch tiếp tục đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần trên 1,32 tỷ USD, chiếm 8,55% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Trung Quốc, Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc).

Giai đoạn cuối năm tiếp tục có nhiều triển vọng thu hút đầu tư FDI

Những số liệu đã được thống kê trên cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đặt nhiều niềm tin vào nền kinh tế, vào môi trường đầu tư của Việt Nam.

Ðể tăng thu hút vốn FDI nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, các địa phương cả nước đều xây dựng chiến lược thu hút đi kèm với các dự án mời gọi khả thi. Cùng với đó là việc tăng cường cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm gạn lọc dự án FDI có công nghệ kém. Hiện cả nước có 335 khu công nghiệp, diện tích hơn 100.000ha đang tiếp tục được đầu tư hoàn thiện hạ tầng cơ bản để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp trong và ngoài nước. Ðây là nguồn lực quan trọng để thu hút các nhà đầu tư FDI. Và nhiều khu công nghiệp cũng đang chuyển đổi mô hình đầu tư theo hướng phát triển bền vững, chú trọng môi trường, trách nhiệm xã hội… nhằm đón đầu xu thế phát triển xanh và yêu cầu của các nhà đầu tư FDI.

Đánh giá về triển vọng thu hút đầu tư FDI trong giai đoạn cuối năm, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho hay: “Trong giai đoạn cuối năm chúng ta cũng hy vọng rằng vốn FDI vẫn sẽ tiếp tục tốt, bởi vì nhiều lý do. Thứ nhất là thị trường Việt Nam là một trong những thị trường được các tổ chức quốc tế đánh giá rằng sẽ có tốc độ tăng trưởng cao, trước hết là rất cao so với bản thân Việt Nam qua các năm và so với đánh giá đầu năm. Bên cạnh đó, trong bối cảnh dòng vốn FDI trên thế giới hiện nay đang bị sụt giảm, vốn FDI đi vào Việt Nam vẫn rất ổn định thậm chí là tốt lên, nếu nhìn ở góc độ đầu tư thực tế.  

Thứ hai, Việt Nam được đánh giá là một trong những môi trường đầu tư tương đối thuận lợi, là 1 trong những quốc gia ký rất nhiều Hiệp định thương mại tự do với nhiều quốc gia trên thế giới nên vốn đầu tư vào Việt Nam sẽ nhiều hơn.

Thứ ba, đồng tiền Việt Nam tương đối ổn định so với đồng Đô la Mỹ, đang lên giá so với các đồng tiền khác, đây là một trong những điều cho thấy triển vọng phát triển nguồn vốn FDI vẫn rất cao”.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế

Bên cạnh kỳ vọng về sự tăng trưởng về nguồn vốn đầu tư FDI, các chuyên gia cũng lưu ý, một vấn đề cần được xem xét nữa là dù được hưởng hàng loạt ưu đãi nhưng số lượng doanh nghiệp FDI báo thua lỗ ngày càng tăng.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, cơ quan quản lý kiểm chứng, xem xét thực tế doanh nghiệp, nếu cố tình báo lỗ giả thì các cơ quan quản lý, cơ quan chức năng phải vào cuộc để giải quyết.

 “Việc quan trọng nhất là kiểm tra giám sát, xem xét khả năng tài chính, xem xét sự chính xác trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp để quản lý hiệu quả hoạt động đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp này. Mặt khác, điều này cũng đặt ra đòi hỏi cần phải tăng cường “bộ lọc” để thu hút những nguồn vốn FDI chất lượng”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh khẳng định.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top