Công trình xanh cũng đã chứng tỏ mang lại hiệu quả nhiều mặt: Hiệu quả môi trường, lợi ích xã hội thông qua và các lợi ích kinh tế rõ rệt.
Việt Nam đã có một số chủ trương, chính sách lớn thúc đẩy ngành Xây dựng xanh hơn, có trách nhiệm với môi trường hơn như: Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (năm 2010), Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 (năm 2010), Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020 (năm 2014), Chiến lược phát năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (2015), Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (2017), Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020 (2017), Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030 (2018), Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 (2019).
Gần đây, Luật Xây dựng sửa đổi (2020) cũng một lần nữa khẳng định quan điểm khuyến khích phát triển công trình xanh, công trình năng lượng Liên hiệp quốc và củng cố vai trò của Bộ Xây dựng trong công tác này. Như vậy, công trình xanh đang có rất nhiều triển vọng và sẽ trở thành một trong những nội dung trọng tâm của Chiến lược phát triển kiến trúc Việt Nam cũng như chiến lược “xanh hoá” ngành Xây dựng, chuyển đổi thị trường xây dựng theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường.
Hiểu về công trình xanh
Thuật ngữ “Công trình xanh” bắt đầu manh nha trên thế giới vào những năm 70 của thế kỷ trước. Lúc này, thế giới đã trải qua một quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa mạnh mẽ suốt gần 2 thế kỷ và nhận ra rằng, cái giá của công nghiệp hoá và tăng trưởng kinh tế là thâm dụng tài nguyên, suy thoái môi trường, ảnh hưởng đến hệ sinh thái và biến đổi khí hậu.
Cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973 đã cho thấy những rủi ro của nền kinh tế toàn cầu khi quá phụ thuộc vào loại năng lượng không có khả năng tái tạo này. Như vậy, từ đầu những năm 1970, câu chuyện về cách thức tiếp cận mới trong xây dựng, sản xuất có trách nhiệm với môi trường và hệ sinh thái đã được đặt ra.
Cột mốc đầu tiên đánh dấu nỗ lực của thế giới đối với vấn đề môi trường là Hội nghị Liên hợp quốc về môi trường và con người được tổ chức tại Stockholm, Thụy Điển ngày 5/6/1972. Đây là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên về môi trường.
Đến năm 1992, 172 Chính phủ đã tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất Rio de Janeiro, với thành tựu quan trọng là sự đồng thuận về Công ước khung Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu, đặt ra chương trình hành động cho thế kỷ 21 về vấn đề con người và môi trường.
Kể từ đó, các hoạt động và nghiên cứu quan trọng đã được thúc đẩy để cải thiện hiệu quả năng lượng và giảm ô nhiễm môi trường. Ngành Xây dựng được xem là lĩnh vực có mức độ phát thải khí nhà kính cao nhất và cũng tiêu thụ tài nguyên vào loại nhiều nhất.
Theo thống kê ở nhiều quốc gia, ngành Xây dựng chiếm khoảng 40% tổng mức tiêu thụ năng lượng và 25% tổng mức tiêu thụ nước hàng năm, trong đó 80% năng lượng tiêu thụ nằm ở giai đoạn vận hành công trình. Một ngành Xây dựng tiết kiệm và hiệu quả về tài nguyên và năng lượng sẽ là “lời giải” quyết định cho bài toán năng lượng chung của các quốc gia.
Để giải quyết các vấn đề khác nhau mà ngành công nghiệp xây dựng đang phải đối mặt, khái niệm “Công trình xanh” (Green Building) đã được nghiên cứu và mở rộng. Một cách đơn giản, công trình xanh được hiểu là sản phẩm của quá trình xây dựng đã cân nhắc tác động tới môi trường và tính hiệu quả trong sử dụng tài nguyên của công trình trong suốt vòng đời của chúng (từ thiết kế, xây dựng, vận hành, bảo dưỡng và phá dỡ).
Như vậy, công trình xanh trước hết là một “công trình tiết kiệm năng lượng”. Hơn thế, nó là “công trình tiết kiệm năng lượng và tài nguyên” (tài nguyên gồm: Nước, vật liệu xây dựng…), đồng thời giảm thải ra môi trường. Và hơn thế nữa, là công trình còn tạo ra một môi trường tốt cho người sử dụng. Nền tảng của khái niệm công trình xanh là đặt con người trong mối quan hệ với môi trường bên ngoài và môi trường bên trong công trình. Con người vừa là chủ thể tạo ra công trình, cũng là người thụ hưởng công trình.
Kinh nghiệm thúc đẩy phát triển công trình xanh từ các nước trên thế giới
Cho tới nay, công trình xanh đã trở thành một xu hướng của thời đại. Ở mức độ cao hơn nữa, một số nước đã đưa ra những mô hình công trình "superlow energy building" hay "zero energy building" là công trình ít tiêu hao hoặc không tiêu hao năng lượng nhờ khả năng tự tạo ra năng lượng phục vụ chính nó, thậm chí còn cung ứng thêm vào mạng lưới; hay mô hình "carbon-neutral building" là những công trình từ vật liệu xây dựng đến khi đưa vào sử dụng đều không phát ra khí CO2.
Như vậy, từ khái niệm công trình xanh ban đầu, thế giới liên tục nâng cao chuẩn xanh, phát triển các mô hình thiết kế và xây dựng mới ngày càng hiệu quả về tài nguyên và môi trường.
Việc đo lường các mức độ xanh một cách chính xác cụ thể đặt ra yêu cầu về tiêu chí và công cụ đánh giá. Do đó, đồng hành với phong trào xanh hoá xây dựng ở các nước là sự ra đời các bộ công cụ đánh giá - chứng nhận công trình xanh, bao gồm các bộ tiêu chí, cách thức đo lường đánh giá và quy trình đánh giá chứng nhận. Hiện đã có trên 100 quốc gia thành lập Hội đồng công trình xanh, xây dựng hoặc áp dụng hệ thống tiêu chí công trình xanh của mình, thực hiện các chính sách, biện pháp đẩy mạnh phát triển công trình xanh và đã có hàng trăm nghìn công trình xây dựng được đánh giá và chứng nhận.
Chính sách phát triển công trình xanh của các quốc gia cũng khá đa dạng. Ở những nước phát triển, giới nghề nghiệp - hiệp hội là những người khởi xướng và phát triển các công cụ kỹ thuật, trong khi Nhà nước chỉ đóng vai trò xây dựng chủ trương chính sách thúc đẩy cơ bản (như Mỹ, Úc, châu Âu).
Ở châu Á, Chính phủ thường đóng vai trò quan trọng hơn, vừa khởi xướng phong trào, vừa ban hành quy chuẩn tiêu chuẩn xây dựng liên quan đến tiết kiệm năng lượng, vừa xây dựng và ban hành bộ công cụ công trình xanh, cùng các cơ chế bắt buộc, thưởng, phạt rất quyết liệt như trường hợp của Đài Loan, Trung Quốc, Singapore.
Các quốc gia có trình độ công trình xanh phát triển thì đều có sự quan tâm ủng hộ của Chính phủ và sự phối hợp hiệu quả của tất cả các chủ thể trên thị trường bao gồm: Các cơ quan Nhà nước ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn, chính sách; các tổ chức hiệp hội nghề nghiệp; các doanh nghiệp đầu tư và sự đòi hỏi trách nhiệm môi trường của toàn xã hội.
Làm thế nào để thị trường công trình xanh tại Việt Nam "cất cánh"?
Xu hướng thiết kế và xây dựng xanh ở Việt Nam cũng đã xuất hiện và ngày càng phát triển. Các kiến trúc sư hiện nay đã có nhiều sáng tạo trong thiết kế để biến những ngôi nhà ngày càng trở nên xanh hơn: Thông thoáng hơn, nhiều cây xanh hơn, cách nhiệt tốt hơn. Đây chính là nhóm giải pháp thiết kế thụ động (không dùng thiết bị, công nghệ, mà bằng các giải pháp thiết kế thi công để cải tạo vi khí hậu). Hầu hết những ngôi nhà truyền thống ở Việt Nam có dạng thiết kế thụ động, ứng phó với vấn đề khí hậu rất thông minh.
Kiến trúc gần đây có rất nhiều giải pháp vi khí hậu của các kiến trúc sư nhưng vẫn chưa mang tính chất phổ quát bởi vẫn chỉ dừng lại là những giải pháp cụ thể cho từng công trình nhỏ. Nhưng có những tranh luận rằng công trình nhiều cây xanh có phải là công trình xanh hay không? Tất nhiên, như đã nói ở trên, một công trình xanh muốn được dán nhãn, chứng nhận thì cần phải được đánh giá và cấp chứng chỉ thông qua bộ công cụ kỹ thuật.
Xu hướng thiết kế và xây dựng xanh ở Việt Nam cũng đã xuất hiện và ngày càng phát triển
Tính đến tháng 4/2020, Việt Nam có gần 150 công trình được công nhận công trình xanh theo các chuẩn kỹ thuật khác nhau: LEED, EDGE, LOTUS, Green Mark. Trong các bộ tiêu chí công trình xanh đã được áp dụng ở Việt Nam, LOTUS là một bộ chứng chỉ được xây dựng cho điều kiện Việt Nam, do Hội đồng công trình xanh Việt Nam phát triển; còn lại là các bộ công cụ quốc tế hoặc của các nước khác.
Hiện nay, việc thực hiện các công trình xanh ở Việt Nam đang là tự nguyện, và các chủ đầu tư tự lực, không có hướng dẫn, quy định hay khuyến khích bằng thưởng phạt gì từ Nhà nước. Nhiều công trình chứng nhận LEED tại Việt Nam, phần lớn là các nhà máy của những doanh nghiệp Mỹ hoặc các tập đoàn đa quốc gia là công trình xanh, bởi họ xem trách nhiệm môi trường như một phần của đạo đức xã hội.
Gần 150 công trình xanh được công nhận trong 10 năm qua là một tín hiệu đáng khích lệ. Con số này cho thấy thị trường công trình xanh đã hình thành tại Việt Nam và có xu hướng tăng trưởng nhưng tốc độ rất vừa phải, chưa xứng với tiềm năng của ngành Xây dựng cũng như còn thua xa các nước trong khu vực.
Triển vọng phát triển công trình xanh ở Việt Nam
Theo kết quả của Nhiệm vụ khoa học công nghệ trọng điểm của Bộ Xây dựng “Nghiên cứu hướng dẫn phát triển công trình xanh ở Việt Nam” do Viện Kinh tế quốc gia thực hiện trong năm 2018 - 2019, mặc dù thị trường công trình xanh Việt Nam đã hình thành, các chủ thể chính của thị trường như các nhà đầu tư tâm huyết, lực lượng tư vấn xanh, các tổ chức đánh giá chứng nhận công trình xanh đã xuất hiện, nhưng Nhà nước chưa thể hiện được vai trò của mình thông qua những chính sách và giải pháp quyết liệt, cụ thể để thúc đẩy sự phát triển công trình xanh ở Việt Nam. Đây được xem là một trong những nguyên nhân chính khiến thị trường công trình xanh Việt Nam tăng trưởng chậm chạp.
So với khung chính sách công trình xanh của nhiều nước trên thế giới, Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm ở tất cả các nhóm chính sách. Tuy nhiên, Việt Nam nên tập trung vào hai chính sách đòn bẩy. Đó là lựa chọn bộ chứng chỉ công trình xanh chính thức và đề xuất lộ trình áp dụng cho các công trình vốn ngân sách.
Nhiệm vụ khoa học công nghệ trên, sau khi đánh giá, so sánh về các mặt thì đề xuất chọn bộ công cụ LOTUS do Hội đồng Công trình xanh Việt Nam phát triển làm bộ công cụ cơ bản, dùng để áp dụng cho các công trình đầu tư sử dụng vốn công và là cơ sở để tính toán ban hành các ưu đãi chi tiết.
Theo đó, với các dự án, hạng mục đầu tư mới và sửa chữa lớn sử dụng vốn công, cần bắt buộc áp dụng công trình xanh theo chuẩn LOTUS theo lộ trình. LOTUS có 4 mức độ: đạt, bạc, vàng, bạch kim.
Hiện nay, với tình hình thực tiễn của Việt Nam chỉ cần yêu cầu các công trình công làm LOTUS ở mức đạt. Mức này không quá khó, chi phí phát sinh chỉ chiếm 1% tổng mức đầu tư. Với khu vực đầu tư vốn tư nhân, tất cả các bộ công cụ khác vẫn có thể được áp dụng, được khuyến khích và tạo điều kiện./.